Sư dạy chúng rằng: Thiện tri thức, pháp môn này lấy ĐỊNH HUỆ làm gốc. Các ngươi chớ lầm rằng ĐỊNH với HUỆ có khác; ĐỊNH HUỆ vốn nhất thể, chẳng phải là hai. Định là thể của Huệ, Huệ là dụng của Định, ngay trong lúc Huệ có Định, ngay trong lúc Định có Huệ, thấu được nghĩa này tức là Định Huệ đồng nhau. Các ngươi học đạo chớ cho là trước phát Định sau phát Huệ, hay trước Huệ sau Định có khác, kiến giải như vậy thành ra pháp có nhị tướng. Miệng tuy nói lành mà trong tâm chẳng lành, tuy có Định Huệ mà Định Huệ chẳng đồng nhau.

 Nếu tâm miệng đều lành, trong ngoài nhất thể, tức là Định Huệ đồng nhau. Tự ngộ tu hành, chẳng nên tranh biện, nếu tranh giành trước sau thì đồng với kẻ mê, chẳng dứt hơn thua, lại thêm ngã chấp, chẳng lìa được tứ tướng (nhơn, ngã, chúng sanh, thọ giả). Thiện tri thức, ĐỊNH HUỆ ví như cái gì ? Như đèn và ánh sáng: có đèn thì sáng, không đèn thì tối; đèn là thể của sáng, sáng là dụng của đèn, tên tuy có hai, thể vốn là một, pháp ĐỊNH TUỆ cũng vậy.

Sư dạy chúng rằng: Thiện tri thức, nói nhất hạnh tam muội, là ở tất cả mọi nơi đi đứng nằm ngồi thường hành trực tâm. Kinh Duy Ma Cật nói: “Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh độ”. Chớ nên tâm hạnh quanh co, miệng thì nói trực, nói nhất hạnh tam muội mà chẳng hành trực tâm. Người hành trực tâm, đối với tất cả pháp chẳng nên chấp trước. Kẻ mê chấp pháp tướng chấp nhất hạnh tam muội, cứ nói ngồi yên chẳng động, vọng chẳng khởi nơi tâm tức là nhất hạnh tam muội, kiến giải như vậy đồng với vô tình, đó là nhân duyên chướng đạo.

Sư dạy chúng rằng: Thiện tri thức, đạo cần phải linh động, chớ nên làm cho ngăn trệ. Tâm chẳng trụ pháp thì đạo được linh động, tâm nếu trụ pháp, gọi là tự trói. Nếu nói ngồi yên chẳng động là đúng, chỉ như Xá Lợi Phất tĩnh tọa trong rừng lại bị Duy Ma Cật quở. Thiện tri thức, lại có kẻ dạy người lấy ngồi làm công phu, khán tâm quán tịnh, chẳng khởi chẳng động, kẻ mê chẳng hiểu, bèn chấp ngồi thành bệnh, nhiều người truyền dạy nhau như vậy, thật là lầm lỗi lớn!

Sư dạy chúng rằng: “Thiện tri thức, CHÁNH GIÁO vốn chẳng đốn tiệm, tánh người tự có lợi độn, kẻ mê tiệm tu, người ngộ đốn khế. Đốn tiệm chỉ là giả danh kiến lập mà thôi, nếu tự nhận được bổn tâm, tự thấy được bổn tánh thì chẳng sai biệt vậy.

Thiện tri thức, pháp môn này xưa nay lập VÔ NIỆM làm tông, VÔ TƯỚNG làm thể, VÔ TRỤ làm gốc. VÔ TƯỚNG là ở nơi tướng mà lìa tướng. VÔ NIỆM là ở nơi niệm mà chẳng niệm. VÔ TRỤ là bản tánh của con người đối với tất cả sự vật, thiện ác, tốt xấu, kẻ thù, người thân trên thế gian, cho đến lúc bị người nói xấu, khi dễ, đều cho là không, chẳng nghĩ trả thù, niệm niệm chẳng nghĩ ngoại cảnh. Nếu niệm trước, niệm sau và đang niệm, niệm niệm theo cảnh chẳng dứt, gọi là trói buộc, đối với tất cả pháp niệm niệm chẳng trụ tức là chẳng trói buộc vậy, đây là lấy VÔ TRỤ làm gốc. 

Thiện tri thức, ngoài lìa tất cả tướng gọi là VÔ TƯỚNG, lìa tướng thì pháp thể thanh tịnh, đây là lấy VÔ TƯỚNG làm thể. Thiện tri thức, đối với mọi cảnh tâm chẳng nhiễm, trong niệm thường tự lìa mọi cảnh, chẳng ở trên cảnh sanh tâm gọi là VÔ NIỆM. Nếu là trăm điều chẳng nghĩ, làm cho niệm tuyệt, một niệm tuyệt liền chết,thọ sanh nơi khác, ấy là cái lỗi lầm lớn, người học đạo nên xét kỹ! Nếu chẳng hiểu ý Chánh Pháp, tự lầm còn đỡ, lại khuyên người khác học theo, tự mê chẳng thấy, lại thêm tội phỉ báng kinh Phật, vì vậy nên lập VÔ NIỆM làm tông. Thiện Tri Thức, tại sao lập VÔ NIỆM làm tông? Chỉ vì kẻ mê miệng nói kiến tánh mà khởi niệm trên cảnh, nơi niệm liền lọt vào tà kiến, tất cả trần lao vọng tưởng theo đó mà sanh. Tự tánh vốn chẳng một pháp có thể đắc, nếu có cơ sở đắc, vọng nói tội phước, tức là trần lao tà kiến, nên pháp môn này lập VÔ NIỆM làm tông.

 Thiện tri thức, VÔ là Vô việc gì? NIỆM là Niệm việc gì? VÔ là VÔ NHỊ TƯỚNG (pháp đối đãi), VÔ tất cả tâm trần lao. NIỆM là NIỆM CHƠN NHƯ BẢN TÁNH. CHƠN NHƯ là thể của NIỆM, NIỆM là dụng của CHƠN NHƯ. Chơn Như tự tánh khởi niệm, chẳng do nhãn nhĩ tỷ thiệt năng niệm, chơn như có tánh cho nên khởi niệm, nếu chơn như không tánh thì nhãn nhĩ sắc thanh ngay đó liền hoại. Thiện tri thức, chơn như tự tánh khởi niệm, lục căn dù có kiến văn giác tri mà chẳng nhiễm muôn cảnh, chơn tánh thường tự tại. Nên kinh nói: “Khéo phân biệt được các pháp tướng mà nơi đệ nhất nghĩa thường chẳng động” là vậy.

HT Thích Duy Lực




Có phản hồi đến “Kinh Pháp Bảo Đàn - Phẩm Định Huệ Thứ Tư”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com