Mặc dù giáo lý của Đức Phật là hướng mọi người đến sự giải thoát nhưng vẫn đặt nền tảng là hướng và giúp con người có được hạnh phúc trong cuộc sống.
Một lễ hằng thuận (đám cưới theo đúng nghi thức và lời Đức Phật dạy).
Hôn nhân là sự kết nối tình yêu
Người Phật tử tìm đến Phật môn (nhà chùa – PV) để thực hiện lễ thành hôn tức là biết cách sửa soạn tốt cho đời sống hôn nhân của mình. Có những chỉ dẫn hết sức căn bản trong giáo lý đạo Phật mang lại nhiều lợi lạc có khả năng chắp cách cho tình yêu và khiến hôn nhân thêm hạnh phúc vững bền.
Theo Đức Phật thì hôn nhân chính là sự mở đầu tiến trình thể hiện tâm tưởng đồng thuận trong đời sống lứa đôi, nghĩa là sự gặp gỡ đồng cảm giữa hai tâm hồn yêu mến nhau, quyết tâm cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình. Tâm tưởng đồng thuận càng được thể hiện thì hạnh phúc hôn nhân càng thêm sâu bền.
Đức Phật xem hôn nhân không chỉ là nhân duyên để con người kết nối hạnh phúc thương yêu mà còn là cơ hội cho cá nhân (vợ, chồng) hoàn thiện chính mình.
“Bốn đức tính: đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ như là điều kiện giúp cho con người xây dựng hạnh phúc hôn nhân vững bền. Hôn nhân chính là khởi điểm của tiến trình hoàn thiện bản thân hướng đến giác ngộ.
Ở đó hai tâm hồn luôn gắn kết song hành với nhau trong tình thương yêu và trong sự nỗ lực cùng thực hành Phật pháp, không chỉ trong đời này mà còn nhiều đời tiếp theo, cho đến lúc cả hai cùng đạt đến mục tiêu hoàn thiện hay giác ngộ” – trích lời Phật dạy về hôn nhân trong kinh tạng.
Nếu người Phật tử, cùng mở tâm chia sẻ bố thí, cùng nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ giác ngộ thì đó là mối lương duyên kết nối hạnh phúc hôn nhân trong nhiều đời kiếp không tách rời.
Như vậy, theo lời dạy của Đức Phật thì hôn nhân chính là sự kết nối tình yêu hướng thượng. Ở đấy, tâm hồn con người càng trở nên trong sáng, nhu nhuyễn và hiền thiện, phẩm giá con người càng được nâng cao và tỏa sáng.
Nhưng phải theo nguyên tắc… đạo đức
Hôn nhân là chuyện bình thường trong cuộc sống nhưng để có được chuyện bình thường ấy thì lại không dễ dàng.
Đức Phật không bao giờ cấm đệ tử tại gia kết hôn với nhau, tuy nhiên đã kết hôn thì phải sống với nhau theo các nguyên tắc đạo đức xã hội thì mới có được sự hạnh phúc, bình an.
Để có được hạnh phúc trong hôn nhân, trong cuộc sống gia đình thì cả người vợ và người chồng phải yêu thương nhau, phải có những điểm tương đồng với nhau thì mới gọi là vợ chồng “xứng đôi vừa lứa” theo tinh thần của Phật giáo.
Đôi vợ chồng, nếu đồng đẳng nhau về đức tin, về giới hạnh, về sự xả tài và về trí tuệ thì cả hai người sẽ sống hạnh phúc trong cuộc sống gia đình ở hiện tại và nếu có ước nguyện gặp nhau ở kiếp lai sinh (kiếp sau – PV) thì vẫn có thể được.
Có rất nhiều việc quan trọng mà người nam và người nữ nên lưu ý trước khi tính đến chuyện hôn nhân, xây dựng một mái ấm gia đình. Để đến với nhau, sống chung với nhau thì mình phải tìm kiếm “một nửa” của mình sao cho phù hợp.
Vì thế, ai cũng tự vẽ cho mình một hình ảnh người phụ nữ lý tưởng, người đàn ông lý tưởng để mình kiếm tìm và chung sống. Vậy thì đâu là thước đó cho những mẫu người lý tưởng đó?
Theo đạo Phật, vợ và chồng có 5 bổn phận với nhau. Chính vì thế, việc hoàn thành những bổn phận và trách nhiệm đối với nhau là điều thiết yếu để tạo nên một mối quan hệ hôn nhân hòa thuận và hạnh phúc. Đó là điều mà bất cứ đôi vợ chồng nào cũng mong muốn để có được trong cuộc sống hôn nhân gia đình.
Trong cuộc sống hôn nhân đó, tuy có muôn vàn cạm bẫy và khó khăn nhưng phải biết thương yêu nhau và cùng nỗ lực dắt dìu nhau bước đi trên con đường thánh thiện của Phật, cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng mái ấm gia đình đúng như lời Phật dạy thì hạnh phúc càng bền lâu và tình thương càng trở nên cao thượng.
5 bổn phận của vợ
1. Xử lý việc nhà một cách tốt đẹp
2. Gần gũi đối đãi tốt với những người giúp việc thay chồng
3. Không ngoại tình
4. Giữ gìn tiền bạc tài sản cho chồng
5. Siêng năng tháo vát trong mọi công việc
5 bổn phận của chồng
1. Tôn trọng vợ
2. Không khinh thường vợ
3. Trung thành với vợ
4. Giao cho vợ quyền hạn
5. Mua trang sức cho vợ
Theo Xaluan.com