Ở xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình có một ngôi chùa ấm áp và thân thiện với người dân cả 3 xã Đông Hòa, Đông Thọ và Đông Dương. Đó là chùa Cát Hộ. Lần về thăm quê đầu năm nay tôi đã tìm về với ngôi chùa mà đã để lại nhiều ấn tượng trong tuổi thơ của tôi. Tôi tình cờ thấy 1 cậu bé rất đáng yêu chạy nhảy khắp chùa, quét sân, rửa đồ thờ. Cậu còn bé lắm. Hỏi ra mới biết cậu bé này có một sở thích thú vị: thích sống ở chùa hơn ở nhà.
Sư bà Đàm Thảo – trụ trì chùa Cát Hộ cho biết mẹ cháu đi lao động ở Mã Cao. Cháu lại không có bố nên được gửi vào chùa. Cái may mắn rằng cháu được vào chùa nên số phận được thay đổi. Cháu được nhà chùa cho nhập hộ khẩu, được cho đi học, được yêu thương và chăm sóc. Sư bà Đàm Thảo thấy phước đức của cháu lớn quá, được trời cứu cho nên quyết định đặt tên cho cậu bé này là Thiên Phúc.
Thiên Phúc năm nay 9 tuổi nhưng cậu mới học lớp 2. Do đi theo mẹ bôn ba kiếm ăn ở nhiều nơi nên cậu bé không được đi học. Cũng may mà cậu được nhà chùa nhận nuôi và cho nhập hộ khẩu nên mới được đi học. Nhà cậu ở tận xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, nơi cách khá xa chùa Cát Hộ.
Tôi có may mắn gặp cậu bé Thiên Phúc 3 lần. Lần đầu ở chùa và 2 lần sau cháu xuống tận ngôi nhà bố tôi đang sống, lúc tôi về quê thăm nhà để thăm tôi. Lần nào xuống Thiên Phúc cũng rất lễ phép chắp tay búp sen niệm “A Di Đà Phật” để chào bố tôi, tôi và những người mà cậu bé gặp. Cậu cười rất tươi. Cậu được sư cô Diệu Thư chở xuống chơi với tôi.
Khi tôi hỏi, mấy giờ Thiên Phúc ngủ dậy, cậu bé bảo rằng cậu ngủ dậy khi nào bác Diệu Thư dậy (Cậu gọi sư cô Diệu Thư là bác). Ngủ dậy và cậu theo sư cô lên chánh điện để tụng kinh, niệm Phật. Tôi giật mình, cậu bé học lớp 2 mà dậy sớm vậy ư. Chẳng bù cho những cháu bé khác, buổi sáng oằn mình trên giường, bố mẹ dỗ dành, thậm chí thúc dục mãi, hò hét mãi mà không chịu dậy. Mà bạn biết đấy, ở chùa thường dậy rất sớm, quãng 4 giờ sáng.
Thiên Phúc kể với tôi rằng cậu biết tụng kinh, biết thỉnh chuông và biết cả gõ mõ nữa. Tôi chứng nhận chuyện cậu kể là có thật vì lần trước lên chùa Cát Hộ vào tầm chiều tối và thấy sư cô Diệu Thư thỉnh chuông còn cậu ngồi ngay phía dưới để đọc những câu kệ. Tôi đứng quan sát và thấy rằng cậu đọc còn chưa trôi chảy nhưng giọng đọc rất dứt khoát và có hồn. Nói thật là tôi rất thích được ngắm nhìn các chú điệu nhỏ, những em bé ngồi tụng kinh, gõ mõ hay đọc những câu kệ. Những hình ảnh đẹp này luôn in sâu đậm trong tâm trí tôi.
Khi tôi hỏi trong chùa có những ai sống cùng, Thiên Phúc cho biết rằng có cụ, có thầy An, có bác Thư và thầy Huyền. Tôi hiểu ngay cụ mà cậu nói ở đây chính là sư bà Đàm Thảo trụ trì chùa. Ngoài ra còn có 3 sư cô nữa. Tuy nhiên riêng sư cô Diệu Thư thì cậu bé lại gọi là bác. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao.
Như hiểu ý tôi, cậu kể chuyện rằng cậu ngủ cùng phòng với bác Thư. À thì ra vậy. Ngày mới vào chùa cậu ngủ cùng sư cô Diệu Thư, nhưng khi lớn dần lên, để tập tính tự lập cho Thiên Phúc, sư cô Diệu Thư cho cậu ngủ riêng. À ra vậy nên có lẽ cậu gắn bó với sư cô Diệu Thư hơn. Mà cũng đúng thôi bởi sư bà Đàm Thảo trụ trì nhiều chùa và sư bà cũng chưa bao giờ ngủ lại qua đêm ở chùa Cát Hộ. Hơn nữa Sư cô An lại đang đi học ở Nha Trang. Buổi tối ở chùa Cát Hộ chỉ có 2 sư cô mà sư cô Huyền thì bận nhiều việc nên việc chăm sóc cu cậu dĩ nhiên thuộc về sư cô trẻ nhất là Diệu Thư.
Thiên Phúc kể cho tôi rằng hàng ngày cậu tự đi bộ đến trường học. Trường cách nhà có ít bước chân thôi. Tuy nhiên các buổi đi học thêm thì có sư cô Diệu Thư chở đi và đón về. Được biết cậu đi học muộn, học lại yếu nên được kèm thêm 2 môn là toán và tiếng Việt.
Thiên Phúc ý thức rất rõ rằng em có mẹ. Cậu nhắc đi nhắc lại với tôi rằng mẹ cậu đi làm ở Mã Cao. Tuy nhiên cậu nói với tôi rất dứt khoát rằng cậu chỉ thích sống ở chùa thôi. Thiên Phúc thích sống ở chùa chứ không thích ở nhà. Khi tôi hỏi tại sao thích sống ở chùa thì cậu không trả lời được. Tuy nhiên Thiên Phúc nói rằng cậu thích ăn chay từ nhỏ và chỉ ăn chay thôi. Điều này cũng được sư cô Diệu Thư xác nhận. Tôi ngẫm trong đầu – chắc con có duyên với Phật từ kiếp trước!
Tôi có cảm giác rằng Thiên Phúc rất có cơ hội trở thành một nhà sư trong tương lai. Cậu rất thích xem phim Phật giáo, rất thích đọc và nghe về cuộc đời Đức Phật. Cậu luôn mong đến tối để được lên chánh điện tụng kinh cùng với sư cô Diệu Thư.
Thiên Phúc kể cho tôi nghe về những việc em tự nguyện làm để giúp đỡ nhà chùa. Đó là nấu cơm, quét sân. Em kể rằng em biết bê nồi cơm. Em biết sắp cơm. Thiên Phúc ăn chay, tức ăn rau, củ quả nhưng vẫn thích ăn trứng. Và em biết làm món trứng. Thật là tự lập với cậu bé 9 tuổi học lớp 2.
Tôi hỏi đùa rằng liệu Thiên Phúc có nên gọi sư cô Diệu Thư làm mẹ hay không vì tôi thấy sư cô chăm sóc em rất tốt, cậu trả lời “Hoặc là có hoặc là không” rồi chạy ra ngoài vườn chơi.
Tôi thật sự muốn tặng cho cậu bé một món quà, ví dụ một chiếc xe đạp chẳn hạn. Tuy nhiên cậu luôn từ chối. Cậu luôn nói rằng không muốn nhận quà. Bất cứ món quà nào tôi đưa ra, dù rằng tôi cảm giác rằng rất hấp dẫn đối với con trẻ nhưng cậu bé luôn từ chối. Thiên Phúc quả là món quà trời cho. Thiên Phúc quả thật là rất đặc biệt và có phước.
Tôi hỏi rất nhiều lần về mơ ước của Thiên Phúc trong tương lai, cậu ta đều lắc đầu. Tôi nghĩ rằng có thể cậu không hiểu ý tôi nhưng tôi vẫn cứ gặng hỏi vài lần. Cuối cùng cậu nói rằng cậu muốn là người tốt. Tôi giật mình. Những người ngồi quanh tôi cũng giật mình.
Có một chi tiết rất thú vị rằng tôi có tặng sư cô Diệu Thư cuốn sách mỏng của tôi “Happy Book – Hạnh phúc mỗi ngày”. Thế là cậu cầm ngay lên để đọc. Cậu đọc và còn gật gù khen hay. Khuôn mặt cậu non choẹt, tâm hồn cậu trong sáng nhưng cái cách cậu gật gù và cách phát âm câu khen sao mà thấy cậu già dặn đến thế.
Tôi ghi lại đây câu chuyện 1 cậu bé có hoàn cảnh gia đình khó khăn được mẹ gửi vào chùa để đi làm ăn xa nhưng rất có tâm phật. Tình yêu thương và trìu mến của Thiên Phúc với sư cô Diệu Thư và nhà chùa mà tôi quan sát được làm tôi ấm lòng lắm. Có một thứ tình cảm đặc biệt ở đây. Có một sợi dây nào đó rất đặc biệt ở đây. Có nhưng tấm lòng và những trái tim xen sâu vào cuộc đời cậu bé Thiên Phúc.
Rồi đây Thiên Phúc được nuôi lớn trong môi trường tinh khiết và trong sáng của nhà chùa. Rồi đây khi lớn lên em đã quen với tiếng chuông tiếng mõ, em sẽ thuộc những bài kinh, câu kệ. Rồi đây em sẽ là 1 người thanh niên ăn chay trường. Rồi đây ước nguyện của em được làm người tốt sẽ thành hiện thực. Rồi đây dù em có xuấ gia thành 1 vị tăng hay đơn giản sẽ sống đời sống của 1 vị phật tử tại gia thì cuộc đời em cũng đã rẽ sang 1 hướng khác.
Không biết chuyện em sinh ra trong một gia đình khó khăn không có bố, mẹ phải gửi vào chùa để đi kiếm sống nơi xa là chuyện xui hay hên, may hay rủi. Nhưng chắc chắn có nhiều người nghĩ rằng Thiên Phúc kém may mắn. Tuy nhiên tôi lại nghĩ khác: Thiên Phúc thật may mắn khi có thêm người mẹ thứ 2, có thêm ngôi nhà thứ 2, mà như em nói , em thích sống ở chùa. Tôi nghĩ rằng em may mắn có 1 hoàn cảnh như vậy để được sống ở chùa, cùng quý sư cô, để được giáo dục và trưởng thành dưới ánh sáng của đức Phật.
Tôi nhắm mắt lại và nghĩ về chữ hiếu nhân mùa vu lan đang đến dần. Tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng về một nhà sư Thích Thiên Phúc sau hơn chục năm nữa. Không thể coi thường 1 đốm lửa nhỏ, 1 con rắn nhỏ và 1 nhà tu trẻ được đâu.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng