Những nét đẹp văn hóa của dân tộc luôn được bà con Việt Kiều gìn giữ và phát huy. Tại Thái Lan ngày 18/8, hàng trăm tăng ni, phật tử Việt Nam và Thái Lan đã tập trung tại chùa Cảnh Phước, ngôi chùa cổ của người Việt tại Bangkok, dự Đại lễ Vu Lan.

Đại lễ Vu Lan diễn ra theo nghi lễ Phật giáo Việt Nam và sử dụng hai ngôn ngữ Việt Nam và Thái Lan, bắt đầu bằng lễ tụng kinh của gần 20 nhà sư Việt Nam và Thái Lan. Đặc biệt Sám Vu Lan được in ra bằng ngôn ngữ Việt Nam và phiên ra chữ Thái Lan, gửi cho phật tử tới dự để tất cả mọi người đều có thể đọc và niệm Sám Vu Lan.

Bạn Nguyễn Thành Hiếu, sinh viên Việt Nam đang theo học tại Thái Lan cho biết, tham dự lễ Vu Lan làm cho bạn có nhiều thời gian nghĩ về chữ hiếu với gia đình, bố mẹ. Các tầng thanh niên, lưu học sinh có thêm điều kiện để nhìn lại mình, tĩnh tâm hơn và sống chín chắn hơn trong một xã hội hiện đại ngày nay.

Nghi thức Cài hoa hồng lên áo Tăng ni, Phật tử. 

Bác Nguyễn Thanh Bình, một Việt Kiều Thái Lan cho biết, mỗi dịp Đại lễ Vu Lan tổ chức tại Bangkok, bác đều đến đây thắp nén hương tưởng nhớ người bố tại miếu trong sân chùa - “Cứ mỗi năm, tôi lại tới tới lễ tại chùa này mấy lần. Việt Kiều ở Bangkok rất yêu nước và luôn nghĩ về nòi giống Việt của mình”, bác Bình chia sẻ.

Bác Bình cũng cho biết, đây cũng là dịp để bác giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, kính ơn cha mẹ và tham dự vào các hoạt động cộng đồng của Việt Kiều khi ở xa quê hương.

Nghi thức cài hoa hồng lên áo tăng ni, phật tử diễn ra thật cảm động do các bạn trẻ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam tiến hành. Hoa mầu đỏ được cài có ý nghĩa cảm ơn trời đất vì vẫn được phụng dưỡng cha mẹ, còn bông hoa mầu trắng như lời nhắn nhủ hãy luôn nhớ và báo hiếu những ai không còn bậc sinh thành.

Đến trưa, tăng ni, phật tử được dự mâm chay Việt Nam và Thái Lan đầy đặn. Đây là những thức ăn được chính các bà con Việt Kiều và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tự tay nấu và dâng lên đại lễ, tỏ lòng tôn kính và đóng góp phần nhỏ công sức để đại lễ thêm ý nghĩa.

Buổi chiều các phật tử quy tụ tại sảnh điện chính tham dự lễ Pháp đàm và cúng Cô hồn làm phước. Tại buổi Pháp đàm, các phật tử có sinh hoạt cộng đồng, nghe các bài giảng thuyết pháp và trao đổi về cuộc sống, về đạo làm con, làm người.

Đại lễ Vu Lan diễn ra năm nay do Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt phối hợp Hội văn hóa Thái Việt và Hội người Việt Nam tại Bangkok tổ chức đã thu hút đông đảo giới học giả, phóng viên báo chí Thái Lan tham dự.

Chùa Cảnh Phước có tên đầy đủ là Sắc Tử Chấn Quốc Cảnh Phước Tử, tiếng Thái Lan là Sommananum Boriharn, là ngôi chùa cổ lớn nhất của Việt Nam tại Bangkok. Đây cũng là một trong những ngôi chùa có nhà Sư Việt Nam ở thường xuyên và cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động trao đổi phật giáo giữa Việt Nam và Thái Lan.

(Theo VOV)



Có phản hồi đến “Kiều Bào Ở Thái Lan Mừng Đại Lễ Vu Lan Quý Tỵ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com