Mồng 3 tháng 3 là ngày giỗ của đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - thiền sư Pháp Loa. Thật dễ nhớ cho những ai học Phật và thực hành thiền rằng giỗ tổ Pháp Loa đúng 1 tuần trước giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3. Là người hành thiền, tôi luôn rất biết ơn các thiền sư nhất là các thiền sư Việt Nam, trong đó có thầy Khương Tăng Hội và tam tổ sư thiền Trúc Lâm.

Thiền sư Pháp Loa là đệ tử của sơ tổ thiền phái Trúc Lâm Yên tử Điều ngự Giác hoàng – Hương vân Đầu đà. Ngài tên thật là Đồn Kiên Cường, sinh năm 1284, quê ở làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cha Ngài là Đồng Thuấn Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu.

Có một chi tiết mà không mấy người biết rằng trước khi sinh ra Ngài, mẹ Ngài đã sinh 8 người con gái nên chán nản. Đến Ngài, bà uống thuốc và dùng nhiều cách phá thai nhưng không được. Khi sinh ra Ngài mới đặt tên là Kiên Cường. Ngài điềm tư, dĩnh ngộ, không thích ăn thịt cá, miệng không nói ác, thân không làm việc xấu từ nhỏ.

Đến 21 tuổi, Ngài có duyên lành gặp Điều ngự Giác hoàng đi phá dâm từ trà. Thế là Ngài xin xuất gia. Ngài được chấp nhận và được cho hiệu Thiện Lai và được xuống tóc thọ giới sa di. Đó là năm 1304, niên hiệu Hưng Long thứ 12.

Có một chi tiết rất quý giá: Ngài theo hầu Điều ngự Giác hoàng và có đem trình 3 bài tụng của mình. Tuy nhiên tất cả bị Điều ngự Giác hoàng chê. Ngài thưa trình bao nhiều lần thì bấy nhiêu lần bị chê. Điều ngự Giác hoàng dạy rằng phải tự tham. Đầu óc ngài nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, trông thấy bông đèn tàn rụng xuống, Ngài chợt đại ngộ. Ngài mang lên trình Điều ngự Giác hoàng thì liền được ấn khả. Từ đó Ngài theo Tổ chuyên tu mười hạnh đầu đà.

Đến niên hiệu Hưng Long thứ 13, tức năm 1305, Điều ngự Giác hoàng đem Ngài lên liêu Kỳ Lân cho thọ giới tỳ kheo và Bồ tát giới. Thấy Ngài đã tham học thành đạt, Tổ cho hiệu là Pháp Loa.

Năm Hưng Long thứ 14, tức năm 1307, khi Ngài 24 tuổi, Điều ngự trụ ở am Thiên Báo Quan. Lúc đó Tổ có đến bẩy tám thị giả nhưng Ngài đứng đầu. Vì Ngài mà khi đó Tổ giảng Đại Huệ Ngũ Lực. Đến tháng 5, Điều ngự lên ở am trên đỉnh Ngọa Vân Phong, nhằm ngày rằm, sau khi Tổ làm lễ tụng giới (lễ Bố Tát) xong liền đuổi các sư khác xuống núi, lấy y bát ra và viết Tâm Kệ trao cho Ngài, dạy khéo giữ gìn.

Năm Hưng Long thứ 16 tức 1308, đúng ngày mồng 1 tháng giêng, Ngài vâng lệnh Điều ngự Giác hoàng làm lễ nối pháp trụ trì tại nhà Cam Lồ, chùa Siêu Loại. Tham dự khai lễ có vua Trần Anh Tông và thần triều đến dự. Điều ngự Giác hoàng lên đàn thuyết pháp rồi nhường chỗ cho Ngài giảng đạo. Lễ xong, Điều ngự Giác hoàng đặt Ngài kế thế trụ trì chùa Siêu Loại và làm chủ sơn môn Yên Tử, thành tổ thứ 2 của phái Trúc Lâm. Điều ngự Giác hoàng còn trao cho Ngài hơn 200 bộ kinh sử và bảo vua Trần Anh Tông sung cúng vào chùa cả trăm khoảng ruộng.

Tháng 11 năm 1308, Điều ngự Giác hoàng viên tịch, Ngài cung nghinh xá lợi Tổ về kinh đô. Sau đó, trở về lại núi, Ngài dành thời gian soạn lại những bài tụng của Điều ngự Giác hoàng lúc Tổ ở Thạch Thất làm thành quyển Thạch Thất Mị Ngữ.

Năm Hưng Long thứ 19 tức năm 1311, Ngài phụng chiếu tiếp tục khắc bản Đại Tạng Kinh. Ngài giao cho sư Bảo Sát làm việc này. Tháng 4 năm 1311, Ngài giảng Truyền Đăng Lục tại chùa Siêu Loại. Sau đó ngài Huyền Quang trình các kiến giải của mình. Tất cả Ngài đều chấp thuận.

Năm Hưng Long thứ 21 tức năm 1313, váo tháng 9, Ngài phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lương Giang định chức cho tăng đồ. Chúng tăng ở đây mới có sổ bộ. Chính Ngài là người cầm sổ bộ ấy. Lúc đó Ngài độ cho khoảng hơn một ngàn vị tăng. Về sau, cứ 3 năm 1 lần, Ngài lại độ như thế.

Năm Đại Khánh tứ 4 tức năm 1317, đời vua Trần Minh Tông, vào tháng 2, Ngài lâm bệnh nặng. Ngài đem y của Điều ngự Giác hoàng và viết bài Tâm Kệ trao cho thầy Huyền Quang, pháp khí và gậy trao cho thầy Canh Ngung, phật tử trao cho thầy Cảnh Huy, gậy tre trao cho thầy Huệ Quán. Pháp thơ và pháp cụ trao cho thầy Huệ Nhiên, linh vàng trao cho thầy Huệ Chúc. Sau đó ít lâu, Ngài lành bệnh.

Các vị thái hậu, công chúa, vương công, quý khanh thời đó đều thỉnh Ngài về truyền giới xuất gia hoặc Bồ Tát giới. Ngay cả vua Trần Anh Tông cũng thành đệ tử của Ngài. Họ cùng cúng đất, vàng, tiền để Ngài lập chùa, đúc tượng Phật, in kinh. Quá nhiều đến mức Ngài phải xin giảm dần những sổ quyên cúng. Thuyền của vua cấp để Ngài tiện việc đi lại và về Kinh đô Ngài cũng từ chối không nhận.

Năm đầu Khai Hựu tức 1329, đời vua Trần Hiến Tông, Ngài mở thêm cảnh Côn Sơn và Thanh Mai Sơn làm thành danh lam thắng cảnh.

Ngày mồng 1 tháng 3, Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân đến thăm bệnh Ngài và cho gọi thái y đến trị bệnh cho Ngài. Đến tối mồng 3 tháng 3, Ngài trở bệnh nặng và viên tịch.

……….

Đầu ngày mới, sau thời thiền sớm mai, tôi ngồi xem lại sách “Thiền sư Việt Nam” của Hòa thượng Thích Thanh Từ mà thấy xúc động về Nhị Tổ Pháp Loa quá. Thời gian đến giỗ Ngài chỉ còn tính bằng giờ. Tôi ngồi trầm lặng nghĩ về Tam Tổ Trúc Lâm và trong lòng, niềm biết ơn Hòa thượng Thanh Từ trào dâng.

Sơ Tổ Trúc Lâm, Phật Hoàng Trần Nhân Tông sinh thời có 2 đệ tử nổi bật là tôn giả Pháp Loa và tôn giả Huyền Quang. Ngài Pháp Loa xuất thân từ dân giã, ít học còn ngài Huyền Quang là một người có học, kiến thức yên thâm, đậu tiến sỹ và làm quan triều Trần. Tôi ngồi và ngẫm nghĩ, tại sao Sơ Tổ Trúc Lâm lại chọn Ngài Pháp Loa xuất thân từ tầng lớp dân giã, ít học để truyền ngôi vị tổ. Hơn nữa khi được trao y bát, Nhị Tổ Pháp Loa mới hăm bốn hăm lăm tuổi, còn rất trẻ.

Rõ ràng học nhiều, đôi khi lại là sở tri chướng. Và ngẫm lại tôi thấy mình đang đi đúng: đã và đang dành nhiều thời gian cho hành thiền.

Ngẫm lại thấy Nhị Tổ nhận y bát trao truyền từ Sơ Tổ đúng tuổi của Lục Tổ Huệ Năng, Tổ thứ 6 của Trung Quốc. Tuổi tuy trẻ nhưng tài cao về cả pháp thiền lẫn lãnh đạo tăng chúng. Ngài thật xứng đáng được tin tưởng và trao truyền.

Tự nhiên tôi nhớ lại lời Phật dạy rằng đừng coi thường con rắn nhỏ, ngọn lửa nhỏ và nhà sư trẻ.

Viết đến đây tôi chợt giật mình ngẫm nghĩ về đường lối thực hành tham tổ sư thiền. Rằng người tham tổ sư thiền cần chú ý phá chấp, cần phân biệt hồ nghi và chánh nghi, chẳng cho khởi biệt niệm, phải biết nghi là nhân, ngộ là quả, chẳng nên phân biệt tư cách, phải tin tự tâm, phải ngộ tự tánh, nên tránh lọt vào vô ký không, phải chú tâm tu hành qua 4 giai đoạn là tín, giải, hành, chứng, và phải chú trọng thực hành.

Tôi ngồi tĩnh tâm đầu giờ sớm mai và nhớ về những lần được trực tiếp gặp Hòa thượng Thích Thanh Từ, được Hòa thượng từ bi chỉ bảo và hướng dẫn thiền. Tôi vẫn nhớ như in câu chữ và hình ảnh của Hòa thượng dạy tôi “Đây, nhìn chỗ này này”. Thật là quý giá. Thật là may mắn.

Mỗi lần được bên Hòa thượng Thích Thanh Từ là tôi thấy hạnh phúc và bình an vô cùng. Tôi học được rất nhiều từ Hòa thượng. Mỗi lần gặp là nhiều câu chuyện và nhiều bài học. Có lẽ đủ để viết 1 cuốn sách. Nói thật rằng tôi biết đến thiền 1 cách đúng đắn chính là nhờ Hòa thượng thời đó.

Tôi biết ơn, thật sự thành tâm muốn biết ơn và ngàn vạn lần biết ơn Hòa thượng Thích Thanh Từ, người thầy yêu kính của tôi và chúng ta. Hòa Thượng Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học. Hòa thượng là người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nếu không có Hòa Thượng rất có thể tôi chưa chắc đã biết nhiều về tam tổ Trúc Lâm, trong đó có nhị tổ Pháp Loa.

Tôi ngồi và nhớ lại những đóng góp của Hòa Thượng đối với thiền tông Việt Nam. Từ ngày tôi còn bé xíu, từ năm 1970, Hòa thượng Thanh Từ đã thành lập Tu Viện Chơn Không trên núi Tương Kỳ, Vũng Tàu và mở khóa tu Thiền đầu tiên với 10 thiền sinh. Sau đó chỉ 4 năm Hòa thượng đã thành lập Thiền Viện Bát Nhã và Linh Quang cũng tại Vũng Tàu. Rồi từ năm 1975 Hòa Thượng phát triển các thiền viện mang tên CHIẾU như Thường Chiếu (năm 1974), Viên Chiếu (năm 1975), Huệ Chiếu (năm 1979), Linh Chiếu (năm 1980), Phổ Chiếu (năm 1980), Tịch Chiếu (năm 1987), Liễu Đức (năm 1986),...

Nhân ngày giỗ tổ Pháp Loa, tôi lại càng nhớ đến công ơn của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, nhất là khi ngồi xem lại các tài liệu và hình ảnh của năm 1993 khi Hòa Thượng cho thành lập Thiền Viện Trúc Lâm Phụng Hoàng trên núi Phụng Hoàng, Đà Lạt; của năm 2002 khi Hoà Thượng cho trùng tu Chùa Lân và lập thành thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử; của năm 2005 khi Hòa Thượng cho dựng lập thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Tôi ngồi tĩnh lặng và nhớ lại rằng đến năm 2013, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã xây dựng trên 60 thiền viện, thiền tự và trên 100 đạo tràng học Phật tu thiền theo thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Hơn thế nữa, theo tôi được biết, tại nước ngoài, Hòa thượng cho xây khá nhiều thiền viện. Riêng tại Hoa Kỳ đã có hơn 10 thiền viện, thiền tự, tại Canada có 2 thiền viện, tại Pháp có 1 thiền tự, tại Úc có thiền tự.

Tôi ngồi và nghĩ về việc hoằng pháp nước ngoài của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Tôi được biết Hòa thượng đã du hóa giảng pháp và hướng dẫn thiền tại các nước như Campuchia (năm 1950), Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản (năm 1965), Trung Quốc (năm 1993), Pháp (năm 1994, 2002), Thụy Sĩ (năm 1994), Canada (năm 1994, 2002), Indonesia (năm 1996), Hoa Kỳ (năm 1994, 2000, 2001, 2002), Úc (năm 1996, 2002).

Tôi ngồi và giật mình đọc lại con số rằng từ năm 1970 đến năm 2003 riêng tại Việt Nam, Hòa thượng dã quy y cho 75.260 Phật tử. Còn tại các nước ngoài, con số này là 9.600 Phật tử. Tổng số lên đến 84.860.

Con xin được thành tâm và chí thành chí kính đảnh lễ tam tổ Trúc Lâm nhân giỗ của nhị tổ Pháp Loa, mồng 3 tháng 3. Con xin được thêm một lần nữa thành tâm biết ơn Hòa thượng Thích Thanh Từ.

Con cũng mong chúng ta cùng nhau tu tập, hành thiền, hành thiện, tích đức để hồi hướng đến Hòa thượng Thích Thanh Từ, để Hòa thượng mạnh khỏe, làm chỗ dựa, là nơi nương tựa cho chúng con, những thiền sinh sơ cơ, mới chập chững tập tu, tập thiền.

Cùng hành thiền thôi, trời sắp sáng rồi.

Tâm Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

Công ty sách Thái Hà



Có phản hồi đến “Tri Ân Hòa Thượng Thanh Từ Nhân Lễ Húy Kỵ Đệ Nhị Tổ Pháp Loa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com