Xuân sanh, Hạ chín, Thu héo, Đông tàn. Nếp nghĩ xuôi dòng đang đi theo một con đường mòn miên viễn như thế. Bỗng có một vị sơn tăng – như thiền sư Mãn Giác (1090) chẳng hạn – huơ tay, mỉm cười, tầm nhìn hướng ra ngõ vắng đầy sương, ánh mắt bắt gặp một cành mai hôm trước và kêu lên hồn nhiên:
“Đình tiền tạc dạ nhất chi mai!”
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết,
Hôm qua sân trước, một cành mai.
Tiếng chổi trong tâm của người quét lá sân chùa vọng lại:
Đừng tưởng tuổi già răng rụng hết
Bảy mươi còn mọc chiếc răng khôn.
Cái “tưởng” là một định kiến ước lệ, khô cằn; trong khi hiện thực là dòng tươi mát, trôi chảy thường hằng. Thiền sư và người quét lá sân chùa chẳng có gì khác nhau. Chỉ có một lằn ranh chưa gặp. Nhưng rồi có thể gặp nhau trong nháy mắt; một lúc nào đó sẽ gặp; hay không bao giờ gặp: Tri giác và Tuệ giác.
Mai nở sớm hay mai cũ của mùa Xuân năm trước là câu hỏi theo cái nhìn cảm giác đời thường. Nhưng với sự tinh anh từ ánh mắt đang phóng nét nhìn lạnh cả hư không, về thế giới hư huyễn – mà chữ nghĩa nhà Phật thường gọi là “quán niệm vạn pháp vô thường” – thì đó chẳng phải là cành mai mới cắt trong vườn nhà ở làng Hương Cần, vác qua Huế bán ở chợ hoa ngày Tết Thương Bạc mà là cành mai “thật”, cành mai tinh túy mang bản chất của mọi cành mai từ cổ sơ đến hôm nay và mãi mãi.
Dựa theo thơ của danh tăng Ashi Zumi, phái Tào động Nhật Bản thì có thể nói như thế này: Cắt một nhành mai hình tướng. Cắm vào bình thủy tinh. Có một cành mai thể tánh. Ẩn trong lòng biển xanh. Phải chăng như Mẹ là hình tướng mà Tình Yêu cao tuyệt vô biên của mẹ cho con là thể tánh? Mẹ không còn nữa, tình yêu của mẹ ẩn trong lòng biển xanh.
Như ngày xưa, cụ nghè tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến cũng nhìn thấy: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái. Một tiếng trên không ngỗng nước nào?!” Nhưng đây là cái nhìn thông qua cảm xúc, tri giác. Có người hỏi: “ Văn chương tự cổ vô bằng cớ. Văn chương từ xưa là sản phẩm của cảm xúc nên không có bằng cớ gì cả. Vậy thì căn cứ vào đâu để nói Nguyễn Khuyến không là một thiền sư như Mãn Giác của hơn nghìn năm trước?” Hình như chỉ có một sự khác nhau rất nhỏ. “Hình như” vì bạn và ta, và cả vũ trụ vô biên nầy đều giả tạm, huống chi là một dòng tư tưởng mơ hồ (?!). Thiền sư Mãn Giác nhìn vạn sự qua nét nhìn tĩnh lặng mà như xoáy vào nhịp biến dịch thành trụ hoại không. Cụ nghè Nguyễn Khuyến nhìn đối thể với sự hồ nghi chất vấn. Còn hồ nghi sẽ thiếu vắng một nụ cười tuệ giác.
Mấy chùm trước giậu “hoa năm ngoái” của Nguyễn Khuyến là hình tướng mà cành mai “đình tiền tạc dạ” của Mãn Giác là thể tánh. Mai nở thông qua cái nhìn tuệ giác – Tuệ giác mùa Xuân.
Nụ cười, tuệ giác và mùa Xuân là ba khái niệm và ba hình ảnh riêng biệt. Nhưng khi kết hợp và hòa quyện vào nhau sẽ thành một nguồn vui trong mơ ước. Nhân gian ai lại không thích nụ cười; ai mà chẳng muốn mùa Xuân. Muốn hái nụ tầm Xuân và tắm bến tầm Xuân nhưng chẳng biết mặt mũi cái “nụ xanh biếc” hay cái bến vạn lý sơ xưa đó như thế nào và ở chốn nào. Tìm đâu cho gặp khi nó ở chính trong ta. Nó là tiếng pháo khi vui, sương khói khi buồn, đóa hoa khi yêu và nỗi đau khi ghét. Khi tìm nỗi lòng trên sông núi thì chính sông núi là nỗi lòng. Ngay khi hết một đời buồn vui, xuôi tay về đất; người ở lại thì khóc bù lu bù loa, thế mà người ra đi vẫn muốn cười, tuy hơi làm biếng hả miệng: Ngậm cười nơi chín suối!
Tôn giáo ra đời cũng chỉ vì nhân gian thích nụ cười vĩnh cửu. Tâm lý muốn lên Thiên Đàng, hay về Niết Bàn cũng chỉ vì… ham vui! Một tâm thức không còn ham vui là đã bị đóng băng trong khổ đau và phiền não. Mọi hồng ân cứu rỗi hay độ trì đều chẳng còn tác dụng gì lên sỏi đá. Bởi vậy, những thế giới hứa hẹn của các tôn giáo sau khi chết mà không có những an lạc vĩnh hằng, yên nghỉ đời đời, chim trời ca hát, nhạc trời véo von, niềm vui vĩnh cửu, hoa thơm cỏ lạ bốn mùa thì hết thảy những người thích cười sẽ “trả lại vé” đã mua với giá một đời tin cẩn, mong cầu niềm vui cho chuyến xe thổ… mộ cuối cùng!
Người theo đạo Phật thể hiện giấc “mơ vui” của mình qua hình ảnh đức Phật Di Lặc. Theo niềm tin và tín lý nhà Phật thì có ba đời, mười phương Phật. Có hằng hà sa số chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Thích Ca Mâu Ni là đức Phật của thời hiện tại trong cõi Diêm Phù Đề mà chúng ta đang ở. Đức Phật tương lai của cõi người nầy sẽ là Phật Di Lặc (Maitreya: Gốc chữ Phạn Maitri, có nghĩa là từ bi, yên vui) là một vị đại bồ tát đang ngự ở cung trời Đâu Suất. Nếu chỉ riêng Việt Nam ta cũng đã có gần cả trăm kiểu cười, cách cười và nụ cười khác nhau thì thế giới cũng nhìn về biểu tượng yên vui của đức Phật Di Lặc qua nhiều dáng vẻ phong phú như thế.
Tuy đạo Phật có nhiều bộ phái và pháp môn khác nhau, nhưng hình ảnh Phật Di Lặc vẫn trở thành một ước vọng chung tràn đầy niềm vui và hạnh phúc ở chân trời tương lai. Đức từ bi của Phật Di Lặc được biểu hiện qua nhiều hình tướng khác nhau, tương hợp với điều kiện và hoàn cảnh xã hội, bản chất con người và đặc tính văn hóa của từng xứ, từng vùng.
Qua những tượng đài và kinh văn Ấn Độ thì Phật Di Lặc là hiện thân của từ bi và trí tuệ với dáng vẻ minh triết, trầm tư. Với Tây Tạng, Tích Lan thì Phật Di Lặc là hóa thân của sự tái sinh an lạc và huyền nhiệm với dáng vẻ đẹp đẽ cao cả và huyền bí. Nhưng tới đất Trung Hoa thì Phật Di Lặc là biểu trưng của sự hoan hỷ, phong phú, mãn nguyện với nụ cười khoan khoái, sắc diện béo tròn, thân đầy, bụng phệ, lúc nào cũng sẵn lòng dang tay đón nhận mọi người. Dưới ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của kinh điển toàn bằng chữ Hán từ Trung Hoa du nhập vào nước ta (Hán tạng), hình tượng đức Phật Di Lặc ở Việt Nam vẫn chưa đạt được một bản sắc thuần Việt của tinh thần “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Cũng là Nụ Cười Di Lặc, nhưng bản chất văn hóa “cung hỷ phát tài” của Trung Quốc làm mất đi tính chất tuệ giác của nguồn suối mơ ước tâm linh. Nhiều nơi lẫn lộn giữa Phật Di Lặc và ông Thần Tài. Thậm chí, khi mang ảnh tượng đức Di Lặc của Việt Nam và Trung Quốc sang các nước Âu Mỹ thì trở thành những ông Phật Mập (Fat Buddha), Phật Cười (Laughing Buddha), Phật Phát Tài (Lucky Buddha) hoặc những hình thức tương tự để trang trí quanh những bồn hoa, hồ cá ở vườn sau.
Từ bi là lòng thương không mù quáng, trí tuệ là sự hiểu biết không cực đoan và hoan hỷ là niềm vui không dung tục. Tuy nhiên, qua lăng kính Đại Thừa của Phật giáo Trung Hoa – được đâm chồi nẩy lộc trong khung cảnh xã hội nông nghiệp và buôn bán nhỏ, giữa hoàn cảnh văn hóa Khổng, Lão và phiếm thần dân gian làm xương sống tâm linh – phật Di Lặc trở thành biểu tượng của sự hoan hỷ, sung mãn, hạnh phúc mang tính phàm trần, thực dụng. Vì con người tạo ra tôn giáo; chứ không phải tôn giáo tạo ra con người nên con người có quyền chối bỏ tôn giáo, nhưng tôn giáo không thể chối bỏ con người. Cho nên, không ít người đã chơi trò dung dăng, dung dẻ với quyền tự do tâm linh để trói buộc chính mình và người khác vào một sự dính mắc trầm kha như bệnh dịch hạch. Chỉ riêng trên đất Trung Quốc từ thế kỷ thứ III đến nay, đã có tới con số hàng trăm nhân vật theo Phật giáo xuất gia và tại gia tự xưng là “hiện thân của Phật Di Lặc” giáng trần. Việt Nam ta cũng không thiếu những ông đồng bà vãi như thế.
Nhưng tất cả con người và vọng động đều đến rồi đi như những hiện tượng chiến tranh, dịch họa.
Thật ra, đức Phật Di Lặc là tâm ảnh nói lên niềm hy vọng thường an lạc; là biểu tượng mong cầu cho một tương lai thịnh vượng, tươi sáng. Đời có bao nhiêu niềm ước mơ tốt đẹp thì sẽ có bấy nhiêu mẫu hình tướng của nụ cười Di Lặc. Nếu có chăng điều quan ngại thì nó sẽ không dừng lại ở mức độ hình tướng mà ở tác dụng của phương tiện. Nếu nụ cười “niêm hoa vi tiếu” của Ca Diếp là sự khai mở của tuệ giác, nhìn đóa sen trên tay Phật mà thấy hết tánh sen là tánh Phật; thấy ngó sen đang ở trong bùn vẫn theo dòng sinh diệt, lặng lẽ nhô lên khỏi mặt nước và có ngày nở rộ tỏa ngát hương thì nụ cười Di Lặc cũng sẽ “đồng nhất thể” tương ưng như thế. Đó là một nụ cười rất đẹp và trọn lành không phân biệt Bố Đại Hòa Thượng khi cho hay Thằng Bờm khi nhận.
Càng ngày, những nước văn minh Âu Mỹ càng nghiên cứu sâu rộng để tiếp nhận và trân trọng tinh thần phá chấp, từ bi và hóa giải của đạo Phật. Nhưng khác với người phương Đông, ngưởi phương Tây không còn ảo tưởng về vai trò “cứu rỗi” vô điều kiện của tôn giáo. Bởi vậy, họ tìm đến đạo Phật như một triết lý, một nghệ thuật sống và đồng thời là một tôn giáo. Một câu hỏi thường xuyên xuất hiện của những người Âu Mỹ mang nặng định kiến thần học phương Tây khi nhìn về đạo Phật là: “Đạo Phật là một hệ thống triết lý, một học thuyết vô thần hay một tôn giáo?” Người hiểu đạo (nói chung) trả lời không ngập ngừng: “Thưa, cả ba!” Nhưng cũng có người bị dị ứng với khái niệm “vô thần”. Dị ứng bởi vì tư tưởng bị đóng khung và lão hóa trong kiểu cách suy nghĩ duy lý và chủ quan gọi tên, dán nhãn hiệu của phương Tây. Nghĩa là chỉ biết khư khư định nghĩa “Thần” như là một đấng Sáng Thế toàn năng, một Vua Trời, một Thượng Đế. Mahatma Gandhi, người tin vào Thượng Đế Hindu, đã nhận xét: “Đạo Phật không phủ nhận Thượng Đế nhưng định nghĩa Thượng Đế theo một cách khác.” Đấng “Sáng Thế toàn năng” theo đạo Phật là “Duyên Khởi từ bản thể Tánh Không” như cách nhìn của nhà vật lý nổi tiếng nhất thời hiện tại, Stephen Hawking đã viết trong Sự Tạo Tác Vĩ Đại (The Grand Design).
Người phương Tây tìm đến cái đẹp của Phật giáo không phải qua hình thức lễ nghi, bái vọng với một tâm lý đột phá những vòng trói buộc của tín điều và tín lý. Họ đánh giá chân xác với lòng biết ơn Nụ Cười Di Lặc và tin rằng, một đức Phật tương lai sẽ đến như một sự tái khẳng định nếp nghĩ, lối sống hòa bình, an lạc và trí tuệ chứ không phải là để “tái sáng thế” đầy huyền nhiệm và bí ẩn của nếp tâm linh cổ sơ. Nếu quan chiêm những ảnh tượng của Phật Di Lặc trong những chùa viện Phật giáo phương Tây ngày nay, người ta sẽ thấy toát lên vẻ đẹp đầy nghệ thuật phảng phất hay rõ nét nụ cười toát ra từ bên trong. Những ảnh tượng Di Lặc với ngoại hình đầy hoan hỷ đậm nét “ thỏa thê trù phú” trong các chùa viện Việt Nam mô phỏng hay chỉ là phiên bản của Trung Quốc đang mất dần tác dụng giải thoát tâm linh trong thời đại mới.
Truyền thống người Trung Quốc dân dã khi gặp nhau thường chào câu đầu tiên: “Đã ăn chưa?” Ngày nay, kinh tế phát triển, cơm áo không còn là nhu cầu bức xúc hàng ngày thì tiếng chào cũng thay đổi dần như phương Tây không còn lo ăn mà lo vui, lo đẹp. Ước mong dáng vẻ Di Lặc cũng sẽ theo phong trào tập “Tai Chi” và “Fitness” mà trở nên thon thả, thanh lịch hơn trong những thế hệ tương lai. Đặc biệt là trong khung cảnh văn hóa Việt Nam, các chùa viện Phật giáo cần tìm cầu một biểu tượng an lạc của đức Di Lặc nói riêng và tất cả các tôn tượng, kiến trúc nói chung, phù hợp với bản chất dân tộc, văn hóa và tính độc lập, độc sáng của mình.
Năm mới, mùa Xuân là sức bật của tuổi trẻ, là điểm hẹn của tuổi trung niên và dấu ghi thêm một bước gần đất của tuổi già. Nhưng tinh thần... ham vui cũng giông giống như “tài không đợi tuổi”. Mong rằng, tinh thần nụ cười của tuệ giác mùa Xuân đang có sẵn trong mỗi lòng người sẽ đâm chồi nẩy lộc tự nhiên và dễ dàng như hoa lá quanh mình.
Natomas, tuần đầu tháng Giêng 2011
Trần Kiêm Đoàn
Cảm xúc Xuân Tết trong thơ cổ điển
Vũ Quần Phương
Thơ cổ nhất còn lưu bản thảo đến được thời ta là thơ đời Lý. Thơ đời Lý mạnh ở chủ đề triết học, con người đối diện với hư vô, thơ thường do các nhà sư viết hay bàn về cái mất còn bản thể luận. Bút pháp ưa dùng là bút pháp tổng hợp, khái quát, rất ít miêu tả cụ thể. Muốn tìm trong thơ dấu vết phong tục tập quán ăn tết của tổ tiên ta thời Lý thì khó lắm. Nói đến thơ xuân thời Lý, người ta hay nhắc đến bài Có bệnh bảo mọi người (Cáo tật thị chúng) của thiền sư Mãn Giác (tên thật Lý Trường 1052-1096). Bài thơ chỉ nói quy luật lạnh lùng của thời gian và ý chí vượt lên của con người: Trước mắt việc đi mãi Trên đầu già đến rồi Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một nhành mai.
Thơ cho thấy một ý tưởng hơn là thấy một cảnh sống. Nhưng hình ảnh cành mai sáng thanh khiết ở cuối bài đã lưu lại ấn tượng xuân sắc của thơ ca đời Lý. Đến đời Trần, chuyện đánh giặc cứu nước, hào khí cha ông, cho đến khung cảnh làng mạc đời thường đã ít nhiều có mặt trong thơ, dù vẫn còn nhiều ước lệ. Trần Nhân Tông (1258-1308), ông vua anh hùng, ông vua thi sĩ và vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm, viết khá nhiều thơ xuân, thán phục lẽ lớn của tạo vật nhưng cũng bộc lộ những quan sát đời thực đầy cảm hứng. Bài thơ Sáng xuân (Xuân hiểu) với hình ảnh đôi bướm trắng phần phật cánh bay sấn đến với hoa cho thấy niềm cảm mến trần thế của tác giả. Âm hưởng hạnh phúc tạo nên chất thơ đã nảy sinh từ nội tâm tác giả, Ông thấy là bướm bay sấn đến chứ không chỉ là bay đến với hoa. Cái vồ vập ấy là của người, truyền cho tạo vật. Cuối đời Trần, đọc đến thơ Phạm Nhữ Dực, người sống cùng thời với Nguyễn Phi Khanh, thì chất liệu sinh động của đời sống tràn vào thơ đã thay nhiều cho ước lệ.
Trong bài Lập Xuân đã thấy công việc đồng áng, lễ tiết: cuối tháng chạp hai vụ đã xong, đồ lễ tiết lập xuân có con én bằng giấy màu và con trâu đất nặn, mong ước lớn nhất của người dân là mong được mùa. Đây cũng là khuynh hướng phát triển chung của thơ: tiến đến đời sống thực cả chất liệu lẫn chủ đề. Sau này, đến thời hiện đại, mỗi lần cách tân là một lần thơ tìm cách xâm chiếm hiện thực rộng hơn, đậm đặc hơn, đến mức phá bỏ cả vần điệu, nhất là ở giai đoạn đầu của các cuộc cách tân, để mở rộng sức ôm vào hiện thực. Sang đến Nguyễn Trãi (1380-1442), đời sống thế sự lặn vào nội tâm con người và thơ đã diễn đạt tới mức tinh tế, sâu sắc. Hai câu thơ Nôm Nguyễn Trãi viết đêm giao thừa là một dẫn chứng: Chong đèn trực tuổi đau con mắt Đốt trúc khua na đắng lỗ tai. Thức khuya đợi giao thừa thì cay mắt. Nhưng nghe pháo trúc nổ để xua tà ma mà đắng tai thì quả mới thấy ở Nguyễn Trái. Cay, đắng dóng vào nhau thành lập ý: mỗi năm sống, nỗi đời cay đắng lại thêm một lần thấm vào giác quan ta.
Thơ xuân thời xưa thường buồn. Cái buồn của năm tháng, dâu bể, nhưng lại ngấm vào cảnh vật, vào thời tiết gió bấc mưa phùn, đồng nội hoang vu, khói sương mờ ảo của tiết xuân. Nguyễn Trãi nhìn cái bến đò ngoài trại, thấy cỏ xanh như khói, thấy đồng nội hoang vu người đi ít, thấy con thuyền nằm trên cát ngủ suốt ngày. Thuyền nằm trên cát, là thuyền đã kéo lên bờ, do mùa hanh khô nước sông cạn lắm. Sau Nguyễn Trãi năm thế kỷ, Nguyễn Bính cũng thấy con thuyền trên cát ấy. Khung cảnh thành một nét xuân cố hữu bền chắc của đồng bằng Bắc Bộ, thấy thân thuộc quá: Có chiếc thuyền nằm trên cát mịn Có đàn trâu trắng lội ngang sông. Đã nghe trong thơ Nguyễn Trãi, bài Mộ xuân tức sự, tiếng cuốc cuối xuân kêu gấp giục hoa xoan nở. Chi tiết ấy còn thấy trong
thơ làng quê của Anh Thơ, Nguyễn Bính sau này. Nguyễn Du là nhà thơ trữ tình lớn. Cảnh của thơ ông là cảnh của tâm trạng. Ông coi trọng hiện thực tâm hồn hơn hiện thực ngoại cảnh. Thơ Nguyễn Du buồn. Thơ xuân như lại càng buồn. Tết nhất người ta đoàn tụ thì ông tha hương, bệnh tật. Đêm đầu xuân mở cửa thấy trời đất tối đen nhà thơ hỏi ánh thiều quang ở đâu? Mùa xuân với ông là Giọt lệ dưới đèn của người nhiều năm lữ thứ (Ky lữ đa niên đăng hạ lệ) là Nỗi lòng trên vầng trăng của kẻ nghìn dặm xa nhà (Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm). Bài thơ viết ở Thái Bình, giai đoạn ông tá túc nhà ông anh vợ ở Quỳnh Côi, nhưng trong bài thơ ông lại nghe vang một tiếng sóng lạnh của sông Lam tít tận quê nhà, tiếng sóng tiễn đi cả kim lẫn cổ. Thơ xuân mà buồn sâu thẳm như thế chưa thấy ở ai. Nỗi buồn ấy khó tả rõ, bạn đọc lắng lòng lại mà cảm nghe tâm hồn Nguyễn Du đêm ấy:
Nước sông Lam phía ngoài thôn Nam Đài, Một phiến sóng lạnh tiễn đưa kim cổ. (Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim). Lùng mãi trong thơ xuân tết Nguyễn Du, mới gặp một nét xuân làng mạc thời đó: Ông già hàng xóm loanh quanh ở miếu đầu thôn Uống hết be rượu, ăn hai quả cam, say chưa về (Lân ông bôn tẩu thôn tiền miếu Đẩu tửu song cam, túy bất hồi).
Nhân vật ông hàng xóm ấy đúng là người của tết nhất, vui đâu chầu đấy, cái miếu đầu thôn ngày tết thời ấy là chỗ mấy ông trong làng quanh năm tất bật bây giờ được hào hứng gặp nhau. Chỉ một nét thôi mà thấy ấm áp văn hóa làng xã một thời xa. Thơ tết Hồ Xuân Hương điển hình nhất có lẽ lại là bài thơ về một trò chơi ngày tết: đánh đu. Cái đu tám cột bằng tre tươi, nơi thu hút đông nhất trai làng gái làng thời xưa. Họ đến để đánh đu, và xem người ta đu, họ đến để xem nhau. Thú là thú thị giác. Chỗ
tập trung của bài thơ, bốn câu giữa, chính là một bức tranh. Đường nét mềm mại, màu sắc tươi tắn.
Những chỗ đáng vẽ đều vẽ rất đẹp. Tranh rất động, nào đu nào uốn, gối hạc lưng ong, bốn mảnh quần hồng, hai hàng chân ngọc... rất sang trọng và gợi cảm. Hai câu kết của bài thơ nói đúng vào tình thế hậu trò chơi của đu. Nhưng lời khuyên là cho chuyện khác. Ai cũng thấy nhưng quả khó nói. Cái lời khuyên ấy bây giờ văn minh lại hóa ra càng thời sự:
Chơi xuân có biết xuân chăng tá Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.
Đến Nguyễn Khuyến (1835-1909) thì cảnh sắc nông thôn, phong tục tâm lý người dân quê ăn tết đón xuân đã hiện rõ lắm. Đọc thơ như được sống trong không gian, thời gian thuở ấy. Giở giời mưa bụi còn hơi rét. Cái thời tiết mưa phùn gió bấc, phiên chợ tất niên chợ làng họp ngoài cánh đồng:
Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng Năm nay chợ họp có đông không?
Giọng thơ nghe chơi vơi tâm trạng người tha hương hoài niệm một tập tục của quê nhà. Nguyễn Khuyến rất giỏi chi tiết. Chi tiết ông chọn như dấu ấn của thời cuộc lại như những ấn tượng không thể quên của đời người:
Hàng quán người về nghe xáo xác Nợ nần năm hết hỏi lung tung. Ở bài Khai bút cái tiếng trống ình ịch ẩm hơi mưa bụi cũng rất tinh tế: Ình ịch đêm qua trống các làng Hình ảnh thơ lưu giữ một tư thế khai bút của nhà thơ: Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén Bút mới xô tay thử một hàng.
Rượu thì nhắp giọng từ tốn. Bút thì xô tay hào hứng. Tư thế tài tử và tài hoa. Rồi, ngoài lũy trong ao. Có cả tên người cụ thể, cụ tổng, thầy nhang. Người địa phương đọc chắc thích lắm. Cung cách ăn tết này giờ không còn, càng thấy quý chất tư liệu cụ Tam nguyên Yên Đổ lưu giữ. Nhưng quý hơn là cái chất tâm hồn ông đại khoa về ở ẩn. Nguyễn Khuyến cũng có nỗi khắc khoải như Nguyễn Du:
Nhìn xem phong cảnh đều như cũ Đố biết thiều quang ở chỗ nào.
Nguyễn Khuyến mang nỗi đau buồn người trí thức mất nước. Ngày xuân thấy các con vui với xuân, ông nhẹ nhàng trách: Ta lẩn thẩn không biết lấy gì đền cho năm tháng trôi đi. Mà sao các con đàn hát say sưa thế. Trong cái đêm ba mươi tết sang tuổi năm mươi nhăm, tóc bắt đầu bạc, mắt đau nặng hơn, Nguyễn Khuyến ngồi dưới bóng đèn, lặng lẽ rót rượu uống một mình. Ông nhận xét: người nghèo chỉ có đêm nay là không phải lo. Không phải lo vì không có gì để kiếm và cũng không bị ai hành hạ, người ta còn bận đón xuân. Nhưng lòng ông thì đầy nghĩ ngợi cho năm tháng đời mình. Câu thơ kết đúng là thơ của đêm giao thừa:
Một câu thi hứng kéo liền hai năm. (Nhất cú liên niên hứng vị cùng)
Không thể kể hết dù chỉ riêngthơ xuân tết của các nhà thơ cổ điển, bài viết xin được khép lại bằng bài thơ Bài ca chúc tết thanh niên, viết năm 1927 của Phan Bội Châu (1867-1940), người đỗ giải nguyên năm 1900. Thơ Phan Bội Châu mang thể cách cổ điển, nhưng phẩm cách lại thuộc vào những tư tưởng mới của thời đại. Bài thơ chúc tết này là bài thơ đánh thức, lay gọi tuổi trẻ:
Dậy! Dậy! Dậy! (...) Xuân ơi xuân! Xuân có biết cho chăng Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng.
Ông mang nỗi thẹn buồn tủi của người mất nước và mang cả nỗi chua với xót của hai mươi năm bôn ba mà chưa đến đích, để kêu gọi thanh niên xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn. Lời chúc tết thống thiết lòng yêu nước và cũng sôi nổi ý chí chiến đấu. Ông già Bến Ngự chân tình khuyên nhủ tuổi trẻ những việc cụ thể để rèn luyện ý chí, sống cuộc sống có ích cho dân nước:
Đừng ham chơi, ham mặc, ham ăn Dựng gan óc để đánh tan sắt lửa. Bài thơ năm mới kết thúc bằng lời chúc đổi mới, thật sự đổi mới của ông già tuổi đã sáu mươi: Mới thế này là mới hỡi chư quân Chữ rằng: nhật nhật tân, hựu nhật tân!
Trần Kiêm Đoàn