Thời gian vẫn trôi đều theo những vòng quay vô tận của những chiếc kim đồng hồ. Bốn mùa cũng nối tiếp nhau đều đặn như chưa bao giờ sai hẹn. Cái lạnh lẽo của mùa Ðông cũng đang bớt dần để nhường lại cho hơi ấm đầy hứa hẹn của mùa Xuân đang ngấp nghé.

Thế đấy, nhớ lại ngày xưa còn bé, cứ mỗi lần Xuân về Tết đến, lòng tôi náo nức vô cùng với những tràng pháo nổ giòn tan, với những bao lì xì đỏ thắm, với những đĩa bánh mứt đầy ắp khi theo cha mẹ đi chúc Tết họ hàng và bà con lối xóm. Lớn hơn một tí tôi lại thưởng thức mùa Xuân với bạn bè với một trái tim tràn đầy nhựa sống. Những cuộc vui xả láng trên bàn nhậu trong ba ngày Tết với những tên bạn thân chẳng bao giờ làm tôi bận tâm về vấn đề sức khỏe dù là khi ra về đầu nhức như búa bổ kéo dài đến tận sáng hôm sau, qua một đêm đầy mộng mị chập chờn. Tôi vẫn thường tự nhủ... mình còn trẻ mà, phải sống hết mình chứ, khi nào già hẵng hay.

Vậy mà, thoắt một cái, như chớp mắt, con gái lớn của tôi đã vào đại học. Gia đình chúng tôi không còn hưởng được hương vị thuần túy Tết nữa vì chúng tôi sang định cư tại Hoa Kỳ đã ba năm rồi. Tuy rằng ở vùng San Jose này, số lượng người Việt nói riêng khá đông, và người châu Á thì chiếm tỷ lệ đến gần phân nửa dân số tại đây, nhưng những hội chợ Xuân được tổ chức trong cộng đồng người Việt cũng chỉ như những cây bút chì màu cùn đầu cố tô lại những hình ảnh ngày Tết tại quê nhà còn đọng lại trong ký ức mà theo cuộc sống bôn ba ở xứ người, cũng dần dần phai nhạt.

Có lẽ biểu lộ của nhiều người tại Mỹ về mùa Xuân năm nay là lặng lẽ, hay mạnh hơn tí nữa, là dửng dưng, không như mọi năm vì biến cố ngày 11 tháng 9 vừa qua chưa phai trong trí họ. Nhưng trọng tâm hơn cả là nền kinh tế Mỹ vẫn chưa rời khỏi chu kỳ suy thoái khiến bao nhiều người phải mất việc, hoặc lo sắp mất việc. Tuy nhiên không vì thế mà hoa không nở, hương không thơm, nắng không ấm, chim không hót khi Xuân về. Tôi vẫn cảm nhận vẻ đẹp của mùa Xuân qua lăng kính Pháp Hoa.

Tôi thật may mắn khi còn tại Việt Nam, được thầy tôi dạy cho kinh Pháp Hoa, một bộ kinh Ðại thừa mà Ðức Phật đã giao phó cho các vị Bồ tát gìn giữ và truyền bá thay Ngài trong thời mạt pháp. Theo năm tháng tu trì kinh Pháp Hoa, lấy việc sáng tác nhạc dựa từng phẩm kinh làm phương tiện để thâm nhập thế giới cực kỳ vi diệu này, tôi đã thực sự không cầm được những giọt nước mắt xúc động khi nhận ra tâm từ bi bao la của Ðức Phật. Ngài đã sử dụng mọi phương thức thiện xảo nhất nhằm mục đích đưa chúng sanh ra khỏi nhà lửa tam giới, về với thế giới vĩnh hằng bất tử của chư Phật.

Ngoài ý nghĩ chính, là tạo cơ hội cho các con sau này có môi trường tốt để học tập, để làm việc, bản thân tôi còn muốn thử nghiệm câu nói mà thầy tôi vẫn thường dạy, đó là "chánh báo đâu, y báo đó". Trước khi đi định cư tại Mỹ quốc, tôi không khỏi lo lắng về những thách thức mới ở một đất nước xa lạ. Tương lai trước mắt không thể đoán trước là sẽ diễn biến thế nào. Tôi tự trấn an rằng nếu mình thực là một hành giả Pháp Hoa thì sẽ có chư Thiên giúp đỡ, còn nếu như mình là hành giả "dỏm" thì việc gặp những thất bại, xui xẻo âu cũng là "đáng đời", nhưng ít nhất mình cũng tự biết là mình đã tu sai pháp để còn kịp chấn chỉnh lại. Và tôi đã lên máy bay cùng với vợ con hướng về "miền đất hứa" - nơi mà không phải ai cũng đạt được ước mơ. Trong tâm tôi lúc ấy chỉ còn giữ lại hình bóng vị thầy và cuốn Hồng danh Pháp Hoa do thầy soạn làm nguồn an ủi. Những tháng đầu chưa quen với nếp sống mới, bị hàng rào ngôn ngữ đóng khung, công ăn việc làm chưa kiếm được, số tiền ít ỏi mang theo từ quê nhà thì ngày càng vơi dần, có những lúc trong lòng tôi đâm phát hoảng. Vợ tôi không ngày nào là không khóc và đòi quay về Việt Nam. Nhưng có một điều rất đặc biệt là vào thời điểm ấy niềm tin đối với Phật trong tôi lại mạnh hơn bao giờ hết. Những lần quỳ hồng dành sám hối, tôi có cảm giác như Ðức Phật đang ngồi trước mặt để nghe nỗi lòng tôi. Thực sự tôi chỉ muốn sám hối tất cả những lỗi lầm từ xưa đến nay tôi đã vô tình hay cố ý gây cho người khác, và tôi chỉ xin Ngài một điều duy nhất là cho tôi một hướng đi đúng, đừng để tôi mê muội lạc bước đường tà mà kéo cả gia đình vào chỗ bế tắc. Và thế là điều nhiệm mầu đã đến...

Chúng tôi rời Maryland vào mùa Ðông sau sáu tháng tạm cư tại đấy để về đón Xuân tại vùng nắng ấm Cali, nơi "thung lũng điện tử" San Jose này. Vừa đặt chân đến đây, gia đình người anh họ đã kiếm ngay cho tôi một việc làm tạm. Một mối lo xem như đã trút xuống để hoa sen trắng lại vươn lên và nhẹ nhàng tỏa hương. Rồi công việc cứ tiếp diễn một cách trôi chảy. Tôi cũng lần lượt chuyển từ hãng điện tử này sang hãng điện tử khác với đồng lương cao hơn. Chủ nhật vợ chồng tôi thường lên chùa lễ Phật thầm cám ơn Ngài đã hộ niệm cho gia đình tôi nhiều như vậy. Rồi nhân duyên một ngày nọ tôi gặp lại một người bạn đạo tại ngôi chùa trên Oakland, cách chỗ tôi ở hơn một tiếng đồng hồ lái xe. Từ người bạn này, họ lại dẫn tôi đến với Ðạo tràng Pháp Hoa được thành lập đã lâu tại nhà một chị bạn ở San Jose, thế mà đến bây giờ tôi mới được gặp lại. Tôi đã chắp tay đảnh lễ bức chân dung thầy tôi ngay khi tôi đến viếng đạo tràng lần đầu. Có cái gì thân quen lắm, ấm áp lắm, tưởng như đã mất mà nay lại hiện ra nguyên vẹn trước mắt mình. Tiếng kinh quen thuộc nhịp theo tiếng khánh đều đặn, những hành giả Pháp Hoa trong bộ áo tràng nâu, cổ quàng pháp y đang chắp tay nhiếp tâm niệm chú Pháp Hoa khiến tôi xúc động đến nổi gai ốc khắp người. Và giờ đây tôi đã thực chứng lời dạy của thầy tôi: "Chánh báo đâu, y báo đó".

Vì không còn nghi ngờ gì nữa nên tôi luôn luôn nghĩ cách để bồi đắp chánh báo. Hàng tuần vào Chủ nhật, tôi cùng vợ đến với Ðạo tràng Pháp Hoa để tụng một thời hồng danh sám hối, và cũng để chia sẻ thông tin vui buồn trong nhóm. Ở đấy niềm tin vững mạnh trong từng người kết hợp lại với nhau tạo nên một nguồn sống an lạc cho mỗi người trong suốt tuần. Hàng ngày tôi vẫn niệm đề kinh Pháp Hoa trong lúc lái xe đến sở làm, và trong những lúc công việc không đòi hỏi sự tập trung. Niệm riết đâm ghiền, mà ghiền niệm thì tâm không còn chỗ cho lời thị phi xâm nhập. Giờ nghỉ trưa tôi ra xe nằm và bật băng thuyết pháp của thầy tôi gửi từ Việt Nam sang. Nghe tiếng như thấy được người, có những lúc bắt được một lời dạy thấm ý, tôi mỉm cười chắp tay xá cái radio cassette trong xe. Vào sở làm tôi thấy ai cũng dễ thương cả, và làm việc gì tôi cũng thấy dễ chịu. Không có điều gì có thể làm cho tôi buồn chán hay lo âu được vì trong tâm tôi pháp vị vẫn còn đó. Có một lần, một cô bạn đồng nghiệp hỏi tôi: "Anh này, hiện nay tình hình hãng xưởng bấp bênh quá, nếu như ngày mai hãng "lay off", anh sẽ làm gì?". Tôi trả lời không đắn đo suy nghĩ: "Tôi sẽ lên chùa trì kinh Pháp Hoa". Cô bạn tôi trợn tròn đôi mắt kinh ngạc vì cô ấy đang mong đợi một lời góp ý liên quan đến công ăn việc làm, nhưng cô ấy có biết đâu rằng hồi còn ở quê nhà, vào thời kỳ nền kinh tế Việt Nam bị hụt hẫng, tôi đã bị "tinh giảm biên chế". Tôi đâu còn việc gì làm khác hơn là ôm quyển kinh Pháp Hoa lên chùa trì tụng mỗi ngày để tự an tâm cho mình. Tôi tin rằng chính nhờ nương vào công đức của kinh mà cuộc đời tôi lại chuyển biến theo hướng tốt đẹp hơn.

Mùa Xuân cũng đang đến dần, tôi không còn niềm háo hức như thời còn ở tuổi học trò nữa. Giờ đây tôi đã gặp lại Ðạo tràng Pháp Hoa, đã cùng với chúng xưng tán hồng danh các vị Phật và Bồ tát trong kinh Pháp Hoa. Tôi cũng đã được đọc chú Ðà La Ni chung với những hành giả Pháp Hoa tại đất Mỹ này để cùng tạo nên một âm thanh vi diệu, một năng lượng lạ kỳ có công năng hóa giải mọi phiền não, tỏa hơi ấm tình thương đến muôn loài. Chính năng lượng này đã giúp tôi duy trì một mùa Xuân thanh bình và an lạc trong mọi hoàn cảnh

Minh Trí



Có phản hồi đến “Xuân Về Nơi Đất Khách”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com