Phật Giáo và tư tưởng của Lão Tử là hai con đường song song không thể nào gặp nhau. Ngụy Nguyên một nhà học giả đời nhà Thanh nói: “Lão Tử và Phật Giáo có thể gặp nhau không? Không bao giờ có chuyện đó, bởi vì trong trạng thái u minh mơ hổ lại có tinh linh và sự vật, tức là sự hòa hợp giữa cha và mẹ, Nhà Phật gọi đó là sự đắm nhiểm ở hồng trần, chưa rời khỏi thần thức, chưa quay về với biển chân tịch”. Nhưng chúng ta không thể nào phủ nhận sự cống hiến của Lão Tử đối với dân tộc Trung Hoa. Nam Hoài Cẩn một nhà học giả nổi tiếng hiện nay ở Trung Quốc nói rằng, những Triều đại làm nên lịch sử vẻ vang trong quá khứ của Trung Quốc đều ứng dụng, bên trong hàm dưỡng tư tưởng của Lão, bên ngoài thực hành học thuyết của Khổng. Cho nên đôi bên đều có nét đặc thù của riêng mình và có sự cống hiến lớn lao cho nhân loại.
ĐẠO VÀ ĐỆ NHẤT NGHĨA ĐẾ
Đạo Đức Kinh nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Nếu chúng ta gượng ép dùng ngôn ngữ văn tự để diễn đạt cảnh giới của đạo, thì không phải là đạo của bản thể, sự giới hạn của ngôn từ đã thu hẹp Đạo trong tầm tri thức của con người. Đạo Đức Kinh nói: “Thị chi bất kiến, thính chi bất văn, bác chi bất đắc”. Lão tử cho rằng cảm quan của con người không thể nào nhìn thấy, lắng nghe và sờ mó được, bởi vì Đạo vốn không có hình tướng và trạng thái gì cả. Đạo Đức Kinh nói: “Cố thường vô dục, dĩ quán kỳ diệu, thường hữu dục, dĩ quán kỳ khiếu. Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh, đồng vi chi huyền”. Lão tử cho rằng ý niệm dục của con người chính là nguồn gốc sinh vạn vật, đời sống thường nhật của con người đều bị dục vọng chi phối, khi không có niệm dục là một trạng thái hổn độn diệu huyền, cả hai dục và vô dục tuy là khác tên nhưng cũng đều từ “huyền” mà sanh ra, Huyền cũng chính là Đạo. Vào thời cổ đại “ Huyền” tức là màu đen sẩm, Lão Tử dùng nó để diễn đạt trạng thái của huyền diệu.
Đệ nhất nghĩa đế của Phật Giáo thì như thế nào? Mặc dù trong kinh Duy Ma, Bồ Tát Văn Thù hỏi thế nào là đệ nhất nghĩa đế, Thì ngài Duy Ma im lặng. Đức Phật cũng đã khẳng định trong bốn mươi chín năm không nói một lời, nhưng hoàn toàn không phải là trạng thái mơ hồ hổn độn. Đệ nhất nghĩa đế phải bao hàm ý nghĩa bổn tịnh và bổn giác, bổn tịnh là dứt sạch mọi nhiểm ô, hoàn toàn thanh tịnh; bổn giác là trí tuệ bát nhả, thấu triệt thật tướng các pháp. Ngài Huệ Khả nói là “liễu liễu thường tri”. Ngài Huệ Năng thì đề xướng định huệ đồng thời. Như thế Đệ nhất nghĩa đế không thể nào tương ưng với chữ “Đạo” của Lão Tử.
VÔ CỦA LÃO VÀ KHÔNG CỦA PHẬT
Lão Tử nói “VÔ” tức là xa lìa vật dục của thế gian,một ai đó còn tìm cầu vật chất phù hoa thì không thể nào tương ưng với “Đạo”.Trung Quốc có một câu nói:”làm giàu thì bất nhân”.Đạo Đức kinh nói: “Họa mạc đại ư bất tri túc; cữu mạcđại ư dục đắc”.Lão Tử cho rằng dục là nguồn gốc của tai họa,nguyên nhân của chiến tranh cũng từ dục mà sanh ra.Lão Tử Chủ trương buông bỏ vật dục ở thế gian thì mới đạt đến cảnh giới vô vi, “tổn chi hựu tổn,dĩ chí vô vi”. Hơn thế nữa,đối với Lão Tử sở học của thế tục chẳng những không thể nào tương ưng với “đạo”, mà còn quay lưng với đạo, “Vi học nhựt ích, vi đạo nhật tổn”. Thánh nhân thời xưa không truy cầu học vấn mà lại thông suốt tri thức của thế tục, “bất xuất hộ, tri thiên hạ; bất khuy dũ,kiến thiên hạ”. Tức là không ra khỏi cửa mà vẫn biết thiên hạ, không nhìn ra cửa sổ mà vẫn thấy thiên hạ. Thế thì chữ vô của Lão Tử chuyên phá trừ tất cả danh tướng của thế tục, bất cứ cảm quan nào cũng không thể tiếp cận, bất cứ khái niệm nào cũng không thể diễn đạt nó một cách rõ ràng.
Chữ “không” của Phật Giáo thì sao? Mặc dù Trung Quán nói, “ tâm hành ngôn ngữ đoạn”, nhưng không có nghĩa là phủ nhận ngôn ngữ. Bởi vì thừa nhận ngôn ngữ là sẽ rơi vào chấp có, còn phủ nhận ngôn ngữ sẽ lọt vào chấp không. Chữ “không” của Phật Giáo thì vượt ngoài chấp có và chấp không. Trung Quán nói: “Chư pháp thật tướng, tâm hành ngôn ngữ đoạn, bất sanh diệc bất diệt, tịch diệt như niết bàn.”Cũng câu nói này, có người cho rằng Chữ “không” của Phật Giáo là phủ nhận ngôn ngữ. Thế thì khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ thì diệt mất chữ “không” của Phật Giáo, nhưng phủ định nó càng không khế hợp. Cho nên câu sau của Trung Quán khẳng định, “không sanh cũng không diệt”, không sanh là phá chấp thường, không diệt là phá chấp đoạn.Từ đó “Thật tướng không” nhất định không rơi vào ngôn ngữ nhưng cũng lì̀a ngôn ngữ. Kinh A Hàm nói: “Phật pháp bất ly thế gian pháp.” Chính vì thế Chữ “không” của Phật giáo không tách rời lý duyên khởi, Chân không mà duyên khởi thì làm sao rơi và đoạn diệt. Đạo Đức Kinh nói: “Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật.” Nếu nói như thế, cũng không thể tương ưng với lý duyên khởi, Lý duyên khởi của Phật giáo cho rằng bất cứ một sự vật nào, cũng không thể do một nhân tố tạo thành, thậm chí nếu chúng ta xác định hai hoặc ba nhân tố tạo thành nó, cho đến xác định mười nhân tố tạo thành nó, càng không phải là lý duyên khởi của Phật Giáo. Bởi vì nếu chúng ta xác định như thế thì lý duyên khởi đã bị hạn chế, nó trở thành lý duyên khởi của tư duy cá nhân, chứ không phải là duyên khởi của Phật giáo. Kinh Hoa Nghiêm nói: “ Trùng trùng duyên khởi”. Câu nói này đã chứng minh cho tính không giới hạn của duyên khởi luận Phật giáo.
BẤT NHÂN VÀ TỪ BI
Lão Tử đề xướng bất nhân cũng có ý nghĩa đặc thù. Đạo Đức kinh nói: “thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi thảo cẩu. Thánh nhân bất nhân dĩ bách tánh vi thảo cẩu”. Tức là thiên địa đối vạn vật như chó bện bằng cỏ; thánh nhân đối với bách tánh cũng như thế. Nhưng thiên địa hay Thánh nhân thật không có tình cảm bình thường như người khác. Vạn vật đều có quy luật nhất định, chính vì thế “bất nhân” của Lão tử là để cho vạn vật thuận với tự nhiên, nhân hay là bất nhân chỉ là tên gọi do con người đặt ra mà thôi. Thiên địa đối với vạn vật đều đồng một thể tánh, người động vật hay cỏ cây đều như nhau không có phân biệt. Thánh nhân đối với người đời, giàu sang nghèo hèn đều như nhau, không có ý niệm thương yêu hay thù oán. Lão Tử cũng nêu ra “ái”, nhưng chữ “ái” cũng có hàm nghĩa của Đạo Đức kinh, “ái dĩ thân vi thiên hạ, nhược thác thiên hạ”. Tức là xem bản thân của mình như mọi người trong thiên hạ, từ đó mới có thể xem thường danh lợi, nếu được sùng bái cũng không đắc ý, còn như bi phỉ báng cũng không nản lòng. Người như thế mới xứng đáng được bách tánh tín nhiệm.
Từ Bi của Phật Giáo thì như thế nào? Từ bi là một trong những tinh tủy của Phật giáo Đại Thừa, Thiếu vắng từ bi tức là xa lìa bổn tánh, quay lưng lại với con đường thành Phật. Trong cuộc sống hiện nay, nếu không có từ bi, giống như ban ngày thì không có mặt trời , ban đêm thì không có mặt trăng. Từ bi được phổ cập trong cuộc sống của thế nhân, thì con người sẽ biết khoan dung và tha thứ lẫn nhau. Nhưng mà từ bi của Phật Giáo lại có ý nghĩa hết sức sâu xa. Nó vượt qua tình cảm bình thường giữa con người đối con người. Một người bình thường không thể nào hiểu thấu hạnh từ bi của các vị Bồ tát. Cho nên trong kinh nói: “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc; bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ”. Tức là có thể đem đến sự an vui cho chúng sanh mới gọi là “Từ”, Có thể bứng gốc cội nguồn đau khổ của chúng sanh mới gọi là bi. Nhưng cội nguồn của đau khổ không phải sanh lão bịnh tử, cầu bất đắc,ái biệt ly,oán tắng hội và ngũ ấm xí thạnh; càng không phải là nổi khổ của sự đói cơm rách áo. Mà nguồn gốc của đau khổ chính là “vô minh”.
Do vô minh mà chúng ta luân hồi trong lục đạo, do vô minh mà chúng ta trầm luân trong biển khổ, không biết đến bao giờ mới thoát ra khỏi. Muốn bứng sạch gốc rể của vô minh, là phải phát sanh trí tuệ. Trí tuệ ở đây không phải là trí tuệ trong Đạo Đức kinh, mà là trí tuệ bát nhả tận trừ các thứ lậu hoặc nhiểm ô. Lão Tử nói trong Đạo Đức kinh: “Trí tuệ xuất, hữu đại ngụy”. Trí tuệ trong lãnh vực này là trí ngụy xảo, cho nên nó mới gây ra sự đảo điên dối trá. Ý nghĩa và cách dùng từ của đôi bên không giống nhau. Cho nên Từ bi không thể tách rời trí tuệ bát nhả, đồng thời cũng không thể thiếu vắng dũng khí. Chính vì có dũng khí cho nên không có khiếp sợ mọi gian nan chướng ngại. Cũng chính vì có dũng khí , các vị Bồ Tát không ngại phát nguyện trở lại cõi ta bà này, hay vào tận nơi địa ngục để nhiếp hóa và phổ độ chúng sanh. Đây chính là tinh thần Bi Trí Dũng của Phật Giáo.
Tóm lại, Phật giáo và tư tưởng của Lão Tử tuy có những chỗ không giống nhau, nhưng tư tưởng của đôi bên đều có giá trị thiết thực đối với nhân sinh. Chúng ta không thể đứng trên lập trường của tôn giáo này đi phê phán tôn giáo bạn. Vì như thế chúng ta không thể lãnh hội những nét đặc trưng của mỗi tôn giáo. Bài viết này chúng tôi cố gắng khách quan tìm ra những tư tưởng hiện thực, nêu ra những triết lý sâu xa của đôi bên. Mặc dù đã cố gắng nhưng không làm sao tránh khỏi những lỗi lầm phiếm diện. Rất mong các bậc thạc đức cao minh chỉ điểm và tha thứ.
Thích Chiếu Sáng