Ngay giữa Thủ đô Hà Nội có một loài hoa quý mà ít người biết đến, trong những ngày này, dưới cái nắng non đầu hè, cây đang trổ hoa sặc sỡ sắc đỏ níu chân người.
Hoa Vô Ưu là một trong những cây linh thiêng tại Ấn độ. Ashoka, Vô ưu, theo Phạn ngữ, có nghĩa là không gây ra ưu phiền. Ở Việt Nam, có người còn gọi tên khác là hoa Vàng anh.
Tín đồ Ấn Độ giáo rất quý trọng cây Vô Ưu. Trong ngày Lễ hội Ashoka Shasthi, phụ nữ Bengali thường ăn nụ hoa, và phụ nữ Hindi uống nước có ngâm hoa Vô Ưu với niềm tin rằng nhờ nước này họ sẽ bảo vệ được con cái. Hoa Vô ưu gắn với điển tích Đức Phật Thích Ca được sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni.Theo truyền thuyết, tại vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni, cây Vô ưu được trồng rất nhiều. Trong lần cùng đoàn tuỳ tùng xa giá về quê ngoại để sinh con đầu lòng theo tập tục Ấn Độ cổ, hoàng hậu Ma Da có đi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ni.
Tại đây, bà ra lệnh dừng lại để vào lâm viên nghỉ ngơi, đi dạo và ngoạn cảnh. Khi đi đến dưới cây Vô ưu, bà thấy hoa nở rộ, ngào ngạt hương thơm, bèn đưa tay vin cành hoa. Ngay sau đó, dưới gốc cây Vô ưu, hoàng hậu trở dạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa, người sáng lập ra Phật giáo sau này.
Vô ưu có nguồn gốc tại Ấn Độ, Miến Điện và Mã Lai, thường được trồng để làm cảnh và để lấy hoa trưng bầy nơi các bàn thờ thần linh tại Châu Á. Tại Ấn Độ, cây mọc tự nhiên ở vùng Trung và Đông Himalaya, nơi cao độ lên đến 750m.
Cây Vô Ưu thuộc loại tiểu mộc mọc tương đối chậm, cao 5- 20m Thân không gai và nhẵn, màu nâu, xám. Cành phân nhánh nhiều tạo thành tán, gần như tròn. Lá kép hình lông chim chẵn, với 4-6 cặp lá chét. Lá có dạng gần như ngọn giáo thuôn, tù hay nhọn ở đầu, tròn ở gốc, dài 15-20 cm, rộng 5-7 cm, màu lục xậm, mặt trên bóng, mặt dưới nhạt hơn.
Lá non màu hơi tím, xếp lại và buông thõng xuống. Hoa màu đỏ cam, vàng-cam, sau đó chuyển thành đỏ đậm, mọc thành ngù đặc ở nách lá. Quả thuộc loại quả đậu, màu đen, dài 9-25 cm, rộng chừng 4cm, trong chứa 4 đến 8 hạt, hình cầu, chừng 35 mm.
Cây trổ hoa quanh năm, nhưng từ tháng 2 đến tháng 5 trong năm, hoa có màu sắc rực rỡ nhất. Hoa có mùi thơm dịu, mùi thơm rất mạnh vào buổi chiều tối.
Cây Vô ưu còn có tác dụng chữa trị nhiều bệnh. Dịch chiết bằng alcohol từ vỏ có hoạt tính kháng sinh trên nhiều vi khuẩn. Cây được dùng rất phổ biến tại Ấn Độ để trị các bệnh phụ khoa, đặc biệt là về tử cung.
Cây được xem là có chứa các phytoestrogens, giúp cải thiện việc cơ thể phụ nữ sử dụng các kích thích tố, trị đau bụng, trị vết thương, đứt tay chân, trị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh... Các công dụng của loại cây này được ghi rất rõ trong Từ Điển Cây Thuốc Việt Nam.
Cây Vô ưu xanh quanh năm, có tán rộng cho bóng mát, vào mùa xuân cho hoa màu sắc đẹp nên được trồng ở một số đường phố và công viên tại Hà Nội, Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Đặc biệt, loài cây biểu trưng của Phật giáo này được trồng khá nhiều ở khu vực tương đài vua Lý Thái Tổ - vị vua sùng kính đạo Phật- người khai sinh kinh thành Thăng Long.
(Theo afamily)