Cách đây vài thập niên, trình độ khoa học chưa tiến bộ, con người vẫn còn choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên nhiên bao la bát ngát của vũ trụ. Đêm nằm nhìn sao lấp lánh trên trời như một mạng lưới kim cương khổng lồ chằng chịt. Ngày nhìn về trời đất bao quanh chim kêu, lá cội, rừng núi hương trầm... bức tranh tạo hóa lúc ẩn lúc hiện trong tâm hồn của những con người chơn chất mộc mạc. Song đối với Đạo Gia đây là phương thế để thể nghiệm cái trùng trùng biến ảo dị kỳ của tâm thức một khi đã thể nhập và hòa điệu vào cái sinh hóa đại đồng vũ trụ mà Trang Chu, là một trong những nhân vật điển hình về khả năng sáng tạo đạt đến trình độ vật hóa theo quan điểm Triết Đông.
Ngày nay khoa học đã tiến xa, đã đổ bộ lên mặt trăng, thám hiểm Hỏa tinh, đo lường được sao chổi Shoemakerlevy chín đang bị hấp lực của Mộc tinh và đang trên đường đâm thẳng vào hành tinh này. Khoảng cách giữa sao chổi và Mộc tinh không đầy trên dưới 10.000 km. Tốc độ các thiên thạch bị vỡ ra bởi hấp lực Mộc tinh với vận tốc trung bình 60 km/giây. Ngày 24/3/93 có một số thiên thạch đã đâm thẳng vào Mộc tinh, sức chấn động, các cột lửa và khói lốc lên tính theo diện tích bao trùm và lớn hơn địa cầu. Các thiên thạch này kết tụ từ bụi bậm và băng đá, một số đang còn chu du quanh Mộc tinh và các khoa học gia tiên đoán vào tháng 7/98 sẽ có một sự va chạm kinh hồn, được xem là biến cố thiên văn trọng đại nhất. Họ hy vọng phi thuyền Voyager two và Galileo có thể quan sát sự kiện này và gởi về trái đất những hình ảnh trung thực xuyên qua viễn vọng kính Hubble.
Trong tương lai con người còn chinh phục nhiều hành tinh và đang có giấc mộng lớn : di tản loài người đến sống những hành tinh có điều kiện sống tương đối giống trái đất. Đó là chuyện khoa học tương lai.
Trở về lại hành tinh mà loài người đang sinh hoạt, những quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đang vươn mình để chạy đua kinh tế với các nước giàu mạnh. Đến khi khả năng kinh tế quốc gia này được trổi dậy xem ra trái đất này sẽ nghèo nàn theo năm tháng. Vì nơi đâu phát triển theo đà văn minh thì thiên nhiên nơi đó sẽ bị xoi mòn, phá hủy dần do các hóa chất thải ra cộng với lòng tham phát triển không giới hạn đã khiến môi trường sống một ngày bị đe dọa.
Mùa Vu Lan, chúng ta đang nghĩ về hạnh hiếu, làm sao sống đúng với nhân cách một con người trong vòng lễ giáo mà không xa rời nền văn minh tiến bộ. Uyển chuyển theo lối sống hiện đại hầu thích nghi với hoàn cảnh đông phương quả là điều không mấy được dễ dàng. Đó là chưa nói đến tiến trình sinh hoạt nội tâm sao cho phong phú và thể nhập hoàn toàn vào phong thái vũ trụ quan.
Đức Phật thường dạy : "Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức". Tâm là đầu mối của mọi nghiệp quả. Hành vi dẫn đến kết quả như bóng với hình, tốc độ vận hành rất nhanh cách xa với thời xưa vì nó tương ứng với nghiệp quả đại đồng. Nhân quả ngày nay hẳn đã minh chứng điều này.
Gương hiếu hạnh từ các bậc tổ nhân như Ngài Mục Kiền Liên hay trong Hiếu Tử kinh, luôn là chất liệu quí báu cho hậu thế noi theo. Không có hình ảnh và đường hướng giáo dục này, con người chắc hẳn sẽ còn phạm nhiều tội lỗi mà trước đại dương không đủ để ghi chép. Do đó nền tảng giáo dục so ra thời đại nào cũng không thể thiếu trong môi trường học đường.
Xét ra ở Tây phương này phương hướng đức dục có phần xem nhẹ, trong khi cá nhân lại được đề cao tột bực. Phải chăng đó là đầu mối khởi sinh mọi xung đột trong gia đình Á Đông. Công tâm mà nói xã hội nào cũng đều có nét đẹp văn hóa khác nhau. Có điều nếu biết học cái hay của người, bất luận tầng lớp nào sẽ tháo được những khổ não đeo cứng tâm tư.
Làm người ai cũng có cha mẹ để phụng dưỡng. Song phụng dưỡng như thế nào để đi đúng với chân lý hẳn kinh điển xưa cũng đã từng nói đến. Nơi đây có một điều chúng ta đang sống giữa xã hội văn minh, việc tiếp cận với vật chất nhiều hơn so với thiên nhiên, nên chi là một thiệt thòi rất lớn. Hãy thử nghĩ tình mẫu tử chúng ta còn cưu mang, huống chi là trái đất nơi ta dưỡng thân từ lúc còn tấm bé, nếu sự vô tâm và thờ ơ của con người trước sự phá hủy môi sinh nhiều chủng loại phải nhìn nhận nó cũng mang một niềm bất kính. Trái đất như tình mẹ ôm ấp vạn loại vào lòng và sẵn sàng chịu đựng những đau thương cốt nhục. Chính vì thế quan niệm người xưa cho rằng : "Vũ trụ là một đại hòa điệu mà đức tính đại đồng là một nghệ thuật sáng hóa. Nghệ sĩ phải đồng nhất với các đức tính sáng hóa ấy trong khi sáng tạo hay thẩm mỹ nghệ phẩm. Ngoài ra nghệ sĩ đạo gia thấy ở thiên nhiên một thực thể duy nhất linh động vô cùng, sự chuyển hướng tâm thức nhằm chứng tỏ : "Nước là máu của núi, cây cỏ là tóc, mây và sương mù là sắc da thiên nhiên. Núi là bộ mặt của nước, nhà cửa là lông mày và mắt, ngư ông là linh hồn. Bởi vậy nên núi đẹp hơn khi có nước, hấp dẫn và thú hơn khi có nhà, vui và thoát tục khi có Ngư ông...".
Trương Triêu trong "U Mộng Ảnh" cũng có đề cập và ca về sơn thủy rằng : "Vật cảm người ở thiên nhiên không gì bằng trăng, ở âm nhạc không gì bằng đàn, ở động vật không gì bằng đàn, ở động vật không gì bằng chim quyên, ở cây cỏ không gì bằng liễu. Vì trăng lo mây, vì sách lo mọt, vì hoa lo mưa gió, vì tài tử giai nhân lo mệnh lạc, đấy thực là tấm lòng Bồ Tát".
Nét quyến rủ linh động vô cùng của vũ trụ đòi hỏi con người phải có tâm hồn chiêu cảm và lối sống thể nhập mới đạt đến chỗ rung động tột cùng. Bức tranh tâm thức và bức tranh ngoại vật không thể tách rời. Và chỉ có tâm hồn ích kỷ làm ngăn ngại sự giao cảm tuyệt vời này.
Chúng ta đang sống ở môi trường thời giờ đã trở thành sợi dây vô hình trói chặt thân tâm. Con người có hiếu thảo với cha mẹ, song không tôn trọng thiên nhiên thì cái hiếu chưa đến cùng đích. Nghĩa là chúng ta chỉ mới đến được hiếu hạnh ao hồ chứ chưa phải là hiếu hạnh biển cả.
Đại dương hiếu sinh và hiếu tử phải bước đến đỉnh cao của nghệ thuật và đạt đến tầm vóc của nước. Bởi "nước là cái gì sinh động, cho nên phải sâu và bình tỉnh hoặc êm dịu và phẳng phiu, hoặc mênh mông như biển hoặc dày đặc như thịt, hoặc cuồn cuộn như có cánh, hoặc dạt dào và mỏng manh, dũng lược và mau lẹ như tên bay, dồi dào như suối chảy, từ xa đến thành như thác đổ, tung tóe bụi bay, hay lặn vào đất để ngư ông nghỉ ngơi trên mặt, cỏ cây bên bờ sông có vẻ tươi cười và dưới màng sương phủ mây che khác nào những mỹ nữ, hoặc có khi lóng lánh sáng sủa dưới ánh nắng mặt trời chiều xuống thung lũng...".
Những điều ấy cũng chứng tỏ người xưa đã có cái nhìn khá chính xác về quan niệm : vạn vật đồng nhất thể. Không ai phủ nhận khả năng tiến bộ của khoa học. Sự ứng dụng này không đi đến qui hướng phụng sự tha nhân thì nền văn minh này sẽ có nguy cơ bị hủy diệt do khởi sinh từ lòng tham mà ra. Hành tinh này chỉ cần một thiên thạch lạc quỹ đạo từ sao chổi đâm thẳng vào địa cầu xem như mọi cầu trúc xây dựng văn minh loài người không chứng sẽ cáo chung. Cộng nghiệp nhân sinh ở giai đoạn hiện nay sẽ trả lời cho vấn nạn này ở tương lai.
Vì thế mùa Vu Lan nhắc nhở chúng ta hãy quan sát lại mình để nghiệm xem bản thân có phải là vì sao đang bay lạc khỏi quỹ đạo con người mà đức hiếu sinh là phương trình tối hậu cho giải đáp đó.
Tôi nhớ khóa tu học mùa hè ngắn hạn năm rồi, dù sinh hoạt trong vòng một tháng. Phước Huệ công đức Tòng Lâm, quí Thầy đã hướng dẫn học sinh đi đến những vùng có cảnh trí thiên nhiên thanh tịnh, sinh hoạt trọn ngày ngoài trời, dẫn đạo các em về mặt phát triển tâm linh để nâng cao hòa điệu với tâm thể siêu nhiên vũ trụ.
Có tiếp cận mới cảm được giá trị, có thực hành mới thấu rõ lẽ huyền vi. Có rung cảm mới đo được trái tim tạo hóa. Có dấn thân mới phát triển công hạnh từ bi. Trong nguồn sống vô tận Đức Hiếu cảm sẽ chuyển động một khi con người biết mình đang đi vào quỹ đạo này.
Hiếu hạnh là kho tàng nghệ thuật vĩ đại. Mỗi người biết áp dụng nghệ thuật sáng hóa này thì từ gia đình rộng đến đại đồng vũ trụ sẽ là bức tranh không lời như những đóa hoa hồng tinh khiết thay ngôn ngữ nói lên niềm giao cảm rạt rào.
Nếu Thiền có Thiền Thi, Trà có Trà đạo, thẩm mỹ có Đạo họa... là tiêu biểu cho thời nay một sự đồng điệu sinh thành thì Tuệ Sỹ chính là người đã đo được cung độ đó : "Đất của thơ là đất Trích, đường của thơ là quán trọ, là những bước đường ngược gió mặn nồng nơi đất Trích, lân la nơi quán trọ là bước đường thể nghiệm cuộc tồn sinh mà cũng là thể nghiệm cuộc khước tư tuyệt đối".
Một lần nữa mùa Vu Lan lại về. Có ai nắm gió trong lòng bàn tay ? Thì xin một phút lặng yên đi về mùa hội cũ để thấy :
"Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang".
Tuệ Sỹ
Sinh mệnh con người hiếu thảo không căn cứ vào kiến thức uyên bác, không xây dựng trên thành trì ý niệm. Đòi hỏi tính xác thực ở mức độ thẩm thấu :
"Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tần trời cao
Đố ai đếm được những vì sao
Đố ai đếm được công lao mẹ hiền".
Ca Dao
Đi vào trong cõi lòng bao la bát ngát của mẹ hiền rộng ra tới vạn pháp mới thấy hành động phụng sự chỉ là muối bỏ biển. Ân đức không tròn. Nghệ thuật sống không đạt đến khả năng viễn kiến. Hành trang cuối đời chỉ là những bức xúc to lớn đối với con người dù có đang sống và tự hào về cái tiến bộ văn minh đang có. Chiều xuống trên thung lũng mù sương, đứng xa tấm mắt không nhìn thấy cố quận, nhưng người nghệ sĩ vẫn cảm thấy nao nao lạ thường.
"Mây ơi có tạt về phương Bắc
Chầm chậm cho ta gởi mấy lời
Từ thuở ly hương ta vẫn nhớ
Nhưng tình xa lắm gió mây ơi".
Hồ Dzếnh.
Tình quê hương, tình mẹ hiền, tình pháp giới, đã phá vỡ thành trì thời gian quyện vào tâm tư người bước đến đỉnh cao nghệ thuật : Hiếu hạnh không nằm trong cảm quan vật lý, tâm lý; nó thật sự tác động mãnh liệt từng giây, từng phút, từng sát na để mở ra vận hội mới mà ngày Vu Lan chính là khởi điểm đi thẳng vào trùng trùng vô tận tâm giới.
Xin nguyện một mùa Vu Lan với những bông hồng đỏ, trắng nở sáng trong lòng những tâm hồn hiếu hạnh và biến thành chất xúc tác, nối kết với biển trùng tâm cảnh trong ý nghĩa tinh khôi nhiệm mầu bất diệt.
Đồng Hiếu
Tài liệu tham khảo :
- Tô Đông Pha (Tuệ Sỹ)
- Lịch sử Triết học Đông phương (Nguyễn Đăng Thục)
- Nhật báo Chiêu Dương.