Sáng nay như thường lệ, trước mỗi buổi sáng làm việc chúng tôi dành 15 phút cùng nhau tọa thiền dưới sự dẫn dắt của TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng. Vì là ngày cuối tuần làm việc nên sau thời thiền chúng tôi cùng ngồi bên nhau hàn huyên và chia sẻ về những tấm gương Cư sĩ doanh nhân Phật tử. Nhân đó, Thầy tôi có nhắc đến bác Vũ Chầm, chủ tịch HĐQT Vina Giầy, người được xem là ông tổ của ngành giầy VN.
Như thần giao cách cảm, đột nhiên Thầy tôi có cuộc gọi đến. Hóa ra bác Vũ Chầm đang ở Hà Nội và muốn đến thăm Thầy và Thái Hà Books. Lòng tôi vui lắm vì nghe danh bác đã lâu và giờ mới có cơ hội gặp bác tại Hà Nội, ngay tại văn phòng Thái Hà Books.
Năm nay bác 85 tuổi nhưng ăn nói vô cùng minh mẫn và trí tuệ. Tóc bạc trắng, da trắng hồng, miệng cười đôn hậu. Bác chia sẻ với chúng tôi câu chuyện cuộc đời gắn liền với Pháp Phật. Mở đầu câu chuyện, bác kể chúng tôi nghe về hành trình từ chàng nông dân “chân lấm tay bùn” trở thành một Chủ tịch HĐQT.
Lớn lên và trưởng thành từ cái nôi của nghề giày Việt Nam, làng Phong Lâm Hải Dương nên bác đã quen thuộc với nghề đóng giày từ nhỏ. Năm 16 tuổi bác bắt đầu lập nghiệp tại đất Hải Phòng, mở xưởng sản xuất, 18 tuổi quyết định vào Nam bắt đầu lại từ đầu. Năm 1957 thương hiệu giày Vũ Chầm đã lan tỏa khắp Sài gòn, ở thời điểm đó bác đã sở hữu gần 200 công nhân và nhiều tài sản. Sài Gòn giải phóng, tài sản xung vào hợp tác xã, tay trắng và lại một lần nữa khởi gây dựng lại sự nghiệp. Những tưởng đây chính là khó khăn sẽ khuất phục người đàn ông này, nhưng đây lại chính là cơ duyên khiến cho bác gặp người Thầy dẫn dắt cuộc đời mình, đó chính là Hòa thượng Thích Minh Châu. Bác quy y cửa Phật hơn 30 năm nay, cũng trong suốt hơn 30 năm đó tuần nào bác cũng dành ba buổi bên vị minh sư của mình để học Pháp.
Nếu được gặp bác bạn sẽ thấy sự uyên thâm Phật pháp và một tấm lòng của bậc chân tu tỏa ra nơi bác. Bác ví mỗi con người, doanh nghiệp hay một xã hội, muốn tồn tại vững bền bao giờ cũng cần có từ bi và trí tuệ, thiếu hai nhân tố này chắc chắn tổ chức đó sẽ bại vong.
Đức Phật từng dạy “Thân người khó được. Pháp Phật khó nghe”. Người tu hành từ khi khởi tâm tu cho tới khi thành Phật quả phải trải qua vô số kiếp. Trong 6 cõi trần thì thân người dễ dàng nhất có những phương tiện để tu thành Phật, có được thân người khó được giống như Có một con rùa mù nằm dưới đáy biển, lại có một bọng cây nổi có một lỗ trôi vô định trên mặt biển khơi mênh mông. Con rùa mù cứ 100 năm mới nổi lên mặt nước một lần. Khả năng để con rùa mù nổi lên mặt biển và chui lọt đầu vào cái cái lỗ đó bằng với khả năng có được thân người (gần như là không thể giống như chú rùa mù 100 năm mới nổi lên mặt nước một lần và chui trúng vào một khúc gỗ. Bác khuyên chúng tôi cần tu tập tinh tấn, ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua bởi chúng ta rất may mắn khi có được thân người. Chúng ta hãy tu tập làm sao để có thể đi từ tối ra sáng, từ sáng đến nơi sáng hơn.
Bác tự ví mình là một ông già quê mùa đi làm kinh tế, người nông dân đi học Phật. Đạo Phật là đạo như thật, đạo Phật là đạo đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin. Thật ra con người sống với ảo tưởng quá nhiều, tham sân si và chạy theo vọng tưởng. Thân chúng ta nhơ nhớp, là tổ hợp những máu mủ xương thịt phân mà chúng ta không biết. Chúng ta mải mê chăm sóc dục lạc của thân mà quên mất chăm sóc tâm, tâm mới chính là ông chủ, còn thân chỉ là khách. Tất cả những gì không thường hằng, chịu vòng sinh tử đều là khách. Lạc thế gian là lạc hỷ như phân, lạc xuất thế gian là lạc hỷ vĩnh viễn.
Bác cũng nhấn mạnh rằng chúng tôi là người làm sách, tức người tri thức thì phải biết tìm hiểu về Đức Phật lịch sử, nhận ra được tính Phật trong chính bản thân mình. Hầu hết chúng ta hiện nay đều là người tìm hiểu và lễ lạy Đức Phật tôn giáo, Đức Phật của cầu xin và đó không phải là cách hiểu đúng. Chúng ta đã chấp thủ tà kiến từ lâu đời. Chúng ta đi từ sáng vào tối mà không biết, nhiều tập tục do người đầu đàn suy tưởng ra nên người sau cứ thế theo mà không chịu tư duy. Ví dụ như tục đốt vàng mã hay cúng ông công ông táo, tục cầu xin…. Mọi pháp học phải đem vào ứng dụng trong cuộc sống để cuộc đời mình hạnh phúc thì mới được gọi là chánh pháp.
Thân sinh tử này ai cũng như ai. Con người chúng ta là một tiểu vũ trụ, khi con người giác ngộ được rồi thì hòa mình vào vũ trụ lớn, phải sống thuận ứng với vũ trụ quan. Đức Phật là người chỉ đường sáng tối, còn đi vào lối nào là do mình tự chọn. Nhân và quả luôn song hành cùng nhau, trong nhân sẵn có quả, trong quả sẵn có nhân. Đã tu thì lúc nào thần thái cũng vui tươi, từ bi hỷ xả, chánh niệm tỉnh giác mọi lúc mọi nơi, trong mọi thân khẩu ý…..người tri thức tu tập lại càng phải ý thức được những điều trên, bởi họ là người có ảnh hưởng tới nhiều người khác. Con trâu phải đeo cái ách để đi cày và liệu con người có cái ách không? Câu trả lời rằng con người chúng ta cũng có ách nhưng là cái ách vi tế. Con trâu hư và phá phách thì ông chủ sẽ làm cái ách tốt hơn, còn con người hư hỏng và phá phách thì cái ách của chúng ta chính là nhân quả.
Bác cũng chỉ rất rõ cho chúng tôi rằng có 4 tiến trình mà chúng ta lựa chọn trên con đường tu học: đi từ tối sang tối, sáng sang tối, tối sang sáng, sáng ra sáng hơn. Đời này mình khéo tu chuyển nghiệp thì sẽ đi được từ tối sang sáng, từ sáng sẽ ra sáng hơn.
Sở dĩ thân thể chúng ta hôi hám do cái gì? Do 5 triền cái (Tham, sân, trạo hối, hôn trầm, nghi ngờ) và 10 kiết sửa. Bác ví các triền cái tham như bát nước pha màu, sân như bát nước sôi, hôn trầm như bát nước có rong rêu, trạo hối như bát nước có sóng, nghi ngờ như bát nước có đục. Chính vì dính mắc vào 5 triền cái trên mà chúng ta không thấy được bản lai diện mục của mình. Khi tham khởi lên, khi sân khởi lên thì vô minh tùy miên có sẵn ở đó sẽ khởi lên còn mạnh hơn trước. Tham tùy miên chưa nhổ, khổ này còn tiếp diễn.
Câu chuyện chia sẻ của bác với chúng tôi có lẽ sẽ không dừng nếu như không phải bác có một cuộc họp sau đó. Lời bác dạy như thấm vào gan ruột, tâm huyết và uyên thâm. Sau bao nhiêu chìm nổi trên thương trường, từng bốn lần khởi nghiệp nhưng người doanh nhân phật tử này vẫn an lạc và giản dị như thế. Bình thản, đôn hậu và trí tuệ là những gì đọng lại về vị doanh nhân này. Những điều được bác sách tấn hôm nay thật ý nghĩa, đã giúp truyền lửa cho chúng tôi, những người trẻ học Phật qua cuộc sống hàng ngày, với một tâm thế Phụng sự.
Thuần Tâm Thảo Triều