Mục Lục
Trong thời gian ở Sikkim, tôi đã được nghe kể về chuyến hành hương của hòa thượng Tomo tại Ấn Độ. Cả một rừng người nô nức theo chân phái đoàn của ngài đi thăm viếng các Phật tích. Tại Sarnath hàng trăm ngàn người đã sắp hàng nghênh đón ngài dài mấy chục cây số. Báo chí Ấn Độ chạy những hàng tít lớn: “Một vị đại Lạt Ma, quan trọng vào hàng thứ tư sau đức Đại Lạt Ma đang viếng thăm Ấn Độ”, “Đại lão hòa thượng Tomo Geshe Rinpoche đang thăm viếng các Phật tích”v.v…
Người ta đã thêu dệt nhiều chi tiết ly kỳ vào cuộc hành hương này mặc dù không một ký giả nào được ngài tiếp kiến và như tôi đã đề cập trước đây, không ai chụp được tấm hình nào của ngài. Tuy thế người ta vẫn phóng đại tất cả mọi điều lên bản báo và số người tò mò theo dõi phái đoàn của ngài mỗi ngày một đông. Tờ Calcuts Daily cho biết hòa thượng Tomo không bao giờ ngủ và điều này đã tạo ra những cuộc bàn cãi lớn, nhiều nhà khoa học cho rằng không ngủ là điều không thể xảy ra được.
Người ta đã chất vấn ngài về điều này nhưng hòa thượng Tomo không bao giờ trả lời những câu hỏi vô ích như vậy. Tôi biết rõ hòa thượng Tomo không bao giờ nằm, ngài luôn luôn ngồi thiền ngày cũng như đêm trên một chiếc ghế gỗ. Ngài cho biết khi nằm người ta có thể ngủ quên lúc nào không biết và như vậy là không hoàn toàn kiểm soát được thân thể. Để hoàn toàn làm chủ cả thân lẫn tâm, hòa thượng Tomo thường ngồi trong tư thế liên hoa một cách ngay ngắn, nghiêm chỉnh và ngài đã làm thế trong suốt mấy chục năm nay. Tôi tin rằng với khả năng của ngài thì nằm hay ngồi cũng không thành vấn đề nữa nhưng có lẽ vì thói quen nên ngài thích ngồi hơn. Tôi biết thêm rằng một người đã nhập đại định (Samadhi) không cần ngủ vì họ đã kiểm soát thân và tâm hoàn toàn nên việc ngủ để thân thể nghỉ ngơi, tái lập quân bình không còn quan trọng nữa.
Hòa thượng Tomo vốn không thích những gì ồn ào, náo nhiệt nhưng lần này chuyến hành hương của ngài còn có sự hiện diện của Sardar Bahadur ladena, tùy viên thân cận của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười ba và rất nhiều nhân vật trong chính quyền Tây Tạng nên quần chúng mới biết đến và làm ồn ào như vậy. Hòa thượng Tomo và Ladena được lệnh đến Sarnath làm lễ an vị cho một pho tượng Phật lớn do tiểu vương Maharajah of Bhutan tặng cho ngôi chùa tại đây. Lịch sử pho tượng này cũng vô cùng đặc biệt và liên quan mật thiết đến lịch sử Tây Tạng mà tô sẽ đề cập đến trong chương kế tiếp khi nói về cái triều đại vua chúa xứ Tây Tạng. Có lẽ vì sự quan trọng của pho tượng này mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã triệu một phái đoàn gồm những nhân vật cao cấp nhất trong nội các đặt dưới quyền lãnh đạo của một vị hòa thượng nhiều giới đức như hòa thượng Tomo.
Ít lâu sau tôi được đọc tài liệu của Hầu tước Von Veheim Ostrau viết về chuyến công du này. Tuy là một viên chức ngoại giao cao cấp, ông cũng không được ngài tiếp kiến nên chỉ đứng trong đám đông quan sát buổi lễ. Baron Von Ostrau đã viết: “Hàng ngàn người chen chúc nhau trên một khoảng đất chập hẹp trước ngôi chùa. Họ đến để chiêm ngưỡng một vị Lạt Ma nổi tiếng, người được dân chúng Tây Tạng coi như bậc Bồ Tát hóa thân. Tuy nhiên vị Lạt Ma này chỉ ngồi yên lặng không phát biểu hay tuyên bố một điều gì. Ông ngồi đó như một pho tượng trang nghiêm đắm mình trong một trạng thái thiền định nhưng hình như có một sự bình an nào đó toát ra từ vị Lạt Ma già yếu này khiến cho số người đông đúc như vậy mà không có một tiếng động ồn ào nào, tất cả chỉ lặng lẽ chắp tay cầu nguyện một cách thành kính. Làm sao một cá nhân đơn độc có thể cảm hóa được cả một đám đông hỗn tạp ồn ào như vậy trừ khi người đó đã đạt đến những trạng thái rất cao, có thể tạo ra một bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh quanh mình…”
Nhiều người hy vọng hòa thượng Tomo sẽ qua viếng thăm Ấn Độ một lần nữa để họ có dịp chiêm bái nhưng không ai ngờ đây là chuyến hành hương cuối cùng của ngài vì sau đó ít lâu ngài đã từ bỏ thể xác tại làng Tomo.
Hòa thượng Tomo qua đời khi tôi đang trên đường rời Sikkim về Tích Lan. Được tin tôi vội ghé lại YiGah Cholin tham dự buổi lễ tri ân ngài. Xa cách mấy năm nhưng cảnh xưa vẫn không thay đổi, hình như thời gian không ảnh hưởng gì đến ngôi chùa bé nhỏ nép mình dưới bóng rặng Tuyết Sơn hùng vĩ này.
Kachenia vô cùng mừng rỡ khi gặp lại tôi, ông sốt sắng đưa tôi đến thăm căn phòng của hòa thượng Tomo. Căn phòng được giữ nguyên vẹn như khi ngài còn tạm trú tại đây, cái ghế ngồi được lau chùi sạch sẽ, chiếc áo khoác của ngài vẫn treo trên vách, ngọn đèn dầu vẫn thắp sáng trên chiếc bàn nhỏ, bên cạnh các khí cụ hành lễ như chuông, mõ, khánh, v.v… Nhìn cảnh vật quen thuộc, tôi không khỏi bùi ngùi, mới ngày nào chúng tôi còn qùy dưới chân ngài để nghe dậy bảo mà giờ đây ngài đã khuất bóng…
Đối với Kachenia thì hòa thượng Tomo vẫn tiếp tục hiện diện tại đây như hồi nào. Hàng ngày ông vẫn đun trà, đốt trầm và lau dọn căn phòng sạch sẽ. Nhìn ông thong thả vừa niệm chú vừa làm các công việc hàng ngày như không có chuyện gì xảy ra khiến tôi thầm cảm phục công phu tu hành, trì giới nghiêm mật của vị lão tăng này.
Kachenia kể cho tôi nghe về những ngày cuối cùng của Hòa thượng Tomo: Từ lau ngài cho các đệ tử biết rằng đã đến lúc ngài phải rời bỏ thể xác già yếu đang sắp sửa hư hoại này. Tuy nhiên ngài nhấn mạnh rằng ngài sẽ trở lại thế gian dưới một thể xác khác vì công việc của ngài tại đây còn dở dang. Sau chuyến hành hương tại Ấn Độ, ngài trở về tu viện Dungkar cho chư tăng biết rằng ngài sẽ nhập định ít hôm và căn dặn đừng ai làm rộn đến ngài. Ngài nhập định trong nhiều ngày liên tiếp nhưng vị tăng hầu cận cứ cảm thấy bồn chồn lo ngại làm sao. Sau mười ngày vẫn thấy ngài ngồi yên bất động, ông ta đánh bạo đưa một tấm gương nhỏ gần lỗ mũi ngài xem ngài còn thở không. Đến khi đó ông ta mới biết rằng ngài đã qua đời trong lúc thiền định.
Kachenia cho tôi biết thêm rằng trong lúc thiền định, Hòa thượng Tomo đã tập trung tư tưởng hướng dẫn sự sống chuyển vào một mầm sống mới, để tiếp tục công việc phổ độ chúng sinh theo đúng hạnh nguyện Bồ Tát của ngài.
Theo quan niệm của nhiều môn phái triết học Ấn Độ, kể cả Phật giáo, thì cuộc đời là bể khổ và người tu phải tìm lối thoát ra khỏi các khổ đau này. Nguyên nhân của sự đau khổ bắt nguồn từ bản ngã, vốn có khuynh hướng phân biệt và từ đó nẩy sinh các tham vọng, ái dục. Làm sao thoát ra khỏi đau khổ? Có hai con đường thoát khổ: Con đường thứ nhất chủ trương từ bỏ thế gian, tu tập thiền định để đi ngược về cội nguồn, vượt qua sự phân chia để hòa nhập vào cái bản thể chân như, từ bỏ cái Tiểu Ngã để hòa nhập với Đại Ngã. Đó là con đường của những môn phái Ấn Độ giáo, nhất là những phái chịu ảnh hưởng kinh Veda.
Con đường thứ hai không chủ trương từ bỏ thế gian mà trái lại chấp nhận nó, tu tập thiền định để nhận định rõ rệt nguyên nhân sự đau khổ để chuyển hóa, thay đổi chính mình. Thay vì cho thế gian là chốn xâu xa tìm cách tách ra, từ bỏ nó thì con đường này lại tìm cách chuyển biến chính mình, biến lòng ích kỷ thành tình thương rộng lớn, biến cõi Vô Minh thành chốn Niết Bàn. Người đi trên đường này không phân biệt giữa mình và mọi vật, Niết Bàn hay Địa Ngục vì biết rằng tất cả đều do Tâm tạo mà do Tâm tạo thì chỉ cần chuyển hóa tâm thức đến chỗ trang nghiêm, thanh tịnh, đạt đến Niết Bàn của Diệu Tâm. Đó là con đường của Phật giáo.
Theo Phật giáo, mục đích của thiền định không phải nhập vào một trạng thái vô thức, an tĩnh, bất động (tranquility) nhưng là một sự chuyển hóa (transformation) để ý thức tất cả cho thật rõ rệt như nó là. Thiền định là quay vào bên trong để nghe rõ tiếng nói của Tâm, tiếng nói của Vô Thanh và người ta chỉ có thể nghe được những âm thanh huyền diệu này khi thân và tâm thật thanh tịnh, sáng suốt không còn tham sân si. Khi đã nghe được tiếng nói chân thật này thì đã có Định mà có Định thì sẽ phát sinh Trí Huệ Bát Nhã. Khi có Trí Huệ này, người tu sẽ không còn thấy mình và mọi vật có sự khác biệt nữa, mình và chúng sinh đều là một và đã là một thì ắt phải nghe thấy tiếng kêu cầu cứu của chúng sinh đang đau khổ… Người tu khi đó phải quay về thế gian để cứu đời, độ đời, quên mình, hy sinh, thực hành Bồ Tát Đạo, vô ngã, lợi tha.
Một người đi trên con đường Bồ Tát Đạo không nhập Niết Bàn mà thường tiếp tục trở lại giúp đỡ chúng sinh dưới hình thức một vị Hóa Thân (Tulku).
Một vị Hóa Thân không phải là một đấng thần linh hay cái gì khác thường nhưng chỉ tượng trưng cho một tư tưởng vì tư tưởng vốn trừu tượng và được biểu lộ qua một hình ảnh tượng trưng. Vì trừu tượng nên tư tưởng chỉ có thể hành động qua cái vật tượng trưng cho nó. Vật này có thể là một biểu hiện, hình ảnh hay cũng có thể sống động như một con người. Thí dụ như đức Đạt Lai Lạt Ma thường được coi là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Điều này không có nghĩa đức Quán Thế Âm đã nhập vào một con người nào đó mà chỉ có nghĩa là một người mà đời sống trong sạch đã được lựa chọn để tượng trưng cho con đường của Bồ Tát Quán Thế Âm: từ bi, hỉ xả, vô ngã, lợi tha.
Hóa Thân thường là một người đã tu cao, vượt ra khỏi các giới hạn tầm thường của cuộc sống, vượt qua khỏi biên giới của sinh tử và có thể lựa chọn một đời sống theo ý muốn vì đối với họ mỗi kiếp sống chỉ là những giai đoạn của một diễn tiến mà thôi.
Theo luật Nhân Qủa, tất cả mọi hành động, tư tưởng của con người đều không bao giờ mất đi nhưng được lưu trữ trong Tàng Thức và chính cái này đã sắp đặt nên cá tính (personality) con người, Nói một cách khác, cá tính con người là tổng số những kinh nghiệm thu tập trong qúa khứ và sự phối hợp của những kinh nghiệm này cùng tư tưởng, hành động trong hiện tại sẽ trở thành những yếu tố chi phối đời sống trong tương lai. Đa số con người không ý thức được sự tiếp diễn không ngừng này nên họ chỉ hành động theo hoàn cảnh nhất thời mà thôi. Vì tính chất vô minh của bản ngã mà họ đồng hóa mình với kiếp sống hiện tại và hành động tùy theo điều kiện chung quanh. Nói theo kinh điển Tây Tạng thì họ chỉ vật vờ từ kiếp sống này qua một kiếp sống khác mà không hề định hướng do đó họ cứ tiếp tục trôi nổi trong vòng sinh tử luân hồi.
Khi người ta nhận định rõ đời sống chỉ là những giai đoạn của một diễn tiến và tìm cách định hướng cho nó thì họ mới có hy vọng thoát khỏi vòng kiềm tỏa khổ đau của luân hồi. Muốn được như vậy, người ta cần phát các hạnh nguyện lớn như một hình thức định hướng, tu sửa thân khẩu ý vì biết rằng ý tưởng, hành động trong hiện tại là những yếu tố chi phối tương lai và khi làm chủ được tư tưởng cũng như hành động thì người ta có thể cởi bỏ các ràng buộc của vô minh để giải thoát.
Việc chinh phục sự chết đã được ghi nhận rõ rệt trong cuốn Tử Thư (Bardo Thodol), một cuốn sách ghi những chi tiết về giai đoạn giữa cõi sống và cõi chết. Tôi chỉ tóm lược một vài nét chính như sau:
Một người bình thường sẽ chịu chi phối bởi sự chết nhưng một người đã hoàn toàn kiểm soát thân và tâm có thể chiến thắng tử thần vì họ có thể làm chủ cái giây phút quyết định đó. Sự chiến thắng tử thần không thể coi như người đó sống mãi không chết vì cái thể xác hữu hình, hữu hoại này dù sao vẫn chịu chi phối bởi luật tạo hóa nhưng điều này chỉ có nghĩa là người đó có thể kinh nghiệm được lúc chết trong một trạng thái ung dung tự tại và có thể chuyển hóa sinh lực của mình đến một nơi nào tùy theo ý muốn.
Trường hợp của hòa thượng Tomo đã chứng minh rõ rệt rằng không những ngài đã kiểm soát được tâm để đầu thai vào một kiếp sống khác mà còn kiểm soát được thân thể ngay cả sau khi chết. Mặc dù đã trút hơi thở cuối cùng nhưng thể xác của ngài vẫn ngồi yên trong vị trí liên hoa, không ai biết rõ ngài đã qua đời lúc nào và thể xác của ngài vẫn còn nguyên vẹn, không hề hư hại trong một thời gian rất lâu.
Hầu tước H.E.Richardson, đại sứ Anh tại Tây Tạng đã ghi rõ điều này trong một văn kiện ngoại giao. Ông đang công du gần đó thì được tin hòa thượng Tomo từ trần. Vì đã có dịp tiếp xúc với hòa thượng Tomo nhiều lần nên ông vội vã đến lăng Tomo tỏ lòng kính ngưỡng. Ông được vị Lạt Ma trụ trì cung kính mời vào và trước khi có dịp ngỏ lời chia buồn thì vị Lạt Ma này sốt sắng đưa ông vào chánh điện.
Đại sứ Richardson đứng lặng người vì rõ ràng Hòa thượng Tomo vẫn đang ngồi trên chiếc ghế gỗ thường nhật. Richardson nghĩ có lẽ ông đã được báo cáo sai về cái chết của ngài nên ông vui vẻ bước đến trước mặt hòa thượng ngỏ lời chào và khi đó ông mới biết rằng ngài đã thực sự qua đời. Đứng trước cái xác tươi tốt nguyên vẹn không một dấu vết hư hại, Hầu tước Richardson đã viết: “Sự kiện một người chết mấy tuần lễ mà da thịt vẫn hồng hào, không một dấu hiệu hư hại quả là một sự kiện lạ lùng nhất mà tôi đã chứng kiến. Tôi xem xét kỹ lưỡng thì thấy các Lạt Ma không hề sử dụng một loại hóa chất nào để giữ cho thân thể như vậy. Vị Lạt Ma trụ trì cho biết họ đã lựa chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ nhập tháp và thân thể ngài sẽ được để yên như vậy trong nhiều tháng cho đến khi nhập tháp.
Một người Tây phương chắc chắn không thể chấp nhận được việc này nhưng người Tây Tạng vẫn quan niệm sống và chết không phải là hai trạng thái đối nghịch nhau nhưng chỉ là hai bề mặt của sự thật. Sự chết chỉ có thể ảnh hưởng đến những ai sợ hãi nó, nếu sống và chết là một việc hiển nhiên như ngày và đêm, như mùa hè và mùa đông thì cái chết đâu có gì đáng sợ.
Khi một người đã đạt đến trạng thái giác ngộ nào đó, tất cả tế bào trong thân thể người đó cũng đều được chuyển hóa bởi các rung động cao cả và phát ra những luồng từ điện hết sức tinh tế ảnh hưởng đến những người chung quanh. Dĩ nhiên những người có lòng tin, những tín đồ thuần thành sẽ được lợi lạc rất nhiều vì như tôi đã trình bày, đức tin là một chất dẫn điện rất mạnh có thể nối liền tâm thức các tín đồ với luồng từ điện mạnh mẽ kia. Luồng từ điện này có thể chống lại sự hủy hoại của thời gian lên thân thể người chết. Hầu hết thân thể các vị thánh đều ít bị ảnh hưởng bởi thời gian (xác vị thánh Thiên chúa giáo Francis Xavier tại thành Goa vẫn y nguyên như khi ngài còn sống mặc dù thời tiết nhiệt đới nóng bức, ẩm ướt vô cùng).
Vì lý do trên, xác các vị Đại Lạt Ma, các vị hòa thượng được giữ gìn cẩn thận trong những tháp (chorten) thay vì hỏa táng. Một ngôi tháp lớn đã được xây dựng trong thung lũng Tomo và tín đồ các nơi đã cúng dường trọng thể cho việc dựng tháp này.
Hòa thượng Tomo hứa sẽ trở lại trong ít lâu, ngài để lại một số ấn chứng để các đệ tử có thể tìm thấy ngài. Điều bất ngờ nhất là ngài đã trở lại dưới mái nhà mà cách đó không lâu tôi đã tạm tru tại Gangtok: căn nhà của Enche Kazi xứ Sikkim.
Tôi biết Enche Kazi là một tín đồ thuần thành, một gia đình đã góp công rất nhiều trong việc phục hưng Phật giáo tại Sikkim. Năm 1949, khi ghé thăm Enche tôi đã được ông ta kể rõ chuyện này.
Mặc dù hãnh diện đã đem một đấng hóa thân vào đời, Enche cũng không khỏi rơi những mắt khi kể lại cho tôi. Vợ ông ta qua đời ngay khi sanh đứa con đầu lòng, vài năm sau khi được biết đứa nhỏ này không ai khác hơn là Hòa thượng làng Tomo, ông ta lại phải gạt lệ tiễn con về Tây Tạng. Lúc đầu ông không muốn mất con nhưng chính tiểu vương Maharajah đã khuyên ông không nên can thiệp vào sứ mạng cao cả của một bậc Hóa Thân như vậy.
Ngay khi còn nhỏ, đứa bé con của Enche Kazi đã tỏ ra khác thường, khi ông này gọi nó là “Puchung” (thằng bé tí) thì nó đã nghiêm nghị nhấn mạnh rằng tên của nó là “Jigme” (Vô úy – không sợ hãi).
Bài kệ của Hòa thượng làng Tomo để lại tại chùa Nachung không những nói rõ rằng ngài sẽ mang tên Jigme trong kiếp sau mà còn nói rõ địa điểm ngôi làng cũng như đường đến căn nhà mà ngài sẽ hóa thân vào đó. Bài kệ cho biết rõ tuổi tác cha mẹ và hình ảnh căn nhà trước có trồng hai cây ăn trái v.v…
Khi phái đoàn tu viện Dungkar đến nơi thì đứa nhỏ Jigme đã lên bốn tuổi. Vừa thấy phái đoàn nó đã reo lên: “Cha ơi, các đệ tử của con đến đón con về Tây Tạng đây này”. Các tu sĩ thay phiên nhau mang ra những chiếc hộp kín và đứa nhỏ đã nói đúng những đồ vật để trong hộp. Nó có thể phân biệt rõ những chiếc chuông, khánh của Hòa thượng Tomo trong số hàng chục chiếc chuông, khánh giống nhau như đúc được mang ra để giảo nghiệm. Ngoài ra nó còn giải đáp được những bài kệ vô cùng bí hiểm mà chỉ một số rất ít Lạt Ma trưởng lão mới có thể hiểu được ý nghĩa.
Sau khi kết luận rằng Jigme chính là hậu thân của Hòa thượng làng Tomo, phái đoàn long trọng rước cậu bé Jigme về Tây Tạng. Vừa đến Dungkar, đứa nhỏ đã nhận ra Amnchi, vị Lạt Ma đã chăm sóc sức khỏe cho Hòa thượng Tomo.
– Này Amchi, ngươi không nhận ra ta hay sao? Chính ngươi đã săn sóc cho ta ngày trước kia mà…
Sau khi oai nghiêm ngồi lên chiếc ghế gỗ, Jigme thong thả gọi tên từng vị sư già trong tu viện lên để ban phép lành. Người ta không còn nghi ngờ gì nữa, quả thật Jigme chính là hóa thân của Hòa thượng Tomo. Khi tin này vừa được truyền ra bên ngoài, hàng ngàn người đã kéo nhau về Dungkar và một buổi lễ long trọng đã được cử hành trọng thể.
Thông thường một nhóm trưởng lão sẽ được triệu đến để giúp vị Hóa Thân phục hồi trí nhớ tiền kiếp hay bổ khuyết những thiếu sót gây ra bởi sự chuyển kiếp. Trường hợp của Jigme thì khác hẳn, tuy vẫn còn những nét ngây thơ của một đứa nhỏ lên bốn nhưng Jigme đã thông thuộc mọi kinh điển kể cả những bộ kinh khó nhất, dài nhất mà ngay cả các vị Lạt Ma dầy công tu luyện cũng khó lòng thuộc nổi. Jigme có thể làm chủ những khóa lễ long trọng không kém bất cứ một vị trưởng lão nào. Sau một thời gian sống tại Dungkar cậu bé Jigme được đưa vào tu viện Sera, viện đại học Phật giáo lớn nhất Tây Tạng. Tại đây Jigme đã theo học chương trình giáo dục dành cho các tu sĩ uyên thâm nhất và cậu đã liên tiếp thi đậu những kỳ thi hết sức khó khăn cho đến năm vừa lên bảy tuổi thì Jigme đã tốt nghiệp thủ khoa và được ban cho địa vị Sư trưởng (Geshe Rinpoche).
Chuyện này dường như vô lý hoang đường đối với các độc giả phương Tây. Ngay như tôi lúc đầu cũng còn nghi ngại không biết có nên tin hay không nhưng thời gian du hành qua các quốc gia Á châu đã giúp tôi chứng kiến và sưu tầm nhiều trường hợp trùng hợp lạ lùng. Tôi có thể khẳng định rằng tái sinh không phải một quan niệm mơ hồ hay một lý thuyết trừu tượng trên sách vở nhưng là một sự thật hiển nhiên với những bằng chứng rõ rệt.
Trước khi trình bày những bằng chứng kể trên tôi muốn nhân cơ hội này đặt câu hỏi với những nhà khoa học về việc duy trì những kinh nghiệm qúa khứ vào đời sống hiện tại. Những khoa học gia tin tưởng ở yếu tố di truyền (herldity) có khi nào tự hỏi di truyền còn có nghĩa gì không? Phải chăng nó là một nguyên lý bảo tồn kinh nghiệm để tiếp tục một diễn tiến được chi phối bởi những động lực vô cùng tế nhị? Di truyền phải chăng chỉ là một danh từ khác ám chỉ ký ức? Khi chúng ta sử dụng chữ ký ức, chúng ta không phân biệt nó là tinh thần hay vật chất, tâm lý hay sinh lý vì cả hai cũng chỉ là những mức độ cao thấp khác nhau của một diễn tiến vô cùng tế nhị.
Lama Anagarlka Goavinda
Nguyên Phong dịch