Từ xa xưa, rằm tháng 7 được gọi là ngày “xá tội vong nhân”, là ngày các cô hồn được người trần cúng lễ. Bởi vậy, hầu như mọi gia đình đều làm cỗ cúng gia tiên, đốt vàng mã và phóng sinh. Nhưng việc đốt vàng mã dường như đã bị lạm dụng và đi quá giới hạn tâm linh khiến nó trở thành vấn nạn.
Siêu xe, du thuyền, máy bay… thành tro bụi!
Ngay những ngày đầu tháng 7 âm lịch, trên các đường phố Hà Nội đã xuất hiện nhiều gánh hàng rong bán quần áo, mũ mão thần linh. Con phố Hàng Mã, Lương Văn Can…oằn mình chứa bao thứ hàng mã và đón những dòng người đến đông như đi hội. Tại làng Phố Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), người dân tất bật ngày đêm để chuẩn bị hàng phục vụ các "thượng đế". Hàng loạt xe ô tô nối đuôi nhau vào làng mua hàng mã.
Năm nay, các mặt hàng vàng mã đều đắt hơn gấp 2-3 lần năm ngoái bởi giá nguyên vật liệu (giấy, phẩm), công vận chuyển tăng (xăng, dầu) đều tăng. Ví như năm trước: một chiếc ti vi giấy có giá 30 nghìn đồng thì nay giá khoảng 50- 60 nghìn đồng. Như vậy, nếu sắm đủ bộ lễ dành cho người đã khuất (quần áo, nón mũ, dép guốc, tiền vàng, ti vi, xe máy, nhà cửa…) loại bình dân… thì phải mất 300- 500 nghìn đồng.
Có không ít người muốn người đã khuất phải được “hưởng thụ” những đồ đạc mà trần gian đang thịnh hành nên đã sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền triệu để mua “đồ giấy”. Bà Thu Giang ở phố Lãn Ông (Hà Nội) đã về tận Đông Hồ “thửa” cho ông chồng già quá cố chiếc ô tô thể thao với kích thước, kiểu dáng y như xe thật.
Theo bà thì lúc ông còn sống gia đình nghèo khó, xe máy chẳng có mà đi. Nay ông thác, bà muốn ông “nở mặt, nở mày với ông bà tiên tổ”, tậu hẳn “siêu xe thể thao” trị giá 2,5 triệu đồng cho ông đi.Và bà cũng không quên “thửa” cho ông chiếc bằng lái xe để khỏi bị cảnh sát…tuýt còi! Theo những người dân làng Đông Hồ, những siêu xe thậm chí du thuyền, máy bay loại lớn năm nay được đặt hàng khá nhiều. Thường mỗi xe có giá từ 1,5 triệu- 4 triệu đồng tùy vào kích cỡ và sự cầu kỳ của phương tiện.
Việc đốt vàng mã đã gây ra sự lãng phí lớn về mặt kinh tế cho xã hội. Năm nay, dù giá cao hơn nhưng sức tiêu thụ mặt hàng này không hề giảm, đồng nghĩa với việc có hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng sẽ bị thiêu rụi trong dịp rằm tháng bẩy này. Nếu chỉ tính trung bình mỗi gia đình đốt 50 nghìn đồng tiền vàng mã, với gần 25 triệu hộ gia đình thì chỉ một mùa lễ Vu lan, số tiền hóa khói là quá lớn đối với một nước nghèo như ta.
Những chùa, đền, phủ nói không với vàng mã!
Tháng 2/2018, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật Giáo Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ quyết định của Trung ương GHPGVN, bởi tục đốt vàng mã giờ đã bị biến tướng. Nếu như trước đây ở góc độ tâm linh người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên. Song, giờ đây cái suy nghĩ mê tín dị đoan rằng “trần sao âm vậy” nên họ đốt quá nhiều và đốt đủ thứ một cách sa đà, lãng phí gây nhiều hệ lụy, làm cho ô nhiễm môi trường, tốn kém về tài chính, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề kèm theo dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu".
Chục năm gần đây, một số đền, phủ, chùa đã đi đầu việc không đốt vàng mã. Ví như chùa Liên Hoa (quận 11, TP HCM) từ năm 1998 ra thông báo các Phật tử khi đến chùa cúng vong linh xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã, để lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo và học sinh vùng sâu, vùng xa. Lò hoá vàng tại chùa được dỡ bỏ, việc thắp nhang trong chùa cũng được hạn chế.
Ngay trong năm 1998, nhà chùa đã góp được 300 phần quà thiện nguyện từ số tiền không đốt vàng mã. Năm 2016, số tiền đóng góp từ việc không đốt vàng mã của các Phật tử, khách hành hương tại đây là hơn 2 tỉ đồng. Đến năm 2017, số tiền này đã tăng lên 3,7 tỉ đồng.Tại Quảng Ninh, không chỉ Yên Tử, chùa Ba Vàng mà tại chùa Lôi Âm, Đền Cửa Ông… người dân cũng không còn mặn mà với tục đốt vàng mã. Các lò đốt vàng mã “nguội lạnh” hơn rất nhiều.
Ông Trương Tín Hồi - Trưởng ban Quản lý Di tích Phủ Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: “Trong khi chính phủ đang kêu gọi toàn dân tiết kiệm, chỉ vì mê tín dị đoan, người dân lại đang tay đốt số tiền hàng trăm tỉ đồng- số tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Với số ấy, chúng ta có thể xây thêm nhiều trường học, nhiều mái nhà cho những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hay những trẻ em lang thang cơ nhỡ, lo thuốc men cho trẻ tàn tật…
Từ nhiều năm nay, Ban Quản lý Phủ Tây Hồ nghiêm cấm đốt mã. Mỗi khách thập phương chỉ được thắp một nén nhang và hạn chế lễ tiền vàng. Từ việc làm thiết thực đó, Phủ Tây Hồ luôn đi đầu việc tiết kiệm và chống mê tín dị đoan. Đặc biệt, mỗi năm, Phủ Tây Hồ đã dành hơn trăm triệu đồng để hỗ trợ người nghèo, nhân dân trong vùng thiên tai, bão lụt, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam…”.
(Theo phapluatplus.vn)