Mục Lục
Ngày nay Đại chúng đồng ngiệp trong đạo tràng lắng tai nghe kỹ lời kinh dạy sau đây:
“Còn phàm phu thì gọi là buộc. Đã chứng quả Thánh thì gọi là giải”.
Buộc tức là kết quả ác của hành động bạo ác của ba nghiệp ác đã gây ra. Giải tức là quả báo lành vô ngại giải thoát của ba nghiệp lành đã gây ra.
Hết thảy Thánh nhơn đều để lòng nơi đạo giải thoát, và nhờ thần thông trí huệ, vô lượng pháp môn, nên Thanh nhơn thấy hết thảy nghiệp báo thiện hay ác của tất cả chúng sanh.
Các Ngài hay dùng một thân hiện ra vô lượng thân, hay dùng một hình hiện ra vô lượng hình; có thể rút ngắn một kiếp làm một ngày; có thể kéo dài một ngày làm một kiếp. Muốn đình thọ mạng thì vĩnh viễn không diệt độ; muốn thị hiện vô thường thì nhập niết bàn; thần thông trí huệ, vào ra tự tại, bay đi tùy ý, ngồi nằm trên không. Đi đứng dưới nước như ở trên khô, không thấy nguy hiểm. Lấy cảnh vắng lặng , viên tịch niết bàn làm chỗ nghỉ ngơi thông đạt vạn pháp, có không điều rõ biết, biện tài thành tựu, trí huệ vô ngại.
Những pháp lành ấy không phải từ trong nghiệp ác mà ra, không phải từ trong tham sân tật đố mà ra; không phải từ trong ngu si tà kiến mà ra; không phải từ trong lười biếng mà ra, không phải từ trong kiêu mạn, tự cao tự đại mà ra. Các pháp lành ấy chỉ trừ trong sự thận trọng không làm ác mà ra; các pháp lành ấy đều do các nghiệp lành mà ra.
Không nơi nào có người tu các nghiệp lành, vâng lời Phật dạy mà mắc phải ác báo, bần cùng xấu xa tàn tật, bệnh hoạn, không được tự do, thấp hèn bị kẻ khác khinh chê, lời nói không ai tin dùng bao giờ.
Nay đem thân tôi để làm chứng (lời tác giả). Nếu có người nào vâng lời Phật dạy, tu các công đức, không ích kỷ hại nhơn mà bị quả báo xấu ác thì thà để tôi bị đọa vào a tỳ địa ngục chịu thống khổ, chớ để cho người làm lành kia chịu quả báo xấu ác thì phi lý.
Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng muốn bỏ phàm làm Thánh thì nên y lời Phật dạy, như lý mà tu hành. Không nên từ chối một việc khổ nhỏ mà sanh tâm lười biếng nên tự nỗ lực cố gắng sám hối cho tiêu tội lỗi.
Trong kinh Phật dạy: “Tội do nhơn duyên mà sanh thì cũng do nhơn duyên mà diệt”.
Đang còn thân phàm thì gặp cảnh sanh mê tâm. Vậy ngoài phương pháp sám hối ra, không có phương pháp nào hơn nữa để mong giải thoát.
Ngày nay Đại chúng phải cùng nhau phát khởi tâm dõng mãnh, phát khởi ý sam hối.
Sức mạnh của pháp sám hối không thể nghĩ bàn. Vì sao mà biết? – Vì vua A xa Thế phạm đại tội ngũ nghịch ([23]), nhưng sau vua biết sanh tâm hổ thẹn, tự trách, tự ăn năn, nên tội nặng thành nhẹ.
Vả lại pháp sám hối nầy khiến người tu hành được an vui. Nếu có người nào tự mình hay định thời khóa, nỗ lực hết lòng, khấu đầu lễ bái, sám hối, quy y cho đến khi hoàn toàn trong sạch mà không cảm được mười phương Phật thì không có lý.
Ác nghiệp và quả báo theo nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, không sai mảy may, cho nên phải hết lòng sợ hãi, cố gắng chịu khổ mà sám hối.
Mọi người đều nên một lòng tha thiết gieo mình xuống đất như núi Thái sơn sụp đổ, tâm niệm miệng nói lời nầy: để cầu thỉnh mười phương chư Phật gia tâm thương xót.
Nguyện xin chư Phật cứu chúng con ra khỏi khổ ách; dủ lòng đại bi che khắp tất cả. Phóng hào quang thanh tịnh, soi khắp mười phương; diệt sạch mê mờ và trừ si ám. Nghĩ đến chúng con và các chúng sanh đang bị đọa đầy, trong địa ngục đau khổ. Xin Phật đến đây, cứu vớt chúng con. Ban bố hạnh phúc cho chúng con được thoát khổ.
Chúng con nhất tâm đầu thành đảnh lễ, Đấng Đại từ bi nghe tên liền cứu khổ. Nay chúng con nhất tâm quy y Đấng Thế gian Đại Từ Bi Phụ.
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích ca Mâu Ni Phật
Nam mô Kim cang bất hoại Phật
Nam mô Bảo Quang Phật
Nam mô Long Tôn vương Phật
Nam mô Tinh Tấn Quân Phật
Nam mô Tinh Tấn hỷ Phật
Nam mô Bảo Hỏa Phật
Nam mô Bảo Nguyệt Quang Phật
Nam mô Hiện vô Ngu Phật
Nam mô Bảo Nguyệt Phật.
Nam mô Vô Cấu Phật
Nam mô Ly Cấu Phật
Nam mô Sư Tử Phan Bồ tát
Nam mô Sư Tử Tác Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát
Lại quy y như vậy mười phương tận hư không giới hết thảy Tam bảo, nguyện xin Tam bảo quyết định đến đây cứu vớt chúng con, đang bị đọa đày bởi tham sân si, làm đau khổ, nguyện cho chúng con được an vui và được đại Niết bàn; nguyện xin lấy nước đại bi tẩy trừ tội lỗi cho chúng con được thanh tịnh mau chứng quả bồ đề. Bốn loài chúng sanh trong sáu đường, nếu có một chúng sanh nào mắc phải tội lỗi, đều được nhờ Tam bảo mà thanh tịnh; đều được thành tựu quả vô thượng bồ đề, thành bậc chánh giác, hoàn toàn giải thoát.
Đại chúng cùng nhau một lòng tha thiết, đầu thành đảnh lễ, tâm niệm miệng nói lời nầy:
Đệ tử chúng con tên . . . từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, bị vô minh che lấp tâm tánh, bị ái nhiễm ràng buộc, nên tinh thần sa vào lưới ngu si, loanh quanh ba cõi, cùng khắp sáu đường, chìm đắm bể khổ, không có ngày ra; không thể biết được nghiệp đời trước của mình, không thể hiểu được nhơn duyên đã qua. Hoặc mình tự phá tính mạng và phá tính mạng của người. Mình tự phá phạm hạnh và phá phạm hạnh của người. Mình tự phá tịnh giới và phá tịnh giới của người.
Tội ác như vậy vô lượng vô biên, ngày nay hổ thẹn sám hối nguyện xin trừ diệt.
Đệt tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ sát đất, cầu xin sám hối, những tội lỗi từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, do thân khẩu ý tạo ra mười ác nghiệp.
Thân sát đạo, dâm, miệng nói láo, nói lời thêu dệt, nói lời hai lưỡi, nói lời độc ác, ý tham sân si. Mình tự làm mười điều ác dạy người làm mười điều ác, khen ngợi người làm mười điều ác. Như vậy trong một khoảnh khắc trong một niệm tâm, khởi ra bốn mươi điều ác.
Những tội như thế vô lượng vô biên, ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.
Đệ tử chúng con tên . . . lại chí tâm đảnh lễ sat đất, cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay.
Nương nơi sáu căn rồi phát ra sáu thức, chấp lấy sáu trần. Mắt đắm sắc, tai ưa tiếng, mũi trước hương, lưỡi ưa vị, thân ưa trơn láng, mịn màng, ý ưa pháp trần. Sáu căn ấy sanh ra bao nhiêu tội nghiệp, mở cửa cho tám vạn bốn ngàn trần lao. Tội ác như vậy vô lượng vô biên ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Đệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ, cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, do thân, khẩu, ý gây ra nhiều nỗi bất bình, như chỉ biết có thân mình, không biết có thân người, chỉ biết có mình khổ, không biết có người khổ, chỉ biết có mình cầu an vui, không biết có người cầu an vui, chỉ biết có mình cầu giải thoát, không biết có người cầu giải thoát. Chỉ biết có gia đình mình, có quyến thuộc mình, không biết có gia đình người, có quyến thuộc người, chỉ biết thân mình hơi ngứa một chút, hơi đau một chút đã chịu không nổi, thế mà khi làm cho thân người khác đau thì sợ họ không đau, ít đau, không thấm thía, chỉ biết sợ khổ một chút nơi đời hiện tại mà không biết sợ khổ vô lượng kiếp nơi đời vị lai. Bởi vì làm ác chết rồi phải đọa vào địa ngục, chịu đủ thống khổ, cho đến không biết sợ khổ vô lượng trong đời ngã quỉ, trong đường súc sanh, trong đường a tu la.
Cõi người và cõi trời cũng có vô lượng thống khổ mà không tự biết, chỉ vì tâm không bình đẳng, có phân bỉ ngã, có niệm oán thân, làm cho oán thù tràn khắp lục đạo.
Những tội như vậy vô lượng vô biên, ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.
Đệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay do tâm điên đảo, nên thường xa lìa bạn lành (thiện tri thức) gần gũi bạn ác, trái nghịch bát chánh đạo, tu theo bát tà đạo, phi pháp nói chánh pháp, chánh pháp nói phi pháp, bất thiện nói là thiện, thiện nói là bất thiện, dựng cờ kiêu mạn, giăng buồm ngu si, theo dòng vô minh vào biển sanh tử.
Những tội như vậy vô lượng vô biên ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Đệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay vì tham sân si khởi ra bốn điên đảo ([24]) tạo nên năm tội nghịch làm đủ mười ác, ba độc hừng hẫy, tám khổ càng nhiều, gieo giống địa ngục bát hàn, bát nhiệt; gieo giống 84.000 ngăn cách địa ngục, gieo giống súc sanh, gieo giống ngã quỷ, gieo giống sanh già bệnh chết, ư bi khổ não ở cõi trời cõi người để chịu quả báo đau khổ, không thể kể xiết, không thể chịu được, không thể thấy được, không thể nghe được.
Những tội ác như vậy, vô lượng vô biên, bgày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.
Đệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ kiếp trở lại cho đến ngày nay, vì ba độc tham sân si ở trong ba cõi, trải khắp hai mươi lăm loài ([25]) khởi ra các tội ác, cùng khắp mọi nơi, thuận chiều gió nghiệp mà . . . không tự biết. Hoặc chướng ngại người trì giới, tu định, tu huệ, tu các công đức, tu các thần thông. Những tội chướng như vậy vô lượng vô biên, chướng bồ đề tâm, chướng bồ đề nguyện, chướng bồ đề hạnh, ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Đệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ kiếp trở lại cho đến ngày nay, vì tâm tham sân si, phát khởi ra sáu thức ([26]), duyên theo sáu trần ([27]), gây tội cho chúng sanh. Hoặc đối với chúng sanh mà khởi tội; hoặc đối với phi chúng sanh mà khởi tội, hoặc đối với người vô lậu ([28]) mà khởi tội, hoặc đối với pháp vô lậu ([29]) mà khởi tội.
Những tội ác như vậy vô lượng vô biên, ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Lại nữa, chúng con vì tâm ngu si mà khởi hạnh điên đảo, tin theo thầy tà, thọ lời tà giáo, chấp đoạn ([30]) chấp thường ([31]) trước ngã ([32]), trước kiến ([33]) làm theo si mê, khởi ra vô lượng tội lỗi.
Những nhơn duyên ấy chướng bồ đề tâm, chướng bồ đề nguyện, chướng bồ đề hạnh, ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Đệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ kiếp trở lại cho đến ngày nay, thân ba nghiệp ác, miệng bốn nghiệp ác, ý ba nghiệp ác, vô thỉ vô minh trú địa phiền não, hằng sa thượng phiền não , chỉ thượng phiền não, quán thượng phiền não, tứ trú địa phiền não, tam độc ([34]), tứ thủ ([35]), ngũ cái ([36]), lục thọ ([37]), thất lậu ([38]), bát cấu ([39]), cửu kiết ([40]), thập sử ([41]). Những phiền não ấy vô lượng vô biên, hay chướng bồ đề tâm, hay chướng bồ đề nguyện, hay chướng bồ đề hạnh, ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt. Đệ từ chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ kiếp trở lại cho đến ngày nay, không hay tu tâm từ bi, không hay tu tâm hỷ xả, không hay tu tâm bố thí, không hay tu tâm trì giới, không hay tu tâm nhẫn nhục, không hay tu tâm tinh tấn, không hay tu tâm thiến định, không hay tu tâm trí huệ, không hay tu hết thảy pháp, trợ bồ đề.
Vì thế nên không có phương tiện, không có trí huệ, làm chướng ngại bồ đề tâm, chướng ngại bồ đề nguyện, chướng ngại bồ đề hạnh, ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.
Đệt tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay, vì tội nghiệp nên cứ xoay vừng trong ba cõi, trải khắp sáu đường, thọ thân bốn loài, hoặc nam hoặc nữ, hoặc phi nam phi nữ, cùng khắp mọi nơi tạo vô lượng tội. Hoặc làm chúng sanh thân hình to lớn ăn nuốt lẫn nhau; hoặc làm chúng sanh thân hình bé nhỏ ăn nuốt lẫn nhau. Những tội sát hại như vậy vô lượng vô biên hay chướng bồ đề tâm, hay chướng bồ đề nguyện, hay chướng bồ đề hạnh. Ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Đệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ khi có tâm thức trở lại cho đến ngày nay, ở trong sáu đường, thọ thân bốn loài. Ở trong bốn loài ấy tạo ra vô lượng vô biên tội ác.
Những tội ác như vậy, chỉ có hết thảy chi Phật chư đại Bồ tát trong mười phương mới thấy hết biết hết. Tội lượng nhiều ít hoặc khinh hoặc trọng như chư Phật và Bồ tát đã thấy đã biết. Ngày nay chí thành, cúi đầu đảnh lễ, hổ thẹn cầu xin sám hối.
Những tội đã làm, nguyện tiêu diệt hết, những tội chưa làm, không dám phạm.
Ngày nay chúng con nguyện xin hết thảy chư Phật trong mười phương dủ lòng đại từ cho đệ tử chúng con tên . . . thành tâm sám hối, nguyện xin đem nước đại bi rửa sạch tội lỗi sai lầm cho chúng con được hoàn toan thanh tịnh, thẳng đến đạo tràng không bị chướng ngại nữa.
Lại nguyện xin hết thảy mười phương chư Phật dùng bất tư nghị lực, bổn thệ nguyện lực, độ thoát chúng sanh lực, phù hộ chúng sanh lực, khiến đệ tử tên . . . ngày nay khởi thệ nguyện, phát tâm bồ đề.
Từ nay trở đi cho đến ngày thành Phật kiến lập đạo tâm được kiên cố, hoàn toàn không trở lại sa đọa nữa.
Những lời thệ nguyện của chúng con cũng đồng như lời thệ nguyện của chư Phật, chư đại Bồ tát đã thật hành thệ nguyện. Nguyện xin hết thảy mười phương chu Phật, chư đại Bồ tát đồng dủ lòng từ bi, đồng gia tâm nhiếp thọ cho chúng con tên . . . được như sở nguyện, mãn bồ đề nguyện. Hết thảy chúng sanh cũng đều được như sở nguyện, mãn bồ đề nguyện.
QUYỂN THỨ NHỨT
--- HẾT ---
CHÚ THÍCH
[1] Tăng thượng mạn: Chưa chứng quả Thánh mà lầm tưởng là đã chứng quả Thánh.
[2] Chỗ sở đắc: Chấp lấy chỗ mình đã chứng, đã ngộ, đã hiểu biết, đã làm xong.
[3] Tà kiến: Nhận thức sai lầm ta vạy; không tin tội phước, không tin nhơn quả, không tin luân hồi v.v...
[4] Tiểu thừa: Cỗ xe nhỏ: có ý chỉ cho giáo lý thấp kém của người trí thức còn kém tu theo giáo lý nầy chỉ trừ ngã chấp, không trừ được Pháp chấp, chỉ chứng đến quả A la hán là cùng. Chỉ độ cho mình, không độ cho người, Như cỗ xe nhỏ chỉ chở một người, đi không xa, chở không nhiều, dằn dẹp không được những đá to lớn, chỉ ép cát sạn thôi.
[5] Đại thừa: Cỗ xe lớn: Chỉ cho giáo lý cao siêu vi diệu, trừ hết Ngã và Pháp chứng đến quả Phật, độ hết chúng sanh. Như cỗ xe lớn, chở nhiều người đi xa, dằn dẹp hết các đá lớn, đá nhỏ.
[6] Sáu đường hay lục đạo:
1.- Địa ngục,
2.- Ngã quỉ;
3.- Súc sanh,
4.- A tu la,
5.- Người,
6.- Trời;
6 loài này cứ loanh quanh trong vòng luân hồi, lên xuống, ra vào, mãi bị sanh tử.
[7] Tứ nhiếp pháp: Bốn phương pháp dùng thâu nhiếp chúng sanh:
1.- Bố thí,
2.- Ái ngữ,
3.- Lợi hành
4.- Đồng sự.
8 Tứ sanh: 4 loài chúng sanh
[9] Bát bộ: Tám bộ:
1.- Thiên: Các vị trời.
2.- Long: Các vị rồng.
3.- Dạ xoa: Quỉ thần bay trên hư không
4.- Càn thát bà: Thần đánh nhạc trời, chỉ sống với mùi hương thơm
5.- A tu la: Quỉ thần gần như các vị trời mà không phải trời, vì không có đức độ mà ưa tranh đấu.
6.- Ca lầu la: Loài kim sí điểu (chim cánh vàng).
7.- Khẩn na la: Thần âm nhạc múa hát của Đế Thích.
8.- Ma hầu la dà: Thần rắn mãng xà.
Tám bộ nầy thường ủng hộ Phật pháp.
[10] Vô minh: Không sáng: Tức là món căn bản phiền não, đến địa vị Phật mới hết.
[11] Tu đa la: Tàu dịch là Khế Kinh: lời Phật dạy hợp lý, hợp tình nên gọi là Khế Khinh.
[12] Đại địa Bồ tát: Bồ tát đông vô số.
[13] Vô trước tứ Sa môn: Các vị tu đã hoàn đến A la hán. 4 thánh quả của tiểu thừa.
[14] Hết nghiệp Hữu lậu: Không còn một giống sanh tử, hành động cũng không còn lọt vào sanh tử nữa.
[15] Cảm ứng tương sanh: Cảm ứng sanh nhau. Nhơn thành quả, quả lại sanh nhơn, không bao giờ cùng.
[16] Hạnh nghiệp: Nghiệp lành nghiệp dữ đã làm ra.
[17] Phấn tảo: Áo do nhiều miếng vải cũ rách người ta bỏ, lượm giặt sạch, may lại mà bận, tu khổ hạnh đầu đà hay mặc áo nầy.
[18] Tứ vô lượng tâm: Từ bi, hỷ xả.
[19] Lục Ba la mật: Tàu dịch là Lục độ: sáu pháp tu để đến bờ giải thoát bên kia.
1.- Bố thí,
2.- Trì giới,
3.- Nhẫn nhục,
4.- Tinh tấn,
5.- Thiền định,
6.- Trí huệ.
[20] Tứ vô ngại trí: Cũng gọi trí Vô ngại biện. - Bốn trí vô ngại của Phật:
1.- Pháp vô ngại: Thông hiểu giáp pháp nên nói cách vô ngại.
2.- Ngĩa vô ngại: Thông hiểu nghĩa lý cao siêu nói cách vô ngại.
3.- Từ vô ngại: Thông suốt ngôn từ của tất cả chúng sanh nên nói cách vô ngại.
4.- Lạc thuyết vô ngại: Hoan hỷ nói pháp cách vô ngại.
[21] Lục thông: Sáu phép thần thông:
1.- Thiên nhãn thông: Mắt thấy thông suốt như mắt các vị trời, không có gì trở ngại, thế giới như vi trần cũng thấy hết.
2.- Thiên nhĩ thông: Tai nghe cách thông suốt, không có gì trở ngại.
3.- Túc mạng thông: Rõ biết các kiếp trước của mình và của c`húng sanh không có gì trở ngại.
4.- Tha tâm thông: Rõ biết được tâm chúng sanh, không có gì trở ngại.
5.- Thần thông túc: Bay đi khắp vô số thế giới không có gì trở ngại.
6.- Lậu tận thông: Tất cả phiền não đều sạch hết, không có gì trở ngại.
[22] Bốn thú: hay 4 ác thú: Tức 4 đường ác: Địa ngục, ngã quỉ, súc sanh, a tu la.
[23] Năm tội ngịch: Giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá hóa hiệp của chúng Tăng, làm cho thân Phật ra máu (phá chùa, phá pháp, phá tượng v.v...)
[24] Bốn điên đảo: 4 lối chấp đối các pháp sanh tử là vô thường, là khổ, là vô ngã, bất tịnh mà phàm phu lại cho là thường, là vui là ngã, là tịnh.
Còn đối với cảnh Niết bàn là thường, vui, ngã, tịnh; hàng Tiểu thừa cho là vô thường, không vui, vô ngã, bất tịnh.
Đoạn hữu vi, chứng vô vi là Nhị thừa. Đoạn cả hữu vi, cả vô vi là Bồ tát.
[25] 25 loài: Cũng gọi là 25 cõi. Nói hẹp thì có 3 cõi, 9 cõi; nói rộng là 25 loài, 4 châu, 4 ác thú và 6 cõi Trời Dục giới là 14 loài. Cộng với Sắc giới 4 cõi thiền thiên và cõi Trời Phạm thiên, cõi trời Vô tưởng và cõi trời Ngũ tịnh cư là 21. Cộng với 4 cõi trời không thiên của Vô sắc giới là 25.
Phạm thiên, Vô tưởng và Tịnh cư đều ở trong cõi Sắc giới tứ thiền. Ngoại đạo chấp Phạm thiên sanh ra vạn vật; Vô tưởng thì chấp là Niết bàn, Tịnh cư cho là chơn giải thoát. – Vì ngoại đạo vọng chấp như thế nên kể riêng ra cho biết đó là tà chấp.
[26] Sáu thức: Sáu cái biết của tai, mắt, mũi, thân và ý.
[27] Sáu trần: Sáu cảnh đối sáu thức: tiếng, sắc, hương, vị, xúc, pháp.
[28] Người Vô lậu: Người đã chứng quả, không còn sanh tử nữa.
[29] Pháp Vô lậu: Pháp thanh tịnh giải thoát, không phải pháp sanh tử hữu lậu.
[30] Chấp đoạn: chết là hết.
[31] Chấp thường: Chấp còn mãi không thay đổi, sau khi chết, không luân hồi.
[32] Trước ngã: Chấp ta, chấp thân ta, ta khác với người ta chứng quả v.v...
[33] Trước kiến: Chấp lấy sự hiểu biết riêng của mình theo năm món tà kiến, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ, tộng ra cho đến 62 kiến.
[34] Tam độc: 1- Tham: đối với cảnh thuận ham muốn không nhàm; 2- Sân: đối với cảnh nghịch sanh ngụy, lòng giận giữ; 3- Si: si mê, không biện biệt được chơn. Ba món này hay phá hoại thiện tâm xuất thế nên gọi là tam độc.
[35] Tứ thủ: 1- Dục thủ: sự tham muốn chấp trước cảnh ngũ trần ở cõi Dục; 2- Kiền thủ: đối với thân ngũ ấm này vọng chấp cho là thật (thân kiến), hoặc chấp đoạn, chấp thường (biên kiến); 3- Giới thủ: giữ những giới pháp sai lầm; 4- Ngã ngữ thủ; tùy theo ngôn ngữ giả thuyết khởi ra chấp ngã, theo chỗ chấp đó mà cố giữ lấy.
[36] Ngũ cái: 1- Tham dục cái; 2- Sân nhuế cái; 3- Thùy miên cái: tâm hôn trầm không làm chi được; 4- Trạo hối cái: trong tâm có sự ăn năn xao động; 5- Nghi cái: đối với việc gì cũng mờ ám, không biện biệt được chơn ngụy, tâm du dự không quyết đoán.
[37] Lục thọ: Chỉ cho sự thọ lãnh của sáu căn đối sáu trần.
[38] Thất lậu: 1- Kiến lậu; mắt trông thấy sắc không rõ sắc với tánh là bình đẳng cứ đắm vào phần sắc tướng mà sanh tâm phân biệt, nhận cảnh tốt xấu mà sanh tâm yêu ghét. 2- Chư căn lậu: không những nhãn căn mà cả các căn khác cũng thế. 3- Vong lậu: quên điều lành, dong ruổi theo điều ác; 4- Ác lậu: đối với nghịch cảnh sanh tâm ghét bỏ; 5- Thân cận lậu: không tuân lời thầy dạy, gần gũi bạn ác; 6- Ái lậu; gặp cảnh thuận thì ham mê mải miết; 7- Niệm lậu: không hiểu chân tâm vô niệm, cứ dong ruổi theo vọng niệm.
[39] Bát cấu: Cấu là dơ bẩn, đối với Tam bảo chẳng những không tín ngưỡng tán thán lại còn phỉ báng. Ấy là ba cấu ở ba nghiệp; 4- Bất hiếu với cha mẹ; 5- Không kính thờ sư trưởng; 6- Không cứu giúp kẻ bần cùng; 7- Không săn sóc người đau ốm; 8- Không thương xót chúng sinh. Ba điều trước là kính điền, hai điều kế là ân điền, ba điều sau là bi điền. 8 điều này là phước điền cả. Đã không chăm nom ruộng phước ấy mà lại còn không cung kính, không biết ơn, không thương xót cho nên nói rằng vì tâm cấu mà tạo tất cả tội.
[40] Cửu kiết: 1- Ái kiết: say đắm cảnh ngũ dục không rời; 2- Nhuết kiết: giận giữ bất bình đối với nghịch cảnh; 3- Mạn kiết: kiêu căng ngạo nghễ; 4 Vô minh kiết: ngu si mở ám đối với lẽ chân chánh; 5- Kiến kiết: tà kiến không tin nhơn quả; 6- Thủ kiết: vọng chấp sự hiểu biết không chơn chánh và giới pháp sai lầm làm lắm điều ác. 7- Nghi kiết: dụ dự không tin chơn lý, không tu hành theo hạnh chơn chánh; 8- Tật kiết: ghen ghét những bậc hiền đức; 9- Xan kiết: keo bẩn không chịu bố thí lại làm nhiều điều ác. Chín điều này ràng buộc chúng sanh trong đường sanh tử vì nó khiến chúng sanh gây nhiều tội lỗi.
[41] Thập sử: Mười phiền não: tức là ngũ độn sử và ngũ lợi sử. Ngũ độn sử: 1- Tham dục sử; 2- Sân nhuế sử; 3- Vô minh sử; 4- Mạn sử; 5- Nghi sử, Ngũ lợi sử 1- Thân kiến sử; 2- Biên kiến sử; 3- Tà kiến sử; 4- Kiến thủ sử; 5- Giới thủ sử. Ngũ độn sử do ái trước mà có, Ngũ lợi sử do sự nhận thức sai lầm mà có. Cả hai đều gây nên phiền não.
HT Thích Viên Giác