Một mùa giáng sinh nữa lại về. Không như ở Việt Nam đường phố tập nập ồn ào, Giáng Sinh ở Mỹ, cũng như các dịp lễ là dành để đoàn tụ gia đình, nghỉ ngơi. Đặc biệt với tôi, chuyện nghỉ ngơi tránh bất cứ sự ồn ào tấp nập càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nhìn cây đang ngã vàng, đường phố vắng lặng, đất trời như dừng lại bình an lòng người cũng nhẹ đi bao lo toan muộn phiền. Thời tiết đang giao mùa để chuẩn bị đón một năm mới nữa lại về. Nhanh quá.

Trong mùa lễ giáng sinh, bệnh nhân cũng thường hay gởi quà và thiệp đến tặng cho tôi. Ngày cuối cùng làm việc ở phòng khám trước khi về nghỉ lễ, tôi tiếp hai bệnh nhân đặc biệt có tấm lòng của Bồ tát chốn nhân gian, đều quan tâm đến giáo dục cũng như thế hệ trẻ. Họ đều là những con người bình thường, bệnh tật triền miên nhưng tấm lòng và tình thương của họ cao đẹp vô cùng. Người thứ nhất từng làm cho chính phủ 30 năm, vừa nghỉ hưu, mắc bệnh ung thư đang chữa trị với hóa trị đang ổn dần, chuyên đi làm từ thiện với nhà thờ, đặc biệt là quyên góp cứu trợ cho công tác giáo dục ở Guatemala, một nước ở Trung Mỹ, gần biên gới với Mexico với dân số khoảng 16 triệu người.

Bà mang lên phòng khám cho tôi một bịch cà phê do các phụ nữ làm ở vùng Guatemela. Lần trước tôi đã từ chối vì tôi không uống cà phê nhưng sợ bà buồn, tôi bảo các em tôi hay người thân có hay uống cà phê hoặc đôi khi tôi có làm bánh bỏ cà phê như là đông sương ấy. Do đó lần này, bà mang lên cho tôi một bịch cà phê khoảng nửa ký loại đặt biệt và kể cho tôi nghe nguồn gốc của bịch cà phê này.

Bà hoạt động cho một nhà thờ ở đây và nhà thờ có một chi nhánh chị em ở Guatemela chuyên làm từ thiện. Theo bà kể, cuộc sống ở đó cực khổ vô cùng do chiến tranh và thiên tai. Vì chiến tranh bạo loạn nội chiến, phân biệt chủng tộc, các kẻ khủng bố giết người. Do người nam phải ra trận đánh nhau liên miên bị chết khá nhiều để lại chỉ toàn phụ nữ và trẻ em ở các miền tản cư nên phụ nữ và trẻ em như là lực lượng lao động chính. Cuộc sống hiện giờ đã đỡ hơn vì không còn bị chiến tranh liên miên nhưng đói nghèo, bệnh tật, tỷ lệ thất học, bạo loạn vì buôn bán thuốc phiện vẫn luôn là một nổi ám ảnh khôn cùng.

Guatemela là một vùng đất được thiên nhiên ưu ái đa dạng sinh học và tên Guatemela nghĩa là vùng đất của các loại cây. Do đó hiện nay rất nhiều loại trái cây từ đây được xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng có lẽ những gì ngon nhất lại được đi xuất khẩu lấy tiền còn ở đất nước người dân không có nhiều thứ để ăn. Cà phê họ tự trồng rồi cũng do những người phụ nữ tự xay ra nguyên chất, hữu cơ rồi ở nhà thờ của bà mua mang về Mỹ để bán quyên góp lấy tiền. Bà đã đến Guatemela gần 10 lần mang cả một trái tim muốn giúp đỡ trẻ em, giúp các em đến trường, gây quỹ từ thiện. Cảm động khi bị bệnh có gần 300 em học sinh đều viết thư cho bà hỏi thăm, bà quyết định năm sau sẽ trở về đây để tiếp tục thiện nguyện. Đau buồn vì những gì đang xảy ra ở Mỹ, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống, bà bảo đang nghĩ về việc đến một đất nước Trung Mỹ hay nam Mỹ để sống những ngày còn lại cuối đời và cũng để được trọn tâm giúp đời.

Bà mang cho tôi cả một tấm canh đọc sách bookmark cũng làm thủ công dệt nên như những vùng dân tộc người ta dệt thổ cẩm. Tầm tấm bookmark trên tay, trong tôi nhớ về hình ảnh quê nhà, nhớ những nơi nghèo khó vùng sâu vùng xa, đời sống bấp bênh, lao động chính cũng là phụ nữ. Ở các cùng tháp Chàm như Phan Rang, việc dệt thổ cẩm, tơ lụa điêu luyện đội thúng đội lu nhịp nhàng giữa cái nắng gắt chói chang mùa hè để đổi một bữa ăn qua ngày sao cực lắm thay. Tự nhiên tôi rưng rưng xúc động vì ở đâu cũng đầy sự khổ đau chỉ khác nhau về hình tướng.

Người bệnh nhân thứ hai không xa lạ vì bà chính là người điều hành trung tâm dạy trẻ em da màu African American nghèo khó học hành. Tôi đã đến trung tâm bà hai lần và đã có một buổi giảng dạy cho các em. Tôi cũng đã mang đặt khá nhiều thông tin y khoa cho bà và trung tâm nhưng còn nhiều thứ tôi vẫn chưa làm xong. Mỗi lần gặp bà tôi đều cảm thấy bình an, vui vẻ, ấm áp. Bà vui khi gặp tôi vì được nhận thêm sự động viên khích lệ, thêm sức mạnh cho bà. Tôi vui vì mình được gặp những tấm lòng thiện nguyện, được thấy mình còn may mắn có thể làm gì cho ai và tự chỉnh sửa, tự nghĩ mình sẽ làm gì để cống hiến và phụng sự tốt hơn.

Bà thông báo cho tôi một tịn vui vì nhờ những tài liệu tôi gởi tặng, nhất là về vấn đề tác hại của thuốc lá, thông tin về thuốc lá mà bà và các em đã có thời gian làm dự án khoa học về vấn đề này. Bà có tài liệu để hướng dẫn các em suy nghĩ viết về nó, thuyết trình về nó. Những tờ rơi thông tin đối với chúng tôi là bình thường nhưng với bà ở một nơi xa xôi, nghèo khó, xung quanh chỉ toàn là trẻ em nghèo, thất học, không mấy người biết đến khoa học, bà phải tự chống đỡ hoạt động thì nó như những phép màu bé nhỏ diệu huyền.

Cũng như bà bệnh nhân thứ nhất, với một người quan tâm đến thế hệ trẻ, quan tâm đến vận mệnh của đất nước, bà cực kỳ thất vọng sau cuộc bầu cử và bảo tôi nếu có về Việt Nam hãy mang bà và chồng bà theo . Hình ảnh Việt Nam đẹp lên trong bà vì bà chỉ nghĩ về tôi trong khi tôi không biết nên vui hay buồn nghĩ về thực trạng đang xảy ra nơi quê nhà. Nếu mọi điều tốt đẹp chắc chúng tôi đã không phải di cư sang đây. Đành nói bà rằng có lẽ chúng tôi sẽ định cư ở Canada cho yên bình vậy.

Bà hỏi về các cháu của tôi và hỏi tôi có cần thêm sách vở. Vì trung tâm của bà là trung tâm thiện nguyện, không tổ chức quyên góp mà chỉ sống vào sự từ thiện của mỗi người nên nhiều nơi hay mang đồ chơi, sách vở đến tặng. Hồi đầu năm khi tôi đang tính gởi một ít búp bê cho cháu tôi thiết kế thời trang và cũng định hỏi bà một số tài liệu hay phù hợp cho trẻ em để tôi tìm mua. Như một định mệnh sắp đặt sẵn, bà bảo tôi tại trung tâm của bà có đầy đủ quá nhiều và vừa có người mang đến cả một giỏ búp bê quá nhiều ba đang tính đi tặng nơi khác nên ngay lần gặp sau, bà mang lên cho tôi không biết bao nhiêu là búp bê đủ loại cùng sách vở đến nổi tôi phải phân chia bớt cho đồng nghiệp ở bệnh viện. Bà bảo ơn trên đã sắp đặt để gởi tặng cho cháu tôi những món quà này.

Tôi mở ảnh cho bà xem những bộ sưu tập thiết kế thời trang cháu tôi làm từ những con búp bê của bà. Tôi cũng đã kể về lai lịch các con búp bê cho cháu tôi nghe cũng như sách cháu đang đọc, bảo rằng đó chính là quà bà tặng cho cháu tôi. Nhìn các bộ thời trang bà vui đến bật khóc không ngờ những món quà tưởng bỏ rơi ấy giờ lại có sức sống và đang chu du tại Việt Nam. Bà vui khi biết tôi cũng hay làm một số việc ở Việt Nam dù không nhiều và thường xuyên hỏi tôi có cần giúp đỡ , cần sách vở bút viết đồ chơi gì cho các em không? Trong bà long lanh ánh mắt nghĩ suy làm thế nào để cháu tôi được sớm sang đây, bà suy nghĩ giúp tôi làm thế nào để phát triển việc học tư duy cho các cháu sau này. Tôi cũng kể sơ cho bà biết tình hình của cháu tôi và cũng đã từng bảo cháu tôi nếu có sang đây sẽ đến trung tâm của bà thay tôi những việc cần làm.

Bà ngẩn ngơ cứ hỏi tôi có phải quá nhiệm màu không? Tôi bảo tất cả đều là do tình thương kết nối con người. Chỉ cần có tình thương con người ta sẽ dễ dàng kết nối lẫn nhau. Một món quà có lẽ không đáng là bao và tôi đủ sức để có thể mang cho cháu tôi hơn thế. Tuy nhiên, tôi muốn cháu được nhận những món quà ấy từ bà, những con búp bê không có đầy đủ áo quần để chính cháu sẽ thiết kế những gì đẹp nhất đầy sự sáng tạo cho mình. Trong mỗi hình ảnh những món quà ấy chính là từ người gởi cho bà và đong đầy tình thương trân quý bà gởi cho cháu tôi. Giờ món quà ấy đã bay xa vượt đại dương đến một nơi bà chẳng bao giờ có thể nghĩ tới cũng như chưa bao giờ bà nghĩ một người Việt Nam như tôi lại đến hỗ trợ bà tại trung tâm.

Trước khi chia tay bà ra về, tôi gởi tặng bà một gift card Giáng Sinh. Bà xúc động vô cùng. Tôi bảo đây chỉ là một hành động hết sức bé nhỏ, bình thường nên bà đừng quan tâm vì mùa Giáng Sinh tôi hay gởi quà tặng các nơi lắm. Tôi chỉ mong bà và chồng bà có được một bữa cơm ngon lành trong mùa lễ. Bà sống giản dị, bình thường nên chẳng đòi hỏi gì nhưng hy vọng có thể mang một chút ấm áp cho bà trong bữa cơm giáng sinh bên chồng. Tôi cũng hứa sẽ cố gắng hết mình giúp bà trong khả năng để mang những gì tốt nhất có ý nghĩa giáo dục đến cho các em học sinh. Bà bảo bà sẽ bận rộn cho hết giáng sinh vì hiện vừa có khá nhiều người mang quà, mang đồ chơi đến tặng trung tâm. Bà và chồng bà sẽ đi đến một số vùng nghèo khó của trẻ em nhập cư ở Mexico để trao quà cho chúng, mong chúng có được niềm vui.

Ngày tôi đến Mỹ đầu tiên 14 năm trước cũng gần kề với mùa lễ Giáng sinh và tôi đã vui biết bao khi được đón nhận, được những người không biết từ đâu tặng quà, chào đón chúng tôi, cho chúng tôi học miễn phí tiếng Anh đầu tiên và cả những món ăn nhẹ, những lon nước ngọt. 14 năm qua, càng đi sâu vào cuộc sống ở đây, bỏ qua những tỵ hiềm ích kỷ ganh ghét lợi dưỡng ở đâu cũng có, tôi chỉ thấm nhất tinh thần nhân văn muốn giúp người, tâm rộng mở giúp người khác không phân biệt cội nguồn chỉ vì người ta cần được giúp đỡ, rằng mỗi con người đều có quyền được sống, được hạnh phúc và vươn lên. Chính những con người bình dị ấy đã dạy cho tôi rất nhiều điều và làm cho tôi thấm sâu vào tấm lòng từ bi trong hạnh Bồ Tát Đạo của nhà Phật.

Ông già Noel và công chúa tuyết ở miền Bắc Cực ngự trị trong các câu chuyện cổ tích tôi vẫn đọc cho cháu tôi nghe. Nhưng ông Già Noel và những ông tiên ông Bụt là có thật ở giữa cuộc đời nếu chúng ta biết lắng tâm nhìn nhận quán suy. Ở tuổi đã trưởng thành, tôi vẫn mơ màng về cuộc sống trong cổ tích thần tiên để dạy cho con cháu mình những điều hay và đẹp nhất. Xin cảm ơn những vì Bồ Tát giữa chốn nhân gian tôi đã, đang và sẽ gặp. Nguyện mong sẽ có nhiều tấm lòng từ bi, bát ái lan tỏa khôn cùng để tình thương yêu được nhân rộng bay xa chắp cánh để mọi trẻ em, mọi con người khổ đau có một nơi an bình và trong mùa Giáng Sinh sẽ không còn một cô bé bán diêm nào bị chết gì giá lạnh đơn côi vì thiếu tình thương.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Giáng Sinh Yêu Thương Bên Những Bệnh Nhân Bồ Tát”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com