– Này A Nan! Những người tu tâm trong thế gian, vì không tu thiền định vô lậu nên không có được trí tuệ xuất thế gian. Họ chỉ giữ thân thanh tịnh, không hành động dâm dục, đi đứng ngồi nằm đều không nghĩ tưởng tới dâm dục. Niệm ái nhiễm không sinh thì họ vượt thoát lên khỏi cõi Dục; bản thân họ đã là bạn bè của hàng phạm hạnh, gọi đó là trời Phạm-chúng.

Trời Phạm-chúng, khi đã dứt trừ tập khí ngũ dục, tâm li dục hiển hiện, đối với các luật nghi đều vui vẻ tùy thuận; ngay lúc đó họ vượt khỏi trời Phạm-chúng, hoằng dương tịnh đức phạm hạnh, gọi đó là trời Phạm-phụ.

Trời Phạm-phụ, khi thân tâm viên mãn vi diệu, bốn oai nghi đi đứng ngồi nằm không còn khiếm khuyết, các cấm giới hoàn toàn thanh tịnh, lại có trí tuệ sáng suốt, thì liền lúc đó, họ có đầy đủ tư cách của một vị đại phạm vương, có khả năng thống lãnh toàn thể phạm chúng, gọi đó là trời Đại-phạm.

Này A Nan! Ba hạng thiên chúng vượt trội trên đây không còn bị mọi thứ khổ não bức nhiễu; tuy họ không tu tập theo chánh định của Phật pháp, nhưng trong tâm đã giữ giới trong sạch, các lậu hoặc của cõi Dục không lay động được, nên gọi đó là trời Sơ-thiền(226).

Này A Nan! Thứ đến, trời Đại-phạm khi thống lãnh phạm chúng, được phạm hạnh viên mãn, lắng tâm không giao động; do sự lặng trong mà bắt đầu phát ra ánh sáng, gọi đó là trời Thiểu-quang.

Ánh sáng nơi thân và ánh sáng nơi tâm cùng chiếu rọi nhau, rực rỡ vô tận, soi thấu mười phương thế giới; nội thân ngoại cảnh trong suốt, khắp nơi trở thành lưu li, gọi đó là trời Vô-lượng-quang.

Giữ lấy ánh sáng toàn vẹn, lấy đó làm âm thanh thanh tịnh để giáo hóa thiên chúng, ứng dụng không cùng, gọi đó là trời Quang-âm.

Này A Nan! Ba hạng thiên chúng vượt trội trên đây không còn bị các thứ lo buồn bức nhiễu; tuy họ không tu tập theo chánh định của Phật pháp, nhưng trong tâm đã thanh tịnh, các lậu hoặc thô trọng đã được điều phục, nên gọi đó là trời Nhị-thiền(227).

Này A Nan! Thiên nhân cõi trời Quang-âm kia phát huy ánh sáng viên mãn để thành tựu âm thanh làm phương tiện giáo hóa, hiển lộ diệu lí mà phát ra hạnh tinh thuần, xa lìa cái động của nỗi mừng mà bắt đầu hòa nhập vào niềm vui tĩnh lặng, gọi đó là trời Thiểu-tịnh.

Tịnh cảnh bây giờ cũng trống không, dẫn phát bao la không bờ bến, thân tâm nhẹ nhàng trong niềm vui tĩnh lặng, gọi đó là trời Vô-lượng-tịnh.

Thế giới và thân tâm, tất cả đều hoàn toàn thanh tịnh; đức tánh thuần tịnh thành tựu viên mãn, chỗ qui thác thù thắng hiện tiền, trở về cõi vui tĩnh lặng, gọi đó là trời Biến-tịnh.

Này A Nan! Ba hạng thiên chúng vượt trội trên đây, đầy đủ công năng tùy thuận, thân tâm an ổn, được niềm vui cực diệu vô lượng; tuy không có được chánh định của Phật pháp, nhưng trong tâm an ổn, hoan hỉ trọn vẹn, nên gọi đó là trời Tam-thiền(228).

Lại nữa, này A Nan! Thiên chúng ở cõi Tam-thiền kia, thân tâm không còn bị bức nhiễu, không còn những nguyên nhân gây đau khổ thì cái vui phát sinh; nhưng họ xét thấy cái vui cũng không thường còn vĩnh viễn, lâu rồi cũng phải hoại diệt, cho nên liền xả bỏ cùng lúc cả hai tâm vui khổ. Các tướng thô trọng đã diệt thì tánh phúc đức thanh tịnh phát sinh, gọi là trời Phúc-sinh.

Khi tâm xả bỏ đi đến chỗ viên dung, cái thấy về năng-xả sở-xả cũng không còn, hoàn toàn thanh tịnh; ở trong cái tịnh phúc không giới hạn đó, họ được tâm tùy thuận nhiệm mầu, cho đến cùng tột đời vị lai, gọi đó là trời Phúc-ái.

Này A Nan! Từ cõi trời Phúc-ái đi tiếp lên nữa thì có hai ngã rẽ: Nếu ở nơi cái tâm tùy thuận nhiệm mầu trước kia, nay nhờ sức thiền định thâm sâu mà phát ra ánh sáng thanh tịnh vô lượng, lại tiếp tục huân tu phúc đức cho đến chỗ tròn đầy sáng suốt, và an trụ nơi đó, gọi là trời Quảng-quả. Nếu ở nơi cái tâm nhàm chán cả khổ vui trước kia, nay lại nghiền ngẫm tăng tiến tu tâm phóng xả, liên tục không gián đoạn, cho đến lúc tròn vẹn cùng tột sự buông bỏ, thân tâm đều diệt, dứt bặt tư duy, trải 500 kiếp. Thiên nhân này đã lấy cái sinh diệt làm nhân tu tập, nên không thể phát minh cái tánh không sinh diệt, vì vậy, trong nửa kiếp đầu thì tu tập để đạt được sự diệt tư tưởng, đến nửa kiếp chót, lúc thọ mạng sắp hết, thì tâm tưởng tự sinh trở lại. Đó là trời Vô-tưởng.

Này A Nan! Bốn hạng thiên chúng vượt trội trên đây, tất cả các cảnh khổ vui trong thế gian đều không lay động được; tuy không phải là địa vị bất động vô vi chân thật của Phật pháp, nhưng trong tâm cũng đã có chỗ sở đắc về định buông xả, công dụng đã đến mức thuần thục, cho nên gọi là trời Tứ-thiền(229).

Này A Nan! Ở trong tầng trời Tứ-thiền này, lại còn có năm cõi trời Bất-hoàn. Các vị thánh ở năm cõi trời này, trước kia ở Dục giới đã đoạn trừ hết chín phẩm tập khí tư hoặc, cái khổ ở cõi Dục đã tiêu, mà cái vui ở các cõi Sơ, Nhị và Tam-thiền cũng không hưởng thọ; những cõi dưới đó không phải là chỗ ở của quí vị ấy nữa, nên an lập chỗ ở nơi đây, đồng phận trong tâm xả với thiên chúng Tứ-thiền.

Này A Nan! Khổ vui đều đoạn diệt, tâm chán khổ và tâm thích vui không còn giao tranh nhau, đó là trời Vô-phiền.

Phóng ra hay thu vào, cũng chỉ duy nhất một niệm xả; và niệm xả ấy cực kì vi tế, không thể nào suy cứu hay giao tiếp được, đó là trời Vô-nhiệt.

Chứng đắc thiên nhãn thông, thấy rõ trọn vẹn mười phương thế giới, không bị ngoại cảnh chướng ngại; tâm niệm lắng trong, không còn tì vết của cấu nhiễm, đó là trời Thiện-kiến.

Cái thấy tinh diệu đã hiện tiền, sức định tuệ tùy tâm vận dụng vô ngại, đó là trời Thiện-hiện.

Suy cứu cùng cực, từ nhiều niệm tiến đến chỉ còn một niệm; từ sắc thể thô trọng tiến đến chỗ cực vi tế, nhập vào cảnh giới toàn không, giáp giới cõi Không-vô-biên-xứ, đó là trời Sắc-cứu-cánh.

Này A Nan! Năm cõi trời Bất-hoàn(230) này, chỉ riêng bốn vị thiên vương của bốn cõi trời Tứ-thiền ngay phía dưới được nghe tên và kính ngưỡng, nhưng không thể biết sự thọ dụng thế nào, không thể thấy y chánh báo ra sao; cũng như hiện tại ở thế gian, đạo tràng của thánh nhân ở những chốn rừng sâu núi thẳm, đều là nơi các bậc A-la-hán trụ trì, mà người phàm phu thô lậu đâu có thể thấy biết được!

Này A Nan! Mười tám cõi trời trên đây, sống trong thiền định thanh tịnh tĩnh lặng, không giao tiếp bạn bè như ở nhân gian, nhưng vẫn chưa thoát khỏi hết cái hệ lụy của thân hình. Từ cõi trời Sắc-cứu-cánh đây, xuống cho đến cõi trời Phạm-chúng, gọi là cõi SẮC GIỚI.

Lại nữa, này A Nan! Từ cõi trời cao nhất của Sắc giới này đi lên, trong khoảng giữa sắc và vô sắc, lại có hai đường tẽ:

Nếu ở nơi tâm xả mà phát huy trí tuệ vô lậu đến mức sáng suốt viên mãn, thì vượt thoát trần gian, thành A-la-hán, tiến vào Bồ-tát thừa, đó gọi là bậc Hồi-tâm Đại A-la-hán.

Nếu ở nơi tâm xả mà thành tựu niệm chán bỏ, biết rằng còn có thân là còn có chướng ngại, bèn tiêu trừ cái sắc thân chướng ngại ấy để nhập vào hư không, đó gọi là cõi trời Không-xứ.

Các chướng ngại đã tiêu trừ, mà cái hư không vô ngại cũng diệt, chỉ lưu lại thức a-lại-da và phần vi tế của thức mạt-na, đó là cõi trời Thức-xứ.

Sắc không đã tiêu mất, phần vi tế của thức mạt-na cũng tiềm phục không hiện hành, mười phương vắng lặng, hoàn toàn không có chỗ đi về, đó là cõi trời Vô-sở-hữu-xứ.

Thức tánh vốn bất động, dùng sức diệt tận định để nghiệm xét cùng cực. Ở trong cái thức tánh vô tận mà miễn cưỡng tuyên bày cái tánh tận, cho nên hình như còn mà không phải còn, giống như hết mà không phải hết, đó là cõi Phi-tưởng-phi-phi-tưởng xứ.

Bốn cõi trời Không đó, muốn khiến cho tâm cảnh đều không, nhưng không hoàn toàn đạt được lí không. Nếu từ năm cõi trời Bất-hoàn lên đây mà tu tập thánh đạo, đến chỗ chứng nhập lí ngã không, gọi đó là bậc Bất-hồi-tâm độn A-la-hán. Nếu từ các cõi trời Vô-tưởng và Quảng-quả lên đây mà tu tập thiền định hữu lậu, mê trời hữu lậu, không nghe biết chánh pháp, cái đạt được chỉ là không tưởng, không có chỗ quay về, cho nên phải vào lại trong vòng lưu chuyển luân hồi. Này A Nan! Bốn cõi trời Không đó, thân tâm diệt hết, chỉ có định tánh hiện tiền, không có các nghiệp quả bằng sắc pháp; từ cõi Không-xứ cho đến cõi Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ, gọi là cõi VÔ SẮC GIỚI.

Này A Nan! Thiên chúng ở các cõi trời trên đây (ngoại trừ ở năm cõi Bất-hoàn), đều là người phàm phu được hưởng thọ phước báo; khi hưởng phước hết rồi thì trở lại luân hồi. Riêng các vị thiên vương của các cõi trời kia thì đều là Bồ-tát, luôn trụ trong chánh định, dần dà tiến lên trên đường tu tập hướng tới Phật đạo.

Tất cả thiên chúng đó đều do không rõ biết tánh giác sáng suốt nhiệm mầu vốn có nơi mình, cho nên vọng niệm tích tụ, rồi vọng sinh ba cõi; trong đó, các loài hữu tình, mỗi mỗi lại tùy theo vọng nghiệp mà chìm đắm trong bảy nẻo, thọ báo theo loại của mình.

Lại nữa, này A Nan! Trong ba cõi ấy còn có bốn loài A-tu-la: Có loài nguyên từ loài Quỉ, do phước lực hộ trì Phật pháp mà có được thần thông, nhập vào hư không; loài A-tu-la này sinh ra từ trứng, thuộc về loài Quỉ. Có loài nguyên từ loài Trời, vì kém phước đức mà bị đọa lạc, ở gần mặt trời mặt trăng; loài A-tu-la này sinh ra từ bào thai, thuộc về loài Người. Có A-tu-la vương nắm giữ thế giới, sức mạnh suốt khắp chư thiên, không hề sợ ai, hay tranh quyền mà gây chiến với các trời Phạm Vương, Đế Thích và Tứ Thiên Vương; loại A-tu-la này do biến hóa mà sinh ra, thuộc về loài Trời. Này A Nan! Lại có loài A-tu-la thấp kém, sinh trong lòng biển cả, lặn dưới vực sâu, ban ngày dạo đi trên hư không, tối về ngủ dưới nước; loại A-tu-la này do thấp khí sinh ra, thuộc về loài Súc-sinh.

Này A Nan! Xét cho cùng thì cả bảy nẻo: Địa-ngục, Ngạ-quỉ, Súc-sinh, Người, Tiên, A-tu-la, và Trời, đều là những tướng hữu vi, chìm đắm trong các cảnh giới tối tăm, do vọng tưởng mà thọ sinh, rồi cũng theo vọng tưởng mà tạo nghiệp; ở trong bản tâm vô tác, mầu nhiệm, sáng suốt, tròn đầy, chúng đều như hoa đốm giữa hư không, chẳng có chút gì dính dáng, tuyệt không gốc rễ mối manh, chỉ thuần là hư vọng.

Này A Nan! Các loài chúng sinh đó, vì không nhận rõ bản tâm mà phải thọ khổ trong bảy nẻo luân hồi này. Trải vô lượng kiếp, chúng không hề có được sự thanh tịnh chân thật, cũng bởi do buông lung theo các nghiệp sát, đạo, dâm, hoặc ngược lại ba nghiệp trên thì sinh ra không-sát, không-đạo, không-dâm; có sát đạo dâm thì đọa vào ba đường ác, không sát đạo dâm thì vào bốn cõi lành; có và không cứ đắp đổi thay nhau, khởi tánh luân hồi không dứt.

Nếu khéo phát huy được đại định thì tâm tánh trở nên thường hằng, tĩnh lặng, nhiệm mầu, có và không đều không, không-có và không-không cũng diệt; lúc đó, niệm không-sát, không-đạo, không-dâm còn không có, thì lấy gì mà buông lung theo các việc sát, đạo, dâm?

Này A Nan! Vì không đoạn dứt ba ác nghiệp nên mỗi mỗi chúng sinh đều tự mình tạo nghiệp riêng. Từ những nghiệp riêng ấy nhóm chung lại thành nghiệp đồng phận, cho nên nơi thọ báo không phải là không có chỗ nhất định. Tất cả đều do một niệm vọng động phát sinh; mà vọng tánh thì không có thật thể, không thể truy tìm nguồn gốc từ đâu được.

Người tu hành, muốn đạt đạo Vô-thượng Bồ-đề, cần phải dứt trừ ba hoặc(231). Ba hoặc chưa trừ hết thì dù có được thần thông, cũng chỉ là những công dụng hữu vi của thế gian. Tập khí mê lầm chẳng tận diệt thì cuối cùng cũng rơi vào đường ma; tuy muốn trừ cái vọng, nhưng lại chồng chất cái vọng nhiều thêm. Như Lai nói đó là người rất đáng thương xót!

Cái vọng đó là do tự tâm mình tạo ra, không phải là lỗi ở tánh bồ đề. Nói như thế tức là lời nói chân chánh; nếu nói khác đi thì đó là lời nói của ma vương.

Lúc đó đức Phật sắp chấm dứt thời pháp, ở nơi tòa sư tử, Ngài vịn ghế thất bảo, xoay thân sắc vàng sáng rỡ, không đợi thỉnh hỏi, Ngài bảo khắp đại chúng và đại đức A Nan rằng:

– Quí thầy là hàng hữu học Thanh-văn, Duyên-giác, đã hồi tâm hướng về quả Vô-thượng Diệu-giác Đại-bồ-đề. Nay Như Lai đã vì quí thầy mà chỉ dạy pháp tu hành chân thật; nhưng vẫn còn một việc mà quí thầy chưa biết, đó là những ma sự phức tạp có thể gặp phải trong lúc tu tập thiền định. Nếu cảnh ma hiện ra mà không nhận biết, thì việc tẩy trừ tâm cấu nhiễm sẽ không làm đúng cách, lại còn rơi vào tà kiến. Hoặc là ma ngũ ấm nơi chính mình, hoặc là thiên ma, hoặc là các loại quỉ thần, li mị, những thứ ấy hiện khởi mà trong tâm nếu không biết rõ ràng, thì chắc chắn sẽ nhận giặc làm con. Mặt khác, trong lúc tu tập, mới được chút ít đã cho là đầy đủ. Như tì kheo Vô Văn, vừa được định Tứ-thiền bèn nói dối là chứng Thánh quả. Đến khi phước báo chư thiên hết rồi, tướng suy hiện ra, lại hủy báng rằng: “Đã chứng quả A-la-hán mà còn thọ thân sau!”, liền bị đọa xuống địa ngục A-tì. Vậy giờ đây quí thầy hãy lắng nghe cho kĩ, Như Lai sẽ vì quí thầy mà phân biệt rành rẽ.

Đại đức A Nan cùng hàng hữu học trong chúng hội đồng đứng dậy, vui mừng đảnh lễ, thành tâm kính nghe Phật từ bi chỉ dạy.

Đức Phật bảo đại đức A Nan cùng đại chúng:

– Quí thầy nên biết, mười hai loài chúng sinh trong thế giới hữu lậu, tâm thể vốn tròn đầy, sáng suốt nhiệm mầu, cùng với chư Phật mười phương không hai, không khác. Do vì vọng tưởng mà mê muội chân lí, rồi thành ra lỗi lầm, si ái phát sinh, đối với chân tâm bản giác hoàn toàn mê vọng, không thấy chân giác mà chỉ thấy có hư không. Mê vọng biến hóa không ngừng, nên từ hư không mà có thế giới sinh ra. Vậy thì các quốc độ nhiều như vi trần trong mười phương này đều không phải là vô lậu, mà đều do vọng tưởng mê lầm kiến lập.

Quí thầy nên biết, hư không vô biên sinh từ trong tâm quí thầy, chỉ như một làn mây mỏng điểm trên bầu trời xanh bao la, huống chi là các thế giới ở trong hư không ấy! Nếu trong số quí thầy, một vị nào đó tâm bỗng bừng sáng, quay về cội nguồn chân thật, thì mười phương hư không kia thảy đều tiêu mất; làm sao các quốc độ trong cõi hư không ấy lại được bảo toàn mà không bị rung đổ? Quí thầy tu thiền, tập định, ngay trong sự đi đứng ngồi nằm mà tâm thường tinh tường trong lặng, thì được cùng thông hợp với chư vị Bồ-tát và vô lậu đại A-la-hán trong mười phương. Trong khi đó thì tất cả ma vương, quỉ thần, chư thiên phàm phu, đều thấy cung điện của mình không có cớ gì, bỗng nhiên bị sụp đổ; đại địa rung động; các loài bay trên không, đi trên đất, bơi lội dưới nước, đều hoảng kinh sợ sệt; hạng người phàm phu hôn muội không biết có người tu hành sắp chứng quả, thấy vô cớ mà cảnh vật rung chuyển xê dịch thì nói ngoa rằng: do âm dương mất điều hòa.

Những loài thiên ma, quỉ thần kia đều có được năm thứ thần thông (chỉ trừ lậu tận thông là không có), còn luyến tiếc chốn trần lao này, đâu chịu để cho chỗ ở của họ bị phá đổ! Vì vậy, trong lúc quí thầy đang ở trong định thì quỉ thần, thiên ma, vọng lượng, yêu tinh, đến quấy phá. Nhưng các loài ma mị kia, dù có giận dữ thế nào đi nữa, chúng vẫn ở trong chốn trần lao sinh diệt, còn quí thầy thì ở trong cảnh giới diệu giác chân thường; cái sinh diệt muốn phá hoại cái chân thường thì cũng giống như gió thổi ánh sáng, như dao chém nước, chẳng hề hấn gì. Người tu chánh định như nước sôi, bọn tà ma như cục nước đá; nước đá gần hơi nóng thì chẳng mấy chốc liền tiêu tan. Các loài quỉ thần yêu ma kia tuy cậy có sức thần thông, nhưng cũng chỉ như khách trọ qua đêm. Chúng quấy phá được chăng, chính là do người chủ năm ấm ở trong tâm quí thầy; người chủ nếu mất chánh niệm thì khách mới được dịp quấy phá.

Lúc đang nhập định, nếu trí tuệ sáng tỏ, không chút mê lầm, thì các ma chướng kia không làm gì được. Năm ấm tiêu tan, nhập vào kho tàng ánh sáng, thì bọn tà ma kia đều phải chịu phận tối tăm. Lấy trí tuệ sáng suốt để phá trừ u tối, ánh sáng đi tới đâu thì bóng tối tự tiêu mất tới đó. Như thế thì yêu ma làm sao dám ở lại để quấy nhiễu người tu thiền định?

Nếu bị năm ấm mê hoặc, không thấy rõ cảnh ma, thì, này A Nan, ngay chính thầy là con của ma, và kết quả tu tập cũng chỉ trở thành ma quân mà thôi! Như cô Ma Đăng Già, sức hãy còn yếu ớt, nhưng chỉ dùng một câu chú mà bắt thầy phải phá luật nghi của Phật, trong tám muôn hạnh chỉ phá một giới; may mà tâm thầy còn thanh tịnh nên chưa bị chìm đắm. Còn bọn ma năm ấm đây, chúng muốn phá hoại pháp thân huệ mạng của thầy, như ông quan tể tướng, một hôm phạm tội, nhà cửa gia sản liền bị tịch biên, long đong phiêu bạt, không ai thương xót cứu giúp được.

Này A Nan! Thầy nên biết, thầy ngồi nơi đạo tràng, các niệm đều tiêu mất. Các niệm đã tiêu hết, thì trong tâm li-niệm, tất cả đều thuần nhất sáng tỏ, động tĩnh không đổi dời, nhớ quên như một. Ngay ở trạng thái đó mà nhập vào chánh định thì như người sáng mắt ngồi ở chỗ tối tăm, tánh tinh thuần tuy vẫn thanh tịnh nhiệm mầu, nhưng tâm chưa phát sáng; đó là bởi vì căn tánh vẫn còn bị sắc ấm hạn chế ngăn che. Khi nào con mắt sáng tỏ, mười phương rỗng suốt, không còn tối tăm, thì đó là lúc sắc ấm đã hết, người tu hành bấy giờ mới đạt được kết quả đầu tiên là vượt khỏi kiếp trược. Như vậy, xét kĩ lại nguyên do của sắc ấm, thì gốc rễ chính là vọng tưởng kiên cố.

Này A Nan! Đang trong lúc tu định mà sắc ấm chưa phá trừ, suy xét tinh tường tánh sáng suốt nhiệm mầu, trong khoảnh khắc thấy thân này như bóng, ngoại cảnh như mây, bốn đại không còn kết hợp, không có gì ngăn ngại; đó gọi là tâm tinh diệu sáng suốt tuôn tràn trước mắt. Nhưng đó chỉ là do dụng công tư duy mà tạm được kết quả như thế, không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.

Này A Nan! Cũng ở trong tâm định này, suy cứu tinh tường tánh sáng suốt nhiệm mầu, tự thấy thân mình rỗng suốt, hành giả bỗng nhiên từ trong thân mình, nhặt ra những con sán lãi, mà thân vẫn bình thường, không bị thương tổn; đó gọi là tâm tinh diệu sáng suốt tuôn tràn nơi hình thể. Nhưng đó chỉ là do tu tập tinh tiến mà tạm được kết quả như thế, không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.

Cũng ở trong tâm định này, tinh tường suy cứu trong thân ngoài cảnh, khi ấy thì hồn phách, ý chí, tinh thần, ngoài cái thân ra, đều xen nhập vào nhau, đắp đổi làm chủ, làm khách của nhau. Bấy giờ, hành giả bỗng nghe tiếng nói pháp ở trên không, hoặc nghe khắp mười phương đồng diễn bày diệu nghĩa bí mật; đó gọi là tinh thần hồn phách đắp đổi khi lìa khi hợp. Nhưng đó chỉ là do nhân lành bao đời tích tập, bây giờ tự phát huy mà tạm được kết quả như thế, không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.

Cũng ở trong tâm định này, lắng trong thấu suốt, ánh sáng từ bên trong hiển hiện, chợt thấy mọi vật trong khắp mười phương đều biến thành màu vàng kim, tất cả các loài đều hóa thành chư Phật; lại thấy đức Phật Tì Lô Giá Na ngồi trên đài thiên quang, có hàng ngàn đức Phật vây quanh; trăm ức quốc độ cùng với hoa sen cùng lúc xuất hiện. Ấy gọi là tâm thức linh ngộ; nhưng đó chỉ là sự huân tập do từng được nghe kinh pháp từ bao đời, bây giờ tâm sáng phát ra chiếu soi khắp các thế giới; chỉ tạm nói là như thế, chứ không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.

Cũng ở trong tâm định này, suy cứu tinh tường tánh sáng suốt nhiệm mầu, quán sát không ngừng, ức chế hàng phục tự tâm; cố gắng thái quá, bỗng thấy mười phương hư không đều thành màu bảy báu, hoặc màu trăm báu, tất cả đồng thời đầy khắp mà không chướng ngại nhau; các màu xanh vàng đỏ trắng, mỗi mỗi hiện ra tinh thuần, không hỗn tạp. Đó chỉ là do dụng công ức chế thái quá, khiến cho định lực vượt hơn tuệ lực mà tạm có kết quả như thế, không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.

Cũng ở trong tâm định này, tĩnh lặng rỗng suốt, phát sinh ánh sáng tinh thuần, không loạn động, bỗng nhiên nửa đêm, ở trong nhà tối mà hành giả trông thấy mọi vật tỏ rõ như giữa ban ngày, mà những vật trong nhà tối ấy vẫn y nhiên, không chút gì thay đổi. Đó là tâm tinh tế kín nhiệm làm lắng trong cái thấy, nên thấy rõ suốt chỗ tối tăm mà tạm được như thế, không phải là đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.

Cũng ở trong tâm định này, trọn vẹn dung thông với hư không, bỗng nhiên hành giả thấy tứ chi đồng như cây cỏ, dù lửa đốt hay dao cắt cũng không có cảm giác gì; thậm chí ngọn lửa hực không thể làm cho nóng, dù cắt thịt cũng giống như chẻ cây. Đó là các trần đều tiêu, bốn đại giải trừ, tiến thẳng vào chỗ thuần nhất, mà tạm được kết quả như thế, không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.

Cũng ở trong tâm định này, thành tựu tâm thanh tịnh; dụng công làm trong sạch tâm đến cùng cực, hành giả bỗng thấy mười phương sơn hà đại địa đều biến thành Phật độ, đầy đủ bảy báu, chói sáng cùng khắp; lại thấy hằng sa chư Phật đầy khắp cõi hư không, lầu các đại điện trang nghiêm hoa lệ; nhìn xuống thấy địa ngục, nhìn lên thấy thiên cung, rõ ràng không chướng ngại. Đó là ngày thường nghe kinh pháp mà khởi tâm ưa thích cảnh thanh tịnh và chán ghét cảnh uế nhiễm, quán tưởng huân tập lâu ngày mà hóa thành như thế, chứ không phải là đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.

Cũng ở trong tâm định này, suy cứu đến những cảnh sâu xa, bỗng ở giữa đêm, hành giả thấy những cảnh tượng ở phương xa, nào chợ búa, giếng nước, đường lớn, hẻm nhỏ, nào bà con quyến thuộc; và nghe cả lời nói ở những nơi ấy. Đó là do tâm bị định lực dồn nén, dồn ép đến cùng khiến ánh sáng bay ra mà thấy được chỗ xa cách, chứ không phải là đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.

Cũng ở trong tâm định này, suy cứu đến chỗ tinh thuần cùng cực, hành giả tự thấy mình là một vị thiện tri thức, rồi thấy hình thể biến cải, chốc chốc lại thay đổi hình này dáng nọ một cách vô cớ. Đó là tà tâm. Hành giả phòng hộ tâm không cẩn mật, để cho các giống li mị, thiên ma ám nhập, không duyên cớ mà nói pháp, tuồng như thông đạt diệu nghĩa; nhưng đó chỉ là ma lực sai sử, không phải thật đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.

Này A Nan! Mười cảnh tượng như thế thường hiện ra trong lúc thiền định, đều do hành giả đối với sắc ấm chưa thấu triệt lí tánh, chỉ biết dùng thiền quán dồn nén vọng tưởng, nên hiện ra các việc đó. Chúng sinh mê muội, không tự xét tự lượng, gặp những cảnh tượng ấy thì nhầm lẫn không biết rõ, cho mình đã chứng quả thánh, thành ra mắc tội đại vọng ngữ, phải đọa địa ngục Vô-gián! Sau khi Như Lai diệt độ, quí thầy nên y theo lời dạy này, tuyên bày nghĩa lí cho chúng sinh trong đời mạt pháp; không để cho thiên ma có dịp quấy phá; đó là cách giữ gìn chánh pháp, che chở cho người tu hành thành đạo Vô-thượng.

Này A Nan! Hành giả tu thiền kia, ở trong tâm định, khi các chướng ngại về sắc ấm đã hết rồi, thấy rõ tâm Phật như hình tượng hiện ra trong gương. Như thế là, trí tuệ thì dường như đã có, nhưng công dụng cụ thể thì chưa được phát huy; giống như người ngủ bị bóng đè, tay chân y nguyên, thấy nghe không nhầm, vì tâm bị khách tà mà không thể cử động được. Đó là trạng thái trong lúc hành giả tu thiền mà còn bị thọ ấm hạn chế ngăn che. Khi bóng hết đè thì tâm rời thân, trở lại xem mặt mình, đi ở tự do, không bị ngăn ngại. Đó là lúc thọ ấm đã hết, người tu hành bấy giờ mới có thể vượt khỏi kiến trược. Như vậy, xét kĩ lại nguyên do của thọ ấm, thì gốc rễ chính là vọng tưởng hư minh.

Này A Nan! Hành giả kia đang ở trong định, sắc ấm đã hết, tâm rất sáng suốt, thấy rõ tâm Phật; và do đè nén vọng tâm thái quá, bỗng nhiên ở nơi có chúng sinh ở, phát sinh tâm bi vô hạn, xem tất cả các loài, cho đến muỗi mòng, như con đỏ của mình, lòng sinh thương xót, bất giác chảy nước mắt. Đó là do dụng công đè nén quá mức mà thành tâm bi vậy thôi, chứ không phải là đã chứng thánh; biết rõ thì không có lỗi gì, từ đó luôn giác tỉnh, không mê nữa, lâu dần tự nó sẽ tiêu mất. Nếu lầm tưởng cho rằng mình đã chứng thánh, liền bị giống ma sầu bi xâm nhập vào lòng, thấy người thì thương xót, khóc lóc thảm thiết. Như thế là mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.

Lại nữa, này A Nan! Hành giả kia ở trong định, thấy sắc ấm đã hết, thọ ấm tỏ rõ, các hình tướng đẹp đẽ hiện ra trước mắt, cảm kích thái quá, bỗng nhiên từ trong trạng thái đó sinh lòng dũng mãnh vô hạn. Tâm mạnh mẽ nhạy bén, chí ngang bằng chư Phật, vị ấy nghĩ rằng, mình chỉ trong một niệm có thể vượt qua ba a-tăng-kì kiếp. Đó là công dụng quá mẫn nhuệ, ý chí vượt lướt quá mức mà thành ra thế, chứ không phải là đã chứng thánh; biết rõ thì không có lỗi gì, từ đó luôn giác tỉnh không mê nữa, lâu dần tự nó sẽ tiêu mất. Nếu lầm tưởng cho rằng mình đã chứng thánh, liền bị giống ma si cuồng xâm nhập vào lòng, thấy người thì khoe, ngã mạn không cho ai bằng mình; đến nỗi trên thì không thấy có Phật, dưới thì không thấy có người. Như thế là mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.

Lại nữa, hành giả kia ở trong định, thấy sắc ấm đã hết, thọ ấm tỏ rõ, hướng tới trước thì chưa có chỗ chứng mới, quay lui lại thì chỗ y cứ cũ đã mất, trí lực suy kém, rơi vào trạng thái lửng lơ, không có gì để nương tựa. Bỗng nhiên tâm sinh vô cùng khô khát, lúc nào cũng chìm lắng nghĩ nhớ cái trạng thái lửng lơ ấy không nguôi, rồi cho như thế là cái đức chuyên cần tinh tấn. Đó là tu hành mà không có trí tuệ, lỗi lầm tự phát sinh, chứ không phải là đã chứng thánh. Nếu lầm tưởng cho rằng mình đã chứng thánh, liền bị giống ma nghĩ nhớ xâm nhập vào lòng, ngày đêm cột cái tâm treo vào một chỗ. Như thế là mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.

Lại nữa, hành giả kia ở trong định, thấy sắc ấm đã hết, thọ ấm tỏ rõ, tuệ lực mạnh mẽ nhạy bén, vượt quá định lực, cho đó là tánh Phật bản lai thù thắng, rồi ôm giữ trong tâm, đến nỗi tưởng mình là Phật Tì Lô Giá Na, mới được chút ít đã cho là đủ. Đó là kết quả của sự dụng tâm thái quá, đắm vào tri kiến mà quên suy xét, chứ không phải là đã chứng thánh; biết rõ thì không có lỗi gì. Nếu lầm tưởng cho rằng mình đã chứng thánh, liền bị giống ma hèn kém dễ biết đủ xâm nhập vào lòng, thấy người thì tự xưng là mình đã chứng được đệ nhất nghĩa đế vô thượng. Như thế là mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.

Lại nữa, hành giả kia ở trong định, thấy sắc ấm đã hết, thọ ấm tỏ rõ, chỗ chứng mới thì chưa được mà tâm cũ thì đã mất, xem xét hai khoảng trước sau, tự cho mình đã sa vào chỗ nguy hiểm; tâm bỗng sinh ra lo buồn vô hạn, cảm thấy như ngồi giường sắt, như uống thuốc độc, chán nản không còn muốn sống, chỉ mong người khác sát hại mạng mình để sớm được giải thoát. Đó là tu hành mà mất trí tuệ quán chiếu nên thành ra thế, chứ không phải là đã chứng thánh; biết rõ thì không có lỗi gì. Nếu lầm tưởng cho rằng mình đã chứng thánh, liền bị giống ma thường ưu sầu xâm nhập vào lòng, tay cầm dao kiếm tự cắt thịt mình, thích được bỏ mạng; hoặc thường lo buồn, không muốn thấy người nên đi vào ở chốn núi rừng. Như thế là mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.

Lại nữa, hành giả kia ở trong định, thấy sắc ấm đã hết, thọ ấm tỏ rõ, ở trong cảnh giới thanh tịnh, tâm được yên ổn, bỗng nhiên niềm vui vô hạn sinh ra, trong tâm mừng rỡ không thể tự dừng. Đó là trạng thái khinh an nhưng không đủ trí tuệ để tự chế tâm mình, chứ không phải là đã chứng thánh; biết rõ thì không có lỗi gì. Nếu lầm tưởng cho rằng mình đã chứng thánh, liền bị giống ma thích vui mừng xâm nhập vào lòng, thấy người thì cười, đứng bên đường ca múa hát xướng, tự bảo rằng mình đã chứng đắc giải thoát vô ngại. Như thế là mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.

Lại nữa, hành giả kia ở trong định, thấy sắc ấm đã hết, thọ ấm tỏ rõ, bèn cho như thế là đủ, bỗng nhiên vô cớ mà tâm đại ngã mạn khởi lên, biểu lộ ra đầy đủ nào là mạn, quá mạn, mạn quá mạn, tăng thượng mạn, tà mạn, ngã mạn, và ti liệt mạn. Trong tâm người này còn coi thường cả mười phương chư Phật, huống gì là đối với các hàng Thanh-văn, Duyên-giác! Đó là tự thấy mình tối thắng mà không có đủ trí tuệ để tự kềm chế, chứ không phải là đã chứng thánh; biết rõ thì không có lỗi gì. Nếu lầm tưởng cho rằng mình đã chứng thánh, liền bị giống ma đại ngã mạn xâm nhập vào lòng, không lễ bái chùa tháp, hủy hoại kinh tượng, rồi bảo chúng đàn-việt rằng: “Tượng Phật chỉ là vàng, đồng, đất, gỗ; kinh điển chỉ là lá cây hay da mỏng. Nhục thân đây mới chính là Phật sống chân thường, sao không cung kính lễ bái, mà lại tôn sùng gỗ, đất? Thật là điên đảo!” Những người đàn-việt tin tưởng mãnh liệt vào lời nói ấy, bèn theo gương hành giả kia, đem kinh xé rách, đem tượng đập nát, rồi moi đất chôn bỏ, gây nghi ngờ cho mọi người, phải đọa địa ngục Vô-gián. Như thế là vị hành giả kia đã mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.

Lại nữa, hành giả kia ở trong định, thấy sắc ấm đã hết, thọ ấm tỏ rõ, tự tâm tinh thuần sáng suốt, tỏ ngộ tinh lí, mọi sự đều tùy tâm thuận ý, bỗng nhiên trong tâm cảm thấy vô cùng khinh an, rồi tự bảo mình đã thành bậc thánh, được đại tự tại. Đó là do trí tuệ mà có được trạng thái khinh an thanh tịnh, chứ không phải là đã chứng thánh; biết rõ thì không có lỗi gì. Nếu lầm tưởng cho rằng mình đã chứng thánh, liền bị giống ma thích khinh an thanh tịnh xâm nhập vào lòng, tự cho mình công hạnh đã đầy đủ, không cầu tu tiến. Hạng này phần nhiều không khác gì Vô Văn tì kheo, gây nghi ngờ cho chúng sinh để phải đọa địa ngục A-tì. Như thế là vị hành giả kia đã mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.

Lại nữa, hành giả kia ở trong định, thấy sắc ấm đã hết, thọ ấm tỏ rõ, tâm tỏ ngộ được tánh rỗng rang sáng suốt của vạn pháp, bỗng nhiên từ trong trạng thái đó, sinh khởi niệm vĩnh viễn đoạn diệt, bác bỏ không có nhân quả, chủ trương ngoan không, cho rằng mọi sự vật không có gì hết, rơi vào chỗ đoạn diệt. Đó là vì chưa chứng thánh nên mới như thế; biết rõ thì không có lỗi gì. Nếu lầm tưởng cho rằng mình đã chứng thánh, liền bị giống ma ngoan không xâm nhập vào lòng, thấy người giữ giới thì hủy báng, gọi đó là tiểu thừa, chứ Bồ-tát đã liễu ngộ tánh không thì cần gì giữ giới! Hành giả ấy thường ở trước đàn việt mà ăn thịt uống rượu, làm điều dâm uế; nhưng vì có sức ma giúp nhiếp phục, khiến cho kẻ đàn việt kia không sinh tâm nghi hoặc hủy báng. Thậm chí, tâm ma thâm nhập lâu ngày, hành giả ấy còn ăn cả phân tiểu, coi phân tiểu cũng như rượu thịt, tất cả đều không; phá hoại luật nghi của Phật, làm cho người khác lầm lạc gây tội. Như thế là hành giả đã mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.

Lại nữa, hành giả kia ở trong định, thấy sắc ấm đã hết, thọ ấm tỏ rõ, do đắm trước cái thể tánh sáng suốt rỗng rang, ăn sâu vào xương tủy, bỗng nhiên phát sinh tâm ái vô hạn. Tâm ái cực mạnh thì phát điên, trở thành kẻ tham dục. Đó là do cảnh giới định thâm sâu mà không có trí tuệ để tự giữ gìn, nên lầm nẻo sa vào đường dục, chứ không phải là đã chứng thánh; biết rõ thì không có lỗi gì. Nếu lầm tưởng cho rằng mình đã chứng thánh, liền bị giống ma tham dục xâm nhập vào lòng, một mực bảo rằng tham dục chính là đạo Bồ-đề; lại dạy hàng cư sĩ đồng đều hành dục, gọi những người hành dâm là pháp tử nối dòng. Hạng hành giả như vậy, ở trong đời mạt pháp, nhờ có sức quỉ thần tà ma mà nhiếp phục được những kẻ phàm phu ngu muội, con số đến một trăm, hai trăm, hoặc năm, sáu trăm, thậm chí nhiều đến ngàn, vạn; khi tà ma đã chán, rời bỏ thân thể, thì uy đức liền mất, bèn sa vào lưới pháp luật của quốc gia, còn tội gây nghi ngờ mê lầm cho chúng sinh thì sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián. Như thế là hành giả đã mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.

Này A Nan! Mười cảnh tượng như thế thường hiện ra trong lúc thiền định, đều do vì thọ ấm chưa trừ, dụng tâm chưa đúng mức, để cho lí tính và dục tính giao chiến, tranh nhau hơn thua, nên hiện ra các việc đó. Chúng sinh mê muội, không tự xét tự lượng, gặp những cảnh tượng ấy thì nhầm lẫn không biết rõ, cho mình đã chứng quả thánh, thành ra mắc tội đại vọng ngữ, phải đọa địa ngục Vô-gián! Sau khi Như Lai diệt độ, quí thầy nên y theo lời dạy này, tuyên bày nghĩa lí cho chúng sinh trong đời mạt pháp được tỏ ngộ; không để cho thiên ma có dịp quấy phá; đó là cách giữ gìn chánh pháp, che chở cho người tu hành thành đạo Vô-thượng.

Này A Nan! Hành giả kia tu định, khi thọ ấm đã hết rồi, tuy chưa trừ sạch các lậu hoặc, nhưng tâm có thể rời khỏi hình hài, như chim ra khỏi lồng. Giai đoạn này đã thành tựu rồi, từ thân phàm phu đây tiến lên, trải qua sáu mươi thánh vị Bồ-tát, được ý-sinh-thân(232), tùy ý đến đi, không còn ngăn ngại. Ví như có người ngủ mê nói mớ, người ấy tuy không biết gì, nhưng lời nói đã thành âm vận thứ tự, những người đang thức đều hiểu được. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hành giả dù được “ý-sinh-thân”, nhưng thật sự vẫn chưa thân chứng, vì vẫn còn bị tưởng ấm hạn chế ngăn che.

Nếu hết động niệm, vọng tưởng tiêu trừ, thì nơi tâm giác ngộ sáng suốt như được quét sạch bụi dơ; cả một dòng sinh tử, từ đầu chí cuối đều chiếu soi rõ ràng. Đó là lúc tưởng ấm đã hết, người tu hành bấy giờ mới có thể vượt khỏi phiền não trược. Như vậy, xét kĩ lại nguyên do của tưởng ấm, thì gốc rễ chính là vọng tưởng dung thông, đan dệt nhau vọng thành.

Này A Nan! Hành giả kia ở trong cảnh giới đã hết thọ ấm, không còn mắc phải tà lự, diệu định viên thông phát sáng; bỗng nhiên ở trong tâm định khởi lên niệm tưởng, yêu thích sự sáng suốt tròn đầy, tư duy tinh nhạy, tham cầu thiện xảo. Thiên ma chỉ chờ có được cơ hội này để khuấy phá, bèn gá tinh thần vào thân một người nào đó, miệng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma nhập, tự cho rằng mình đã chứng được niết bàn vô thượng, liền đi đến chỗ vị hành giả cầu thiện xảo kia, trải pháp tọa ngồi thuyết pháp. Trong chốc lát, người ấy biến hóa nhiều hình dạng cho vị hành giả kia thấy: lúc thì hiện thân tì kheo, lúc thì hiện thân Đế Thích, lúc thì thân phụ nữ, lúc thì thân tì kheo ni, lúc thì ở trong nhà tối mà thân có hào quang sáng ngời. Hành giả kia mê dại, lầm cho đó là Bồ-tát, tín cẩn nghe lời dạy bảo, chánh tâm bị lay chuyển, phá hủy luật nghi của Phật, trong tối tăm làm chuyện tham dục. Miệng người ma ưa nói những chuyện cát hung quái đản: lúc thì nói có đức Như Lai ra đời chỗ nọ chỗ kia, lúc thì nói sắp có nạn đao binh xảy ra, cốt làm cho người ta sợ hãi, khiến cho gia sản vô cớ mà hao tán. Đó là giống quái quỉ sống lâu năm thành ma, quấy phá người tu hành; khi quấy phá chán rồi, bèn rời khỏi thân người bỏ đi, thì cả thầy lẫn đệ tử đều bị rơi vào lưới pháp luật của quốc gia. Hành giả nếu biết trước đó là ma để không bị mê hoặc, thì không bị rơi vào vòng luân hồi; nếu mê muội không biết, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián.

Lại nữa, này A Nan! Hành giả kia ở trong cảnh giới đã hết thọ ấm, không còn mắc phải tà lự, diệu định viên thông phát sáng; bỗng nhiên ở trong tâm định khởi lên niệm tưởng yêu thích thần thông du hí tự tại, phấn chấn tinh thần, tư duy nghiên cứu, tham cầu kinh lịch các quốc độ. Thiên ma chỉ chờ có được cơ hội này để khuấy phá, bèn gá tinh thần vào thân một người nào đó, miệng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma nhập, tự cho rằng mình đã chứng được niết bàn vô thượng, liền đi đến chỗ vị hành giả cầu du hí kia, trải pháp tọa ngồi thuyết pháp. Người ấy thân hình không biến đổi, nhưng vị hành giả nghe pháp kia bỗng nhiên thấy mình ngồi trên hoa sen báu, toàn thân hóa thành sắc vàng tía sáng chói; tất cả thính chúng, mỗi mỗi cũng thấy như vậy, đều cho là việc chưa từng có. Hành giả mê dại, lầm tưởng người ma kia là Bồ-tát, bèn tín cẩn nghe lời dạy bảo, tâm buông lung giong ruổi, phá hủy luật nghi của Phật, trong tối tăm làm chuyện tham dục. Miệng người ma ưa nói những chuyện quái đản, như nói chư Phật sẽ ứng hiện ra đời, hoặc nói người đó ở chỗ đó là hóa thân của đức Phật đó, người kia sắp đến đây tức là vị Bồ-tát kia đến để giáo hóa nhân gian. Hành giả nghe thế thì sinh lòng khát ngưỡng, tà kiến kín đáo nổi lên, trí tuệ tiêu mất. Đó là giống bạt quỉ sống lâu năm thành ma, quấy phá người tu hành; khi quấy phá chán rồi, bèn rời khỏi thân người bỏ đi, thì cả thầy lẫn đệ tử đều bị rơi vào lưới pháp luật của quốc gia. Hành giả nếu biết trước đó là ma để không bị mê hoặc, thì không bị rơi vào vòng luân hồi; nếu mê muội không biết, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián.

Lại nữa, hành giả kia ở trong cảnh giới đã hết thọ ấm, không còn mắc phải tà lự, diệu định viên thông phát sáng; bỗng nhiên ở trong tâm định khởi lên niệm tưởng yêu thích khế hợp kín đáo, bèn lắng đọng tinh thần, dứt bặt tư duy, tham cầu khế hợp. Thiên ma chỉ chờ có được cơ hội này để khuấy phá, bèn gá tinh thần vào thân một người nào đó, miệng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma nhập, tự cho rằng mình đã chứng được niết bàn vô thượng, liền đi đến chỗ vị hành giả cầu khế hợp kia, trải pháp tọa ngồi thuyết pháp. Thân hình người ấy cùng với những người nghe pháp, bề ngoài không có gì biến đổi, nhưng lại khiến cho thính giả, trước khi nghe pháp, tâm tự nhiên khai ngộ, niệm niệm dời đổi: hoặc được túc mạng thông, hoặc được tha tâm thông, hoặc thấy cảnh địa ngục, hoặc biết rõ các việc tốt xấu ở nhân gian, hoặc miệng nói kệ, hoặc tự tụng kinh, mỗi mỗi đều vui vẻ, được điều chưa từng có. Hành giả kia mê dại, lầm tưởng đó là Bồ-tát, tâm sinh luyến ái triền miên, tín cẩn nghe lời dạy bảo, phá hủy luật nghi của Phật, trong tăm tối làm chuyện tham dục. Miệng người ma ưa nói những chuyện quái đản: như nói Phật có lớn có nhỏ, hay Phật này là Phật trước, Phật kia là Phật sau, rồi lại có Phật thật Phật giả, Phật nam Phật nữ; Bồ-tát cũng vậy. Hành giả kia thấy thế thì rất tín mộ, bỏ mất bản tâm tu tập, rơi vào tà kiến. Đó là giống mị quỉ sống lâu năm thành ma, quấy phá người tu hành; khi quấy phá chán rồi, bèn rời khỏi thân người bỏ đi, thì cả thầy lẫn đệ tử đều bị rơi vào lưới pháp luật của quốc gia. Hành giả nếu biết trước đó là ma để không bị mê hoặc, thì không bị rơi vào vòng luân hồi; nếu mê muội không biết, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián.

Lại nữa, hành giả kia ở trong cảnh giới đã hết thọ ấm, không còn mắc phải tà lự, diệu định viên thông phát sáng; bỗng nhiên ở trong tâm định khởi lên niệm tưởng muốn biết tận tường gốc rễ, muốn xét rõ thỉ chung của sự biến hóa nơi sự vật, bèn phấn chấn tinh thần, đem hết tâm lực tham cầu phân tích biện biệt. Thiên ma chỉ chờ có được cơ hội này để khuấy phá, bèn gá tinh thần vào thân một người nào đó, miệng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma nhập, tự cho rằng mình đã chứng được niết bàn vô thượng, liền đi đến chỗ vị hành giả cầu biết nguồn cội kia, trải pháp tọa ngồi thuyết pháp. Người này có uy thần, khuất phục ngay những người cầu nghe pháp, khiến cho họ, tuy chưa nghe pháp mà tự nhiên tâm đã kính phục. Người đó bảo rằng: “Bồ đề, niết bàn và pháp thân Phật chính là nhục thân của chúng ta đây; cha cha con con đời đời sinh nhau không dứt, đó chính là pháp thân thường trú; cảnh giới hiện tại trước mắt đây chính là Phật quốc, chứ không có cõi tịnh cư hay tướng sắc vàng nào khác ở đâu cả.”. Hành giả kia tín thọ lời dạy của ma, bỏ mất bản tâm tu tập, đem thân mạng qui y tà ma, cho là được điều chưa từng có. Cả bọn đó đều mê dại, lầm tưởng ma là Bồ-tát, suy xét tâm mình để thuận theo lời dạy bảo, phá hủy luật nghi của Phật, trong tăm tối làm chuyện tham dục. Miệng người ma ưa nói những lời quái đản, như nói mắt tai mũi lưỡi đều là tịnh độ; hai căn nam nữ là nơi chân thật của bồ đề niết bàn. Nhưng hành giả kia không biết đó là những lời nói dơ dáy, cứ một mực tin theo. Đó là giống cổ độc và yểm thắng ác quỉ sống lâu năm thành ma, quấy phá người tu hành; khi quấy phá chán rồi, bèn rời khỏi thân người bỏ đi, thì cả thầy lẫn đệ tử đều bị rơi vào lưới pháp luật của quốc gia. Hành giả nếu biết trước đó là ma để không bị mê hoặc, thì không bị rơi vào vòng luân hồi; nếu mê muội không biết, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián.

Lại nữa, hành giả kia ở trong cảnh giới đã hết thọ ấm, không còn mắc phải tà lự, diệu định viên thông phát sáng; bỗng nhiên ở trong tâm định khởi lên niệm tưởng yêu thích sự cảm ứng huyền nhiệm, bèn để hết tâm lực nghiên cứu tinh tế biến khắp mọi hiện tượng, mong cầu thánh duyên cảm ứng. Thiên ma chỉ chờ có được cơ hội này để khuấy phá, bèn gá tinh thần vào thân một người nào đó, miệng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma nhập, tự cho rằng mình đã chứng được niết bàn vô thượng, liền đi đến chỗ vị hành giả cầu cảm ứng kia, trải pháp tọa ngồi thuyết pháp; khiến cho thính chúng nhất thời thấy thân ông ta như từng sống lâu đến trăm ngàn tuổi, tâm sinh yêu mến không thể rời xa; nguyện đem thân mình làm nô bộc cho ông ta, cúng dường đầy đủ các thứ cần dùng mà không biết mệt mỏi. Người ấy lại khiến cho tâm mỗi người nghe pháp đều biết ông ta là bậc tiên sư, là vị thiện tri thức của họ, yêu quí lời dạy bảo, khắng khít như keo sơn, được điều chưa từng có. Hành giả kia mê dại, lầm tưởng đó là Bồ-tát, gần gũi tâm ma, phá hủy luật nghi của Phật, trong tăm tối làm chuyện tham dục. Miệng người ma ưa nói những chuyện cát hung quái đản, như nói: “Ta kiếp trước sinh ở chỗ đó, trước độ cho người đó, đương thời là thê thiếp anh em của ta. Nay ta cùng các ngươi cũng vốn có túc duyên, nên đặc biệt đến đây độ cho nhau; ta sẽ cùng các ngươi đi về thế giới kia, cúng dường đức Phật kia.” Hoặc người ma đó nói rằng, đặc biệt có cõi trời Đại-quang-minh, là nơi cư trú nghỉ ngơi của chư Phật. Hành giả kia không biết gì, cứ tin vào những lời nói dối gạt ấy, bỏ mất bản tâm tu tập của mình. Đó là giống lệ quỉ sống lâu năm thành ma, quấy phá người tu hành; khi quấy phá chán rồi, bèn rời khỏi thân người bỏ đi, thì cả thầy lẫn đệ tử đều bị rơi vào lưới pháp luật của quốc gia. Hành giả nếu biết trước đó là ma để không bị mê hoặc, thì không bị rơi vào vòng luân hồi; nếu mê muội không biết, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián.

Lại nữa, hành giả kia ở trong cảnh giới đã hết thọ ấm, không còn mắc phải tà lự, diệu định viên thông phát sáng; bỗng nhiên ở trong tâm định khởi lên niệm tưởng yêu thích sự khế nhập sâu xa, bèn ép mình khắc khổ, thích ở chỗ u tịch, tham cầu sự tĩnh mịch. Thiên ma chỉ chờ có được cơ hội này để khuấy phá, bèn gá tinh thần vào thân một người nào đó, miệng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma nhập, tự cho rằng mình đã chứng được niết bàn vô thượng, liền đi đến chỗ vị hành giả cầu tĩnh mịch kia, trải pháp tọa ngồi thuyết pháp; khiến cho những người nghe, mỗi người đều tự biết nghiệp đời trước của mình, rồi bảo một người ở ngay nơi đó rằng: “Ngươi nay chưa chết mà đã làm súc sinh!” Nói thế xong, lại bảo một người khác đạp lên cái đuôi ở đằng sau người này, khiến cho người này đứng dậy không được. Thấy vậy, cả thính chúng đều hết lòng khâm phục; ai vừa khởi tâm gì, người ma ấy biết ngay. Nó dối hiện như người tu hành nghiêm cẩn, ngoài luật nghi của Phật, còn tỏ ra rất tinh cần khắc khổ; rồi chê bai chư vị tì kheo, mắng chửi đồ chúng, phô bày việc xấu của người khác, không tránh hiềm khích. Miệng ma ưa nói những việc họa phúc chưa xảy ra, và đến khi xảy ra thì mảy may không sai. Đó là giống đại lực quỉ sống lâu năm thành ma, quấy phá người tu hành; khi quấy phá chán rồi, bèn rời khỏi thân người bỏ đi, thì cả thầy lẫn đệ tử đều bị rơi vào lưới pháp luật của quốc gia. Hành giả nếu biết trước đó là ma để không bị mê hoặc, thì không bị rơi vào vòng luân hồi; nếu mê muội không biết, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián.

Lại nữa, hành giả kia ở trong cảnh giới đã hết thọ ấm, không còn mắc phải tà lự, diệu định viên thông phát sáng; bỗng nhiên ở trong tâm định khởi lên niệm tưởng yêu thích sự thấy biết sâu rộng, bèn ra sức nghiên cứu tìm tòi, cầu biết túc mạng. Thiên ma chỉ chờ có được cơ hội này để khuấy phá, bèn gá tinh thần vào thân một người nào đó, miệng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma nhập, tự cho rằng mình đã chứng được niết bàn vô thượng, liền đi đến chỗ vị hành giả cầu biết túc mạng kia, trải pháp tọa ngồi thuyết pháp. Ở nơi thuyết pháp đó, bỗng nhiên người ma ấy có được viên ngọc báu lớn; rồi biến hóa làm súc sinh, miệng ngậm viên ngọc kia cùng các thứ như châu báu đủ màu, tín phù, sách viết trên thanh tre hay thanh gỗ, và nhiều vật kì lạ khác; trước đem trao cho vị hành giả kia, sau thì đeo nơi mình. Người ma ấy lại khoe với thính chúng, có hạt châu minh nguyệt chôn ở dưới đất, đang chiếu sáng chỗ đó; thính chúng cho là điều chưa từng có. Ma thường ăn dược thảo, không ăn cơm, có lúc mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè hoặc một hạt lúa, nhưng nhờ sức ma duy trì mà thân hình vẫn béo tốt. Ma lại chê bai chư vị tì kheo, mắng chửi đồ chúng, không tránh hiềm khích. Miệng người ma ưa nói những chuyện quái đản như có nhiều kho báu ở các phương khác, hoặc chốn ẩn cư của các bậc hiền thánh mười phương. Những người đi theo sau ma, thường thấy nhiều người kì lạ. Đó là những loại quỉ thần ở sông núi, hay thổ địa thành hoàng nơi núi rừng, sống lâu năm thành ma, khi thì cổ võ cho sự dâm dục, phá giới luật của Phật, trong tăm tối cùng kẻ thừa sự cùng vui hưởng ngũ dục; có lúc lại chuyên cần tinh tấn, ăn thuần cỏ lá, hành sự không nhất định, cốt quấy phá người tu hành; khi quấy phá chán rồi, bèn rời khỏi thân người bỏ đi, thì cả thầy lẫn đệ tử đều bị rơi vào lưới pháp luật của quốc gia. Hành giả nếu biết trước đó là ma để không bị mê hoặc, thì không bị rơi vào vòng luân hồi; nếu mê muội không biết, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián.

Lại nữa, hành giả kia ở trong cảnh giới đã hết thọ ấm, không còn mắc phải tà lự, diệu định viên thông phát sáng; bỗng nhiên ở trong tâm định khởi lên niệm tưởng yêu thích sức thần thông biến hóa, bèn nghiên tầm suy cứu nguồn gốc của sự biến hóa để mong thủ đắc thần lực. Thiên ma chỉ chờ có được cơ hội này để khuấy phá, bèn gá tinh thần vào thân một người nào đó, miệng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma nhập, tự cho rằng mình đã chứng được niết bàn vô thượng, liền đi đến chỗ vị hành giả cầu thần thông kia, trải pháp tọa ngồi thuyết pháp. Người ma ấy một tay cầm ngọn lửa, tay kia bốc lửa chia để trên đầu từng người nghe pháp; ngọn lửa trên đầu mỗi người đều cao đến vài thước, nhưng đầu không bị cháy, cũng không cảm thấy nóng. Người ấy lại đi trên mặt nước như đi trên đất bằng; hoặc ngồi yên bất động trên hư không; hoặc vào trong chiếc bình; hoặc ở trong cái đãy; hoặc vượt cửa sổ, đi xuyên qua tường mà không bị ngăn ngại; chỉ đối với đao binh thì không được tự tại. Người ấy cũng tự bảo mình là Phật, thân mặc áo trắng, nhận sự lễ bái của các tì kheo, chê bai pháp môn tu thiền và hành trì giới luật, mắng chửi đồ chúng, bươi móc chuyện xấu của người, không tránh hiềm khích. Miệng người ma ưa nói những chuyện mê hoặc, như nói những chuyện về thần thông tự tại, hoặc khiến cho mọi người thấy Phật độ ở ngay bên cạnh. Đó là do ma lực mê hoặc người, hoàn toàn không chân thật. Người ma ấy chuyên ca ngợi sự hành dâm, làm toàn những việc thô tục, đem những hành động bỉ ổi sàm sỡ gọi đó là truyền pháp. Đó là những loài có sức lớn trong trời đất như sơn tinh, hải tinh, phong tinh, hà tinh, thổ tinh; hoặc những loài cây cỏ kì dị sống trải bao đời kiếp, hấp thụ tinh hoa của trời đất mà hóa thành tinh mị; hoặc các loài rồng hóa thành yêu mị; hoặc các tiên nhân chết rồi sống lại làm yêu mị; hoặc các tiên nhân quả báo đã hết, đến ngày đáng lẽ phải chết, nhưng hình hài không tiêu, bị loài yêu quái khác nhập vào, hóa thành yêu nghiệt; tất cả những giống ấy sống lâu năm thành ma, quấy phá người tu hành; khi quấy phá chán rồi, bèn rời khỏi thân người bỏ đi, thì cả thầy lẫn đệ tử đều bị rơi vào lưới pháp luật của quốc gia. Hành giả nếu biết trước đó là ma để không bị mê hoặc, thì không bị rơi vào vòng luân hồi; nếu mê muội không biết, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián.

Lại nữa, hành giả kia ở trong cảnh giới đã hết thọ ấm, không còn mắc phải tà lự, diệu định viên thông phát sáng; bỗng nhiên ở trong tâm định khởi lên niệm tưởng yêu thích vào chỗ tịch diệt, bèn nghiên cứu tinh tường cùng cực cái thể tánh của vạn hóa, mong cầu cái rỗng không sâu nhiệm. Thiên ma chỉ chờ có được cơ hội này để khuấy phá, bèn gá tinh thần vào thân một người nào đó, miệng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma nhập, tự cho rằng mình đã chứng được niết bàn vô thượng, liền đi đến chỗ vị hành giả cầu rỗng không kia, trải pháp tọa ngồi thuyết pháp. Ở trong thính chúng, người ấy bỗng nhiên biến mất thành không, cả chúng không ai thấy gì; rồi từ không đột nhiên lại hiện ra; muốn có muốn không đều tự tại. Người ấy còn biến hiện thân mình trong suốt như ngọc lưu li, hoặc duỗi tay chân phát ra mùi hương chiên đàn, hoặc đại tiểu tiện ngọt và cứng chắc như đường phèn; rồi còn chê bai giới luật, khinh rẻ người xuất gia. Miệng người ma ưa nói những điều mê hoặc, như nói không nhân không quả, chết là vĩnh viễn đoạn diệt, không có thân sau; hoặc nói chư vị thánh phàm tuy chứng được không tịch, vẫn hành dâm vô ngại, những người hưởng thụ tham dục cũng được tâm không; cũng bác không có nhân quả. Đó là mặt trời mặt trăng, trong lúc che khuất nhau, tinh khí thấm vào đất, những loại như vàng, ngọc, cỏ chi, lân, phụng, rùa, hạc hấp thụ được, có thể sống lâu trải ngàn vạn năm mà trở thành tinh linh, sinh ra trong cõi nước, lại sống lâu năm thành ma, quấy phá người tu hành; khi quấy phá chán rồi, bèn rời khỏi thân người bỏ đi, thì cả thầy lẫn đệ tử đều bị rơi vào lưới pháp luật của quốc gia. Hành giả nếu biết trước đó là ma để không bị mê hoặc, thì không bị rơi vào vòng luân hồi; nếu mê muội không biết, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián.

Lại nữa, hành giả kia ở trong cảnh giới đã hết thọ ấm, không còn mắc phải tà lự, diệu định viên thông phát sáng; bỗng nhiên ở trong tâm định khởi lên niệm tưởng muốn được trường thọ, bèn khổ công nghiên cứu, mong cầu sống mãi; dứt bỏ đời sống phần đoạn(233), chóng được đời sống biến dịch(234), được thân tướng vi tế thường trụ. Thiên ma chỉ chờ có được cơ hội này để khuấy phá, bèn gá tinh thần vào thân một người nào đó, miệng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma nhập, tự cho rằng mình đã chứng được niết bàn vô thượng, liền đi đến chỗ vị hành giả cầu trường thọ kia, trải pháp tọa ngồi thuyết pháp. Người ma ấy nói, có thể đi đến một phương nào thật xa rồi trở về không trở ngại; dù nơi xa vạn dặm, chỉ trong nháy mắt có thể đến đó lấy một vật đem về. Hoặc ở một nơi nào đó, trong một căn nhà rộng chỉ vài bước, người ma ấy bảo một người nào đó đi thử từ vách phía Đông sang vách phía Tây, người này đi thật nhanh mà cả năm không tới. Hành giả thấy thế rất tin phục, nghĩ rằng người ma kia là Phật hiện tiền. Miệng người ma ưa nói những điều mê hoặc, như nói “Mười phương chúng sinh đều là con của ta; ta sinh ra chư Phật; ta sinh ra thế giới; ta là đức Phật đầu tiên, tự sinh ra đời, không phải do tu hành mà đắc đạo.” Đó là thiên ma ở cõi trời Tha-hóa-tự-tại sai khiến bọn quyến thuộc chưa phát thiện tâm, như dịch sử quỉ Giá Văn Trà, hay quỉ Tì Xá Già thuộc cõi Tứ-vương thiên, bọn này nhân lúc người tu hành được tâm định rỗng không sáng suốt nhưng phát sinh tà kiến, bèn tới ăn tinh khí. Hoặc không phải do người ma nọ, mà chính vị hành giả kia nhìn thấy ma vương hiện thân, miệng khoe nắm được thuật cường tráng như kim cương, ban cho hành giả sự trường thọ; rồi lại hiện thân mĩ nữ, cám dỗ hành giả hành sự dâm dục, chưa đến một năm thì gan óc khô kiệt, miệng nói lầm bầm một mình, nghe như yêu mị. Như trước kia vì không rõ ông thầy thuyết pháp là người bị ma nhập, nên khi ma chán bỏ đi thì thầy trò phải sa lưới pháp luật; còn giờ đây, hành giả không do ông thầy ma mà tự mình tham hành dâm dục với gái đẹp, thì chưa đợi bị hình phạt của pháp luật, mà đã phải chết khô trước rồi! Thế là ở cả hai trường hợp, người tu hành đều bị ma vương phá hoại, đến nỗi mất mạng! Hành giả nếu biết trước đó là ma để không bị mê hoặc, thì không bị rơi vào vòng luân hồi; nếu mê muội không biết, nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục Vô-gián.

Này A Nan! Thầy nên biết, mười giống ma đó, ở trong đời mạt pháp, có thể giả làm người xuất gia tu hành trong giáo pháp của Như Lai, hoặc gá nhập vào thân xác người ta, hoặc tự hiện nguyên hình, đều tự xưng là đã thành bậc Chánh Biến Tri Giác, ca ngợi sự dâm dục, phá luật nghi của Phật. Cả ma thầy và ma đệ tử đều lấy sự dâm dục truyền thọ cho nhau; cứ như thế, yêu tinh tà mị mê hoặc lòng dạ, ít thì cũng trải chín đời, nhiều thì trăm đời, khiến cho những người tu hành, dù cho chân chánh, rốt cuộc cũng đều trở thành quyến thuộc của ma vương; sau khi mạng chung phải làm dân ma, mất hết chánh trí, đọa vào địa ngục Vô-gián.

Thầy chưa nên vội an hưởng niết bàn tịch diệt ngay bây giờ. Dù chứng được quả vị Vô-học, thầy cũng nên giữ tâm nguyện vào trong đời mạt pháp, phát khởi tâm đại từ bi cứu độ chúng sinh, khiến cho họ có được tâm địa chân chánh, có được lòng tin sâu sắc nơi Phật pháp, không mắc vào lưới ma, được chánh tri kiến. Nay Như Lai đã độ thầy thoát khỏi sinh tử, thầy hãy vâng lời Phật dạy, thế gọi là báo đáp ơn Phật.

Này A Nan! Mười cảnh ma như thế hiện ra trong thiền định, đều do tưởng ấm ngăn che mà sinh ra. Sức quán chiếu và vọng tưởng giao chiến nhau trong tâm, vì vọng tưởng thắng nên sinh ra những cảnh tượng ấy. Chúng sinh ngu muội, ngoan cố, không tự xét tự lượng, gặp những cảnh tượng ấy thì nhầm lẫn không biết rõ, cho mình đã chứng quả thánh, thành ra mắc tội đại vọng ngữ, phải đọa địa ngục Vô-gián! Sau khi Như Lai diệt độ, quí thầy nên y theo lời dạy này, tuyên bày nghĩa lí cho chúng sinh trong đời mạt pháp được tỏ ngộ; không để cho thiên ma có dịp quấy phá; đó là cách giữ gìn chánh pháp, che chở cho người tu hành thành đạo Vô-thượng.

HT Thích Duy Lực



Có 1 phản hồi đến “Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Quyển 9 - Ma Chướng Trên Đường Tu Hành”

  1. a di đà phật - con thành tâm mong muốn nhận được trọn bộ sách Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Hoan hỉ - a di đà phật

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com