Đầu xuân có cô gái lên chùa cười duyên dáng, hỏi một vị tăng: – Thầy thấy tôi ăn mặc thế nào?
Vị tăng trẻ lúng túng: – Ờ… thì… không nghiêm túc kín đáo… và…!
Cô gái đưa tay vuốt mái tóc, thản nhiên nói:
– Thầy tu hành mà còn chấp quá! Tâm của thầy còn động lắm. Lục căn của thầy chưa được tinh tấn, vẫn còn vướng điều phàm tục. Tốt hơn hết, thầy nên đóng cửa nhập thất để khỏi nhìn thấy những điều bất thanh bất tịnh ở phụ nữ đàn bà!
Vị tăng trẻ mắt nhìn chăm chăm xuống đất, bước đi lẫn vào đám đông Phật tử ngược xuôi ngoài sân…

Cô gái cười nửa miệng, quay sang hỏi anh huynh trưởng:

– Anh có vui lòng chỉ cho tôi tịnh thất của Sư Trụ trì không? Tôi đang rất muốn được vào vấn an Ngài, và thỉnh giáo đôi điều!

Anh huynh trưởng nhíu mày nghĩ ngợi:

– Dẫn chị vào tịnh thất của Thầy Trụ trì thì thật là không nên chút nào… Nhưng, có lẽ phải làm điều dại dột này, vì chắc tình huống oái oăm khó xử như bây giờ, chỉ có Thầy mới đủ đạo lực khai tâm điểm đạo cho chị thấy được phải trái!

Nói rồi, anh ta mời cô gái đi theo mình, băng qua đám đông, vào phía dãy nhà sau chính điện. Anh ta dừng lại trước cửa một căn phòng, quay sang nói với cô gái:

– Chị vui lòng đứng chờ ở đây một lát, để tôi vào cáo bạch với Thầy trước, khi nào thầy đồng ý tiếp khách, tôi sẽ ra mời chị vào.

Anh huynh trưởng nhún vai ngán ngẩm, đưa tay gõ cửa ba cái. Bên trong có tiếng vọng ra: “Ai? Cần gì?”.
Anh Huynh trưởng cao giọng:
– Bạch thầy, con là Tâm Tịnh, Huynh trưởng gia đình Phật tử, có việc rất hệ trọng cần thỉnh bạch lên Thầy ạ!
Bên trong phòng vang lên giọng sang sảng: – Tâm Tịnh đó ư? Chú vào đi, cửa không khoá!

Anh huynh trưởng mở cửa, bước nhanh vào trong và đóng lẹ cánh cửa lại. Cô gái đứng tủm tỉm cười, chờ đợi với vẻ háo hức. Chừng mười phút sau, cửa mở, anh Huynh trưởng bước ra, nói:

– Chị được phép vào. Nhớ giữ ý giữ tứ một chút nhé!

Cô gái cười khẩy, bước vào phòng. Một vị tăng tuổi độ lục tuần đang ngồi trên chiếc phản mun đen bóng trong tư thế kiết già, ánh mắt sáng rực rọi chiếu thẳng vào mặt vị khách mới vào. Cô gái chấp tay xá ba cái, thưa:

– Bạch thầy, con có thắc mắc xin Thầy điểm giáo…

– Thí chủ cứ hỏi.

– Bạch Thầy, con ăn mặc như thế này, vào chùa lễ Phật bái Tăng, lại bị mọi người chê trách chỉ trích, bị Tăng phê bình bắt lỗi, xin hỏi Thầy ai đúng ai sai ạ?

– Ai cũng đúng. Ai cũng sai.

– Bạch Thầy, người phàm cố chấp đã đành, nhưng người đã xuất gia tu hành mà vướng mắc những chuyện lễ nghi giáo điều để đi bắt bẻ con, xin hỏi Thầy là đúng hay sai ạ?

– Vừa sai, vừa đúng!

– Bạch Thầy, sao là sai? Sao là đúng ạ?

– Sai, vì tu hành mà chấp nhặt những điều nhỏ nhặt. Đúng, vì giữ gìn thanh tịnh cho chốn già lam tôn nghiêm, đó là bổn phận, là nhiệm vụ phụng sự Tam Bảo, hoằng dương Chính Pháp!

– Con từng nghe rằng, ngọn cờ phấp phới bay, thật ra cờ không bay mà gió bay, nhưng thật ra gió chẳng động mà do Tâm của con người đang động.

– Thật hay! Thật hay!

– Vậy, theo Thầy thì con ăn mặc ra sao?

– Bình thường.

– Đáng trách hay đáng khen ạ?

– Hợp thời trang. Hiện đại. Gọn gàng.Tiết kiệm. Nếu người mặc không hề thấy ngượng nghịu, không chút gượng gạo, không phải âu lo, thong dong khứ đáo xuất nhập như rồng đạp mây, thì thật là đáng khen ngợi. Còn nếu mặc vào mà luôn thấy bị gò bó, thấy như bị mang của nợ, mang xích xiềng, không thoải mái khi đi đứng nằm ngồi thì thật là đáng thương, tội nghiệp, chứ không đáng trách !

Cô gái cười khanh khách ra điều thích thú. Sư trụ trì bật cười ha hả, tiếng cười tự tại vang động như đã rung chuyển cả giàn ngói rong rêu của tịnh thất. Rồi im lặng như tờ.

Cô gái cất tiếng:

– Thầy thật cao thâm, vững như bàn thạch!

– Có phải đó là mục đích chính của cô khi ghé thăm bổn tự?

Cô gái im lặng, tức đã thú nhận.

– Cô mang một chút am hiểu giáo lý nhà Phật, một chút kiến thức cơ bản về sự Tĩnh – Động, cố tâm cố ý vào chùa để thử thách cái Tâm Đạo của Tăng Ni Giáo Đồ. Sự cố ý làm cho người khác chao đảo tâm ý chính là ác tâm, chính là động rồi đó!

– Bạch Thầy, quả đúng là con động ạ. Nhưng đâu phải thấy người động mà mình phải động theo, phải vậy không Thầy?

– Phải nhớ quanh cô đều là những chúng sinh đang tu, còn tu, chứ chưa có ai đắc đạo, chưa ai giải thoát được mình!

– Chỉ có Thầy là tĩnh thôi sao?

– Vì đây là tịnh thất. Tâm người phải tĩnh, phải tịnh.

– Thầy không trách con về chuyện ăn mặc này thật sao?

– Không trách, mà còn khen. Áo quần chỉ là ngoại vật. Chúng vô tri vô giác, không tội tình gì. Chúng là vật ngoại thân, không phải là một bộ phận của thân thể con người… Và thân thể con người cũng chỉ là giả tạm… Chỉ là đất, nước, gió, lửa hội tụ tạo nên. Thân xác này còn là thứ bên ngoài, huống chi là quần với áo, xiêm với y?

– Vậy chỉ cái Tâm bên trong mới là quan trọng ạ?

– Tĩnh động đều từ nơi ấy. Cho nên, nếu cô đã có gan ăn mặc hở hang thiếu thốn vải vóc để vào cửa Thiền, thì hãy phát huy thêm bản lĩnh mà trút bỏ hết xiêm y giả tạm ra khỏi tấm thân giả tạm ngay nơi đây đi! Trút bỏ hết đi!

Sư trụ trì quát lên.

Cô gái giật bắn mình, vội quỳ mọp xuống, đầu xuống dập đất:

– Bạch Thầy… con không dám. Con xin dập đầu tạ tội. Đội ơn Thầy đã khai tâm điểm đạo!

Anh Huynh trưởng đứng chờ ngoài hành lang với ruột nóng gan sôi, cứ như đang đứng trên tổ kiến lửa. Và rồi, cánh cửa Tịnh thất đã mở toang.

Cô gái lạ lùng bước ra ngoài với vẻ mặt rạng rỡ tươi vui. Lạ lùng hơn, trên người cô khoác một chiếc áo tràng của người cư sĩ.

Cô gái cười chào anh Huynh trưởng, bước thoăn thoắt hướng về phía chính điện.

Anh Huynh trưởng bước nhón chân lại khép cánh cửa tịnh thất thật nhẹ nhàng. Giờ anh mới thở phào nhẹ nhõm.

Đức Phật dạy phụ nữ nên mặc kín đáo vì 2 lẽ cho mình và cho người.

1. Cho người

Phụ nữ ra đường ăn mặc thiếu tế nhị không chỉ khiến người xung quanh phản cảm mà còn gián tiếp gây ra nghiệp ác. Kẻ không có dã tâm nhìn thấy phô bày bèn nảy sinh tâm dâm dục. Người vốn không có chủ ý, thấy thiếu kín đáo bèn sinh ra chủ ý. Như vậy, từ việc ăn mặc của cá nhân lại sinh ra ác nghiệp, hại mình hại người. Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người nữ. Nhưng tựu chung lại, vẫn không thoát khỏi trách nhiệm.

Nghiệp ác vốn đang ngủ yên, vì ngoại vật là quần áo mà trỗi dậy, tạo nghiệp ác cho người, lại liên lụy bản thân. Do đó Phật dạy về trang phục của nữ giới, lấy lịch sự, trang nhã làm đầu.

2. Cho mình

Nếu chỉ vì người thì nhiều phụ nữ sẽ chẳng mấy bận tâm, nhưng nên nhớ mặc kín đáo còn là để cho mình. Đừng vì thiếu hiểu biết mà tạo nghiệp ác, phải chịu quả báo. Ăn mặc phản cảm không chỉ ảnh hưởng tới mĩ quan, làm phương hại văn hóa, mà còn khơi dậy ác tâm, phương hại đạo đức. Đó chính là cách tạo ác nghiệp.

Ăn mặc phản cảm còn khiến tâm không yên, người không tịnh, nữ nhân lấy phục sức làm trọng mà quên đi tô điểm tâm hồn, thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng người khác, phương hại tri thức. Đó chính là cách tạo ác nghiệp.

Trang phục đoan chính là giúp người, cũng là giúp mình. Người ta vẫn có câu: Y phục xứng kỳ đức quả thực không sai.

(Sưu tầm)



Có phản hồi đến “Cô Gái Ăn Mặc Hở Hang Vấn Đạo Nhà Sư Và Cái Kết Bất Ngờ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com