I. Đặc Tính Hoa Sen
Hoa sen là biểu tượng của sự thanh tao, thuần khiết và bất nhiễm. Nó được mọc từ trong bùn dơ, nhưng đã vươn mình lên một cách mạnh mẽ, tinh khiết và tươi đẹp. Chính vì vậy mà hình ảnh hoa sen đã được sử dụng rất nhiều trong kinh điển của Phật giáo Nam truyền cũng như Bắc truyền. Do đó, bảy bước chân của đức Phật đã được lấy làm ẩn dụ trên những đóa hoa sen vô nhiễm ấy.
Đại loại hoa sen có tám đặc tính tuyệt diệu sau đây: 1. Không nhiễm. 2. Trừng thanh. 3. Kiên nhẫn. 4. Viên dung 5. Thanh lương. 6. Hành trực. 7. Ngẩu không. 8. Bồng thực.
1. Không nhiễm: Hoa sen dù mọc lên từ trong bùn nhơ, nhưng tính chất của nó không có mùi hôi của bùn.(Điều này dụ cho sống giữa thế gian nhưng không bị nhiễm ô).
2. Trừng thanh: Trừng thanh là lóng trong. Điều đặc biệt ở đây là chỗ nào hoa sen mọc lên thì chỗ đó nước không bị đục. (Dụ cho sự tươi mát cho thế gian).
3. Kiên nhẫn: Hoa sen là loại túc căn thảo, tức là loại nẩy mầm từ rễ củ của năm trước. (Điều này dụ cho đức tính nhẫn nhục).
4. Tánh viên dung: Hoa sen có những cánh hoa bao bọc gương sen rất tròn trịa và đẹp. (Đây là tiêu biểu cho tánh giác ngộ của mỗi chúng sanh).
5. Thanh lương: Hoa sen thường nở vào giữa mùa hạ và bất chấp sự nóng bức. (Điều này dụ cho sự nghịch lưu giữa cuộc sống).
6. Hành trực: Thân của cành sen mọc lên ngay thẳng. (Đây là tiêu biểu cho sự ngày thẳng của thân và tâm).
7. Ngẩu không: Hoa sen tuy thân ngay thẳng, nhưng trong ruột thì trống rỗng.(Điều này chỉ cho đức tính buông xả, không cố chấp).
8. Bồng thực: Các loài hoa khác khi bông tàn thì mới kết nụ thành trái và có hột. Ngược lại, hoa sen khi nó nở ra thì đã có gương có hột sẵn. (Chỉ cho nhân quả luôn luôn song hành cùng nhau).
II. Ý Nghĩa bảy Bước Chân Của Phật
Đối với con số bảy là một con số rất là đặc biệt chính vì vậy mà các luận thuyết của triết học Đông phương và Tây phương đều có đề cập đến con số bảy này. Theo quan niệm triết học Đông phương thì số bảy là con số biểu trưng cho sự hoàn hảo nhiếp thâu cả vũ trụ. Nó được xác lập trên bảy nguyên lý của thời gian và không gian. Theo thánh Kinh, thì Thiên Chúa là đấng đã sáng tạo ra vũ trụ muôn loài trong sáu ngày và ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Truyền thống của người Do Thái giáo thì cho rằng, số bảy là con số thông minh và do đó họ đã có bảy ngày Thánh lễ lớn trong năm...
Trong tinh thần của Phật giáo thì con số bảy hầu hết trong các Kinh điển thường đề cập đến. Theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm thì con số bảy dụ cho sự bao hàm của tòan thể vũ trụ như: trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và chính giữa. Tất cả các địa hạt từ vật nhỏ nhất như vi trần cho đến vật lớn như núi Tu Di đều không ngoài con số bảy này.
Các Pháp số Phật học về con số bảy như:
- Thất đại: địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức.
- Thất thánh tài: tín, tấn, giới, tàm quý, văn, xả, huệ.
- Thất chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, thức-xoa-ma-na, sa di, sa di ni, ưu bà tắc, ưu bà di.
- Thất Phật: Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp và Phật Thích-ca.
- Thất thánh quả: Tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, a-na-hàm, A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát và Phật.
-Thất bồ đề phần:Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định và xả.
Ngoài những thí dụ về con số bảy được nêu ở trên thì sự Đản sinh của đức Phật được Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, cũng như kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Diệu Pháp môn phẩm Thụy Ứng ghi lại như sau: Sự Đản sinh ấy được đánh dấu qua tiến trình bảy bước nở hoa sen.
1. Bước thứ nhất đức Phật nhìn về Phương Đông và bảo rằng: “Phương Đông ấy chính là ngọn đuốc soi đường tối thượng cho chúng sinh trong mọi lãnh vực”. (Thị Đông phương vị chúng sinh vi đạo thủ cố). Đức Phật lấy phương mặt trời mọc để chỉ cho sự phát huy trí tuệ.
2. Bước thứ hai đức Phật nhìn về phương Nam và bảo rằng: “Phương Nam ấy chính là ruộng phước an lành cho chúng sinh gieo gặt”. (Thị Nam phương vị chúng sinh lương phước điền cố). Đức Phật lấy phương Nam để chỉ cho chúng sinh nhờ phát huy trí tuệ, biết quán chiếu vào sâu trong lòng thực tại nên biết quy hướng về những nghiệp nhân tốt lành.
3. Bước thứ ba đức Phật nhìn về phương Tây và bảo rằng: “Phương Tây ấy chỉ cho chúng sanh cách hóa giải động cơ sinh tử, chấm dứt sanh thân cuối cùng”.(Thị Tây phương vị chúng sanh dĩ tối hậu thân cố). Phương Tây là phương mặt trời lặn, để chỉ cho sự an nghỉ tuyệt đối của tâm thức.
4. Bước thứ tư đức Phật nhìn về phương Bắc và bảo rằng: “Phương Bắc ấy chỉ cho chúng sanh là ta đã được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác”. (Thị Bắc phương vị chúng sanh ngã đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). Đến đây, đức Phật bắt đầu vận chuyển bánh xe pháp. Ngài như vị lương y biết bệnh tâm của chúng sinh, ai bị bệnh nặng thì được Ngài cứu trước. Vì vậy, Ngài chuyển qua bước thứ năm tiếp cận với cuộc đời để tùy duyên mà hóa độ.
5. Bước thứ năm đức Phật nhìn xuống phương dưới và bảo rằng: “Phương dưới ấy ta sẽ giúp cho chúng sanh chinh phục ma lực để vượt thoát khổ đau” (Thị Hạ phương vị chúng sanh dị dục hàng ma cố). Vì lòng thương tưởng đến nhân sinh đang có nhiều đau khổ do cố chấp, tham lam, sân hận... gây ra, nên Ngài tùy duyên tuyên thuyết chân lý để cho mọi người lần lượt từ bỏ những tham chấp ấy.
6. Bước thứ sáu đức Phật chỉ lên phương trên và bảo rằng: “Phương trên ấy là chỉ cho chúng sanh đang sống đúng với năm nhân cách và tu tập mười thiện nghiệp” (Thị Thượng phương vị chúng sanh quy y thiên nhân cố). Đây là những thiện nghiệp cần hướng tới thực tập để thóat khỏi khổ đau.
7. Và cuối cùng là bước thứ bảy: Đức Phật một tay chỉ lên, một tay chỉ xuống và bảo rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sinh tử, ư kim hỷ tận”. Ta bị trôi lăn trong ba cõi sáu đường đều do ngã chấp chi phối, và đến kiếp này là sinh thân cuối cùng của ta vậy.
Tóm lại, hoa sen là loài hoa có nhiều đặc tính rất ưu việt mà các loại hoa khác không có, do đó mà hình tượng hoa sen đã được lấy làm ví dụ cho những bước chân của đức Phật, cũng như các ẩn dụ khác trong các kinh điển Phật giáo, như trong kinh Pháp hoa chẳng hạn. Và với con số bảy là một con số tượng trưng rất đặc thù, nên đã được lấy làm ví dụ cho bảy bước chân Phật và chính ai trong chúng ta muốn trở thành bậc chánh giác như đức Phật thì cũng phải kinh qua bảy bước này.
Từ Trung