Ngày giỗ Nhị Tổ Pháp Loa mồng 3 tháng 3 thầy trò chúng tôi quy tụ tại Pháp Loa Thiền Tự, huyện Sóc Sơn, Thủ đô Hà Nội để tưởng nhớ đến Ngài. Có mặt trong ngày đặc biệt nay có khoảng vài chục quý thầy, quý sư cô đang thực hành thiền cùng các thiền sinh cư sỹ. Buỗi lê thật đơn giản và sâu sắc, ngắn gọn và ý nghĩa.

Xem thêm:

Nhân Lễ Húy Kỵ Nhị Tổ Pháp Loa Ngẫm Lời Ngài Và Thiền Sư Thích Thanh Từ Dạy 

Tri Ân Hòa Thượng Thanh Từ Nhân Lễ Húy Kỵ Đệ Nhị Tổ Pháp Loa 

Chủ lễ húy kị Nhị Tổ Pháp Loa là Hòa thượng Thích Minh Hiền đến từ chùa Phật Đà, quận 3 TP HCM. Hòa thượng đã chứng minh và cùng hướng dẫn hàng hậu học chúng tôi nhớ về Tổ. Tiểu sử và đức hạnh cũng như công lao của Tổ Pháp Loa được tất cả thiền sinh chúng tôi lắng nghe chăm chú để hiểu hơn, ngấm hơn và quyết tâm hành thiền hơn.

Tôi rất ấn tượng với bài pháp thoại của Thượng tọa Thích Minh Thành đến từ Bà Rịa Vũng Tàu. Thượng tọa nhắc chúng tôi về những pháp môn căn bản trong thiền, khuyến tấn các thiền sinh có mặt tinh tấn và miên mật hành thiền. Nếu thiền sinh mà dễ dui, lười nhác thì khó mà đạt được kết quả cao. Chúng tôi lắng nghe và ghi nhớ từng lời. Quý hóa vô cùng.

Sáng ngày giỗ Nhị Tổ Pháp Loa, đại đức Thích Huệ Kiệt, tôi thấy “chủ nhà” của Pháp Loa Thiền Tự tại Sóc Sơn bình an và hạnh phúc vô cùng. Đại đức Huệ Kiệt cũng rất bất ngờ khi có số lượng lớn quý thầy, quý sư cô đến dự. Về hàng cư sỹ tại gia cũng đủ cả, từ quan chức trung ương đến hàng giáo sư, tiến sỹ, từ các giảng viên và thầy cô giáo đến giám đốc, doanh nhân, từ bác sỹ đến kỹ sư đến sinh viên đại học,… Đủ cả. Tất cả tề tựu đông đủ và thành kính. Tất cả quy tụ về đây để cùng quý Hòa thượng, Thượng tọa, đại đức, tăng, ni nhớ công ơn Tổ Pháp Loa và khuyến tấn nhau hành thiền. Tất cả cùng bình an, cùng hạnh phúc với Đại đức Thích Huệ Kiệt. Một ngày trọn vẹn diệu kỳ. Một ngày quý giá cùng nhau tu tập và hành thiền.

Tôi rất ấn tượng và nhớ về bài thơ của Tổ Pháp Loa đề là Luyến Thanh Sơn vào đầu năm Khai Hựu tức 1329, đời Trần Hiến Tông khi Ngài mở têm cảnh Côn Sơn và Thanh Mai Sơn rằng:

“Thưa gầy làn nước vút,

Chót vót ánh soi trong

Ngẩng đầu coi chẳng hết”

Đường tới lại trùng trùng”

Càng ngẫm càng thấy hay, thấy quý. Đúng thật là động niệm liền sai, mở miệng là lầm, làm sao mà xét, làm sao mà quán.

Tôi nhớ đến lời giảng của Tổ Pháp Loa rằng, ngày tháng dễ dàng qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo ăn cơm mà chẳng rõ việc bát, việc muỗng. Tham!’ Đúng là mình tham thật. Đúng là thất niệm nhiều quá thật. Phải cố gắng và nỗ lực tinh tấn thiền tập và chánh niệm thôi.

Tôi nhớ rằng có vị sư khi đó đã bước ra nói với Tổ Pháp Loa rằng, mặc áo, ăn cơm là việc tầm thường, đâu cần phải sanh nghi ngờ. Ông lễ bái xong, đứng dậy hỏi “Cõi thiền không dục là khỏi hỏi, cõi dục không thiền xin nói một câu”. Khi đó Tổ Pháp Loa lấy tay chỉ lên hư không.

Rồi vị tăng kia nói “Dùng đàm dãi cổ nhân làm gì?”. Tổ trả lời “Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới”.

Vị tăng lại thưa “Cổ nhân đều hỏi, thế nào là Phật, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng? Chỉ đây thế nào? Việc ấy thế nào?”. Tổ Pháp Loa đáp “Thế nào? Việc ấy thế nào”.

Vị tăng thưa:

“Trên đàn không dây tri âm tít,

Cao vút tiếng đàn cha con hòa”…

Tôi ngồi nhớ lại và nghĩ về một bài pháp khác của Tổ. Kể rằng, một hôm Tổ Pháp Loa nghe đồ chúng tụng kinh bèn hỏi “Chúng làm gì?” Có vị tăng thưa “Chúng niệm Phật tâm”. Tổ bảo “Nếu nói là tâm, tâm tức không Phật. Nếu bảo là Phật, Phật tức không tâm. Thế gọi cái gì là tâm? Vị tăng ấy không đáp được. Thế đấy. Chúng con ngồi ngẫm và càng ngẫm càng thấm, cành thấy sâu sắc và vị diệu.

Lại câu chuyện khác, khi Tổ Pháp Loa hỏi vị tăng khác “Chúng làm gì?”. Vị tăng thưa “Niệm Phật.” Tổ bảo “Phật vốn không tâm thì niệm cái gì?”. Tăng thưa “Chẳng biết”. Tổ bảo “Ngươi đã chẳng biết, vậy nói đó là ai?. Vị tăng không đáp được.

Tôi ngồi và ngẫm về bài thi văn của chính Thái Thượng Hoàng ngày 11 tháng 3 sau ngày Tổ Pháp Loa tịch 8 ngày như sau:

“Đã hết duyên trần thõng tay đi

Giáo Hoàng kim xuyến được truyền y

Thanh Sơn cỏ mọc che phần mộ

Cây biếc trong sương để xác ve

Đêm phủ giảng đường trăng kim cổ

Ngày ngày trượng thất khói mờ che

Thân mến biết bao, ôi luyến tiếc!

Nhớ công giáo hóa lệ đầy my.”

Thái Thượng Hoàng đã vậy huống chi là chúng ta. Làm sao đây. Làm sao bây giờ. Năm 1330 và 2017. Có lẽ chỉ còn cách là thõng tay tôi. Có lẽ cần học buông thôi. Có lẽ cần tu tập miên mật và công phu tinh tấn để đền ơn công lao giáo hóa và những lời chỉ dạy quý báu của Nhị Tổ Pháp Loa.

Tôi ngồi và tĩnh tâm nhớ về những lời khuyên xuất gia tiến đạo của Nhị Tổ Pháp Loa. Đúng là cần phải học 3 thứ pháp là rõ tông sư, biện pháp chân ngụy, biết thiện ác. Đúng là phải học pháp cầu thầy.

Mà chúng ta, may mắn thay, đã có thầy rồi. Là thiền sinh, chúng ta có những vị thầy lớn như thiền sư Khương Tăng Hội, thiền sư Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa, thiền sư Huyền Quang,... Rồi chúng ta đã có Hòa thượng thiền sư Thích Thanh Từ, Thích Nhất Hạnh,…

Nhân ngày giỗ Nhị Tổ Pháp Loa, tôi ngồi nghĩ lại những lời khuyên chúng thượng thừa tam học của Ngài. Quý hóa vô cùng. Đúng như Ngài dạy, tuệ đã đầy đủ, ban cho chúng sinh, nguyện lực không cùng tận, tự giác giác tha, tứ sanh và cửu loại tất cả đều được thấm nhuần. Nếu tuệ mà không định gọi là càn tuệ (tuệ khổ), định mà không tuệ gọi là si thiền. Ngài cũng đã chia thiền làm năm. Đó là phàm phu thiền, ngoại đạo thiền, tiểu thừa thiền, đại thừa thiền và thượng thừa thiền. Chúng ta đã có pháp bảo trong tay, đã có cẩm nang thiền vàng ngọc trong mình. Chỉ còn hành nữa thôi. Pháp học, pháp hành và pháp thành gắn nhau như môi với răng, như da với thịt mà.

Cuộc đời tu học của Tổ Pháp Loa thật là đáng khâm phục. Công đức phát triển giáo hội Phật giáo của Ngài lớn thật không thể nghĩ bàn. Những công trình và tác phẩm của Tổ để lại thật là vĩ đại. Gần bảy trăm năm trước mà Ngài đã làm được như vậy, đã để lại cho hậu thế chúng ta nhiều đến vậy, chúng ta không nhắc nhau thực hành ư, không tự mình hành thiền chuyên tâm ngày đêm ư? Xấu hổ! Xấu hổ!

Nhân ngày giỗ Nhị Tổ Pháp Loa ngẫm về tư tưởng thiền học của Ngài mới thấy đáng giá ngàn vàng. Tổ nhấn mạnh nhiều lần nhu yếu tìm học kinh điển và đặt vấn đề kiến tánh lên hàng đầu. Theo đúng tinh thần Tuệ Trung, Ngài đặt vấn đề kiến tánh trên căn bản KHÔNG CHỦ THỂ KHÔNG ĐỐI TƯỢNG.

Tổ Pháp Loa chỉ bày phương pháp thực tiễn nhiếp tâm giữ ý (gọi là tịnh giới) như sau: “Thế nào là tịnh giới? Là trong 24 tiếng đồng hồ một ngày, các điều kiện ngoại cảnh không dấy động, các điều kiện nội tâm không lung lay. Tâm không lung lay thì cảnh đạt tới trạng thái như nhàn. Nhãn căn (mắt) không phải vì đối tượng mà hướng ra ngoài, nhãn thức (cái thấy) không phải vì đối tượng sở duyên mà hướng vào bên trong. Ý thức được rằng ra và vào không giao tiếp liên hệ cho nên đạt được trạng thái điều chế ngưng nghỉ. Tuy gọi là điều chế ngưng nghỉ mà không phải là bất động. Đối với các thứ khác như nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý cũng vậy. Đó gọi là Đại Thừa Giới, là Vô Thượng Giới, và Vô Đẳng Giới. Tịnh giới này, từ một vị tiểu tăng cho đến một vị đại tăng, ai cũng có thể duy trì và an trú trong đó được. Nhờ duy trì tịnh giới mà kiên cố không giao động. Sau đó mới tập thiền định, buông xả cả thân và tâm cùng một lúc.”

Có một điều mà không mấy ai biết hay tìm hiểu kỹ, rằng Nhị Tổ Pháp Loa có nhiều bài thơ và kệ tụng. Tuy nhiên tất cả các bài kệ tụng của Ngài viết trong “Thạch thất mị ngữ niêm tụng” đã mất theo tác phẩm. Hiện nay, tiếc thay, chỉ còn lại 3 bài thơ. Một bài ca tụng Tuệ Trung Thượng Sỹ có trong “Tuệ Trung Thượng Sỹ Ngữ Lục”, một bài Thị Tịch trong “Tam Tổ Thực Lục” và bài “Lưu luyến cảnh núi xanh” trong “Toàn Việt thi lục.”

Bài ca tụng Tuệ Trung của Tổ Pháp Loa rất ngắn nhưng rất hay. Tôi ngồi và đọc đi đọc lại rất nhiều lần:

“Gang ròng nhồi lại

Sắt ống đúc thành

Thước trời đất

Gió mát trăng thanh.”

Hay tuyệt. Công án thiền quý giá. Càng ngẫm càng thấy giá trị. Chỉ có một việc duy nhất lúc này là thực hành những ý hay, lời quý của Tổ và các bậc thiền sư lỗi lạc mà thôi.

Nhân ngày giỗ Nhị Tổ Pháp Loa, thầy trò thiền sinh chúng tôi quây quần bên nhau. Cùng nhau nhớ về Tổ. Cùng nhắc nhau hành thiền. Cùng ôn lại những tháng ngày hành thiền cùng nhau hoặc mỗi người mỗi chốn. Miễn là hành thiền.

Vô sở cầu; Vô sở đắc; Vô sở sợ là những gì những thiền sinh cư sỹ chúng tôi ngồi bàn luận và nhắc nhau nhiều nhất. Chỉ cần nắm vững và thực hành miên mật 3 viên ngọc quý này là tuyệt diệu rồi. Chỉ quyết tâm hành thiền mà không cầu mong gì, không cần đắc gì, không có sợ gì hết đã là quá đủ. Chúng tôi đang cùng nhau đi trên đường chánh, đi trên đường vui.

Nhân ngày giỗi Nhị Tổ Pháp Loa tại Pháp Loa Thiền Tự tại Sóc Sơn, chúng con có cơ hội nhắc nhau thực hành lời Ngài dạy. Chúng con cũng ôn những lời dạy của Tam Tổ Huyền Quang, của Hòa thượng Thích Thanh Từ và các bậc thầy thiền sư khác. Xin biết ơn Đại đức Thích Huệ Kiệt đã đứng ra tổ chức ngày húy kỵ NhịTổ quá ý nghĩa này.

Hạnh phúc thay. Bình an thay. Lại thêm một ngày ý nghĩa và thiết thực. Xin đê đầu đảnh lễ và thành kính biết ơn. Xin nguyện sống trọn vẹn ngày mới. Xin dùng mắt yêu thương và mắt trí tuệ nhìn cuộc đời.

Viết sau thời thiền tuyệt vời sớm mai

06h36 ngày 31/03/2017

Tâm Thiện ĐứcNguyễn Mạnh Hùng

Công ty sách Thái Hà



Có phản hồi đến “Nhớ Lời Người Xưa Nhân Lễ Húy Kỵ Nhị Tổ Pháp Loa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com