Ở vùng đất Phật Sarnath, bang Varanasi, ai cũng biết sư thầy tu người Việt gày gò hay đạp xe tới mọi ngóc ngách làng quê bé nhỏ ở Ấn Độ để giúp đỡ những người nghèo khổ.
Trong chuyến thăm bảo tháp Dhamekh nằm trong vườn Lộc Uyển ở Sarnath, nơi được cho là đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên, chúng tôi nghe nói có một ngôi chùa Việt khánh thành cách đây hai năm, tên là Đại Lộc. Nếu không có người dẫn đường, khó mà tìm được ngôi chùa này. Chúng tôi phải đi qua con đường đất lổn nhổn, lắt léo hồi lâu, khi tới con đường bê tông sạch đẹp, một ngôi chùa Việt hiện ra, không lẫn vào đâu được với hai chiếc cổng chào: bên trái là Khuê Văn Các, bên phải là chùa Một Cột.
Từ xa đã thấy một bức tượng Phật bằng đá khổng lồ uy nghi giữa vùng đồng cỏ khô cằn, ao chuôm, đầm lầy. Đây là ngôi chùa đầu tiên trên thế giới có tượng Phật chuyển pháp luân lớn nhất. Pho tượng cao 24m, nặng 1.200 tấn và được đúc từ 660 khối đá, khối nặng nhất là 5 tấn, nhẹ nhất là 1,5 tấn. Trước đó, chùa Thái Lan ở đây cũng mong muốn xây bức tượng Phật chuyển pháp luân lớn nhất thế giới nhưng không thành, vì phần tay tượng làm rất khó làm, nên họ bỏ cuộc.
Một tốp trẻ người Ấn đang nô đùa trong sân chùa. Sư thầy Thích Tường Quang ra đón chúng tôi và nói câu gì đó với bọn trẻ bằng tiếng Phạn. Bọn trẻ xúm quanh chúng tôi, khoanh tay và nhất loạt hô bằng tiếng Việt khá rành rọt: “Chúng con kính chào các chư vị Phật tử Việt Nam”.
Thầy Tường Quang cho biết, sân chùa rộng rãi, sạch đẹp đã trở thành nơi vui chơi của bọn trẻ khắp vùng. Không những thế, cứ chiều chiều, thầy mở lớp dạy yoga, học chữ, học kinh miễn phí cho bọn trẻ. Sư thầy người Việt được bà con trong vùng yêu mến vì hay giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ sửa sang xây dựng trường học. Chính vì thế, dù sống một mình ở đây, nhưng thầy không cảm thấy cô độc vì luôn có bọn trẻ xung quanh. Thầy bảo: “Tôi được bà con quý mến, nên dù ở một mình, nếu cần gì là bà con sẵn sàng giúp đỡ. Tôi có thể sắm phương tiện hiện đại hơn, nhưng đạp xe, tôi thấy gần gũi với người dân nghèo hơn”.
Học không ngừng
Sư thầy Thích Tường Quang tên thật là Đoàn Lâm Tấn, sinh năm 1969, quê ở Thủ Đức, TPHCM đi tu từ năm 14 tuổi. Thầy đã có 14 năm du học tại Ấn Độ với một bằng thạc sỹ về nhân quyền, hai bằng tiến sỹ tại Đại học New Delhi (một về Phật học, một về ngôn ngữ cổ, tiếng Trung và văn học Trung Hoa). Đang học để lấy bằng tiến sỹ thứ ba thì đúng lúc xây chùa bận rộn, thầy đã phải gác lại việc học hành.
Thầy cho biết, khi mới sang Ấn Độ du học, thầy là một trong số những sinh viên nghèo nhất trường nên thấu hiểu sự khó khăn của du học sinh. Khi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin tưởng giao cho thầy công việc xây ngôi chùa Việt đầu tiên tại Sarnath, thầy đã quay lại Ấn Độ và tự hứa khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng hoàn thành để có thể giúp đỡ được nhiều người. Một mình thầy lo liệu mọi công việc từ thuê thợ, đốc thúc thợ tới tự mình lọc cọc đạp xe chở nguyên vật liệu về chùa. Trước đó, thầy đã đi khắp Việt Nam để kêu gọi bà con phật tử trong nước quyên góp xây chùa.
Không chỉ giúp đỡ người dân Ấn Độ, chùa Đại Lộc còn là nơi trọ và ăn học của nhiều du học sinh Việt Nam, Campuchia, Myanmar sang Sarnath học thạc sỹ, tiến sỹ. Suốt 5 năm qua, thầy đã giúp đỡ cho 10 thầy Việt Nam sang học thạc sỹ và tiến sỹ.
(Theo Tiền Phong)