Mục Lục
KINH CHÉP : Sau khi Phật nhập diệt, Ngài Ca-diếp triệu tập đại hội kiết tập Kinh điển. Ông A-nan lên pháp tòa thuật lại những lời Phật dạy. Kinh này do Đức Phật nói và lời ông A-nan thuật lại.
Hòa Thượng Thích Hành Trụ dịch
LỜI NÓI ĐẦU
Tôi được đọc cuốn “HIỀN NHÂN” này trong một buổi chiều mưa gió.
Gió mưa rầu rĩ, nhắc tôi nhớ lại thời xưa; bao cảnh tượng xa xăm dồn dập thi nhau kéo về, gây cho trí óc tôi một cảm giác mênh mang, bao la không bờ bến.
Vâng, thời xưa, thời của Chánh pháp, huy hoàng còn bao giờ trở lại với nhân gian chất chứa đau thương. Có trở lại chăng cũng chỉ là những viễn ảnh mờ xa hiện lại ở trí óc mỗi người trong hiện cảnh.
Ngược dòng ký vãng, bạn thấy rõ ràng sự đau khổ hiện đại còn ghê rợn gấp mấy mươi lần nỗi đau khổ mà người xưa đã gặp trên bốn cửa thành Ca-tỳ-la-vệ.
Đau thương không còn như ngày xưa nữa. Đây là một nỗi đau thương hình như là vô phương cứu chữa. Lạy Ngài, con đường lầm lạc dẫn chúng con đi xa mất rồi. Giáo lý cao siêu, ngày nay đã phai mờ, hơn nữa đã bị phủ lên một lớp áo màu tín ngưỡng.
Xa xa còn vọng tiếng của một đoàn quân nào reo hò chiến thắng. Đâu đây còn phảng phất tiếng cười khoái trá của nhà Khoa học. Và kia, cặp mắt đăm chiêu của nhà Triết lý, gần hơn nữa, một nét nhăn tin tưởng nơi trán của một tín đồ thuần thành. Những âm thanh và hình ảnh ấy sao không đem lại cho ta một tia nắng tin tưởng ?
Và nào là Chơn lý, là tình thương, là lý trí đang còn là bao nhiêu danh từ kêu và rỗng.
Trong khi còn mơ màng nhìn vũ trụ hãy quay lại đạo đức Đông phương đi, bạn sẽ thấy một vẻ gì quen thuộc. Tôi muốn trở về với một quá khứ êm dịu hơn.
Còn thiếu ở nhân gian một sự nhận thức rõ ràng về định hướng. Hãy đến phân tích tâm trạng của mọi con đường. Bạn sẽ thấy : đâu cũng là đúng hướng, duy phần riêng, chỉ thấy con đường mình là đúng và của mọi người đều sai và lạc lối cả.
Còn thiếu ở nhân gian một sự sửa chữa. Một sự sửa chữa thôi : Sửa chữa vẫn là tiến hóa. Những vết tỳ rất nhỏ trong tâm hồn, một cử chỉ vụng về trong xử thế, một tâm niệm vị kỷ nhỏ nhen, đủ kết tập và làm bùng lên một ngọn lửa thiêu trọn địa cầu và cả Dục giới ô nhiễm.
Đạo Phật đó, một triết lý u huyền, một khoa học thực nghiệm, một đạo đức tuyệt vời. Tư tưởng luân lý Đông Tây dễ gì so sánh
Những cuốn sách chữ nho rách nát, nhưng bao nhiêu cái mới hiện thời đềru ở cả trong ấy. Mình không muốn vong bản. Mình không muốn chạy theo bóng hình giả dối thì mình níu lấy cội gốc vậy.
Một bà già ngồi niệm Phật đó. Bạn thấy ở đây những gì thâm thúy. Nhưng đó là tất cả ý nghĩa của cuộc đời.
Hôm nay, để tâm hồn lắng xuống một chiều mưa gió, tôi đọc cuốn HIỀN NHÂN với một tâm niệm trong sáng, đầy tin tưởng. Có gì đâu, những lời giản dị nhưng đầy vẻ hiểu đời và chứng tỏ hạnh phúc chỉ có khi nào tâm niệm được an lành và thanh thoát. Nhân loại đã bỏ lui sau bước chân những hạt cát vàng quý giá và mắt thì còn trông ngóng những bào ảnh đâu xa...
Cũng như bao nhiêu lời giảng dạy cho tín đồ cư sĩ, cuốn “HIỀN NHÂN” này là một cuốn Kinh luân lý và đạo đức Phật dạy cho kẻ bạch y. Như tôi đã nói luân lý nhà Phật bao trùm cả luân lý Đông, Tây, các bạn có để tâm mới thấy rõ.
Thâm thúy mà giản dị biết bao, những lời dạy quý hóa như đoạn này trong Kinh Hiền Nhân.
Kết bạn có bốn thứ :
“Một là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân, ba là kết bạn như núi, bốn là kết bạn như đất.
Sao gọi là kết bạn như hoa ? Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Kết bạn cũng thế : hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ.
Sao gọi là kết bạn như cân ? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi rẻ nhau.
Sao gọi là kết bạn như núi ? Hòn núi vàng, loài chim thú tựu về, lông cánh còn được chói màu vàng rực, kết bạn cũng thế, khi sang thì sang với nhau, khi vui thì đồng vui.
Sao gọi là kết bạn như đất ? Tất cả mọi vật đều nương dựa nơi đất mà sanh, làm bạn để nuôi dưỡng ủng hộ, ân hậu không bạc...”
Rồi trong những lời dạy quý hóa về luân lý, ẩn tất cả những triết lý sâu kín của cuộc đời. Tìm ở đâu những gì mới lạ, chúng ta chỉ mất công.
Nhưng giáo lý cốt hợp cơ và Phật pháp là bất định pháp. Giáo pháp phải hợp thời, hợp xứ và hợp căn trí. Vì thế, đừng nên vội nghi ngờ một lời nào của Đức Phật. Đành rằng Ngài dạy : “Đệ tử chớ tin lời Ta khi nào đệ tử chưa hiểu”. Nhưng bạn hãy đọc lại những gì mà bạn chưa hiểu ấy, chớ vội không tin. Nhiều khi đó là phương tiện để hợp thời, hợp xứ.
Thấy con ếch nói được trong Kinh, bạn sẽ mỉm cười. Cũng như bạn nghe quả địa cầu rung động và thiên nhạc văng vẳng khi Phật xuất thế.
Bạn sẽ bảo đó là đặt điều. Có thực đấy bạn ạ ! Những hình ảnh thần bí chỉ là để tượng trưng cho những ý tưởng triết lý.
“Quả địa cầu rung động và thiên nhạc văng vẳng” là gì nếu không phải là sự miêu tả cực kỳ khéo léo sự vui mừng của vũ trụ nhơn thiên ?
“Con ếch than khóc...” là gì nếu không phải là tượng trưng cho sự đau khổ tuyệt lực lan tràn từ nhơn loại đến cầm thú.
Cuốn Triết Nhân do ông Ngô Nguyệt Chi dịch Phạn văn ra Hán văn với một lối văn có màu sắc cổ điển và thuần túy. Nguyên nhan đề là “Kinh Ông Bụt”, nay Tỳ-kheo Thích Hạnh Trụ dịch ra tiếng Việt ngữ đổi lại là “KINH HIỀN NHÂN”. Hiền Nhân hay Ông Bụt cũng thế, là tiền thân của Đức Phật Thích Ca, chính Ngài thuật lại.
Nếu các bạn chưa được nếm kho tàng Phật lý, ban đầu hãy xem những quyển Kinh giảng lược như cuốn này vậy. Kho tàng Phật giáo còn nguyên cả khố : bằng Hán văn chưa ai dịch được bao nhiêu, vẫn còn đợi một sự cố gắng lâu dài.
Nhất Hạnh