Tết, không chỉ là một thời khắc của năm, mà còn là lúc để mình được sống với bản thân, với gia đình, với bạn bè.
Những cơn gió Tết bắt đầu thổi vi vút trong cõi nhân sinh này. Người xa xứ bắt đầu nhao nhao nhớ Tết.
Ai cũng than, nhớ ơi là nhớ nồi bánh tét, củ kiệu giòn tan.... vì sao? vì đêm luột bánh cùng nhau canh nồi bánh chưng, ôn chuyện dĩ vãng, bàn về tương lai rôm rả dưới bếp lửa bập bùng. Nhưng thiệt ra, người ta chỉ thèm khát đau đáu cái không khí gia đình mà thôi, nơi con cháu sum vầy, nơi mẹ già cười móm mém, nhớ đôi má em gái hồng lên vì hơi nóng tỏa ra từ lò bánh chưng, bánh tét, nhớ đôi tay rắn chắc của cha khệ nệ bê chậu mai từ vườn vào.
Tuy nhiên, trong mâm cỗ ngày Tết quan trọng nhất là mâm cỗ tất niên. Đây là thời điểm để ông bà, bố mẹ điểm mặt con cháu. Điều quan trọng là chúng ta được ngồi lại với nhau sau một năm làm ăn, xa cách. Chúng ta ngồi "ăn" câu chuyện, khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của nhau, việc ăn uống không còn quan trọng. Bữa tất niên là bữa cả nhà quây quần xum vầy thể hiện phong tục đẹp nhất của người Việt Nam.
Nhờ có ngày tết, mới biết là năm qua mình đã làm được và chưa làm được gì. Chúng ta sống càng ngày càng gấp, mọi thứ bộn bề nó lôi mình đi, hối hả và ít khi nào dừng lại để suy ngẫm, để nhìn ngắm lại con đường mình đã đi qua. Chỉ có tết, có bữa cơm đoàn tụ mới nhớ ra mình còn nợ nần một vài lời hứa với người thân mà suốt năm cứ tự phân bua rằng bận rộn quá,… Chỉ có tết, mới nhận được túi nếp thơm gởi từ quê, mới lục lọi trong ký ức những người bạn xa lắc của một thời cùng nhau, cùng lớn. Túi nếp nhắc cho mình biết rằng, ở đâu đó, vẫn có người nhớ đến mình. Túi nếp cho mình tận hưởng cảm giác thả rong trí nhớ đi muôn nơi, gặp lại những gương mặt cũ, những câu chuyện cũ, những nỗi niềm cũ với đầy ắp nụ cười. Và đâu ai cấm mình bốc điện thoại lên, để hàn huyên đủ chuyện…
Nhờ có tết, mới hiểu cái lẽ “sum vầy” mà ông bà dạy: ngôi nhà chỉ là bốn bức vách nếu không có tình thương yêu, sự chăm chút để có thể trở thành tổ ấm. Sửa lại cái bóng đèn đã hỏng lâu ngày, treo thêm bức tranh được tặng vẫn cất ở góc nhà, đặt thêm chậu hoa ngay lối ra vào… Những công việc rất nhỏ bỗng chốc như mang lại cảm xúc rất khác cho ngôi nhà, như tiếp thêm năng luợng yêu thương cho không gian mình đang sống…
Nhờ tết, mới được nhìn thấy tóc mẹ năm nay đã bạc nhiều, thấy dáng mẹ đã liêu xiêu khi mang đồ nặng. Nhờ tết, mới thấy Cha yêu sức khoẻ giảm nhiều… Nhờ tết, để hiểu rằng sự quan tâm những điều nhỏ nhất trong cuộc sống dành cho những người mình yêu thương chính là hạnh phúc…
Tết, không chỉ là một thời khắc của năm, mà còn là lúc để mình được sống với bản thân, với gia đình, với bạn bè. Tết Việt chính là quà tặng cuộc sống, để mình biết yêu thương nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn và cảm nhận được hạnh phúc đủ đầy hơn.
Tết là dịp tất cả những phong tục của Việt Nam được thể hiện rõ. Từ chuyện tảo mộ, chúc Tết, nghĩ về nhau, chơi xuân... Chẳng có một lễ hội nào đông vui như Tết, hơn 80 triệu người Việt Nam cứ đến giáp Tết lại về với nhau, háo hức dù đó là những người nghèo nhất.
Vì cái mơ ước giản dị ấy, người xa xứ lao đao vất vả mấy cũng phải kiếm được vé tàu, kiếm được chút tiền mọn về quê. Người ta gọi là ăn Tết nhưng đúng hơn là hưởng được cảm giác bình an và đôi chút vững chãi khi biết mình có nơi để về.
Tác giả: Chúc Xuân
(Theo chuadida)