Cách nay đúng 2592 năm (tính theo thời điểm năm 1968), một vị Bồ Tát đã giáng sinh ở nước Ca Tỳ La Vệ (Ấn Độ), lớn lên xuất gia tu hành thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Từ đó đến nay chưa hề có một vị Phật thứ hai xuất thế, như vậy Đức Phật được coi như một siêu nhân, một hành tinh hay một ngôi sao chổi, chỉ thoáng hiện trên vòm trời đen tối trong một thời gian ngắn, rồi lại vụt biến đi, để lại một thế giới u tối đầy đau khổ.

Không, Đức Phật luôn luôn hiện hữu bên cạnh tất cả chúng sinh từ vô thỉ tới vô chung. Ngài đã giáng sinh, từng giờ từng phút trong đời sống của muôn loài. Lúc trẻ cho tới lúc già, lúc khổ cũng như vui, khi trầm luân hay lúc giải thoát, Đức Phật luôn luôn ở cạnh chúng ta và gần chúng ta hơn tất cả mọi người, mọi vật. Những lúc lầm lạc vì vô minh, chúng ta thấy Ngài nhìn chúng ta bằng cặp mắt thương xót và chúng ta cảm thấy xấu hổ, quỳ xuống mà sám hối “Lạy Phật, con đã lầm lỗi theo gót Ma Vương Ác Quỷ gây nhiều tội ác, con xin thành tâm hối cải, bỏ ác làm lành, quày đầu trở lại với Ngài, với sự sáng suốt và giác ngộ”. Lúc đó, Đức Phật mỉm cười, hào quang chiếu sáng, từ bi dơ tay xoa đảnh đầu đứa con biết trở về đường chánh. Những khi làm được điều thiện, chúng ta cũng thấy Phật mỉm cười khuyến khích: “Con hãy tiếp tục làm như vậy, nhưng phải xa lìa chấp tướng nhân ngã, đừng thấy có mình làm thiện, có việc làm thiện, có người được hưởng điều thiện, nên xả bỏ tất cả để được tất cả”.

Chúng ta thấy Phật hiện ra, nghe Phật dạy bảo trong mọi trường hợp, từng giây từng phút, đó không phải là tưởng tượng, là mê tín, mà chính là chúng ta đã cảm thông với Phật. Hình tướng của Ngài là Vô Tướng, âm thanh của Ngài là Vô Thanh, chỉ những cặp mắt đã sáng suốt, đôi tai đã thanh tịnh, mới thấy được Chân Tướng, mới nghe được Diệu Âm. Hình của Ngài lớn như núi Tu Di nhưng hiển hiện trọn vẹn trong lòng hạt cải, tiếng của Ngài to như tiếng gầm của biển cả (Hải Triều Âm) nhưng luôn luôn dịu dàng văng vẳng bên tai chúng sinh; tiếc thay, chúng sinh có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc, không thấy, không nghe.

Tiếng của Phật hay tiếng của lương tâm từ chỗ sâu thẳm cất lên át mọi thứ tiếng ở đời, luôn luôn trách mắng khi chúng ta lầm lỗi, thường xuyên khen ngợi lúc chúng ta làm lành, dù bịt tai chúng ta vẫn nghe thấy, đó là tiếng của cõi lòng, tiếng của Chân Tâm, Tiếng Vô Thanh (la Voix du Silence). Người con Phật phải y theo tiếng đó mà tu hành thì vô minh sẽ hết, chân lý sẽ đạt, nhưng thử hỏi số người đó được là bao? Con người trần thế mải nghe theo tiếng của thất tình lục dục, cũng có lúc chợt nghe tiếng Phật nổi lên, nhưng lại giả điếc để giòng đời lôi cuốn nhận chìm trong bể khổ, mặc cho tiếng Phật trở thành tiếng kêu trong sa mạc.

Hình bóng của Phật cũng vậy: chúng ta thường thấy hàng ngày mà không nhận ra. Một người lính chữa lửa leo lên lầu một nhà đang bị cháy để cứu một bà già và vài trẻ thơ không lối thoát sắp bị lửa thiêu; một khách bộ hành nhảy xuống nước để vớt một người mù không may rớt xuống sông; một nông phu chân lấm tay bùn thấy cây cầu khỉ bị lung lay, ván chốt mục nát, vội tìm gỗ để thay, đóng lại những chốt bị hỏng; những sinh viên và học sinh phơi mình dưới nắng mưa cất nhà cho đồng bào bị nạn chiến tranh; người y sĩ lao mình vào lửa đạn để băng bó vết thương cho những người đang quằn quại trong vũng máu; những hình ảnh đẹp đẽ đầy vị tha kể sao cho hết đã xuất hiện thường ngày trước mắt chúng ta mà ít ai biết rằng đó chính là hình bóng Phật, hình bóng của Từ Bi Hỷ Xả, của lòng thương. Ai có cặp mắt sáng suốt sẽ thấy Phật ở khắp mọi nơi, còn người u mê thì dù Phật có hiện ra cũng không thấy. Đáng thương thay cho Gagarine, phi hành gia đầu tiên của nhân loại đã bay trong không gian, khi anh ta nói với giọng diễu cợt: “Tôi đã bay nhiều vòng trong không gian mà không thấy Thượng Đế đâu cả?”; cũng như câu chuyện một người Âu đi săn bị lạc trong rừng thẳm Phi Châu, hết lòng cầu khẩn Thượng Đế giúp anh thấy đường về; trong khi nguy cấp, bóng chiều đã xế, tiếng hổ báo gầm vang, anh ta chợt gặp một người mọi dẫn lối ra khỏi khu rừng; thoát chết, anh ta cười rỡn kể chuyện lại cho bạn bè và kết luận: “Tôi cầu nguyện Thượng Đế mà chỉ thấy một anh mọi đen”.

Những người như Gagarine và gã đi săn thật đáng thương vì họ quá ngu muội không hiểu rằng Thượng Đế (hay Phật) đâu có phải là một con người vật chất bằng xương thịt ngồi mãi trên cao, cứ bay lên là thấy; Ngài đã thị hiện trong lốt người mọi đen để cứu gã đi săn mà hắn nào có biết. Muốn cho những người đó tin là có Thượng Đế, có Phật, thì phải có một Đấng Tối Cao nào đó đội mũ cánh chuồn, râu tóc bạc phơ, mặc áo thụng, đi hia đen, bay trong không gian như máy bay, hóa hiện 72 phép thần thông như Tề Thiên Đại Thánh, ban phước giáng họa ... có như vậy họ mới sợ mới tin! Họ đâu có hiểu rằng Thượng Đế cũng như Phật là Chân lý, là Từ Bi Hỷ Xả, là Bác Ái Lợi Tha, là Giác Ngộ Giải Thoát. Ở người nào, ở chỗ nào những đức tánh đó đều có thể biểu hiện và ở đâu có sự biểu hiện đó là có Thượng Đế, có Phật. Ít người chịu tìm, chịu nhận Niết Bàn tại thế mà chỉ đi tìm Niết Bàn ở trên chín từng mây.

Phật là Pháp, là Chân lý, mà Chân lý thì ở khắp cùng, trường tồn bất biến; chỗ nào có Pháp là có Phật, người nào đắc Pháp thì người đó là Phật, mà người nào chưa đắc Pháp thì cũng là Phật, nhưng đó là Như Lai tại triền, còn bị xiềng xích thế gian ràng buộc; khi cởi bỏ được xiềng xích phiền não thì là Như Lai xuất triền, được tự tại vô ngại. Ai cũng có Phật tánh, ai cũng có khả năng thành Phật, và hàng ngày có biết bao nhiêu vị Phật ra đời mà ít người nhận biết.

Lạy Phật! Con không dám đứng trong lý thuyết mà bàn suông, con muốn quay về thực tại để chiêm nghiệm, để hành động, để tự cứu và cứu người khác. Trong thế giới đầy hận thù và khổ đau, chúng ta phải làm gì? Trước hết, chúng ta hãy bình tỉnh và sáng suốt mà phân tách sự vật một cách khách quan: Chúng ta là ai? Vai trò của chúng ta là thế nào? Chúng ta đã làm gì cho mình và cho người khác? Nếu suy gẫm kỹ càng thì thấy chúng ta là hiện thân của tham sân si và chấp ngã, chúng ta đã đóng những vai trò của những kẻ giả đạo đức luôn miệng nói Từ Bi, Bác Ái, Hòa Bình, Tự Do, mà hành động thì trái hẳn; chúng ta luôn luôn ích kỷ, làm việc gì cũng vì mình, vì gia đình mình, vì quốc gia mình, mà không hề nghĩ đến người khác, gia đình khác, quốc gia khác.

Sự chấp ngã và ngã sở đã đưa đến vực thẳm của sợ hãi và yếu hèn. Chúng ta sợ chết, sợ mất của, sợ tù tội, sợ đàn áp, sợ tất cả những gì làm thiệt hại đến bản thân và đến những cái gì của ta vì vậy chúng ta yếu hèn cúi đầu thụ động chấp nhận sự sai khiến của Ma Vương hiện ra dưới hình thức của si mê, dục vọng, ác độc. Chúng ta học vì sợ dốt, sợ thi trượt chứ không biết học để làm người; chúng ta tu vì sợ tội, sợ đọa địa ngục, mong được phước lên Thiên Đàng, chứ không hiểu tu là sửa, là quên mình lợi người, hướng về giác ngộ và giải thoát. Tất cả mọi việc làm của chúng ta đều do sự sợ hãi chứ không vì một mục đích cao cả nào. Rồi khi tiếng nói của lương tâm, của Chân lý, khi Diệu Âm từ đáy lòng nổi lên thì chúng ta nhắm mắt bịt tai, tìm đủ mọi lý do xảo ngôn để bào chữa những hành động sai lầm của mình; đôi khi không chịu nổi sự gầm thét của Hải Triều Âm, chúng ta bỏ trốn vào tháp ngà hoặc lên núi xuống biển ẩn mình; như vậy đâu có giải quyết được vấn đề.

Chúng ta cần phải học hỏi suy tầm để có một số vốn liếng làm phương tiện khởi hành, rồi dấn thân vào cuộc đời, làm mọi việc phải làm để tìm ra Chân lý đang ẩn mình đâu đây, trong không gian, vĩnh cửu với thời gian, ở đâu cũng có, lúc nào cũng hiện, nhưng khó thấy khó gặp. Trước hết phải diệt trừ sự sợ hãi bằng cách giữ tâm hồn thản nhiên trước mọi hoàn cảnh, tâm trí kiên cố như núi Tu Di, lòng phẳng lặng như mặt hồ không gợn sóng, đó là đức tính Vô Úy mà Đức Phật đã nhiều lần căn dặn. Thân ta là do ngũ uẩn hợp thành, đủ duyên thì hợp hết duyên thì tan, mọi sự mọi vật đều do luật vô thường chi phối, nay còn mai mất có gì là quý, là trọng đâu mà phải lao tâm khổ trí để bảo vệ. Vô Thường, Khổ, Vô ngã, đó là Tam Pháp Ấn căn bản của giáo lý nhà Phật. Biết ba điều này, chúng ta sẽ tìm ra lối sống hợp thời, hợp cơ và trung đạo.

Chúng ta đã học, đã tu, phải hành nữa mới đủ. Tu là sửa, hành là làm, sửa cong ra thẳng, sửa tà thành chánh, làm tất cả mọi việc lành với một tâm hồn trong sạch, được như vậy tâm an định không còn sợ hãi, được pháp Vô Úy của Phật, tâm hồn thản nhiên trước mọi hoàn cảnh mọi sự vật và tâm trí mở ra đón Lý lẽ diệu huyền. Nụ cười đầy hỷ xả an lạc của Đức Di Lặc tượng trưng cho lòng Vô Úy mà Ngài đã thực hiện khi Ngài hóa thân làm Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi) tay bắt ấn Vô Úy (Abhaya Mudra). Chỗ nào còn sợ hãi đau khổ, còn chiến tranh hận thù thì Ngài đến với Vô Úy Ấn sáng ngời trên tay, với nụ cười hiền hòa an lạc, để an ủi dạy bảo chúng sinh con đường thoát khổ. Chúng ta có pháp Vô Úy thì lòng không sợ hãi, tâm thản nhiên trước mọi biến chuyển vô thường, bình tĩnh đón nhận kết quả của lý vô ngã, khổ vui không còn làm náo động tâm hồn, nhìn cuộc đời như tuồng ảo hóa mộng huyễn; chúng ta là tảng đá lớn mà ngọn gió đời không lay chuyển được. Chúng ta nhìn thẳng vào sợ hãi và tự nhủ: “Không có gì hại ta được”, vì cái ta không thật có (Vô Ngã). Chỉ khi nào ta nhận là có ta, coi trọng và đề cao bản ngã, đem sự sợ hãi vào nuôi dưỡng trong cái ta giả tạo đókhiến cho sự sợ hãi mới xâm chiếm và làm chủ tâm hồn ta được.

Nhưng chúng ta không phải là gỗ đá, không cảm xúc trước nỗi thương đau của chúng sinh, ta phải chia xẻ nỗi đau khổ của đồng loại bằng cách sống hòa mình với chúng sinh và thực hành lục độ vạn hạnh để cúu giúp muôn loài.

Lạy Phật!

Hôm nay chúng con mừng lễ Khánh Đản của Ngài với lòng luôn luôn ghi nhớ sự hiện diện của Ngài thường xuyên ở khắp nơi, mong cho ánh sáng của Ngài làm tan hắc ám vô minh, phá vỡ mọi sợ hãi và hận thù, đem lại an vui và hòa bình cho nhân loại. Đêm tối sắp hết, sao Mai lấp lánh báo hiệu rạng đông sắp tới, một ngày sắp bắt đầu; tuy biết một ngày chỉ là một khoảng ngắn ngủi trong thời gian vô tận, nhưng ngày Rằm tháng Tư đánh dấu một bước tiến chắc chắn của nhân loại hướng về Giác Ngộ và Giải Thoát.

Một vị Phật đã thành, nhiều vị Phật sắp thành.

Minh Lạc



Có phản hồi đến “Cảm Niệm Ngày Phật Đản”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com