1. Trong bức thơ gửi đến, thấy nói cư sĩ đang nhiếp tâm niệm Phật, lạy Kinh Pháp Hoa, và gắng trừ lỗi mà chưa được như ý, nghĩ muốn y theo phép công quá cách để tự kiểm điểm mỗi ngày. Bao nhiêu điều ấy, đủ chứng sự tu hành của cư sĩ gần đây là thiết thật vì mình, không như những kẻ tự khi dối người, phô trương bề ngoài để cầu danh dự. Như thế còn gì hay hơn, tôi xin tùy hỷ.

Phép lễ tụng trì niệm, phải lấy lòng thành kính làm chủ. Nếu thành kính cùng cực, dù ở địa vị phàm phu công đức chưa được viên mãn, nhưng kết quả cũng khó nghĩ bàn! Trái lại thì, tuy lễ tụng, xét ra khác gì múa hát, dù có bày nét khổ, vui, thương cảm, đều là giả trang vì chẳng phải tự nơi đáy lòng phát lộ. Nếu có công đức, chẳng qua là si phước ở cõi Trời, Người, mà chính đó là chỗ y cứ để gây nghiệp ác, gieo nên quả khổ vô lượng về sau. Nên đem điều này tỏ khắp với đồng bạn, khuyên nhau chơn thật tu hành để sự lợi ích được lan rộng. Cách thức lạy kinh của cư sĩ lập ra, về lý vẫn không ngại, nhưng về sự, nếu lạy suông, phải niệm: Nam Mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Pháp Hoa Hội Thượng Phật, Bồ tát. Niệm xong cúi xuống lạy, vừa tưởng bài kệ lễ kinh:

“Pháp tánh chơn không tợ hư không,

Pháp bảo thường trụ khó nghĩ bàn!

Nơi trước Pháp bảo hiện bóng con,

Như pháp một lòng nương kính lạy.”

Lại tưởng toàn bộ kinh và chư Phật, Bồ tát ở trong kinh đều phóng ánh sáng soi đến thân mình cùng các loài hữu tình trong pháp giới. Nếu lạy từng chữ, phải niệm: Nam Mô Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (...) tự Pháp bảo. Cứ lạy chữ nào thì niệm chữ ấy, từ chữ: Như, thị, ngã, văn... cho đến hết bộ kinh đều niệm như thế. Nhưng phép quán tưởng chẳng phải dễ, nếu hiểu lý không rành hoặc tâm thức rối loạn, sợ e bị những việc ma. Điều cần yếu phải lấy sự chí thành cung kính làm chủ, nếu quán tưởng được thì quán, bằng không, nên đem hết lòng thành mà lạy, công đức cũng vô lượng. Theo chương trình của cư sĩ đã lập: đối trước kinh mà lạy, khi lạy xuống tưởng kệ, lúc đứng lên niệm Phật, quán Phật..., tốt hơn là nên để kinh trước bàn Phật cúng dường rồi chuyên nhất lễ Phật A Di Đà. 

Chớ cho rằng công đức duyên tưởng một vị Phật không rộng lớn bằng duyên tưởng nhiều vị Phật. Nên biết Phật A Di Đà là pháp giới tạng thân, bao nhiêu công đức của chư Phật trong mười phương pháp giới, nơi một đức Phật A Di Đà đều đầy đủ cả. Ví như lưới châu của trời Đế thích, ngàn châu hiện đủ trong một hột châu, một hột châu in bóng khắp ngàn châu, mỗi châu đều dung nhiếp lẫn nhau, không dư không thiếu. Nếu bậc Đại sĩ tu hành đã lâu, không ngại gì duyên cảnh rộng nhiều, cảnh càng nhiều tâm càng chuyên nhất. Trái lại kẻ mới học đạo, nếu duyên cảnh nhiều tâm thức sẽ rối loạn, và người chướng sâu huệ cạn có khi còn bị những việc ma. 

Vì lẽ ấy, Thế Tôn ta và chư Tổ đều bảo phải một lòng chuyên niệm Phật A Di Đà, đợi khi nào chứng được Tam muội thì trăm ngàn pháp môn, không lường diệu nghĩa thảy đều đầy đủ. Người xưa nói: Tắm được biển cả, tức là dùng nước trăm sông; đến điện Hàm Ngươn còn hỏi Trường An chi nữa? Lời này có thể gọi là một tượng trưng rất đúng cho lẽ trên đây vậy.

Đến như sự dứt dữ làm lành, thành thật kiểm điểm lấy mình, tuy không chi hay hơn phép công quá cách; nhưng nếu tâm không chuyên chú nơi sự thành kính, dù mỗi ngày có ghi công chép lỗi cũng là việc suông. Sổ công quá cách ở vùng này chưa thấy có. Cứ theo chỗ hiểu của tôi, chỉ nên giữ lòng thành kính trong tất cả thời, đừng để một niệm không tốt nổi lên, khi đối đãi với người phải luôn luôn gìn lòng trung thứ. Được như thế, dù vọng niệm có thoạt khởi cũng liền tự biết, biết rồi liền trừ, tất ba nghiệp không bị lôi cuốn vào đường lầm lạc. Những kẻ tiểu nhơn bề ngoài hiền lành, trong lòng ác độc, cho rằng không ai biết mình; đâu ngờ người phàm dù không biết, song bậc tu hành đắc đạo, thấy hiểu rõ ràng. 

Lại, chư thiên, quỉ thần tuy chưa đắc đạo, nhưng nhờ quả báo có tha tâm thông, nên cũng hiểu biết được. Nói gì là các bậc Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và chư Phật, tha tâm đạo nhãn thấy suốt ba đời như xem nơi lòng bàn tay đó ư? Muốn không biết, chỉ có mình không biết thì được, nếu mình biết thì trời đất, quỉ thần, Phật, Bồ tát tất rõ biết. Hiểu nghĩa này, tuy ở nơi nhà tối, chỗ vắng cũng không dám móng niệm ác. Kẻ ngoan cố nếu được biết lý trên đây cũng tự hổ thẹn, lựa người chơn tu hay sao? Như muốn bớt lỗi phải ghi nhớ điểm này, hằng đem lòng kính sợ. 

Nhưng đây là ước theo chỗ hiểu biết cạn cợt của tình đời mà nói, thật ra tâm ta cùng mười phương pháp giới đồng thể dung hợp, vì ta mê nên sự thấy biết chỉ cuộc ở riêng mình. Mười phương chư Phật chứng suốt tạng tâm, tất cả chúng sanh trong pháp giới khởi lòng động niệm, các Ngài đều thấy biết rõ rệt như hình tượng in bóng trong gương. Đó là vì chư Phật đã vào bản thể bình đẳng chân như, mình và người không khác.

Nếu cư sĩ rõ suốt nghĩa này, có thể tự dè dặt sợ hãi, giữ lòng kính thành, trước tiên còn gắng sức trừ vọng, lâu ngày vọng niệm sẽ tiêu mòn không khởi nữa.

2. Được thơ, biết gần đây cư sĩ tu trì thân thiết, xét mình sửa lỗi noi dấu Thánh hiền, chẳng phải cầu lấy hư danh, tôi lấy làm vui đẹp! Muốn học Phật, Tổ, thoát sanh tử, những điểm đầu tiên là: hổ thẹn, sám hối, dứt dữ, làm lành, giữ trai giới và thường tự răn nhắc. Lại cần phải đạt đến chỗ thật, hết sức mà làm, bằng không thì thành sự dối ở trong giả dối. Cho nên, biết không khó, làm mới chính là khó! Nhiều bậc thông minh giữa đời, vì nói có làm không, thành thử luống qua một kiếp, uổng chơi non báu đi về tay không, thật rất đáng đau tiếc! Vọng niệm lẫy lừng là do bởi chưa chơn thiết giữ gìn chánh niệm, nếu cứ chuyên chú một cảnh thì vọng tưởng sẽ đổi thành chánh trí. Cho nên, trị đắc sách thì giặc cướp đều là con đỏ, trị thất sách tuy kẻ tâm phúc cũng hóa oan gia. 

Ở địa vị phàm phu, ai lại không có nghiệp hoặc? Nhưng khi bình thường nếu đề phòng trước, lúc gặp cảnh duyên, phiền não mới không bạo phát; dù phát khởi cũng có thể liền tự biết mà dứt trừ. Những cảnh làm duyên để khởi phiền não rất nhiều. Nhưng mạnh nhứt là tiền của, sắc đẹp và chuyện ngang trái bất thường. Nên biết của tiền phi nghĩa hại hơn rắn độc, thì không còn lòng tham muốn khi thấy của. Giúp đỡ người chính là xây đắp nền phước đức cho mình về sau, biết như thế, khi có ai hoạn nạn cầu cứu, không vì tiếc của không cho, mà khởi lòng phiền não. Về sắc đẹp, lúc đối trước người xinh tốt như hoa, tợ ngọc, cho đến kẻ kỹ nữ, nên tưởng đó là chị, hoặc em ruột, sanh lòng cứu độ xót thương, tất không bị sắc làm động niệm ái dục. 

Ở gia đình, chồng vợ phải kính nhau như khách, nên xem thê thiếp là người ơn giúp đỡ lẫn nhau và vì sự nối dõi dòng họ, mới không bị sắc dục hại mình. Đến như gặp việc ngang trái nên sanh lòng xót thương dung thứ cho kẻ không biết lỗi lầm, chớ tranh chấp hơn thua. Lại tưởng rằng: kiếp trước mình đã từng làm khổ hại người, hôm nay bị việc này là trả nợ tiền khiên; nghĩ như thế thì tự nhiên vui vẻ, không sanh lòng nóng giận muốn báo cừu. Song, những phương pháp trên đây là để áp dụng với kẻ sơ cơ, nếu bậc Đại sĩ tu hành đã lâu, bao nhiêu phiền não đổi thành tạng tâm sáng suốt, muôn cảnh vẫn không thật tánh, những việc tổn hại lợi ích đều tự nơi người mà thôi.

Đến như luận về pháp môn Niệm Phật thì Tín, Nguyện, Hạnh là tông yếu. Ba món này đầy đủ, quyết định được vãng sanh. Về phần Tín, Nguyện, nên để tâm chú trọng, phải một lòng cầu về Tây phương, chớ mong kiếp sau trở lại làm người hưởng sự giàu sang. Chẳng những không muốn thọ thân vua ở cõi Trời, Người, dù cho thân một vị cao Tăng nghe một hiểu ngàn, được đại tổng trì, mở rộng pháp hóa làm lợi ích chúng sanh, cũng xem như gốc tội không khởi niệm ưa thích (vì đó là ngộ chớ chưa phải chứng, vẫn còn bị luân hồi và có thể đọa lạc). Được như thế thì tín nguyện của ta mới cảm đến Phật, và thệ nguyện của Phật mới có thể nhiếp thọ ta. 

Nên biết cõi Cực lạc chẳng những sức phàm phu không thể đến, mà chính bậc Thánh Tiểu thừa cũng không đến được, vì nơi ấy là cảnh bất tư nghì của Đại thừa. Bậc tiểu Thánh hồi tâm về Đại thừa mới có thể đến, còn phàm phu nếu không tín nguyện cảm Phật, dù cho có tu tất cả thắng hạnh và hạnh mầu trì danh cũng không thể vãng sanh. Cho nên, tín nguyện rất là cần yếu. Ngài Ngẫu Ích nói: “Được sanh cùng chăng, toàn do tín nguyện có hay không; phẩm sen cao thấp, đều bởi trì danh sâu hoặc cạn”. Đây là một luận án sắt, dù ngàn Phật ra đời cũng không thay đổi. Với lẽ này, nếu cư sĩ nhận chắc, mới có phần nơi cõi Tây phương.

Như niệm Phật khó quy nhất, phải nhiếp tâm niệm kỹ. Phép nhiếp tâm không gì hơn chí thành, tha thiết, nếu không chí thành mà muốn quy nhứt ấy là điều rất khó. Đã chí thành niệm còn chưa thuần, phải lắng tai nghe. Không luận niệm thầm hay ra tiếng, đều phải niệm khởi từ nơi tâm, tiếng ra từ nơi miệng rồi lại vào tai (dù niệm thầm nơi ý vẫn có tướng miệng niệm). Tâm và miệng rành rẽ, tai nghe rõ ràng nhiếp tâm như thế, vọng niệm tự dứt. 

Nếu làn sóng vọng tưởng nổi trào quá mạnh, nên dùng phép Thập Niệm Ký Số đem hết tâm lực chuyên vào câu niệm Phật, thì vọng tưởng bị đàn áp không có chỗ xen hở để nổi lên. Phép này nhiếp tâm rất tuyệt diệu, thuở xưa những vị hoằng dương tông Tịnh độ chưa nói đến là vì căn cơ người thời ấy còn sáng lẹ, không cần dùng cách này vẫn có thể niệm Phật được quy nhứt. Ấn Quang tôi vì tâm khó điều phục, nhiều phen dùng thử mới biết là hay, nguyện cùng những người độn căn đời sau y theo tu tập để được đồng sanh về Cực lạc.

Thập Niệm Ký Số là khi niệm Phật phải ghi nhớ rành rẽ từ một đến mười câu, hết mười câu liền trở lại một, cứ như thế xoay vần mãi. Nhưng phải niệm trong vòng mười câu mà thôi, không được hai hoặc ba mươi câu, lại không nên lần chuỗi, chỉ dùng tâm ghi nhớ. Nếu nhớ niệm luôn một mạch mười câu thấy khó, thì phân làm hai đoạn, từ một đến năm, từ sáu đến mười. Nếu hoặc còn thấy kém sức lại chia làm ba hơi, từ một đến ba, bốn đến sáu, bảy đến mười.

 Cần để ý: Niệm, nhớ và nghe phải rõ ràng, vọng niệm mới không xen vào được. Dùng phép này lâu, sẽ được nhất tâm. Nên biết phép Thập Niệm Ký Số cùng phép Thập Niệm của Ngài Từ Vân, về phần nhiếp vọng thì đồng, phần dụng công lại rất khác. Phép Thập Niệm tùy theo hơi người dài ngắn, không luận được bao nhiêu câu Phật, cứ một hơi kể là một niệm. Về phép này mỗi buổi sớm mai, chỉ dùng trong mười niệm mà thôi, nếu quá số ấy lâu ngày sẽ thành bị lao hơi. Phép Thập Niệm Ký Số thì niệm một câu biết một câu, mười câu biết mười câu, từ một đến mười rồi trở lại, dù cho mỗi ngày niệm cho đến mấy muôn câu cũng ghi nhớ như thế.

 Niệm như vậy không những trừ được vọng, lại có thể dưỡng thần, vì tùy sức tùy ý, hoặc chậm hoặc mau, không chi trở ngại. Lại, so với cách niệm lần chuỗi ghi số, phép Thập Niệm Ký Số lợi ích hơn nhiều vì lần chuỗi thân mỏi nhọc, tinh thần xao động, còn cách này thì thân nhàn mà tâm an. Chỉ những khi nào làm việc, hoặc khó ký số, nên khẩn thiết niệm suông, đợi lúc xong việc lại nhiếp tâm ký số. Như thế thì vọng tưởng không còn tung hoành, tâm cảnh an trụ vào câu niệm Phật.

Đức Đại Thế Chí Bồ tát nói: “Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối luôn, được Tam Ma Địa, đây là bậc nhứt”.Lời này với hạng lợi căn thì không cần luận, nếu kẻ độn căn như chúng ta, bỏ phép Thập Niệm Ký Số mà muốn nhiếp sáu căn, nối tịnh niệm, thật khó vô cùng! Cách niệm Phật lần chuỗi chỉ nên dùng trong những khi đi đứng, còn lúc tịnh dưỡng thần, nếu lần chuỗi thì do tay động, thần cũng không an, lâu ngày có thể sanh bịnh. Khác hơn thế, phép Thập Niệm Ký Số lúc đi, đứng, nằm, ngồi đều dùng được, nhưng khi nằm chỉ nên niệm thầm, nếu ra tiếng đã không cung kính lại bị lao hơi, nên nhớ kỹ.

Cư sĩ tuổi đã năm mươi, nếu muốn được giải thoát trong hiện đời, phải chuyên chú nơi môn Tịnh độ. Kinh Kim Cang, Pháp Hoa nên tạm gác một bên, đợi khi nào lý Tịnh độ thông suốt, niệm Phật được nhứt tâm rồi sẽ hay. Nếu bây giờ vừa nghiên cứu vừa tu hành, e cho thời gian có hạn, trí lực không kham, bên nào chẳng thành bên nào, hai sự lợi ích cùng bị mất cả đó.

Ấn Quang Đại Sư




Có phản hồi đến “Thơ Đáp Cư Sĩ Cao Thiệu Lân”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com