Dòng đời có không, còn mất, tan hợp làm cho con người lo âu nuối tiếc, cứ mãi phập phồng cho một ngày mai, nhưng đối với các bậc Thiền sư đắc đạo đã quán triệt các pháp duyên sanh vô ngã, cả một dòng đời hiện hữu thoát ngoài sanh diệt ràng buộc của thời gian và không gian, thì ngày nay, ngày mai, sống hay chết, sanh hay diệt, đều sống với nguyên lý nhất định. Thế nên Thiền Lão Thiền sư đã an nhiên tự tại khi nghe Lý Thái Tông hỏi :

- Hòa thượng ở chùa này bao lâu ?

Thiền Lão Thiền sư đáp :

"Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu".
(Sống ngày nay biết ngày nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì).
(Thích Mật Thể dịch)

Bằng sự tỉnh giác nhất niệm hiện tiền chẳng cần ngôn ngữ văn tự, ly khai tất cả ý niệm điên đảo thì ngày nay và ngày mai cũng là một, một niệm hiện tiền. Thế nên Mãn Giác Thiền sư cũng biến đời thường thành mùa Xuân vĩnh cửu :

Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua Xuân trước một cành mai.
(Thích Mật Thể dịch)

Cuộc đời cứ trôi đi để đến nỗi tóc rụng theo sương chẳng biết bao lớp, cuộc thăng trầm vinh nhục đã mấy lần nhấp nhô trên biển cả cuộc đời vì mải mê chạy quanh bên ngoài mà :

"Phong trần thất thểu làm thân khách
Muôn dặm xa quê cuộc viễn trình".
(Trần Nhân Tông – HT. Thanh Từ dịch)

Mãi hoài đau khổ, quẩn quanh cho đến khi chân chùn gối mỏi mà chẳng tỏ ngộ chân lý. Vì vậy để chỉ rõ chân lý bằng nhất niệm hiện tiền mà Thiền Lão Thiền Sư đã chỉ bày qua câu đáp : "Sống ngày nay biết ngày nay, còn xuân thu trước ai hay làm gì". Không cần biết ngày tháng đã qua, hay xuân thu đi lại bao lần, mà hãy trở về, quay đầu lại với một niệm tâm thì có cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai; mà quan trọng là ở chỗ tâm chứng hiển bày, thấu rõ bản lai diện mục của chính mình để quán triệt thật tướng các pháp. Rõ bản lai diện mục của tự tâm thì chúng ta sẽ không bị thời gian Xuân, Thu, hay thăng trầm vinh nhục chi phối.

Nói khác đi, Thiền Lão đã chỉ rõ khuynh hướng sống cho mình là sống bằng tuệ giác vô phân biệt; với tuệ giác này, người đạt ngộ không còn dính mắc vào các tướng đối đãi như Phật - chúng sanh, thiện - ác, phàm - thánh v.v... Như vậy, người học Phật sẽ mãi mãi an lạc và giải thoát trong hiện hữu của cuộc đời như Trần Nhân Tông đã dạy :

"Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền".

Với tuệ giác vô phân biệt loại bỏ những tư duy, khái niệm, danh tự, ngôn ngữ, nên không còn ràng buộc với tháng ngày như Thiền Lão Thiền sư đã nói :

"Sống ngày nay biết ngày nay,
Còn xuân thu trước ai hay làm gì".

Thích Nữ An Trí


Có phản hồi đến “Thiền Lão Thiền Sư Và Khuynh Hướng Sống Cho Mình”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com