Phụ lục 1: Khoa học và lẽ vô thường của Phật học

“Người ta không bao giờ tắm hai lần trên một con sông” triết gia Hy Lạp cổ đại Hêraclitôxơ đã nói như vậy cách đây 2.500 năm. Quả là thế! Hôm sau ta đến tắm đúng khúc sông hôm trước, nhưng dòng chảy hôm sau đã là dòng nước khác, tức con sông khác, không khí, cảnh vật, ánh sáng đã khác.

Ý tưởng bất hủ này phản ánh tư tưởng vạn vật chuyển hoá của Hêraclitôxơ, ông tổ biện chứng luận phương Tây. Theo ông: vũ trụ là một tổng thể không do thần linh tạo ra mà do lửa biến thành các yếu tố khác (nước, đất...) mà sinh ra vạn vật. Vạn vật lại biến thành lửa, các vật luôn luôn chuyển hoá thành vật đối lập, xung đột, đó là nguồn gốc của sự phát triển.

Tư tưởng vạn vật chuyển hoá nuôi dưỡng khoa học và nhiều hệ tư tưởng triết học phương Tây. Thuyết tiến hoá (évolustionnisme) là học thuyết duy vật và nguồn gốc về sự phát triển của sinh vật qua một quá trình lịch sử. Đặc biệt, trong Nguồn gốc các giống, Darwin đề ra một lý luận khoa học cho thuyết tiến hoá (hiện bị phê phán từng bộ phận). Theo ông, trong cuộc đấu tranh sinh tồn, giống nào thích ứng thì sống, theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Tính biến đổi và tính di truyền đều là thuộc tính của sinh vật. Biến đổi nào có lợi cho nó trong cuộc đấu tranh sinh tồn thì được lưu giữ lâu dài. Theo thiên thể học, vũ trụ cũng theo quy luật biến hoá. Ước tính Thái dương hệ hình thành cách đây 5 tỷ năm, quả đất cách đây 4 tỷ 600 triệu năm, với sự hình thành sự sống cách đây 200 triệu năm của những tảo lam đầu tiên trong đại dương.

Từ nguyên lý tất cả đều chuyển hoá, Phật học đã gặp khoa học với khái niệm cơ bản vô thường. Vô thường là gì? Nói một cách đơn giản, vô thường nghĩa là không thường tồn tại, mà thay đổi từng giờ từng phút, từng giây, tất cả mọi sự vật thuộc giới vô cơ hay hữu cơ, đều biến thiên vô thường. Vũ trụ vô thủy vô chung, tất cả các sự vật có thể nhận thức qua cảm giác hay ý niệm, được gọi là Pháp (Dharma = Đạt ma) đều chuyển biến, vô thường, chuyển biến trong nháy mắt, trong từng sát-na (thời gian nhỏ nhất), hay trong từng giai đoạn thay hẳn chất lượng do chuyển biến. Vô thường thể hiện theo luật nhân quả sinh ra, trụ một thời gian, biến chuyển rồi thành không, tất cả đều sinh rồi diệt do nhân duyên. Nhân là nguyên nhân, duyên là những điều kiện giúp cho nhân phát triển. Thí dụ hạt gạo là nhân cây lúa, còn môi trường như đất, nước, ánh sáng, phân... là duyên. 

Nhân duyên là những quan hệ biện chứng giữa các sự vật trong không gian và thời gian. Trong những quan hệ ấy, không tính đến lớn, nhỏ. Một hạt cải nhỏ được tạo thành do mối quan hệ với cả vũ trụ, cả vũ trụ phải hòa hợp với nhau mới tạo ra hạt cải nhỏ. Ngược lại, phải có hạt cải nhỏ hòa hợp với cả vũ trụ lớn thì mới tạo ra được mọi thứ, kể cả mặt trời, mặt trăng... Mỗi sự vật có ảnh hưởng dây chuyền (duyên) đến tất cả. Trong một có tất cả, trong tất cả có một. Sự vật không có thực thể, chỉ vô thường, có tạm thời. Sinh ra do nhân duyên hòa hợp (thành cá thể trái núi, cái cày, con vật, con người với cái Tôi...), mất đi do nhân duyên tan rã. Không thật có sinh, có diệt, thời gian và không gian, có người, có mình. Do ảo tưởng không biết quy luật vô thường, cho là sự vật hữu thường nên sinh lòng dục và khổ đau qua cái nghiệp.

Nhiều giả thuyết khoa học hiện đại về các biến thiên trong vũ trụ, từ tinh tú đến nguyên tử và vi sinh vật, có thể lý giải cho lẽ vô thường của Phật học. Xin lấy hai thí dụ khá lý thú.

Vô thường: một lục địa sinh và diệt. Đó là lục địa Đông Nam Á. Sau hàng chục năm nghiên cứu về mọi mặt (khảo cổ học, di truyền học, nhân học, ngôn ngữ học, dân tộc học...) bác sĩ người Anh S.Oppenheimer đã kết luận như vậy trong cuốn Thiên đường ở phía Đông (1999). Theo ông, cái nôi của văn minh loài người không phải là Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc mà ở Sunda, một lục địa Đông Nam Á lớn, nay đã bị chìm ngập. Cách đây 7.000 năm, nơi đây đã sản xuất ra những nền văn minh đầu tiên của nhân loại, khởi thủy từ thời Cách mạng đồ đá mới (cách đây khoảng 10.000 năm) chuyển từ hái lượm, săn bắt sang trồng trọt và chăn nuôi. Do hậu quả nạn hồng thủy vào thời băng hà, cư dân lục địa Sunda phải di cư lên phía Bắc (lục địa châu Á với Trung Quốc, Ấn Độ) và sang phía Tây (Địa Trung Hải, Cận Đông...) gieo rắc những mầm văn hoá Đông Nam Á.

Bác sĩ Oppenheimer đưa ra một số dẫn chứng cụ thể, đặc biệt về gene khi theo dõi sự lan rộng của bệnh sốt rét ở Đông Nam Á. Những cây lương thực đầu tiên, khoai sọ và khoai lang được trồng rất sớm ở Indonesia (10.000 -15.000 năm trước CN). Lúa được trồng ở bán đảo Thái Lan khoảng thế kỷ VI-VII trước CN, sớm hơn ở Trung Quốc. Nghệ thuật đúc đồng ở Thái Lan và Việt Nam cũng sớm hơn ở Cận Đông và Trung Quốc.

Vô thường: Nhân loại có sinh thì có diệt không? Theo khoa học, quả đất hình thành cách đây 4 tỷ 600 triệu năm, động vật có vú xuất hiện 700 triệu năm, người vượn cách đây 2,5 - 5 triệu năm, nền văn minh độ 5-7 nghìn năm trước CN. Con người tồn tại được do nhiều yếu tố, nhưng phụ thuộc chính vào mặt trời. Tuổi thọ mặt trời từ 10 đến 15 tỷ năm. Mặt trời tắt, hẳn sự sống trên trái đất sẽ không còn.

Theo giáo sư Úc Frank Fenner, nhân loại sẽ lụi tàn trong 100 năm tới vì dân số quá đông (chiến tranh lương thực) và bầu khí quyển bị hâm nóng (do môi trường bị phá hoại). Lời tiên tri bi quan này dù không được sức thuyết phục, nhưng cũng đáng để ta suy nghĩ.

Phụ lục 2: Người Ấn Độ ở khắp các làng xã Việt Nam

Làng xã Việt Nam thường có một, có khi hai chùa thờ Phật, thuộc loại tiểu danh lam. Đại danh lam là loại chùa do triều đình xây dựng, nhiều khi kiêm cả hành cung cho nhà vua đi hành hương hay đi cúng lễ. Trung danh lam là loại chùa lớn, thường là chùa nổi tiếng của cả một vùng.

Chùa nào cũng có nhà chính gồm có bái đường nằm ngang và chính điện cắt giữa theo chiều dọc làm thành hình chữ Đinh hay chữ T lộn ngược. Chính điện là nơi thờ các Phật, bái đường là chỗ tụng kinh, lễ bái. Trong các công trình phụ, sau nhà chính có nhà Tổ (tăng đường) thờ các vị sư Tổ đã tu và tịch ở chùa cùng các sư Tổ đã truyền đạo Phật sang ta. Thuộc loại thứ hai, thường có tranh hoặc tượng một vị da nâu - đen, tóc quăn, mũi cao, râu quai nón, trông rõ không phải người da vàng mà giống “Tây đen”, do đó dân gian gọi là Tổ Tây.

Quả thực vị Tổ đó là người Ấn Độ 100%, một người Ấn Độ có mặt ở các chùa khắp làng xã Việt Nam. Hỏi đến tên và sự tích của Ngài, thì các thiện nam tín nữ đến lễ chùa đều ít biết, đa số sư ni không biết một cách tường tận, nhiều lắm chỉ biết gọi tên là Tổ Đạt Ma, đức Bồ Đề Đạt Ma.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma), sống vào thế kỷ V - VI sau CN (470 - 543): Ông là một vị cao tăng Ấn Độ, nguyên là con thứ ba của vua xứ Kaneipiera ở miền Nam Ấn Độ theo đạo Bà La Môn. Ông xuất gia thụ giáo sư phụ Prajnatara. Đến năm 60 tuổi, ông vâng lệnh thầy sang cõi Đông Thổ (Trung Quốc), đi đường thủy đến vùng Quảng Đông, ngày nay (năm 520). Ông đi Nam Kinh hội kiến với vua Lương Vũ Đế cũng là một Phật tử tích cực truyền bá đạo Phật. Nhận thấy nhà vua chưa đủ khả năng hiểu thấu lẽ huyền diệu, ông vượt sông Dương Tử (Trường Giang), - trên một ngọn lau, theo truyền thuyết. Ông lên phía Bắc, đến nước Ngụy, tới kinh đô Lạc Dương rồi tu ở chùa Thiếu Lâm, núi Trung Sơn thuộc tỉnh Hà Nam. Đồn rằng ông tọa thiền quay mặt vào vách đất, suốt chín năm liền mới tìm ra chân lý Thiền.

Như vậy, Bồ Đề Đạt Ma là vị Tổ thứ 28 của Phật giáo sau đức Thích Ca, và là vị Tổ thứ nhất của Thiền Tông (tiếng Phạn là Dhyana; Hán: Thiền Na; Nhật: Zen). Thiền Tông là một trong 10 Tông phái Phật giáo ở Trung Hoa. Thiền chủ trương tham thiền nhập định để chứng ngộ Phật tính, siêu việt lý trí, không thông qua kinh điển. Tuy cơ bản vẫn là tinh thần Phật giáo, Thiền Tông là kết quả tiếp biến văn hóa Ấn Độ - Trung Hoa, do một vị cao tăng Ấn Độ hòa nhập Phật học Ấn Độ với Lão học Trung Hoa. Tục truyền, Bồ Đề Đạt Ma để lại bốn câu thơ tóm tắt đạo như sau:

Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ nhân tâm

Kiến tính thành Phật

(Không viết ra thành chữ,

Truyền đạo ngoài giáo lý

Chỉ thẳng vào tâm người

Nhận rõ tính Phật mà thành Phật).

Bồ Đề Đạt Ma còn dạy rằng:

“Khi đã bỏ cái giả theo cái chân, tư tưởng đã thống nhất, tọa thiền, mặt quay vào vách, thì sẽ thấy là không có cái tôi, dân chúng và thượng lưu cũng cùng một bản chất, - và đó là cái nhìn mà ta sẽ dứt khoát bảo tồn, không dứt ra. Ta sẽ không còn nô lệ từ ngữ nữa, vì ta thấu suốt với Trực giác tối cao, không còn có sự tách biệt về khái niệm. Ta sẽ thanh thản và vô vi”. (Dịch theo giáo sư Phật học Nhật D.T.Suzuki).

Bà con nông dân ta đi lễ chùa hẳn xa lạ với giáo lý của Bồ Đề Đạt Ma. Nhưng chính vì họ chất phác nên có lẽ là dễ gần ông hơn mặc dù họ thấy ông Tổ Tây khác hẳn các vị Phật và Bồ Tát ngự ở chính điện. Bà con không ngờ chính những vị đó cũng là gốc Ấn Độ như Tổ Tây. Thế mới biết văn hóa Ấn Độ của Phật giáo, - dù qua lăng kính Trung Quốc là chủ yếu, - vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến làng xã Việt Nam từ hàng nghìn năm nay.

Ở Nhật Bản, ảnh hưởng Thiền Tông (Zen) rất mạnh, Bồ Đề Đạt Ma được thờ ở gian riêng, ngày đêm ánh đèn dầu không tắt. Có điều lý thú là ông Tổ Tây Ấn Độ cứ như Đại sứ hòa bình của Ấn Độ ở Việt Nam, vì trong giao lưu quốc tế, giữa hai nước chưa hề có chiến tranh, chỉ có quan hệ buôn bán và văn hóa, tôn giáo.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)



Có phản hồi đến “Cảo Thơm Lần Giở: Phật Thích Ca Nghĩ Gì?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com