Mấy hôm nay thấy các bạn trẻ đưa tin liên tục về lễ hội trá hình mà tiếng anh gọi là Hallowen. Thời gian gần đây lễ hội Hallowen du nhập vào Việt Nam và được các bạn trẻ rất thích. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về nguyên nhân và ý nghĩa sâu xa của Hallowen.
Như chúng ta đã biết, Halloween viết đầy đủ là All Hallows' Eve", nghĩa là 'Buổi tối vọng lễ chư Thánh”. Lễ hội truyền thống được này được tổ chức vào ngày 31 tháng 10 hàng năm, vào buổi tối trước lễ các Thánh trong Ki Tô Giáo. Bản chất lễ hội là để tưởng nhớ những người đã chết, gồm các thánh, các vị tử đạo và tất cả các tín hữu trung kiên đã qua đời.
Chúng ta cũng biết rất rõ rằng trọng tâm của lễ hội Halloween là sử dụng sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết.
Thế rồi, ngày này các bạn trẻ hoá trang trong những bộ trang phục quái lạ đi đến gõ cửa những ngôi nhà để xin bánh kẹo. Rồi ở Việt Nam ta, nhiều người mua mặt nạ để đội vào, hóa trang để mình khác ngày thường, khác chính mình, để không ai nhận ra. Nhiều học trò rủ tôi tham gia lễ hội hóa trang.
Chuyện các bạn trẻ đua nhau tham gia lễ hội trá hình Hallowen làm tôi giật mình. Chơt nghĩ, có bao nhiêu người sống thật mỗi ngày. Hay mỗi chúng ta hàng ngày đều đeo mặt nạ.
Này nhé, chúng ta nói dối lẫn nhau. Nhân viên nói dối sếp. Vợ dối chồng. Chồng dối vợ. Con nói dối cha mẹ. Bạn bè nói dối nhau. Nói dối vô tình và cố ý.
Này nhé, chúng ta sống không là chính mình. Có bao nhiêu người sống thật, không bắt chước người khác. Có bao nhiêu người có bản lĩnh để nhìn vào bên trong, vào sâu thẳm tâm can của mình.
Này nhé, có bao nhiêu phần trăm phụ nữ không tô son, quét phấn khi ra đường. Hơn thế nữa, rất nhiều trong chúng ta luôn bịt kín mặt bằng khẩu trang đủ loại. Thậm chí hai ba chiếc. Lại còn áo chống nắng. Trên đầu là mũ xe máy. Ra đường có ai nhận ra mình.
Đã thế, về nhà, nhiều chị em còn bôi đủ thứ lên mặt để dưỡng da. Nào là dưa chuột, cà chua, đu đủ, chuối, cà rốt. Nào là chanh, bơ, dâu, dừa tươi, dứa. Rồi cả rong biển, nha đam,… không thiếu thứ gì.
Mấy người quen của tôi còn có thêm các biện pháp dưỡng da khác nữa như cám gạo, nước vo gạo, khoai tây, khoai lang, rồi bột yến mạch, bột ngũ cốc. Nếu có thời gian và cầu kỳ họ còn dùng cả trứng gà, trứng ngỗng, da lợn xay nhuyễn. Rồi mật ong, dầu dừa, dầu ô liu, sữa chua, sữa tươi, sữa dê, sữa non,…
Tôi nhớ hè năm ngoái cả công ty sách Thái Hà chúng tôi đi du lịch Đà Lạt, Nha Trang. Thế là tất cả có cơ hội được tắm bùn. Cả nam lẫn nữ thi nhau trét bùn lên người, đắp khắp cả thân, múc lên cả đầu. Chẳng ai nhận ra ai cả.
Đúng ngày 31 tháng 10 năm nay tôi nhận được câu chuyện từ một anh bạn. Chuyện rằng, để chuẩn bị dự lễ hội Hallowen, bà vợ nói với chồng:
- Anh bảo nên chọn loại mặt nạ nào để đi dự hội mà không ai nhận ra em?
- Dễ thôi. Em đừng đội tóc giả, không son phấn, không vẽ mắt, không đeo lông mi giả, như vậy thì đến anh cũng chẳng biết vợ mình là ai nữa là.
Tôi cứ nghĩ, có mấy người sống cả đời và thật sự không đeo mặt nạ, không hề trá hình. Mà nếu có những người như vậy liệu có sống yên ổn hay không.
Chuyện rằng, ngày xưa Khuất Nguyên ôm đá trầm mình dưới sông Nịch La chết, cũng vì quan niệm “Người đời đục cả chỉ một mình ta trong, người đời mê cả chỉ một mình ta tỉnh”. Khuất Nguyên chết vì thấy mình hơn thiên hạ, thiên hạ không ai bằng mình nên đâm ra chán đời, không muốn sống nữa.
Nhưng chuyện cũng kể rằng ông chài nghe Khuất Nguyên than,bèn nói :“Nếu nước đục thì ta rửa chân, nước trong thì ta giặt dải mũ”. Ông chài thấy nước đục nước trong gì cũng có ích cho ông hết, vì vậy mà ông vui sống.
Tôi chợt giật mình, đâu cần đến dịp lễ hội trá hình Hallowen mới đeo mặt nạ. Biết bao người đeo mặt nạ hàng ngày đấy thôi. Trong đó có cả tôi. Và biết đâu cả bạn, người đang đọc những dòng viết này nữa đấy.
TS Nguyễn Mạnh Hùng – CEO Thái Hà Books