Tôi nhận được tin thầy Chính Trung - nhà tâm thư pháp nổi tiếng sẽ nói chuyện và hướng dẫn về Tâm Thư Pháp và văn hóa Phật Giáo cho đoàn khách du lịch Pháp. May thay tôi đang ở Sài Gòn. Thế là phi đến ngay để được cùng thưởng thức và chia vui với các bạn trời Tây.

Đến nơi mới biết có 3 vị khách Pháp, hai nữ một nam đang có mặt. Đi cùng với họ là một bác người Việt để trợ giúp, hướng dẫn kiêm phiên dịch. Đến nơi thấy các bạn từ trời Âu đang nghe nói chuyện về Phật giáo và đang học viết tâm thư pháp tôi vui vô cùng. Các bạn cầm bút khá ổn. Những nét viết bằng bút lông với mực thư pháp được thể hiện khá tốt. Tôi rất bất ngờ.

Thầy Chính Trung nói chuyện với các bạn phương Tây về thư pháp nói chung và Tâm Thư Pháp nói riêng. Quan sát tôi thấy cả 3 anh chị là Léa, Hervé và Severiné đều lắng nghe hết sức chăm chú. Các bạn muốn hiểu về bộ môn này trước và trong khi cầm bút viết nên những nét đầu tiên.

Các bạn Pháp thực hành rất cẩn mật. Cách cầm bút của họ tuy còn lóng ngóng nhưng rất ổn. Những nét chữ đầu tiên được viết trên giấy. Các bạn tập 6 nét căn bản gồm thẳng nằm, thẳng đứng, nét tròn, nét móc, nét thắt (như các chữ l và n) và nét lượn (như dấu hỏi và dấu ngã). Tôi hôm nay được ngắm các bạn tây phương tập viết Tâm Thư Pháp ngay tại Sài Gòn nhé.

Tâm Thư Pháp của thầy Chính Trung là một cuộc hành trình về Thư Pháp với nhiều phát kiến. Hành trang và 3 vị khách bộ hành từ tận Pháp sang đến Việt Nam đã hòa thành một, phảng phất hơi hướng của những vị khách quý đã trải gót chân đến rất nhiều nơi, phảng phất một tinh thần Việt, một văn hóa Phật Giáo rất Việt trên từng nét chữ. 3 vị khác trời Tây và một ông thầy Việt tâm huyết đang hòa quyện vào nhau.

Cánh cửa nghệ thuật Tâm Thư Pháp đã rộng mở và sẵn sàng chào đón tất cả mọi người. Đây là sự thật. Ba người bạn đến từ châu Âu đang tự mình thưởng lãm cuộc hành trình với cái tâm của chính mình. Họ lắng tâm lại, tập trung vào cây bút, thả mình trong từng nét viết. Với cái tâm luôn luôn sẵn có nơi mỗi tự thân, các bạn Léa, Hervé và Severiné đang thả hồn vào từng nét chữ, trên từng tờ giấy. Hai nhân này kết hợp với nhau thành ra nét viết, con chữ. Quan sát tôi thấy họ rất thích thú và tập trung. Hình như tất cả các ngôn từ không còn cần thiết nữa. Hình như không còn biên giới nữa.

Là người đã theo thầy Chính Trung nhiều năm nay nhưng mãi mà tôi vẫn chưa thấu triệt về bộ môn Tâm Thư Pháp tuyệt vời này. Vậy mà các bạn từ tận trời Tây lại tìm đến với thầy. Hỏi ra mới biết cả 3 anh chị Severiné, Hervé và Léa đều là khách du lịch. Họ dành 1 tháng để thăm quan và khám phá Việt Nam và Campuchia. Lạ thay khi họ lại dành thời gian quý giá này đến đây để tìm hiểu và học viết Tâm Thư Pháp. Bộ môn này thầy Chính Trung đã để tâm từ thuở bé, và gần hai chục năm nay thầy dành hết tâm huyết của mình để giới thiệu đến đông đảo những người con Việt. Và hôm nay, tại đây, thầy mang tinh túy Việt đến với phương Tây.

Thầy Chính Trung tiếp tục giới thiệu về Tâm Thư Pháp. Thế là tôi có may mắn làm phiên dịch sang tiếng Pháp cho 3 vị khách quý này. Thầy vận dụng Tâm Thư Pháp như là một trục chính để xoay chuyển các đề mục khác, nhằm mục đích giới thiệu tinh thần Phật Giáo, Phật Học đến các học viên và những ai quan tâm. Tôi cảm giác rằng các vị Bồ Tát đang yểm trợ và gia hộ cho thầy. Tôi nghĩ rằng bộ môn Tâm Thư Pháp qua tay của Chính Trung đang thực hiện rất rõ sứ mệnh xuất khẩu văn hóa Phật giáo Việt Nam ra nước ngoài. Thầy thật sự đang đóng góp vào việc nâng cao nền văn hóa Việt Nam, văn hóa Phật Giáo Việt Nam.

Có thể bạn chưa biết rằng tiếng Việt rất tuyệt vời để thể hiện Tâm Thư Pháp. Lý do rất dễ hiểu bởi tiếng Việt có 5 dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Các dấu này giúp ta luyện Tâm Thư Pháp rất nhanh. Các bạn Pháp rất thích thú khi họ tự vẽ lên các dấu sắc, huyền, dấu ớ vốn có trong tiếng Pháp. Vui thay.

Vừa tập viết Tâm Thư Pháp, các bạn Hervé, Léa và Severiné vừa tâm sự với chúng tôi. Hóa ra họ cũng nghiên cứu về thư pháp nhiều năm. Hóa ra họ thích bộ môn này từ lâu và ở nhà họ cũng đã có sẵn những bức thư pháp rồi. Tuy nhiên về Tâm Thư Pháp thì họ thú thật rằng chưa biết nhiều nên muốn đến tận nơi để khám phá và trải nghiệm.

Tôi nói với họ rằng, cứ thả lỏng toàn thân, buông thư toàn thân, thậm chí nhắm mắt lại mà thả hồn vào chữ viết. Khi đó chữ của họ sẽ thể hiện đúng tâm của mình. Tất cả cùng cười đắc chí và thực hiện ngay.

Trong dòng đời triền miên bất tận này, quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cá nhân, rồi với cả những tập thể nữa diễn ra với muôn vàn hình thức giao tiếp. Một cái nhìn nhau là một sự tiếp xúc. Một cuội nói chuyện dù trực tiếp hay qua điện thoại là một sự tiếp xúc. Mùi thơm thoang thoảng đâu đây cũng là một sự tiếp xúc.Rồi các ý tưởng nổi lên trong tâm ta lại vẫn là một sự tiếp xúc. Các mối giao tiếp đang được thể hiện ngày một xa hơn, tinh tế hơn, sâu sắc hơn. Tuy nhiên phương cách giao tiếp qua tâm luôn là tuyệt vời nhất. Hôm nay tôi được thực sự chứng kiến điều này, được thấy biết như thật. Tâm Thư Pháp Việt hòa quyện vào tâm các bạn phương Tây. Một sự tiếp xúc, kết nối, giao tiếp không thể tuyệt vời hơn.

Đứng ngắm nhìn các bạn Hervé, Léa và Severiné viết những nét Tâm Thư Pháp tôi có cảm giác rằng họ rất an nhiên, tự tại. Rằng hình như những người bạn từ chân trời xa đang tìm một phong cách sống của Phật Giáo giữa cuộc sống đời thường hối hả, nhiều lo toan, giữa bao sức ép và phiền muộn đang diễn ra hàng ngày quanh họ. Thật là thú vị đúng không ạ.

Chợt nhiên tôi nhớ lại rằng Steve Job đã từng nói trong cuốn sách nổi tiếng “Steve Job – hành trình từ gã nhà giàu khinh suất đến nhà lãnh đạo kiệt suất” rằng giữ tâm vắng lặng là chìa khóa của mọi sáng tạo. Càng ngẫm càng thấy đúng. Là một doanh nhân, một nhà nghiên cứu phương Tây mà ông nói rất Phật. Hôm nay, khi quan sát thầy Chính Trung viết Tâm Thư Pháp tặng các bạn Léa, Hervé và Severiné tôi cảm nhận rất rõ rằng đây là cách giữ tâm vắng lặng tuyệt vời nhất. Tôi thấy rất rõ thầy Chính Trung đang thiền trong từng nét viết. Thân, tâm và trí của thầy như hòa quyện vào làm một. Thật tuyệt vời.

Bạn Hervé nói với tôi rằng tâm vắng lặng thúc đẩy ta sáng tạo. Bạn Hervé muốn học Tâm Thư Pháp như một cách thiền động để mình được sáng tạo hơn trong công việc thường ngày. Hay quá.

Bạn Léa thì lại nói rằng khi viết Tâm Thư Pháp bạn có một cách tuyệt vời để cân bằng cuộc sống đầy bận rộn này. Bạn muốn mang về Pháp để ứng dụng trong công việc tại cơ quan của chính mình.

"Không thầy đố mày làm nên ". Vậy là hôm nay, 3 vị khách Pháp dù tuổi không còn trẻ nữa vẫn đã tìm đến với một người thầy Việt rất đặc biệt. Ai mà chẳng cần cho mình những vị thầy. Khi con ốm, cha mẹ tìm thầy thuốc cho con. Muốn con nên người thì các bậc phụ huynh tìm cho con thầy giáo giỏi. Khi tu tập thì chúng ta tìm cho được sư phụ hợp căn cơ của mình, tìm cho ra những bậc minh sư để chỉ đường chỉ lối. Tầm sư học đạo luôn rất cần thiết từ ngàn đời. Hôm nay các bạn Pháp từ trời xa đến đây và họ đã có cho mình một người thầy để học thư pháp bằng tâm, qua tâm. Thật là hữu duyên.

Những tố chất tuyệt vời nhất vẫn vốn có sẵn trong chính chúng ta. Chỉ có điều là ta chưa nhận ra, chưa biết, chưa khám phá ra mà thôi. Khi ta tĩnh tâm, khi tâm ta thanh tịnh thì nhất định trí tuệ được khai mở. Tâm Thư Pháp hoàn toàn giúp ta làm được việc này. Hôm nay thêm một lần nữa tôi cảm nhận rất rõ về điều này. Cảm nhận như thật.

Tôi về đến nhà và cũng lấy giấy ra bút ra. Tôi cũng viết tâm thư pháp. Tôi biết rằng muốn viết được, tâm mình phải yên tĩnh, thanh tịnh. Tôi thả lỏng cơ thể, buông thư cơ thể để đầu trống rỗng, để thể hiện những nét chữ. Tự nhiên tôi thấy tâm mình an viên sáng như trăng rằm.

Rồi tự nhiên trong tâm tôi hiện lên mấy câu thơ của thầy Chính Trung

“Khách phương xa tìm gặp
Tâm Thư tặng Bạn Hiền
Một chút quà đất Việt
Thắm thiết tình nhân sinh”

Nhiều người đến với thầy Chính Trung là những nhà lãnh đạo và quản lý. Lãnh đạo thành công là người biết bắt những nhịp cầu, đưa con người và các ý tưởng đến với nhau. Lãnh đạo giỏi là người có thể kết nối các chuyên gia, đưa những con người tài năng chung tay chung tâm với nhau. Lãnh đạo chính là tạo môi trường sáng tạo và cống hiến không biên giới. Tâm thư pháp và thiền giúp chúng ta làm được điều này.

Lãnh đạo của thế kỷ XXI là người vững vàng, có tầm nhìn xa rộng, có giác quan nhạy bén trong điều hành và kinh doanh, có kết nối rộng rãi với cộng đồng, có ảnh hưởng trong xã hội. Lãnh đạo thành công là người luôn tỉnh thức. Tâm thư pháp và thiền luyện tâm ta luôn tỉnh thức.

Nhà lãnh đạo ngày này rất nên thực hành thiền và làm sao thiền giống như ta thở vậy. Các nhà lãnh đạo xuất sắc thời nay đều thực hành thiền. Bạn cũng nên như vậy. Nhưng hãy lưu ý hành thiền chứ không để thiền hành mình. Giống như hãy làm chủ đồng tiền chứ đửng để đồng tiền làm chủ mình. Mà một cách thiền rất thú vị là tìm hiểu Tâm Thư Pháp, học viết Tâm Thư Pháp.

Có một tin vui lớn rằng ngày 09 tháng 01 năm 2016 này ĐƯỜNG SÁCH sẽ chính thức khai trương tại đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Đây là đại điểm trung tâm ngay sát nhà thờ Đức Bà và bưu điện Thành phố, rất gần với dinh Độc Lập, Nhà hát Thành phố, đường đi bộ Nguyễn Huệ, hồ Con Rùa,… Đây là khu vực du lịch quan trọng của thành phố và thường xuyên có rất nhiều các đoàn khách quốc tế đến tham quan, chụp ảnh và khám phá. Biết về thông tin này, tôi đã liên lạc để mời thầy Chính Trung đến để “xuất khẩu” văn hóa Phật giáo tại chỗ. May thay, thầy đã đồng ý ngay chiều qua.

Như vậy là trong ngày khai mạc ĐƯỜNG SÁCH Nguyễn Văn Bình, bạn đọc và khách tham quan sẽ được ngắm những bức tâm thư pháp rất ý nghĩa của thầy Chính Trung. Bạn cũng có thể sẽ được thầy viết tặng một chữ nào đó nhé. Cá nhân tôi rất thích những tác phẩm Tâm Thư Pháp này bởi thấm nhuần tinh thần Phật giáo. Mỗi bức Tâm Thư Pháp của thầy không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà chan chứa pháp của Phật trong đó. Vậy là ngày 09/01 này thầy Chính Trung lại có cơ hội tiếp tục xuất khẩu văn hóa Phật giáo Việt Nam ngay tại Việt nam, ngay tại Sài Gòn thật rồi. Vui thay.

TS Nguyễn Mạnh Hùng



Có phản hồi đến “Thầy Chính Trung Xuất Khẩu Văn Hóa Tâm Thư Pháp Phật Giáo Ngay Tại Việt Nam”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com