Nhắc đến Huế là nhắc đến mảnh đất cố đô lưu dấu bao lịch sử thăng trầm thịnh suy của triều đại nhà Nguyễn cuối cùng của Việt Nam. Huế cổ kính, thiêng liêng và hiền hòa cũng là cái nôi tâm linh của Phật giáo. Nói đến Phật giáo thì không thể nào không nhắc đến Huế. Huế càng rực rỡ, sống động và linh thiêng hơn trong những mùa lễ Phật Đản và Vu Lan về.

Xem thêm:

Cảm Niệm Ân Thầy - HT Thích Trí Tịnh Từ Phương Trời Viễn Xứ

Lần thứ tư trở về Việt Nam, được đặt chân đến Huế, trong con tràn lên biết bao là cảm xúc bồi hồi. Mọi người vẫn bảo Huế rất buồn, chỉ một ngày là chẳng còn nơi để đi, không nhộn nhịp sầm uất đông đúc quanh năm như thành phố biển Nha Trang của con. Tuy nhiên, với một người Phật tử, đến được thành phố Huế cổ kính hiền hòa là biết bao nhiêu điều chiêm nghiệm đi mãi chẳng thể nào hết được

Đến kinh thành Huế, nơi được công nhận là di sản văn hóa của UNESCO, lòng vui mừng khi chạm vào quá khứ của 9 đời chúa, 13 đời vua, 143 năm vương triều nhà Nguyễn. Bao thăng trầm thịnh suy giờ chỉ còn những cây hoa sứ soi bóng bên hồ nhật nguyệt đưa vào thành nội. Tuy nhiên, người ta đang làm gì với cả một di sản văn hóa thế này? Lòng buồn man mác, sao người ta lại vì tiền mà biến đổi kinh thành Huế cổ xưa.

Ngày cuối cùng ở Huế, con quyết định tách đoàn để tự đi chùa thay cho việc đi ăn uống, mua sắm thông dụng mà mọi người vẫn thích. Bốn chùa con chọn đến là chùa Từ Đàm, chùa Từ Hiếu, chùa Thiên Mụ và Huyền Không Sơn Thượng. Đây có lẽ là bốn ngôi chùa không chỉ nổi tiếng mà chứa đựng hết mọi tinh hoa của Phật giáo và con người dân xứ Huế.

Chùa Từ Đàm là nơi con đến đầu tiên. Dù biết đây là ngôi chùa trụ sở của Phật giáo Huế, nơi mà HT Thích Trí Quang vẫn còn an dưỡng tu hành nhưng không gian vô cùng trang nghiêm. Xung quanh rất im lặng ngay cả lúc ấy là đến giờ cúng ngọ, cúng trai tăng.

Con đứng bên ngoài nhìn vào. Bên trong là hàng trăm tăng ni và bên ngoài là Phật tử đang cung kính chấp tác. Cả một không gian hùng bi lan tỏa. Vẫn biết chùa Từ Đàm có cả một bề dày về lịch sử, đặc biệt là trụ sở, là nơi nương tựa tâm linh cho tất cả tăng ni Phật tử trong thời pháp nạn năm 1963 khi Phật giáo bị chính quyền của Ngô Đình Diệm đàn áp, sát hại đồng bào Phật tử cũng như cấm treo cờ Phật giáo.

Người đứng đầu trong phong trào cứu nạn, phản chiến, bảo vệ đạo pháp và dân tộc, lãnh đạo tinh thần của Phật giáo thời ấy chính là HT Thích Trí Quang. Chính HT đã cùng với bao tăng ni Phật tử, đại hạnh đại dũng đại trí tổ chức cho sự kiện tự thiêu của Bồ Tát Thích Quảng Đức để lại quả tim xá lợi bất diệt

Sau đó, Ngài đã nối tiếp ngọn lửa của HT Thích Quảng Đức mà tuyệt thực 100 ngày. Tuy nhiên, Ngài lại dùng 100 ngày ấy trở thành ngày tu để viết sách Phật giáo truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Chùa Từ Đàm cũng là nơi mà biết bao nhiêu vị thánh tử đạo đã vị pháp tự thiêu và tử nạn. Tuy nhiên, chẳng ai oán hờn than trách mà vì tâm đạo quá lớn, thân xác vô thường tạm bợ có là bao mà quyết hy sinh để bảo vệ đạo pháp, bảo vệ đất nước, quyết không để đồng bào Phật tử bị ngoại bang và tôn giáo ngoại bang đàn áp.

Đến chùa Từ Đàm là chạm vào bao nhiêu lịch sử thăng trầm của đất nước, đạo pháp và dân tộc. Ở nơi ấy, có một bậc chân tu ngày đêm đã thoát đi mọi vai trò phải đóng, phải hóa hiện trong giai đoạn chiến tranh tàn khốc, đạo pháp đầy phong ba mà quyết chí tu hành. Từ một người lãnh đạo cho phong trào Phật giáo cứu nước, cứu dân, bị gắn kết hết mọi danh xưng, bị mọi thế lực phe phái chỉ trích, Ngài an nhiên xả bỏ tất cả mà độc cư tu hành.

Một bậc chân tu thoát hết mọi nhiễm ô trần thế, không tranh với đời để thực hiện ý nguyện cao cả của cuộc đời làm một nhà sư tu hành. Chí nguyện cao cả vượt mọi hạnh nguyện không gì khác là làm một bậc chân tu, viết sách, dịch kinh, để lại cho tăng ni Phật tử những công trình kinh sách và công hạnh tu hành hiếm có ngày nay.

Chùa thứ hai con đến là chùa Từ Hiếu. Nói đến chùa Từ Hiếu là nói đến một danh tăng khác của Việt Nam và thế giới: HT Thích Nhất Hạnh. Chùa Từ Hiếu đẹp nên thơ ở bên trong làng ấp, vô cùng yên bình. Đây là ngôi chùa xưa các Thái Giám của cố cung về già ẩn cư và ra đi ở đây nên hiện vẫn còn nhiều ngôi mộ cổ.

Chánh điện và cảnh quan trước chùa Từ Hiếu rất cổ kính với giếng nước hình bán nguyệt đầy những rêu xanh và bèo hoa dâu soi bên cạnh những hàng cau cao vút. Từ nơi đây, một nhà sư đầy công hạnh khác, cũng nổi tiếng thời chiến tranh khi sang nước ngoài kêu gọi phản chiến, được đề cử giải Nobel Hòa Bình rồi lại vì nhân duyên lưu lạc hành đạo nổi tiếng khắp nước ngoài.

Nhờ HT Thích Nhất Hạnh mà người phương Tây biết đến một đạo Phật khác với biết bao lợi ích. Tăng đoàn của HT là tăng đoàn “Liên Hiệp Quốc” lớn nhất thế giới khi dung chứa hết mọi tôn giáo, cội rễ và niềm tin.

Ngài đã đi và giờ đã trở về để kết nối với tâm linh, kết nối cội rễ được vững mạnh hơn hòng để cho tăng ni Phật tử có nơi nương tựa. Ngài lại dùng thân pháp cuối đời truyền công hạnh tu hành và cũng là để giúp xây dựng nên một hình ảnh khác của Việt Nam.

Ngôi Chùa Thứ Ba con đến là chùa Thiên Mụ. Đây là ngôi chùa mà biết bao bài hát, ca dao, bài thơ về Huế đều nhắc đến “Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.” Chùa có vị trí thật đẹp khi ở phía trên cùng những cây thông như Đà Lạt và bên dưới là dòng Hương Giang. Tự nhiên, có cảm giác như Thiền Viện Trúc Lâm của Đà Lạt.

Đây là ngôi chùa ngập khách du lịch tấp nập ra vào. Tuy nhiên, bên trong hành lễ vô cùng trang nghiêm. Không gian nội viện cửa đóng then cài cùng cảnh quan vô cùng sạch đẹp.

Vừa lúc đó là thời kinh cúng ngọ. Con cũng muốn xem một buổi tụng kinh ở Huế ra sao. Rất đông chư tăng ra cùng tụng kinh hành lễ, theo cấp bậc và người nhỏ nhất, những vị vừa xuất gia, chú điệu là đi sau cùng.

Bên trong chỉ có chư tăng tụng kinh. Có hai vị thầy như là “giám thiền” đi xem xét nội quy, kiểm tra xung quanh, đồng thời cũng nhắc nhở Phật tử đứng ở vị trí bên ngoài, tránh làm kinh động quý thầy hành lễ chấp pháp tụng niệm.

Nghe cả trăm vị cùng tán tụng, với giọng Huế trầm ấm hay vô cùng. Sau nghi lễ tụng kinh vô cùng trang nghiêm, quý thầy tuần tự bước ra ngoài trở về trai đường hoặc nội viện.

Con cũng đi vào phía sau để xem khi có thể. Phong cảnh phía sau cũng rất gọn và sạch đẹp. Nước theo các con đường nhỏ chảy róc rách, cá lội rất nhiều. Có cả một nơi triển lãm chiếc xe mà Bồ Tát Thích Quảng Đức dùng trong ngày tự thiêu vì đạo pháp vào năm 1963. Bỗng nhiên, như có cả một sự liên hệ khắp nơi ở Huế về một thời hào hùng oanh liệt, lắm bi thương nhưng cũng đầy oai dũng trong tâm từ của con nhà Phật ngày xưa.

Nơi cuối cùng con đến là Huyền Không Sơn Thượng của thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Đây có thể xem là một không gian đầy thơ phú, đạo pháp, toàn những bài thuyết giảng bằng thơ khắp nơi của hòa thượng khai sinh. Từ khi bước vào cho đến từng bậc cấp, chánh điện, kệ, cột, khắp cả khu vườn thiền bát ngát, đâu đâu cũng thấy thơ Phật giáo của thầy. Cả một không gian, đúng ra là một cánh rừng rộng lớn để hành giả tu thiền tha hồ trải tâm mình thư thả đến đây.

Khắp xung quanh là cỏ cây, những hồ nước rất lớn đầy sen súng, những giả cảnh, bàn ghế giả cổ để khách thiền có thể ghé thăm hoặc phóng tâm cheo leo theo những cây cầu trên thiền hồ. Khi đến đây, mọi buồn lo của cuộc đời đều được bỏ lại đằng sau.

Con một mình đi lang thang khắp ngoại viện trong rừng thiền. Các cụ già Phật tử ngoài Bắc từng đoàn vào đây đều ngạc nhiên sao con có thể gan dạ tự một mình đi khắp nơi. Nếu các cụ biết con từ nước ngoài trở về sẽ càng ngạc nhiên hơn nhiều. Tuy nhiên, với tâm người con Phật, được đến chùa và nếu phải bị “tai nạn” mà chết ở chùa thì cũng là phước duyên của nghiệp quả nên con chẳng có gì phải lo.

Bốn ngôi chùa với bốn sắc thái khác nhau đã ôm ấp vào trong tim con cả hình hài của Phật giáo, của con người Huế . Bốn ngôi chùa linh thiêng đầy dấu ấn thời gian, nơi bao bậc chân tu lưu dấu đã khắc khi theo chiều dài của lịch sử đạo pháp và dân tộc. Lòng chợt vui và ấm lên vì cuối cùng từ phương xa, con cũng đã được đến đảnh lễ nơi dây dù khi xưa ở Việt Nam con chưa bao giờ có duyên trân quý tìm hiểu.

Bao năm nay, con cũng nhờ làm báo mạng mà có duyên được hiểu thêm Phật giáo khi đăng tải những kinh sách của các bậc chân tu, nhất là của HT Thích Trí Tịnh, HT Thích Trí Quang hay sách vở bài giảng của HT Thích Nhất Hạnh. Tâm từ bi trí tuệ rộng khắp bao trùm lên những bậc chân nhân tu chứng hướng dẫn cho chúng con tu hành.

Ngày HT Thích Trí Tịnh mất, con đau buồn như cảm giác mình mất đi một thứ gì đó rất thiêng liêng. Ngày ngày chỉ biết lạy bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bộ kinh con rất thích, xem hình ảnh tang lễ của HT rất nhiều lần không chán, vừa xem vừa khóc. Để minh chứng cho hàng hậu học chúng con biết HT là một bậc chân tu, hoa sen đã rực sáng trên bầu trời khi kim quan của HT được nhập vào bảo tháp Phù Thi. 

Mấy ngày nay, con lại bất ngờ khi biết tin, HT Thích Trí Quang lại "hoa khai kiến phật",  thu thần viên tịch ở tuổi 97. Vậy là một cây đại thọ nữa của Phật giáo lại ra đi. Lẽ dĩ nhiên, ở tuổi gần 100, Ngài xả báo thân về Phật cũng là đến thời nhưng sao lòng con và biết bao Phật tử khác cũng đau buồn dù con chưa một lần được diện kiến Ngài.

Càng xúc động hơn trong con khi đọc di huấn của Ngài về tang lễ, làm con vừa cảm phục, vừa kính ngưỡng công hạnh của Ngài. Ngài yêu cầu không phát tang, không kêu gọi, không thông báo, không cúng tế, không nhận phúng điếu, kể cả vòng hoa, không bàn thờ, không bát nhang. Sau sáu tiếng là đưa đi hỏa thiêu rồi đem về chùa cúng, mỗi lần cúng là đọc tụng những bộ kinh mà Ngài đã dịch.

Có lẽ hiện giờ, nhất là với các bậc long trụ của Phật giáo, nếu viên tịch thì sẽ chẳng bao giờ có lễ tang đơn giản như vậy, thậm chí còn nặng nề về hình thức hơn cả người thế gian. Ở Huế không có lò hỏa thiêu và Ngài sẽ là bậc long trụ đầu tiên đi đầu trong việc hỏa thiêu như Đức Phật ngày xưa, hư không trở về với hư không, không đến không đi.

Cả cuộc đời của Ngài là những bài học thực chứng về lời Phật dạy của thanh bần, giản dị, bi trí dũng đầy đủ. Khi đất nước gặp vấn nạn, Phật giáo bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp, giết hại đồng bào Phật tử, cấm treo cờ Phật giáo, Ngài đã đứng đầu ngọn sóng để làm chỗ dựa tâm linh lãnh đạo đất nước và và đạo pháp thoát khỏi bể lửa đao binh.

Nhưng Huế là cái nôi của Phật giáo thì làm sao có thể vùi dập được ngọn lửa bất diệt sẵn sàng hy sinh của biết bao thánh tử đạo vì đạo pháp, vì đất nước.

Chính Ngài đã lãnh đạo, chuẩn bị và sắp đặt để bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963 phản đối chiến tranh, bảo vệ Phật giáo với cả tấm lòng từ bi, để lại trái tim xá lợi bất diệt

“Lửa ngất toà sen mãi đượm hồng
Pháp thân lồng lộng tựa hư không
Danh thơm còn mãi trang thanh sử
Quả tim bất diệt đoá sen hồng”

Tâm hạnh tu hành của người xưa thật vĩ đại biết bao. Để rồi khi đã xong nạn đao binh, Ngài trở về độc cư làm một nhà sư tu hành đúng với hạnh nguyện, không màn đến chuyện thị phi thế đời.Một nhà sư tu hành đi qua bao pháp nạn, đứng đầu con sóng cả đạo pháp và dân tộc đã về Phật, tròn công hạnh một bậc chân tu.

Ngài được ví như thiền sư Vạn Hạnh của thời Lý, khi đất nước lâm nguy giúp vua giúp dân thoát nạn giặc xâm lượt. Khi đất nước an bình lại tìm về chốn sơn lâm ẩn cư tu hành, rủ tất cả bụi trần ai một cách nhẹ nhàng.Thời nay nào hiếm có thay.

Cả cuộc đời Ngài sống để dùng thân pháp giảng đạo pháp, viết sách. Đến khi viên tịch, Ngài cũng dùng đó làm một bài học răn dạy hàng hậu học chúng con. Ngài không để xây đúc tượng pháp, không tang lễ rình rang mà mọi thứ đều bình an, giản dị như chính con người của Ngài và như chính y giáo theo lời của Đức Phật về hạnh thanh bần, ít muốn biết đủ, dùng thời gian để chuyên tu.

Đám tang Ngài chẳng thông báo kêu mời mà khắp nơi ai cũng biết đến. Mọi thứ ở đám tang đều giản dị không có cờ hoa rực rỡ vì không hương thơm nào có thể vượt qua hương đức hạnh lan tỏa khắp nơi của Ngài. Ngài từng nói rằng “…cuộc đời tôi ‘không vẫn hoàn không’, không có gì đáng nhớ, đáng nói. ‘Không vẫn hoàn không’ là Phật cho, tôi mới được như vậy.” Thật đúng là một bậc chân tu.

Ngày phụng tống di quan về công viên vườn địa đàng làm lễ hỏa thiêu trà tỳ, cả trời Huế mưa buồn thương cảm như tấm lòng thương tiếc của bao nhiêu hàng hậu học chúng con. Nhìn cảnh những gia đình Phật tử, các chùa đã tự làm hương án rước kim quan của Ngài đi qua, mặc cho mưa rơi xối xả vẫn đứng đợi lạy quỳ mới xúc động biết bao.

Hình ảnh này làm con chấn động như ngày HT Thích Trí Tịnh viên tịch vậy.

Có lẽ, Ngài dùng tang lễ để thuyết pháp và để nhắc nhở cũng như mở đầu cho một sự thay đổi trong tang lễ kể cả ở Phật giáo và người thế gian. Đó là tang lễ theo tinh thần giản dị, tiết kiệm, đúng chánh pháp, tránh sa hoa, nhẹ nhàng cho cả người ra đi và người ở lại, phù hợp với đời sống hiện đại, giảm chi phí, bảo vệ môi trường.

Nơi công viên nghĩa trang, một lò hỏa thiêu bằng gỗ được dựng lên để làm lễ trà tỳ cho Ngài, hàng ngàn Phật tử vẫn đội mưa chờ đợi, cùng tụng kinh niệm Phật tiễn Ngài mới cảm động làm sao. Cả trời Huế cùng những người con Phật Huế đều chung một tình cảm đưa tiễn một bậc chân tu về Phật.Một con người vĩ đại của đạo pháp và dân tôc lại nhập diệt, khi còn sống hay khi Ngài đã về Tây đều tỏa pháp hạnh muôn nơi.

Trong lòng con luôn nguyện cầu, Ngài linh thiêng hãy để lại xá lợi để hàng hậu học chúng con được một lần nữa thấy được sự vi diệu của Phật pháp. Sau một ngày làm lễ hỏa thiêu trà tỳ, chúng con đã xúc động vỡ òa khi điều nhiệm mầu đã xảy ra.

Ngài đã để lại xá lợi đặc biệt như Bồ Tát Thích Quảng Đức để lại xá lợi quả tim ngày xưa.

4000 độ C không thể nào làm tan trái tim bất diệt của bồ tát Thích Quảng Đức vì đó là tấm lòng đại bi trùm khắp của Ngài

4000 độ C cũng không thể làm tan chảy xá lợi ngọc thủ của HT Thích Trí Quang vì đó là trí tuệ của Ngài bao phủ khắp mọi hoàn cảnh, đưa đạo pháp và dân tộc ra khỏi nạn đao binh

Hoa sen rực trời trong ngày HT Thích Trí Tịnh nhập bảo tháp Phù Thi như diệu pháp thanh cao của Phật giáo lan tỏa.

Xá lợi của  HT Thích Trí Quang và của Bồ Tát Thích Quảng Đức là đại diện cho từ bi và trí tuệ của Phật giáo không bao giờ thay đổi, không bao giờ chuyển dời và không gì có thể thiêu cháy dập tắt được. Hai sự kiện diễn ra trong 56 năm nhưng bản chất vẫn là một vì tâm ý tương thông của những bậc đắc đạo chân tu. Nhiệm mầu thay như hoa sen trên trời tỏa sáng của HT Thích Trí Tịnh tỏa hương thơm của Diệu Pháp Liên Hoa.

Bao điều vi diệu xảy ra từ những bậc chân tu làm cảnh tỉnh chúng con sớm hồi đầu, từ bỏ tham sân si, bớt đi những tranh chấp hơn thua của thế gian để cố gắng an định tu hành hòng sớm ngày có đường trở về. Cả cuộc đời vì vô duyên thiếu phước chúng con vẫn lo lặn ngụp khổ đau với những lợi danh gây đau khổ cho kiếp người dù vô thường đang kế bên vẫn chưa chịu cảnh tỉnh quay đầu.

Bao nhiêu sự nhiệm mầu bất khả tư nghì từ các bậc danh tăng chân tu mới thấy lời Phật dạy quả không sai.Tri ân các Ngài đã đến và củng cố niềm tin trong chánh pháp, khuyến khích chúng con tu hành. Pháp phật như cơn mưa mà từng cây nhỏ cây lớn trong rừng tùy duyên hấp thụ cảm nhận được.

Ngày mai đây, xá lợi của Ngài mang theo tinh thần trí tuệ của Phật giáo sẽ được tôn trí ở nhiều chùa trên cả nước hòng lan tỏa tâm hạnh của một bậc “xuất trần thượng sĩ” lan tỏa khắp nơi trên đất nước Việt Nam và thế giới. Ngọn lửa trí tuệ của Ngài rất cần thiết để soi sáng cho bóng đêm vô minh của thế gian cũng như tẩy trần lớp bụi mê lần, chấp ngã, mê tín dị đoan mà người thời nay vẫn hay ngộ nhận, mê mẫn chờ đợi “ân huệ thần thông.”

Ngài đã minh chứng cho chúng con thấy rằng chỉ có sự tự tu mới tự chứng, có tự lực ắt có tha lực và không ai có thể tu thay cho mình. Đó đúng như lời Phật dạy “hãy tự thắp đuốc lên mà đi.” Người thời nay chỉ toàn chờ linh ứng thần thông, nhiệm mầu kinh chú, kể cả mang bùa ngải, mê tín dị đoan áp vào việc tu trì làm mất đi “trí huệ” cùng nét đẹp thanh cao thật sự của đạo giác ngộ giải thoát đầy vi diệu thâm sâu.

Con xin cảm ơn Ngài đã đến thế giới ta bà, đến với đất nước Việt Nam trong thời loạn lạc mà chèo chống đưa dân tộc sang một trang sử khác. Con kính tri ân Ngài đã để trong con hình ảnh một bậc chân tu đầy trí tuệ quang khai để con có thêm một tấm gương mô phạm làm hành trang cho mình trên bước đường tu hành.

Dù con chưa một lần được có phước duyên đảnh lễ Ngài nhưng xin cho con được lạy tạ kết duyên từ những bộ kinh sách của Ngài mà con có dịp được đọc qua. Nguyện mong Ngài sẽ luôn gia hộ để hàng Phật tử chúng con vẫn có duyên được gần gũi với các bậc thiện tri thức, tinh tấn tu hành.

Chúng con kính cung tiễn giác linh của HT về Phật . Nguyện mong Ngài sớm quay lại Ta Bà để tiếp tục cứu độ quần sanh cùng bao chúng sinh đang lầm đường lạc lối khắp muôn nơi.

"Hương các loại hoa thơm Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời"

(Kinh Pháp Cú - Phẩm Hoa)

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Trái Tim Từ Bi Của Bồ Tát Thích Quảng Đức – Xá Lợi Ngọc Thủ Trí Tuệ Của Hòa Thượng Thích Trí Quang – Từ Hoa Kỳ Con Xin Bái Vọng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com