Tất cả mục đích của Tam Bộ Nhất Bái là để trừ lòng ích kỷ.

Để thực sự giúp ích thế giới, trước hết cái Ngã phải chết dần.

Lễ lạy là phương sách mầu nhiệm để làm cái Ngã chết đi.

—– Thầy Hằng Triều

Đào Viên

Xem thêm:

Cô Angela Justice: Dễ Lắm! Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát!

1.Tam bộ nhất bái – hay là đi ba bước thì lại lạy một lễ (gọi tắt là lễ lạy) – là một phương cách để người Phật tử, phần nhiều là người tu sĩ xuất gia, tỏ lòng tin sâu vào Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng), để tôi luyện lòng kham nhẫn, chịu đựng đau khổ, hoặc/và tỏ quyết tâm theo đuổi một hạnh nguyện của mình. Đây là một hành trì vô cùng khó khăn, vất vả, vì người Phật tử khi tam bộ nhất bái, phải làm việc này mỗi ngày, bất luận mưa nắng, đường xấu đường tốt, cả năm cả tháng, đường xa muôn trùng. Tuy thế, đã từng có nhiều Phật tử đi hành hương với Tam bộ nhất bái tại những nước mà Phật giáo Đại Thừa là tôn giáo chính như Tây Tạng, Trung Hoa và Việt Nam.

Nhiều người dân Tây Tạng, người dân thường không phải là tu sĩ, đã làm cuộc hành hương từ nơi mình ở cách xa thủ đô Lahsa ngàn dậm, với tam bộ nhất bái, chỉ cốt để chiêm ngưỡng và lễ bái được tu viện Jokhang và lạy về thánh thất Potola, nơi sinh sống của các tu sĩ (Lạt Ma) của Phật giáo Tây tạng. Mình mặc quần áo ấm, lớp ngoài bằng da thú, đầu gối có đệm dầy, hai tay đeo hai miếng gỗ lót, rất cần để mỗi khi quỳ và nằm dài xuống đất để đỡ bị xây xát, họ đã để cả năm, cả tháng, vượt đèo, lội suối, đi qua sa mạc, mà làm cuộc hành hương.

Những người này, mỗi lần đi như vậy, đều phải có người đi theo giúp đỡ, kéo theo vật dụng như lều vải, quần áo đê ngủ, thức ăn, nồi niêu để nấu nướng. Trên đường đi, mệt đâu, họ có thể ngừng lại xin tá túc vào nhà dân địa phương, ở đấy họ được mời ăn uống, rồi lên đường

ĐĐ Thích Tâm Mẫn nhất bộ nhất báicó một tu sĩ trẻ tuổi là Đại Đức Thích Tâm Mẫn, xuất gia tu tại chùa Hoằng Pháp, thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2004, vừa phát nguyện lạy hành hương từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Yên Tử (Quảng Ninh) bằng hình thức “nhất bộ nhất bái” (bước một bước, lạy một lạy) dọc theo tuyến quốc lộ 1A. Đoạn đường dài trên 1800 cây số. Hành trình bắt đầu từ mồng 2 Tết Kỷ Sửu và với tốc độ khoảng 2 cây số một ngày, cuộc hành hương dự kiến kéo dài khoảng 4 năm. Cùng đi với Thầy Tâm Mẫn có hai đệ tử mang giúp hànhlý (nặng khoảng 5kg). Lương thực dọc đường sẽ do phật tử chùa Hoằng Pháp đóng góp. Hành trình mỗi ngày chia làm hai thời: từ 4giờ-9giờ sáng, sau đó ba Thầy trò dừng chân nghỉ trưa bên đường, rồi tiếp tục từ 16giờ đến 21giờ chiều. Về lý do phát nguyện thực hiện chuyến hành hương này, Thầy Tâm Mẫn xin được giữ kín những ước nguyện cá nhân, chỉ cho biết Thầy vừa hành hương vừa cầu nguyện cho quốc thái dân an. Đi hành hương bằng cách Tam bộ (hay Nhất bộ) Nhất bái là một điều rất mới mẻ tại Việt Nam, cho nên cuộc bái hương của Thầy Tâm Mẫn đã gây được lòng hiếu kỳ và sự ủng hộ của nhiều người đồng bào mọi chỗ.

Có lẽ cuộc hành hương Tam bộ nhất bái nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo là của Đại Lão Hòa thượng Hư Vân tại Trung Quốc. Hòa Thượng sinh tại Hồ Nam năm 1840, mất năm 1959, thọ 120 tuổi. Hòa thượng cũng là Tổ thứ 44 của dòng Thiền Quy Ngưỡng. Năm ngài 43 tuổi, với hạnh nguyện báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, ngài đã quyết tâm tam bộ nhất bái từ núi Phổ Đà Sơn phía đông Trung quốc (một đảo nhỏ gần Thượng Hải, thuộc tỉnh Chiết Giang) đến Ngũ Đài Sơn (thuộc tỉnh Sơn Tây) cách xa ba ngàn dặm. Với bối cảnh chiến tranh, loạn lạc thời xưa, đường xá gập ghềnh, núi đồi ngăn trở, thú dữ khắp nơi, khí hậu nghiệt ngã…một vị tăng đơn độc, lặng lẽ, cứ bước ba bước lại quỳ xuống thành tâm lạy một lạy suốt non ba ngàn dặm gian nan, trong sáu năm trường, quả thật là không ai theo nổi.

2.Truyền thống này đã được đem vào Hoa kỳ với Hòa Thượng Tuyên Hóa, người sáng lập ra Kim Sơn Tự (năm 1970) tại San Francisco và Vạn Phật Thánh Thành tại Ukia, cách khoảng 110 dặm phía bắc San Francisco (năm 1974). Hòa Thượng Tuyên Hóa đã được Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân truyền pháp để trở

nên Tổ thứ 45 của dòng Thiền Quy Ngưỡng. Ngài đã đến California Hoa Kỳ, năm 1962 và cũng mất tại đấy năm 1995, hưởng thọ 77 tuổi. Nhiều người Hoa Kỳ chính gốc hay có gốc là một dân tộc khác, vì ngưỡng mộ tài đức của Hòa Thượng đã đến vời ngài, thọ giới Sa Di hay giới Tỳ Kheo, tu tập tại Kim Sơn Tự và Vạn Phật Thành có đến trên hai trăm vị(1).

Năm 1973 hai vị Tỳ Kheo người Hoa Kỳ tên là Hằng Cụ (hay là Heng Ju), và Hằng Do (hay là Heng Yo), đã làm một cuộc bái hương từ Kim Sơn Tự San Francisco đến Marblemount Seattle, qua Garbeville và Coos Bay. Hai Thầy đã mất 10 tháng tam bộ nhất bái suốt chín trăm dặm đề làm cuộc bái hương này,.

Hằng Cụ, tục danh là Tim Testu, trước khi xuất gia là một đứa bé hoang tàng, thích gây lộn phá phách, học song trung học thì đăng ký 6 năm vào hải quân (tiềm thủy đĩnh). Ra khỏi quân ngũ theo lời anh: “tôi hòa vào cuộc sống ồn ào, hỗn độn của cuối thời đại sáu mươi. Tôi học thêm chút ít ở đại học, sau đó thì làm đủ nghề như: thợ mộc, thợ máy đường rầy, thợ lặn, và ngay cả làm đầu bếp nấu ăn cho một nhà hàng” topless” (từ trong nhà bếp tôi chẳng thấy gì cả). Tôi làm việc cũng khá lắm, nhưng trong lòng lúc nào cũng nặng quằng một nỗi cô đơn, chán nản. Rồi tôi buông mình vào hút sách, bị thất nghiệp và kết bạn với những kẻ không ra gì”. Năm 25 tuổi sau khi gặp Hòa Thượng Tuyên Hóa, anh đã trở nên một con người khác hẳn, vào chùa trở nên sư Hằng Cụ.

Hằng Do, tục danh là David Bernstein, lớn lên ở Rhode Island. Theo lời anh: “Tôi sống vô tư qua mười tám mùa thay đổi ở New England, cho đến khi rời nhà để vào nội trú trường đại học thực nghiệm nhỏ, vùng ngoại ô Michigan. Nơi đó tôi đã bị ru ngủ bởi những ảo tưởng thú vị của tự do như: Tự ý muốn ngủ trể chừng nào cũng được, hay bất cứ lúc nào muốn ăn gì cũng được và không bị ai sai bảo chi. Nhưng đến năm học thứ nhất gần mãn thì sự hưởng lạc của tôi hốt nhiên dừng hẳn. Chẳng ai ngạc nhiên gì cả, chỉ riêng tôi sửng sờ khi thấy mình thi rớt”. Năm 1970 anh đến giúp việc xây cất chùa Kim Sơn, anh đã gặp Hòa thượng Tuyên Hóa . Anh đã xin xuống tóc làm Sa di, và đến năm 1972 thọ giới Cụ Túc và trở thành Tỳ Kheo. Khi thấy sư huynh là Hằng Cụ có quyết tâm tam bộ nhất bái từ chùa lên Marblemount ở Seattle, anh đã xung phong đi theo giúp đỡ.

Ngày 16 Tháng 10 Năm 1973 hai người khởi hành từ chùa Kim Sơn, kéo theo một cái xe hai bánh chứa các vật dụng cần thiết cho cuộc bái hương và đến ngày 17 Tháng 8 Năm 1974 thì tới nơi, mỗi ngày lễ lạy khoảng bẩy tám dặm. Vì Phật giáo cũng như những tu sĩ áo vàng là những hiện tượng mới mẻ, chưa hòa nhập vào giòng chính của xã hội Hoa Kỳ, nên cuộc bái hương của hai Thầy Hằng Cụ và Hằng Do gặp đủ hạng người chống đối, gây cản trở khó chịu cũng như khâm phục, giúp đỡ

Cuộc bái hương của hai Thầy đã kết thúc bằng một câu chuyện lý thú, đượm rất nhiều tình thầy trò. Hôm về đến Marblemount, Hòa Thượng Tuyên Hóa đã dẫn cả chùa đi nghêng đón. Mọi người đến khen ngợi và chúc mừng hai nhà sư đã thực hiện được truyền thống của Đại Lão Hư Vân để lại. Hòa thượng Tuyên Hóa nói có một món quà cho Hằng Cụ và Hòa Thượng đã đua ra một cái bánh “pie”, có vẻ rất tầm thường ở bất cứ một tiệm bánh ngọt nào của Mỹ. Khi vừa trong thấy cái bánh “pie” của Sư phụ đưa cho, Hằng Cụ, nhớ lại chuyện xưa, vội quỳ ngay xuống và khóc sướt mướt.

Mấy năm về trước, khi ấy Hằng Cụ, một thanh niên còn ít tuổi, mới xuống tóc vào chùa. Một hôm Hằng Cụ, lẻn ra khỏi chùa đến một tiệm bánh ngọt gần đó, mua “pie” mang về ăn lén. Chiều tối, anh mang bánh lên sân thượng ăn cho đã thèm. Anh đang ăn thì anh có cảm tưởng như có ai đang đi đến. Quay lại thì thấy đó là Sư phụ mình đang chầm chậm đi đến, mắt nhìn xuống đất, miệng tụng kinh, tay lần tràng hạt. Dường như ông thầy không nhìn thấy mình đang ăn vụng, anh hú vía, vội lẻn xuống phòng. Không ai biết chuyện này và Hòa Thượng Tuyên Hóa cũng chẳng bao giờ đả động đến. Không ngờ hôm nay được sư phụ mang đến cho một cái bánh “pie”, Hằng Cụ hiểu ngay là Hòa Thượng ngày ấy đã biết anh đã phạm giới (chỉ ăn một ngày một bữa trưa, không được ăn phi thời), phạm thanh quy của tu viện (lẻn ra ngoài mà không được phép) nhưng đã được Sư phụ tha thứ.

3.Sang đến năm 1977 hai vị Tỳ kheo khác cũng người Hoa Kỳ tên là Hằng Thật(3)(tục danh Christopher R. Clowery) và Hằng Triều (tục danh là Marty Verhoeven), đệ tử của Hòa thượng Tuyên Hóa, lại làm một cuộc bái hương tam bộ nhất bái thứ hai. Lần này họ khởi sự từ chùa Kim Luân Tự ở Pasadena mà bái lạy vế đến Vạn Phật Thành ở Ukia. Họ đã để hai năm rưỡi mới về đến nơi tam bộ nhất bái hơn tám trăm dặm.

Khác với cuộc bái hương của Hằng Cụ và Hằng Do bốn năm trước, hai người có một xe hơi cũ Plymouth Station wagon đời 1957 để ngủ qua đêm, vì hai người đã quyết định sẽ không ngủ tại bất cứ nhà ai, dù có được mời. Hai người trong khi đi đường cũng không quên tu tập như khi còn ở chùa. Họ có một thời khóa biểu mổi ngày rất nghiêm túc khắc nghiệt:

-4-4:50 công phu (tụng kinh) buổi sáng

-5-6:30 tập t’ai chi (Thầy Hằng Triều là một võ sĩ có hạng trước khi xuất gia)

-6:30- tắm rửa và bắt đầu bái hương

-7-8 bái hương tam bộ nhất bái

-8-8:20 nghỉ

-8:20-9:20 bái hương tam bộ nhất bái

-9:20-9:40 nghỉ

-9:40-10:30 bái hương tam bộ nhất bái

-10:30-11:30 đọc kinh luận, viết lách

-11:30-12:30 ăn trưa

-12:30-1:00 nghỉ, thiền tọa

-1-2 bái hương tam bộ nhất bái

-2-2:20 nghỉ

Kinh nhật tụng của hai người là Kinh Hoa Nghiêm, kinh Thủ Lăng Nghiêm và Chú Đại Bi. Thời gian dành cho bái hương không nhiều cho nên mổi ngày họ chỉ đi được khoảng 2, 3 dặm

Năm 2005, một nhà báo, ông David Miller, có đến phỏng vấn Thượng Tọa Heng Sure, bây giờ là trụ trì Tu viện Phật giáo Berkeley, một bộ phận của Tổng Giáo Hội Phật giáo Hoa Kỳ, thành lập bởi Hòa Thượng Tuyên Hóa. Xin đọc câu chuyện lý thú này, để biết thêm về thượng tọa Hằng Thật và cuộc hành hương của người năm 1977.

David Miller -Theo tập quán của Phật giáo Trung Quốc, các sư, ni mỗi người đều có một pháp danh sau khi thọ giới tỳ kheo. Nhiều khi pháp danh phải có một ý nghĩa để giúp người tu sĩ nương theo đó mà tu tập. Pháp danh của Thầy có ý nghĩa gì?

Hằng Thật – Pháp danh Heng Sure (tiếng Hán Việt là Hằng Thật) có nghĩa là “luôn luôn Thật”. Trước khi tôi xuất gia, tôi ở trong kịch nghệ. Là một diễn viên, giá trị của một kịch sĩ là ở chỗ làm sao lột được vai trò ảo tưởng trong vở kịch. Ở ngoài đời, tôi có thói xấu là vẫn cứ tiếp tục sống với vai trò ảo. Pháp danh của tôi là để nhắc nhở tôi bao giờ cũng phải trở về với sự thực, với những gì là chính thống, xác thực.

David Miller – Thầy đóng những vai gì?

Hằng Thật – Tôi ở trong những ban kịch mùa Hè, Phần nhiều là trong Nhạc Kịch ở Broadway. Tôi thủ vai Guy Masterson trong kịch “Guys and Dolls”, vai J. Piermont Finch trong bản kịch “How to succeed in business”, vai Mr. Applegate trong “Damn Yankees”.

David Miller – Đó thật quả là một sự chuyển tiếp lớn lao, từ Nhạc Kịch sang Tu Viện Phật Giáo. Vậy Thầy có nghĩ kiếp trước của Thầy là một Kịch sĩ không.

Hằng Thật – Ông biết đấy, kịch trường là kịch trường, rất vui và thú vị.Tôi vẫn còn nhớ tất cả những bài hát nhạc kịch và rất nhiều lời ca nữa. Nhưng mà tôi đã sống làm tu sĩ nhiều năm hơn là những năm tôi ở ngoài đời. Bởi vậy, tôi nghĩ là giải trí là một chuyện ở một thời điểm nào đó, nhưng một lúc nào đó mình phải biết nhìn sâu hơn vào mọi sự việc.

David Miller – Thầy đến với Phật giáo thế nào? Tôi chắc rằng chẳng có bao nhiêu tu sĩ Phật giáo ở Toledo, Ohio, nơi Thầy sinh sống vào những năm 1950 và 60, có phải không?

Hằng Thật – Điểm then chốt làm thay đổi cuộc đời tâm linh của tôi là tôi học tiếng Trung Hoa. Người già của tôi (chị của mẹ tôi) một thời làm tại cơ quan US Information Agency ở Hoa Thịnh Đốn. Già tôi chuyên về Á Châu. Một hôm bà ấy gửi cho tôi – hồi đó tôi mới lên 13 – một cuốn sách về những họa phẩm của Tầu. Những chữ viết Trung Hoa trong cuốn sách đã thu hút sự chú ý của tôi, làm như thể là – tôi không biết có đúng không – tôi đã thấy những chữ viết đó trước đây rồi.

David Miller – Thế là Thầy bắt đầu học tiếng Trung Hoa?

Hằng Thật – Vâng, may mà tôi đã bắt đầu học Quan Thoại ngay ở Trung Học. Quan Thoại, theo tôi nghĩ, là một trong ba chương trình ngoại ngữ cho Trung học hồi đó. Bố mẹ tôi đã đồng ý ngay và bảo tôi: “Con cứ học đi. Sau này sẽ có nhiều người học”. Tôi cứ theo con đường ấy mà đi, cả khi lên đại học. Tôi đã đậu phó tiến sĩ (master) môn Ngôn Ngữ Đông Phương (Oriental Languages) ở Berkeley. Ngay sau đó, tôi được gặp Sư Phụ tôi là Hòa Thượng Tuyên Hóa.

David Miller – Thầy đã gặp Hòa Thượng Tuyên hóa ra sao?

Hằng Thật – Một người bạn cũ cùng trọ học với tôi trước đây, có sang California. Anh ta đã gặp HT Tuyên Hóa tại Tu Viện Kim Sơn. Tu viện này được lập nên từ một xưởng làm nệm cũ trong khu Mission District. Một hôm anh ấy gọi điện thoại cho tôi và nói rằng: “ Này, anh còn nhớ có lần chúng ta đã bảo nhau sẽ đi tìm một Đại lão Hoà Thượng Phật giáo không?”. Hồi đó chúng tôi có bàn nhau, muốn gặp một vị như vậy, chúng tôi sẽ phải sang Hy Mã Lạp Sơn, có thể là vùng Rishikesh bên Ấn Độ, hay sang Nam Dương. Nhưng bạn tôi nói ngay: “Không. Có một vị Đại Lão ở ngay San Francisco này. Anh hãy đến đây để gặp ngài”. Thế là tôi lái ngay chiếc xe Volvo qua cầu Bay Bridge, đến rồi đi thẳng vào căn nhà trên góc đường 15 và đường Valencia. Tôi đã gặp ngài trong một dịp rất bất thường.

David Miller – Chuyện đã sẩy ra thế nào?

Hằng Thật – Hồi đó, tôi đang học sang năm thứ hai chương trình Chuyên Khoa (graduate program) và cuộc chiến tranh bên Việt Nam đang diễn ra dữ dội. Tôi tự hỏi: “Muốn đi giậy học chăng? Không! Khô cằn quá! Hay là đi làm Ca sĩ? Không! Khó mà được, bẩn thỉu quá. Hay là chạy sang Gia Nã Đại? Không! Làm thế không đúng”. Tôi cứ suy nghĩ mãi về chuyện này. Nhưng khi tôi vào qua cửa Tu viện, ngửi thấy mùi trong Tu viện, cảm thấy không khí mát lạnh của Tu viện, nghe thấy tiếng chuông vang lên và nhìn thấy sự tĩnh lặng ở đấy, mọi thắc mắc trong đầu tôi bỗng dưng tan biến mất. Mọi nghi ngờ, sợ hãi chạy tuột xuống chân, qua đầu ngón chân mà tiêu đi mất. Tôi nghe thấy rõ ràng có tiếng ai nói nhỏ nhẹ: “Con đã trở về. Con về đây để hành trì. Con đã về nhà”

David Miller – Thế là Thầy bắt đầu học với Hòa Thượng Tuyên Hóa tại Tu viện. Ngài đã giậy những gì?

Hằng Thật – Hòa Thượng là người Mãn Châu, một tu sĩ Phật giáo chân chính tu hành đúng chánh pháp. Ngài không phải là loại người: “chúng ta hành thiền bởi vì Thiền tô điểm thêm vào lối sống của chúng ta”. Ngài giậy tôi từ căn bản đạo lý: Con người anh đã là thế nào thì quan trọng thế ấy trong việc tu tập. Cái đó chính là khởi đầu cho việc tu hành. Ngài giậy tôi phép tu thân của Khổng tử cũng nhiều như chánh pháp của đức Phật. Ngài còn bỏ vào đầu tôi sự quan trọng của học hỏi. Tôi đã đi học suốt 18 năm trời, nhưng tôi không hề lưu tâm đến học hỏi cái Tâm trong tôi. Khi tôi gặp Hoà Thượng Tuyên Hóa, tôi đã thấy ngay Ngài rất yêu thích tìm tòi học hỏi. Tôi thấy rõ là Ngài rất vui thích thấy Tâm của lũ người trẻ được hiểu biết và tiến bộ thêm. Ngài thật là vui thích.

David Miller – Bây giờ chúng ta hãy nói chuyện về chuyến đi hành hương mà Thầy đã làm năm 1977, sau khi thọ giới Tỳ kheo. Suốt hai năm rưỡi, Thầy đã cùng một đồng môn đi bộ từ Los Angeles dọc theo bờ biển California, cứ đi ba bước lại lạy một cái. Thật là khó không tưởng tượng được.

Hằng Thật – Vâng. Lễ lạy như vậy quả có khó thật. Nhưng khó nhất là phải giữ tịnh khẩu (im lặng không nói). Tôi đã nguyện giữ tịnh khẩu trong 6 năm (bắt đầu với cuộc hành hương)

David Miller – Thưa điều khó nhất khi tịnh khẩu lâu như vậy là điều gì?

Hằng Thật – Khó nhất là phải biết kiên nhẫn khi thấy rằng đầu mình đang muốn nói. Đầu óc chúng ta đã được cấu tạo nên để nói chuyện với mọi người. Một trong những khoái lạc của loài người là được nói ra. Thật là tuyệt diệu. Vì vậy, khi tôi phải ngậm mồm không nói, thì thấy không ổn trong một thời gian khá lâu. Có một lúc tôi thấy cả tuần không nghĩ được chữ nào. Đến khi đó, bản kinh Phật tôi đeo sau lưng – tôi lễ lạy là lạy bộ kinh Phật – tự nhiên hiển hiện. Rất lạ là khi Tâm tôi trở nên tĩnh lặng thì những câu trong kinh Phật tự nhiên hiện ra như là những lời bình luận giải thích những gì tôi thấy nơi thế giới bên ngoài. Tôi đã khám phá ra một điều rất lạ là đầu óc chúng ta đã được sinh ra để giao tiếp một cách rất tế nhị và mãnh liệt với thế giới bên ngoài. Thế nhưng khi chúng ta quay về với nội tâm thì tất cả những điều đó đều nằm yên nghỉ, hết hoạt động.

David Miller – Nếu Thầy phải tịnh khẩu, thì làm sao liên lạc được trong khi đi đường?

Hằng Thật – Tôi chẳng cần nói nhiều vì nhà sư kia lãnh chuyện giao tiếp với mọi người, Tôi chỉ chú tâm vào cái Tâm của tôi thôi.

David Miller – Như vậy, trước hết tại sao Thầy lại phải đi hành hương như vậy?

Hằng Thật – Tôi nghĩ là nếu tôi có thể chuyển hóa được Tham, Sân, Si khi đi bộ, khi giữ tịnh khẩu và khi lễ lạy, thì tôi thấy có lẽ tôi có thể làm một cái gì để thế giới được an bình hơn. Đối với phần thế giới còn bất an, tôi sẽ gìn giữ Khẩu và Ý. Như vậy cuộc hành hương này là cho thế giới Hoà Bình, bắt đầu từ cái Tâm của tôi.

David Miller – Ý Thầy nói là kiểm soát được cái Tâm là tượng trưng cho lòng mong cầu Hòa bình cho thế giới?

Hằng Thật – Nhiều hơn là tượng trưng chứ. Ông phải biết rằng khi còn ở đại học, tôi đã hoạt động chính trị khá nhiều. Tôi đã thấy các bạn tôi bị cảnh sát Chicago đánh vỡ đầu khi tham đự Đại Hội Đảng Dân Chủ. Khi tôi còn ở đại học, Tiến sĩ Martin Luther King bị ám sát, Robert Kennedy bị giết. Ở địa vị là một sinh viên cao học, tôi suy nghĩ mình phải làm gì, phải phản ứng thế nào trước thời cuộc. Tôi nghĩ rằng: “Phật giáo chính thống dạy rằng phải hành xử từ trong mà ra. Phải bắt đầu từ cái Tâm mình. “Nhất thiết duy Tâm tạo” đó là một câu căn bản trong Phật giáo. Tôi nghĩ nếu tôi hiểu rõ được cái Tâm bất an của tôi thì tôi sẽ thấy được cái chân thật, đó không phải như trong kịch nghệ. Không phải là hoạt động chống nhóm tài phiệt, quân phiệt. Cũng không phải là bỏ học đi sì ke ma tuý. Thực ra đó là đào sâu đến cốt tủy của vấn đề là cái Tham Sân Si của tôi.

David Miller – Đi hành hương như vậy, Thầy thấy những gì? Thầy đã gặp những loại người nào?

Hằng Thật – Chúng tôi đã gặp đủ hạng người. Nhiều người tỏ ra rất tử tế và rộng lượng. Nhưng cũng có những người không tử tế. Chúng tôi đã bị ba lần có kẻ dí súng vào đầu.

David Miller – Chúng dí súng vào đầu à? Thế là chúng định ăn cướp hay sao?

Hằng Thật – Không. Chúng tôi có bị ăn cướp năm sáu lần, nhưng không lần nào bị dí súng hết. Mấy tên kia chỉ thích dí súng vào đầu chúng tôi thôi. Tôi không hiểu tại sao. Marty, ông sư đệ tôi dường như bảo họ: “Chào bạn. Chúng tôi là hai nhà sư Phật giáo đi hành hương cầu cho thế giới được an bình. Bạn có muốn đọc vài tài liệu của chúng tôi không?”. Bọn họ, cũng may, không bóp cò súng. Thế nhưng, phần nhiều những người chúng tôi gặp đều tự nhiên tỏ ra muôn giúp đỡ chúng tôi

David Miller – Xin Thầy cho vài thí dụ

Hằng Thật – Một hôm chúng tôi đi qua vùng Santa Cruz. Trời còn sớm lắm. Tôi mới lễ lạy song thì thấy có một em gái chừng 10 tuổi đi chiếc xe đạp tiến tới, và nói: “Ông ơi, đây là cái bánh mì kẹp của cháu. Cháu nghĩ rằng ông sẽ cần đến cái bánh mì này nếu ông còn cứ đi xuống phố như vậy. Đây ông cầm lấy đi”. Thế là em ấy đưa cho tôi cái bánh mì kẹp của em. Những cuộc gặp gỡ như thế xẩy ra nhiều hơn hẳn những trường hợp đối nghịch chúng tôi đã trải qua.

David Miller – Hai vị có bao giờ thực sự bị nguy hiểm không?

Hằng Thật – Lần ấy chúng tôi đến vùng San Luis Obispo, thì có một lũ thanh thiếu niên cứ tan học là đến quấy phá chúng tôi bằng xe “truck” của chúng. Chúng nó lái xe ngay xát cạnh chúng tôi làm bụi và đá sỏi bay mù trời. Thật là đáng sợ, bởi vì có ai biết chúng nó là ai đâu. Tôi đành chấp nhận, ông biết không, bởi vì tôi là vị sư chính đang làm chuyện lễ lạy, tôi là vị sư đang kiểm soát cái Tâm của mình. Nhưng it lâu sau, có lẽ vài tuần sau, tôi nghĩ: “Trời ơi, bây giờ mới 4 giờ. Mình còn phải tam bộ nhất bái một tiếng nữa, mà bọn chúng lại đang đến kia” Một buổi chiều, tôi thấy bọn chúng đậu xe “truck” của chúng tại sân đậu xe. Thế là tôi bắt đầu tụng Chú Đại Bi. Thực ra là tôi chỉ mong: “Xin Bồ Tát đập chúng nó đi, xin Ngài cứu con”. Bỗng nhiên, mở mắt ra, tôi thấy Sư Phụ tôi, Hoà Thượng Tuyên Hóa, đang đứng đó, trên sân đậu xe, chân đi dép.

David Miller – Ngài Tuyên Hóa đến làm gì vậy?

Hằng Thật –Tôi nghĩ là ngài đã lái xe từ San Francisco xuống. Dầu sao, ngài cười với tôi rồi bước tới những cái xe “truck” với lũ thiếu niên. Ngài bắt đầu nói chuyện với chúng. Lũ trẻ này có vẻ rất thích thú được có môt ông thầy Tầu trông như một thầy giậy võ Thiếu Lâm đến nói chuyện với chúng nó. Ngài cho chúng nó cái tràng hạt thì phải và chúng biếu lại ngài chai nước Coke. Về sau tôi đã nghĩ ra rằng tôi đã dùng Chú Đại Bi như là một thứ khí giới. Tôi đã tự coi mình là nạn nhân. Tôi đã không hành xử đúng như là một tu sĩ. Khi Sư phụ tôi dạy bảo điều gì thì bao giờ cũng làm đúng lúc. Chiều hôm ấy, ngài đã bảo tôi: “Lòng từ bi không phải là như vậy”. Ngày hôm sau, tôi đang đi lễ lạy thì lũ thanh thiếu niên đó lại đến. Lần này chúng chỉ đậu xe lại và nhìn chúng tôi hành lễ tam bộ nhất bái. Lát sau, tôi nghe thấy một đứa nói: “Chúc các Thầy may mắn. Các Thầy vẫn kỳ cục lắm. nhưng thôi, chúc các Thầy may mắn”.

David Miller – Các Thầy ngủ ở đâu? Các Thầy có đến ngủ tại nhà người dân không?

Hằng Thật – Thực ra là, chúng tôi đã nguyện không vào ngủ nhà ai hết. Chúng tôi có một cái xe hơi Plymouth Station wagon đời 1957 để ngủ qua đêm. Xe này chứa các thứ như ảnh Phật, kinh Phật và xoong chảo để nấu nướng.

David Miller – Các Thầy ăn gì?

Hằng Thật – Phần nhiều là cây cỏ, lá xanh dại bên vệ đường. Chúng tôi có một bản cuốn sách của Euell Gibbons tên là “Stalking the Wild Asparagus” (nói về cách chọn măng dại). Môt nhà giáo trung học dạy vạn vật ở Santa Babara cho chúng tôi cuốn sách này, có lẽ vì sợ chúng tôi không biết phân biệt thứ nào ăn được thứ nào không.

David Miller – Các Thầy đã học được những điều chính yếu gì trong khi đi đường?

Hằng Thật –Tôi đã học hỏi được rất nhiều về cái ý nghiệp. Tôi thấy như là bị kẹt trong ý nghiệp. Chúng tôi học hỏi được nhiều về cải bản ngã của mình, về những nhận thức hay là tri giác của mọi người, bạn bè hay cả từ vô tuyến truyền hình. Tôi thấy rõ cái kích thước của tri giác. Tôi thấy giới hạn của sự hiểu biết của tôi về phải trái, về chính mình và về tha nhân. Tất cả những điều do Tâm mình tạo ra. Mà những thứ đó đâu phải là tất cả cái Tâm của mình. Trong kinh Phật, tất cả những nhận thức đó được ví như những bọt bể trong biển cả. Tâm thức của chúng ta là biển cả. Khi tôi làm công việc lễ lạy, tịnh khẩu không nói năng gì, thì tôi thấy từ từ tôi đang lặn hụp sâu thêm vào biển cả.

David Miller – Có bao giờ Thầy muốn lại lặn sâu xuống biển cả nữa không?. Tôi định nói là Thầy lại muốn đi hành hương tam bộ nhất bái như vậy nữa không?

Hằng Thật – Như vậy chẳng khác gì vào hang động thám hiểm. Khi hành thiền, bạn về với cái Tâm sâu thẳm của mình, bạn có thể đánh dấu mình đã tới đâu. Rồi trở lên. Lại có thể bạn trở về Tâm lần nữa và đánh dấu lần nữa. Tôi không biết là tôi có sẽ đi hành hương nữa không, nhưng tôi vẫn hành thiền, vẫn lễ lạy. Như vậy ông có thể nói là tôi vẫn đi hành hương. Có lẽ phải mất cả đời để xuống tận cùng tột (cái Tâm mình). Ai biết được?

David Miller – Thỉnh thoảng có những người chỉ trích cuộc sống tu hành như là một cuộc chạy trốn. Họ cho rằng sống trong tu viện là một cách đóng cửa lại không cần lưu tâm đến thế giới bên ngoài. Thầy nghĩ thế nào về chuyện này?

Hằng Thật – Chắc chắn đó là một nhận định công thức hóa. Tôi còn nghĩ đó là một sự sai lầm. Bất cứ ai đã từng sống trong tu viện đều sẽ nói như tôi. Tu viện không phải là một chỗ để trón tránh thế giới bên ngoài.

David Miller – Tại sao không?

Hằng Thật – Trong tu viện, thực ra không có chỗ nào để trốn tránh cả. Không có TV, sách báo hay đồ chơi. Không có cả tủ đựng thuốc nữa. Căn bản là mình chỉ có cái Tâm để đối diện mà thôi. Hãy so sánh tu viện với một cái phòng sinh hoạt của một gia đình bình thường xem. Trung bình mở TV xem sáu giờ rưỡi một ngày. Đó là chạy trốn đấy. Hãy thử nghĩ xem tỷ số người phải nhờ vào thuốc an thần để sống được qua ngày, ngủ được ban đêm. Có bao nhiêu đứa trẻ đã nghiện ngập xì ke ma túy? Ông phải mất bao nhiêu thì giờ đi mua bán? Những ai tố cáo đời sống trong tu viện có lẽ chẳng bao giờ suy nghĩ về Tâm của mình. Nếu họ có suy nghĩ, họ sẽ kháp phá ra rằng không chạy trốn đi đâu được. Nhiều điều trong Tâm đang chờ ta tham cứu. Một khi đã ngồi xuống để hành thiền, tất cả đều vắng lặng, thì tất cả những kỷ niệm, những đau khổ, những lo âu, hy vọng được khai hiện lên. Như vậy tu viện là chỗ cuối cùng để tránh những điều đó. Chẳng có gì để giải trí hết. Mà chỉ có một thứ mà bạn đã quên không nhìn đến từ bao lâu; đó là những gì trong đầu bạn.

David Miller – Thầy cứ ở trong tu viện, không ra ngoài tiếp súc với mọi người. Như thế thì Thầy đang trốn tránh rồi còn gì nữa.

Hằng Thật – Ông có thể nói như vậy. Tuy nhiên trong Phật giáo chúng tôi có một thứ gọi là Phật giáo Dấn Thân. Tôi là một tu sĩ theo Phật giáo Dấn Thân và tôi ra ngoài mỗi ngày. Ý chính là tìm cách áp dụng những kiến giải khi ngồi thiền, những lời dạy trong kinh Phật vào những bất công trong xã hội, trong đời sống kinh tế và chính trị.

David Miller – Trước đây Thầy có nói đến chương trình phát chẩn thức ăn cho người vô gia cư. Có phải là Thầy định nói đến chuyện này không?

Hằng Thật – Đúng. Thế nhưng cũng còn có một cái gì khác hơn nữa. Lấy thí dụ, ông bạn đứng sau quầy phát chẩn San Anthony ở San Francisco, trực tiếp phát thức ăn cho 200 người. Rất tốt, bạn đã làm một việc rất hữu ích. Song việc, ông bạn ra chỗ khác, chờ một dịp phát chẩn nhiều hơn. Mặt khác, nếu ông bạn ngôi yên lặng trên tọa cụ, giữ cho Tâm không còn sân hận, thì bạn cũng đã làm một việc rất hữu ích cho thế giới. Tâm mọi người bao giờ cũng tiếp súc với người khác. Tâm bạn tiếp súc được với gia đình bạn, con cái bạn, cả xóm giềng nữa. Với cái Tâm tĩnh lặng, bạn tiếp súc được với tất cả thế giới bên ngoài.

David Miller – Tâm làm sao có thể tiếp súc được?

Hằng Thật – Để tôi lấy một thí dụ. Có một hành khách đang rất sốt ruột phải lên ngay xe điện. Trong bụng rất cáu kỉnh. Mọi người xung quanh anh ta thấy ngay, ai cũng cảm thấy điều đó. Lại có một người khác lên tầu, tâm trạng thoải mái, thất rất vui vẻ lên được tầu. Tất cả mọi người khác cũng sẽ cảm thấy ngay. Chúng ta luôn luôn phát ra hay nhận được những tín hiệu về trạng thái tâm linh của mình, của người. Bởi vậy, nếu bạn ngồi yên trong tu viện, đầu óc thật an vui tĩnh lặng, thì bạn đã đã phát ra tín hiệu an vui ra ngoài. Bạn đang làm một việc rất có giá trị cho thế giới. Bạn đang chuyển hóa tâm thức. Tôi nghĩ tất cả đó là Phật giáo – hay Do Thái giáo, hay Cơ đốc giáo hay Islam giáo – Dấn Thân vậy.

David Miller – Không phải là ai cũng có thể bỏ nhiều thì giờ về chuyên tâm linh như các nhà sư được. Người ta ai cũng cần kiếm ăn, nuôi gia đình và mọi chuyện khác nữa. Vậy thì Thầy khuyên họ phải làm gì?

Hằng Thật –Tôi sẽ nói rằng nếu bạn có thể ngồi an vui trong phòng ngủ, ngồi trên xe hơi ở ngoài đường, ngồi làm việc ở văn phòng, tức là bạn đang làm một cái gì rồi. Ông có biết có bao nhiêu sở làm mà có nhân viên bị thất vọng. Họ ngồi đấy, cảm thấy mình chẳng có giá trị bao nhiêu, rất thất vọng khi thấy những ý kiến mình đưa ra bị bác bỏ, hay là mình có một dự án đầu đời mà lại bị một ông xếp hạng thấp, chẳng biết gì, làm sai hỏng hết chọi. Nếu chúng ta có những sở làm trong đó nhân viên đến làm 8 tiếng một ngày mà biết quan tâm đến tinh thần của mình, không chịu để rơi vào những lo sợ, thất vọng, thì đó là một cái gì rồi. Đó là điều mà chúng ta phải đầu tư vào.

David Miller – Trong các sách báo về thương mại hay trên đài CNBC, người ta chắc chắn chẳng ai nói đến những điều Thây nói cả. Mà trái lại người ta chỉ nói nhiều về mức sản xuất, về thành tích công việc, về lợi tức đem lại.

Hằng Thật – Rất đúng. Chúng ta đầu tư vào những chuyện ấy, nhưng chúng ta không lưu tâm đến những gì xẩy ra ở mặt dưới cho chúng ta và cho thế giới xung quanh ta. Nguyên liệu thiên nhiên thế giới sẽ phá sản. Dầu hôi sẽ cạn dần. Chúng ta vẫn tự hỏi: “Có vấn đề gì vậy? Tại sao chúng ta lại bị rối mù thế này”. Chúng ta đếm từng chiếc lá còn ở cuối cành cây mà không chú tâm đế cái rễ. Cái rễ chính là cái Tâm. Vấn đề là ở chỗ đó.

David Miller – Vậy thì câu trả lời là thế nào? Thiền định à?

Hằng Thật – Câu trả lời là cầu nguyện, là kỹ thuật có từ ngàn xưa. Chúng ta ra ngoài tìm kiếm thêm kỹ thuật mới. Thế nhưng kỹ thuật căn bản cũ của chúng ta thì lại không đưọc nghiên cứu đến.

David Miller – Thầy nói đến những kỹ thuật gì?

Hằng Thật – Cầu nguyện là một kỹ thuật. Lòng quảng đại, lòng từ bi cũng thế. Cúng dường, nhịn ăn, tịnh khẩu cũng vậy. Bất cứ tôn giáo cổ truyền nào cũng đều có những công cụ chúng ta có thể dùng được. Xem như Mười Điều Răn (của đức Chúa Trời). Có câu: “Ngươi không được khai gian”. Câu này rất hay, tuy nhiên hằng ngày chúng ta cứ nói dối nhau, như ông đã biết, để sống còn. Chúng ta gọi thế là tinh khôn, gọi thế là để kiếm lời. Thực ra, nó chỉ làm hại mình.

David Miller – Những kiểu “kỹ thuật” như Thầy nói ấy không đem lại lợi ích gì ngay. Ăn một cái bánh kẹo hay ngồi xem một chương trình TV thì thấy khoái ngay, có phải không? Còn nói đến phải hành xử với lòng từ bi hay mở rộng lòng quảng đại, thi lợi ích còn lâu mới đến.

Hằng Thật – Đúng, điều đó là đúng. Con người chỉ thích được lợi lạc ngay lập tức. Nhưng nếu chúng ta có những nhà lãnh đạo quốc gia nói đến và đề cao sự khôn ngoan – họ nói rằng : “Chúng ta không nhìn đến những chuyện ngay trước mắt; chúng ta nhìn về bẩy tám thế hệ sau” – thì có lẽ chúng ta làm theo dễ dàng hơn.

David Miller – Đã có ai từng nói như vậy chưa?

Hằng Thật – Sự khôn ngoan của dân Da Đỏ, của dân Do Thái có nói như vậy. Tất cả những bậc Hiền Thánh, Tổ Sư đều nói theo chiều hướng đó. Các ngài đều nói là chúng ta phải lưu tâm đến số mạng của thế giới. Rất tiếc là ít người nghe theo

David Miller – Một điều Thầy đã nói với tôi tuần trước về cuộc hành hương hai năm rưỡi Tam Bộ Nhất Bái, Thầy đã thấy là lòng người có thể thay đổi được. Thầy đã gập đủ hạng người, có kẻ lúc đầu còn nghi kỵ, hay hơn nữa còn chống đối công việc Thầy làm. Nhưng rồi họ tỏ ra khâm phục Thầy. Thầy còn nghĩ là lòng người có thể thay đổi được nữa không?

Hằng Thật – Ồ! Chắc chắn rồi, tôi thực sự nghĩ như vậy. Tôi có thể cảm thấy lòng hướng thiện, lòng tử tế của họ. Khi tôi ra ngoài, tôi áp dụng nguyên tắc là lấy cái Tâm ra giao tiếp với mọi người. Tôi muốn Tâm tôi chứa chấp lòng tử tế, mỗi lần nghĩ là tôi thấy như vậy. Tôi nghĩ rằng người nào tôi giao tiếp cũng cảm thấy như vậy, điều đó quả thật có ảnh hưởng. Không phải chỉ là tưởng tượng ra đâu, Tôi có thấy lòng người quả có thay đổi.

David Miller – Thầy cũng vừa nói là con người ta không chịu nghe những lời lẽ khôn ngoan. Họ không nghe thấy những điều họ cần nghe. Vậy thì làm sao thay đổi được?

Hằng Thật – Hừ, tôi nghĩ là chúng ta đang ở một khúc ngoặt. Nền viễn thông toàn cầu của thế hệ tôi đã cho phép chúng ta liên lạc được với mọi người, thực sự biết đến và quan hoài đến những người ở xa tít mù tắp như A Phú Hãn và Trung Hoa, Chúng ta đã khám phá ra rằng trong cái mối giao liên ấy, chúng ta chẳng biết phải nói năng với nhau thế nào. Hiện giờ đang có một cuộc đua. Có hai cái đồng hồ đếm phút khác nhau. một cái đếm sự suy thoái của trái đất. Cái kia thúc đẩy chúng ta phải biết nói với nhau nhưng lời có ý nghĩa. Nếu chúng ta có thể giữ cho trái đất khỏi suy thoái, thì sẽ có một thế hệ mới sẵn sàng nói chuyện với nhau.

David Miller – Thầy nói thế hệ mới là những ai?

Hằng Thật – Họ là thế hệ mới đến gõ cửa tu viện; phần lớn là bọn trẻ người Hoa Kỳ. Cũng có những người Hoa kỳ gốc Trung Hoa, gốc Phi châu, nhưng chắc chắn bọn họ sinh trưởng tại đây. Toàn là bọn trẻ. Chúng tôi gọi họ là bọn trẻ hậu-thất-vọng, những đứa mới 14 tuổi đã nghiện rượu, 16 tuổi đã ma tuý xì ke, những đúa trẻ đến tuổi dậy thì suốt ngày lang thang trong “Mall”. Bây giờ đã là sinh viên đại học, họ đến cửa tu viện mà nói: “xin Thầy nói sự thật cho chúng con nghe”. Chúng tôi nói: “Các em hãy ngồi xuống, ngồi thiền. Hãy đọc Giáo Pháp của đức Phật. Hãy học về Tứ Diệu Đế. Hãy xem xét cổ nhân nói gì. Hãy dở ít sách cổ văn ra thảo luận về kỹ thuật ngày xưa”. Khi chúng tôi nói với chúng như thế, bọn trẻ nói: “Chúng con đã cảm thấy có cái gì. Cái đó là cái gì vậy”. Những câu nói như thế đã vào thẳng nỗi thất vọng, đâm thẳng vào lòng hoài nghi trắng trợn của chúng.

David Miller – Điều đó làm Thầy làm Thầy hy vọng ở chúng.

Hằng Thật – Quả có thế. Bọn trẻ này lớn lên trong bầu không khí giao tiếp quảng đại mà tôi đã nói trước đây. Chúng nghĩ thế giới là một mạng lưới. Và chúng sẽ nói lên những điều chúng muốn nói.

David Miller – Chuyện ấy có liên quan gì đến những vấn đề về quả địa cầu của chúng ta?

Hằng Thật – Thế giới là một hiện hữu to lớn mà mù mờ. Thế giới là gì? Báo chí truyền thông bảo nó là cái gì thì nó là cái ấy. Nó là quả địa cầu, nó là một cú điện thoại. Tôi không làm sao có thể giải quyết được chuyên của thế giới. Nhưng tôi có thể giải quyết những điều trong cái Tâm của tôi, bởi vì từ Tâm mà ra mọi chuyện bên ngoài. Tôi xin kể ông nghe một câu chuyện. Một hôm tôi nói pháp cho người Ấn Độ ở Olema nghe, tại Hội Truyền Giáo Vedanta. Tôi nói về lòng có hiếu thảo với cha mẹ, một đề tài tôi thích nói tới.

David Miller – Thầy nói là lòng kính trọng đối với cha mẹ mình?

Hằng Thật – Đúng. Tôi nói là chúng ta có thể giao tiếp với cả nhân loại qua cái Tâm của chúng ta khi chúng ta tỏ ra kính hiếu với cha mẹ chúng ta.. Cũng giống như là một cái cây có rễ cái đâm xuống đất tới mạch nước ngầm. Chính cái mạch nước này đã nuôi cây lớn lên. Nếu đi ngược lên các cành thì thấy có biết bao nhiêu cành lá. Trở lại với rễ nguồn cội, anh sẽ thấy, qua lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, là anh đã ngay lập tức giao tiếp được với tất cả nhân loại. Sau khi tôi nói song, có một anh chàng tiến lên – trông bảnh bao, sáng sủa – gặp tôi và nói: “Tôi có thể nói cho Thầy nghe những gì tôi đã hìểu không?”. Tôi nói : “Vâng”. Anh ta nói: “Tôi làm về Khoa học Vi Tính”. Tôi nói: “Thế thì hay lắm. Tôi cũng làm việc với máy vi tính”. Thế là anh ta nói: “Thầy nói cái Tâm của Thầy như là một cánh cửa mở toang đón nhận mọi lòng từ bi nhờ ở bố mẹ Thầy. Trong thế giới (vi tính học) của tôi thì tôi sẽ nói đó là một cái máy vi tính chuyên môn gọi là “a single-server portal with infinite bandwith”. Tôi nói: “Đúng lắm”.

David Miller – Thực sự thế là thế nào?

Hằng Thật – Cái máy vi tính “portal” là cái máy qua nó, bạn liên lạc với tất cả mọi người. Nếu đầu óc bạn không thất vọng, không chịu bỏ cuộc, thì dần dà mọi người bên ngoài sẽ cảm thấy thế. Bạn có thể làm đi làm lại nhiều lần. Lần hồi về sau, khi bạn đã làm đầy đủ chuyện cần làm, thế giới sẽ lần lần khá hơn lên. Vì vậy Phật giáo không phải là một cái bánh vẽ trên trời. Đạo Phật là điều thực có. Đạo Phật chính là bạn tự hỏi bạn mới có một cái vọng niệm (ý nghĩ) gì vậy? Bạn có thể bỏ nó đi được không hay là vọng niệm lại trở lại? Nếu bạn buông bỏ nó đi được thì tức là đang làm cho thế giới này được an bình, từng mỗi niệm một.

***

Trong khi đi bái hương, Sư Hằng Thật và Sư Hằng Triều vẫn viết thư về cho Sư phụ Tuyên Hóa. Sư Hằng Thật, trong một thư, có kể lại cho Sư phụ một chuyên thương tâm. Ngày 10 tháng 9, 1979, khi bái lạy tới Boonville Road, gần về ttới Vạn Phật Thành, thì có một người đàn bà mặt mũi rất buồn rầu khổ sở đén nói với Thầy Hằng Thật rằng: “Bạch Thầy. Mẹ con đã rời khỏi Việt Nam bằng đường biển từ hai năm trước. Cho đến nay không một ai có tin tức gì của mẹ con cả. Có lẽ mẹ con đã chết ngoài biển cả rồi. Xin Thầy từ bi thương sót cầu siêu cho mẹ con”. Sư Hằng Thật rất cảm động trước lời thỉnh cầu đầy nước mắt ấy.

(Theo Dharmasite.net)



Có phản hồi đến “Tam Bộ Nhất Bái Tại Hoa Kỳ Cùng Đệ Tử Của Hòa Thượng Tuyên Hóa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com