Mục Lục
Lý Mậu ở lại Kinh đô đã hơn sáu tháng nay rồi, và mỗi ngày thêm được vua Ðột Quyết tin dùng. Nghe theo lời xúi dục của Lý Mậu, vua quyết định sẽ truyền lịnh đập phá, chùi rửa tất cả những vật dụng có ghi khắc bài học ngàn vàng trong các cung điện. Quyết định ấy đã làm cho triều đình chia làm hai phía chống đối nhau rõ rệt: một phái đứng về phía đại thần Lý Bá, và đạo sĩ Lý Mậu, và một phái đứng sau lưng Thừa tướng Hoàng Cái. Thừa tướng đã cực lực phản đối quyết định thủ tiêu bài học ngàn vàng của vua. Nhưng vua đã nổi giận đòi cất chức Thừa tướng, nếu Hoàng Cái cứ một mực chống đối lịnh của Ngài. Hoàng Cái buồn rầu,mất ăn bỏ ngủ và không thiết vào triều nữa. Nhưng vua có vẻ không thiết đến sự hiện diện của quan Thừa tướng ở trong các buổi chầu. Bên cạnh ngài đã có Lý Bá và Lý Mậu làm quân sư. Tất cả những việc lớn nhỏ trong hoàng cung, vua đều làm theo ý kiến của hai người họ Lý ấy cả. Vua hoàn toàn bị Lý Mậu thu hút, sai sử không còn tự chủ được nữa. Phe Hoàng Cái cho rằng vua bị Lý Mậu mê hoặc vì bùa phép; trái lại phe Lý Mậu thì lại bảo rằng Hoàng Cái vì bất lực không được vua tin dùng nữa, nên bất mãn, ganh ghét, gièm pha bọn Lý Mậu.
Từ ngày bị Lý Mậu mê hoặc, vua không còn nghĩ nhớ đến "Bài học ngàn vàng" nữa. Tất cả mọi việc đều ỷ lại có Lý Mậu giải quyết, sắp xếp dùm, khỏi phải mệt trí suy nghĩ đến hậu quả của mọi việc mình làm. Mỗi ngày vua cứ say mê theo bùa phép, phù chú của Lý Mậu, không thiết gì đến việc nước việc dân.
Vua hy vọng một ngày kia, khi sự tu luyên của mình thành công, mình có thể trị vì đất nước mình bằng phép thuật, thần thông biến hóa, lấy đậu xanh đậu đỏ làm âm binh, sai sử loài ác thú như cọp beo, rắn rít đi đánh giặc; nếu trời làm đại hạn, thì mình làm mưa cho dân cày bừa, nếu trời làm lụt thì mình gọi rồng đến hút nước; mình có thể xử kiện bằng cách dùng "kính chiếu nguyên hình" để xem ai gian ai ngay, ai phải ai trái ...
Ðó là những hy vọng, những ước nguyện mà Lý Mậu mớm cho vua trong những cuộc đàm đạo; chàng ta thường khoe khoang rằng mình có thể làm được những điều đó, nhưng vua chưa bao giờ được thấy tận mắt những phép thuật ấy. Một đôi khi vua giục Lý Mậu thực hiện cho ngài xem một vài phép thuật. Lý Mậu chối từ, bảo rằng phép mầu chỉ nên dùng khi cần thiết, chứ không thể đem ra để khoe khoang hay để xem cho vui mắt được. Tuy thế, chiều lòng vua, thỉnh thoảng Lý Mậu cũng trổ tài tu luyện của mình bằng cách sai sử các con thú dữ trong đoàn thú của mình. Một hôm vua đi dạo sớm một mình ngang qua chuồng thú của Lý Mậu, bỗng hai con sư tử lớn nhảy xổ ra, vua hoảng hốt vừa chạy vừa kêu cầu cứu, hai con sư tử hầm hừ đuổi theo, Lý Mậu nghe thấy tiếng kêu, chạy đến, rút cái giải lụa điều trong đãy ra, đánh "đét" một cái, hai con sư tử bỗng dừng lại, đứng ngoe nguẩy đuôi rồi quỳ xuống trước mặt Lý Mậu. Chàng ta bảo hai con sư tử đến xin lỗi vua. Chúng đến bên vua, nằm ngửa ra, chắp hai chân trước vái vái mấy cái. Vua được thoát hiểm, lại thấy oai lực của Lý Mậu đối với con thú dữ, càng thêm khâm phục tài năng tu luyện của chàng. Ðiều mà Lý Mậu ít khi chối từ mỗi khi vua yêu cầu là cho soi "kính hiện nguyên hình". Vua thiết tha mong muốn có được một tấm kính như vậy, nhưng Lý Mậu bảo rằng cần phải tu luyện, dày công mới có thể tạo được cái loại kính ấy. Trong khi vua chưa có thể tự mình chế ra được vì sự tu luyện còn non, thì tạm thời Lý Mậu cho ngài mượn cái kính của mình; nhưng mỗi khi vua muốn soi vào người nào, vật gì thì phải có Lý Mậu đứng ở bên cạnh, bắt ấn và niệm chú trước; nếu không thi vua không thấy gì khác lạ cả. Các quan triều thần, nhất là các quan thuộc phe của Thừa tướng Hoàng Cái đều bị vua soi cả; và mỗi lần soi như thế, vua ngao ngán thấy hiện lên trong kính hình một con khỉ, một con heo, một con dê hay môt con ngựa ...
Có một hôm vua không thể giữ được bí mật, nói thật sự trần truồng ấy cho Thừa tướng Hoàng Cái rõ. Hoàng Cái giận lắm, nhất định không tin, đòi cho mình được xem tận mắt sự thật ấy. Vua nài nỉ mãi, Lý Mậu mới chịu để cho Hoàng Cái nhìn vào kính. Hoàng Cái chăm chú nhìn qua cái vòng tròn bằng sắt có những cái giải lụa ngũ sắc vấn ở chung quanh nhưng không thấy gì khác hơn là bộ mặt quen thuộc hằng ngày của các đình thần, mặc dù bên tai mình tiếng Lý Mậu niệm chú mỗi lúc mỗi nghe rõ. Hoàng Cái bỗng phát cười, cười ngất, cười rũ rượi. Vua và Lý Mậu ngạc nhiên nhìn sững Thừa tướng, e ngại ... Vua hỏi:
- Thừa tướng nhìn thấy gì mà khoái trá dữ vậy?
- Tâu Hoàng Thượng, thần không thể nói ra được.
- Vì sao?
- Tâu, vì sợ lậu thiên cơ.
Vua xây lại phía Lý Mậu, hỏi:
- Có thể nói ra mà không lậu thiên cơ không?
Lý Mậu suy nghĩ một hồi, rồi trả lời:
- Nếu nói cho thần nghe một mình thì không lậu thiên cơ.
Hoàng Cái cãi:
- Nói cho đạo sĩ, thì tưởng không cần thiết, vì đạo sĩ có thiên nhãn thông, chắc đã thấy rồi. Nếu có cần nói thì nói cho Hoàng Thượng biết mà thôi. Thần tưởng nếu Hoàng Thượng không nói lại cho ai biết thì chắc cũng không lậu thiên cơ.
Vua Ðột Quyết hứa sẽ hoàn toàn giữ bí mật, và nghiêng tai về phía Hoàng Cái. Hoàng Cái nói nhỏ vào tai vua, nhưng Lý Mậu cũng lắng nghe được:
- Tâu Hoàng Thượng, thần nhìn qua tấm kính, soi tất cả đình thần nhưng nhìn ở đâu cũng chỉ thấy một con khỉ đột, mà mặt mày lại giống in hệt đạo sĩ.
Lý Mậu tức giận xám mặt, bỏ cái kính hiện nguyên hình vào đãy, xô ghế đứng dậy. Vua vừa tức giận Hoàng Cái, vừa lo sợ Lý Mậu giận bỏ về núi, truyền lịnh bãi chầu.
Quả nhiên Lý Mậu truyền đệ tử sắp đặt trở về núi Bảo Trúc thật! Vua được tin vô cùng bối rối, sang tư dinh Lý Mậu, năn nỉ đạo sĩ ở lại. Lý Mậu bảo rằng: trước một sự nhục mạ như vậy, mình không thể hành đạo được nữa. Vua hứa sẽ cất chức Thừa tướng Hoàng Cái và giao phó chức ấy cho Lý Bá, đạo sĩ Lý Mậu mới chịu ở lại.
Vua thực hành theo đúng lời hứa của mình. Từ đấy Hoàng Cái chỉ giữ chức Binh Bộ đại thần, còn chức Thừa tướng thì Lý Bá đảm nhiệm. Và cũng từ ngày ấy, sự hiềm khích giữa hai nhóm Lý Mậu và Hoàng Cái lại càng quyết liệt và chờ ngày bùng nổ