VẤN: Kính bạch, Quý Chư Sư, chư Sư cho con kính hỏi: trường hợp của con thì cũng biết chú vãng sanh cũng có trì niệm, nhưng con thường hay thích trì đọc thần chú Vô Lượng Thọ (trích trong kinh niệm Phật Ba La Mật do Ngài Quán Thế Âm tuyên nói), như vậy công năng có khác gì chú Vãng Sanh không thưa sư?

Thưa sư, con thường thấy các chùa cũng có khóa trì niệm thần chú hoặc trong nghi thức trì niệm cũng đều có các thần chú như: đại bi, bát nhã, chuẩn đề, ngũ bộ chú, lăng nghiêm, thập chú… đặc biệt là thập chú (gồm mười loại thần chú trong đó có cả thần chú vãng sanh) nhưng sao không thấy về thần chú “Vô Lượng Thọ”. Như hiện tại con tu pháp Niệm Phật căn bản lấy Thần Chú Vô Lượng Thọ làm món trợ lực công phu của mình, như vậy con có đi khác với mọi người không ạ, vì con thấy ai cũng trì niệm chú vãng sanh còn chú vô lương thọ ít thấy ai trì niệm, ít ai quan tâm biết đến ngay cả đến Quý Sư cũng ít tuyên thuyết, khuyến cáo về Thần Chú vô Lượng Thọ này.

Rất mong nhận được lời pháp khai thị của Quý Chư Sư. con chân thành tri ân.

Nam Mô Phật Thuyết Niệm Phật Ba La Mật Kinh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

ĐÁP:

Trong sách Hành trạng và Pháp Ngữ của Đại sư Trí Húc Linh Phong, có dạy về pháp tu Tịnh độ có Thiền, Tịnh độ có Luật, Tịnh độ có Mật và Tịnh độ Thuần tịnh…Đại sư dạy cho chư Tăng Ni, Phật tử thời bấy giờ các vị đều có thể nhất quán mà tu hành kết họp giữa hai môn tu, chẳng hạn như “Tịnh độ Mật tịnh”; còn chúng ta ngày nay thì cũng tu hành như Ngài dạy đều có thể được, tuy nhiên có người nghĩ: “tu Tịnh ít hiệu quả, tu Mật hiệu quả, hoặc cùng kết họp chung tu Tịnh Mật để cho khỏi bị ma vương quấy nhiễu…”. Người thời nay có tu lắm cũng chỉ đến chừng ấy vậy thôi, chứ còn nói đến Niết bàn, Cực lạc thì chưa..!

Việc tu hành cần tránh tu tạp pháp, người Phật tử tâm chưa chuyên nhất, không nên nay tu pháp nầy, mai tu pháp nọ làm rối tâm linh, khi đã rối thì dù đó là pháp Phật đi nữa, cũng chỉ là mở cửa cho nghiệp lực xen vào, ma phiền não quấy nhiễu.

Phật tử thực tập pháp môn tu Tịnh thì niệm Phật khi nào đạt chánh niệm, hoặc tu từ một đến 03 năm, có thể phát tâm gia hạnh thêm một vài pháp môn khác như là Mật, hay Thiền, chừng đó tâm không bị rối loạn.

Nhìn chung, pháp môn tu nào cũng từ Đức Phật giáo hóa cho người đệ tử, khi có nhân duyên được trao pháp nào thì ta trân quý pháp đó mà tu tập cho hiệu quả. Tuy nhiên nay có Phật tử hỏi về niệm chú lực của Mật pháp để tu, có liên quan đến Tịnh độ, Sư sẽ vì quý vị mà giảng giải.

Trước nhất xin nói về Thần chú Vãng sanh, về thần chú nầy Sư có giảng rất kỹ và dạy cách niệm dành cho chư Phật tử hành trì trong sách Một Trăm ngày niệm Phật & Một trăm bài pháp rất có hiệu ứng. Nay Sư sẽ giảng thêm để quý vị tiện việc thực tập.

Về bài thần chú vãng sanh như sau:

(âm từ tiếng Ấn độ ra tiếng Latin, nghĩa của câu chú)

* Namo Amitàbhàya – Nam mô a di đa bà dạ – Quy mệnh Vô Lượng Quang (A Di Đà)

* Tathàgatàya – Đa tha già đa dạ – Như Lai

* Tadyathà – Đa địa dạ tha – Như vậy, liền nói Chú là

* Amrtodbhave ( Amrïta Udbhave ) – A di rị đô bà tỳ – Cam Lộ hiện lên

* Amrta Sambhave – A di rị đa tất đam bà tỳ – Cam Lộ phát sinh

* Amrta Vikrànte – A di rị đa tỳ ca lan đá – Cam Lộ dũng mãnh

* Amrta Vikrànta Gamini – A di rị đa tỳ ca lan đa già di nị – Đạt đến Cam Lộ Dũng mãnh

* Gagana Kìrtti Kare – Già già na, chỉ đa ca lệ – Rải đầy Hư Không

* Svàhà -Ta bà ha

Chú Vãng Sinh, gọi đầy đủ là ”bạt nhứt thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh Độ Đà La Ni”, được lấy từ ”Vô Lượng Thọ Kinh” (Cầu Na Bạt Đà La đời nhà Tống dịch) cùng với ”Phật thuyết A Di Đà Căn Bổn Bí Mật Thần Chú Kinh” (Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi dịch đời Ngụy Tấn). ”bạt nhứt thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh Độ Đà La Ni” còn gọi là ”A Di Đà Phật Căn Bổn Bí Mật Thần Chú”, thông thường gọi là ”Vãng Sinh Chú Công dụng: Chú lực Thần chú vãng sanh có công năng, thì sẽ được tiêu tội trong muôn ngàn ức kiếp, tất cả phiền não ma chướng không dám đến khuấy nhiễu. Chú vãng sanh biến người tu Tâm Bồ Đề sáng tỏ như mặt trăng tròn đầy, khi mệnh chung thấy Vô Lượng Thọ Như Lai cùng vô lượng Caâu Chi Bồ Tát ñeán nghinh đón, thân tâm vui vẻ , liền được vãng sanh Cực Lạc Thượng Phẩm Thượng sanh, chứng Bồ Tát Vị.

Theo Kinh Niệm Phật Ba La Mật của Hoà Thượng Thích Thiền Tâm dịch, phẩm thứ 7, Khuyến phát niệm Phật và đọc tụng Chơn Ngôn: Ngài Phổ Hiền Đại Bồ Tát vì thương tưởng chúng sanh thời Mạt Pháp, khi ấy kiếp giảm, thọ mạng ngắn ngủi, phước đức kém thiếu loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành ít. Nên Ngài đã ban thêm cho người niệm Phật bài chú Vãng Sanh, để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng trừ sạch phiền não, được mau chóng sanh về Cực Lạc.

Thần chú thứ hai, là Vô lượng thọ:

Vô Lượng Thọ Như Lai Đà La Ni này , tụng một biến liền tiêu tội 10 ác, 4 trọng, 5 vô gián trong thân. Tất cả nghiệp chướng đều tiêu diệt.

Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni phạm các tội căn bản, tụng 7 biến liền được trở lại Giới Phẩm thanh tịnh.

Tụng mãn một vạn biến được Tam Ma Địa, không mất Tâm Bồ Đề, ở trong thân : Tâm Bồ Đề sáng tỏ như mặt trăng tròn đầy, khi mạng chung thấy Vô Lượng Thọ Như Lai cùng vô lượng Câu Chi Bồ Tát lại nghinh đón, thân tâm vui vẻ , liền được vãng sanh Thượng Phẩm Thượng sanh, chứng Bồ Tát.

Phép niệm Phật A Di Ðà cầu sinh Tịnh Ðộ là một Ðốn pháp, khiến người tu thấy rõ ngay tâm tính Bồ Ðề của mình sống lâu vô lượng và sáng suốt vô lượng, cũng như tâm tính Bồ Ðề của Phật Thích Ca, Phật A Di Ðà và chư Phật, chư Bồ Tát các loài chúng sinh ở khắp mười phương pháp giới, hết thảy ai ai cũng có tâm tính Bồ Ðề (tâm tính Phật) bình đẳng như nhau, không hơn, không kém.

Ai muốn thực hành đạo Bồ Tát để chứng nhận được tâm Bồ Ðề của mình, hãy nên thọ giới Tam Quy, mỗi tháng ăn chay 6 ngày, mỗi ngày niệm sáu chữ Nam Mô A Di Ðà Phật trong nửa giờ để ổn định tinh thần, dụng công niệm được càng nhiều, càng lâu, càng chóng thấy rõ tâm Bồ Ðề của mình, của Phật và của chúng sinh hiện ra. Bởi vì tâm Bồ Ðề của mình thể tính của nó vốn yên tịnh, mình dùng sức động đến nó thì nó mới hiện ra, mà nó chỉ hiện ra trong một giây lát thôi (tức là một niệm, một sát na thôi). Nếu mình không niệm Phật luôn để giữ lấy nó thì nó liền bị lu mờ bởi những niệm khác lấn át nó đi, nó không hiện ra được nữa.

Tiến lên một bậc nữa, là phát nguyện giữ 5 giới, mỗi tháng ăn chay 10 ngày, hoặc ăn chay mỗi năm 3 tháng hoặc ăn trường kỳ.

Niệm Phật:

Niệm danh hiệu Phật A Di Ðà mỗi ngày từ 10 tràng cho đến 50 tràng hoặc 100 tràng (mỗi tràng là 108 hạt, mỗi hạt là một tiếng niệm, cho cẩn thận).

Ăn chay:

Ăn chay mỗi tháng 6 ngày là: mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu ăn sụt lại ngày 28 và 29). Ăn chay mỗi tháng 10 ngày là mồng 1, 8, 14, 15, 23, 24, 28, 29 30 (tháng thiếu ăn sụt lại ngày 27, 28, 29). Ăn chay thì không được ăn hành, hẹ, kiệu, tỏi, thịt, cá, chỉ ăn rau, đậu, trái quả, nấm mộc nhĩ, các loại thảo mộc thôi.

Quy y:

Thọ giới Tam Quy là Quy Phật, Quy Pháp, Quy Tăng rồi thì không được theo các đạo thần, thánh, chúa, tiên nào khác nữa.

Thọ năm giới:

1. Không được sát hại chúng sinh, động vật.

2. Không được trộm cắp, lừa đảo, làm giặc, ăn cướp.

3. Không được tà dâm, gian dâm, ngoại tình.

4. Không được nói dối, chửi rủa, nói đòn xóc hai đầu, nói thêu dệt, khiêu

dâm.

5. Không được uống rượu và ăn các thứ có chất say mê.

Tụng thần chú:

Mỗi ngày tụng thần chú này, gọi là thần chú: Bạt Nhất Thiết Khinh Trọng Nghiệp Chướng, Ðắc Sinh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni (dịch tưø âm Ấn Ðộ ra chữ La tin).

Namo Ratnatrayàya ( Quy mệnh Tam Bảo )

Namahï ( Kính lễ ) Àrya ( Thánh ) Amitabhàya ( Vô Lượng Quang ) Tathàgatàya ( Như Lai ) Arhate ( Ứng Cúng, Sát Tặc, A La Hán ) Samyaksamïbuddhàya ( Chính Đẳng Chính Giác )

Tadyathà ( Như vậy, liền nói Chú là )

Omï ( Cảnh giác )

Amrïte ( Cam lộ )

Amrïta ( Cam Lộ ) Udbhave ( Hiện lên )

Amrïta ( Cam Lộ ) Sambhave ( Phát sinh )

Amrïta ( Cam Lộ ) Garbhe ( Tạng, kho tàng )

Amrïta ( Cam Lộ ) Siddhe ( Thành tựu )

Amrïta ( Cam Lộ ) Teje ( Uy quang, uy đức )

Amrïta ( Cam Lộ ) Vikrànte ( Dũng mãnh )

Amrïta ( Cam Lộ ) Vikrànta ( Dũng mãnh ) Gamine ( Đạt đến được )

Amrïta ( Cam Lộ ) Gagana ( Hư Không ) Kìrti ( Tương xứng ) Kare ( Tác làm , tạo tác )

Amrïta ( Cam Lộ ) Dunïdïubhi ( Cổ, cái trống ) Svare ( Âm Thanh )

Sarvàrtha ( Tất cả nghĩa lợi ) Sàdhane ( Nghi thức thành tựu )

Sarva Karma ( Tất cả nghiệp ) Kle’sa ( Phiền não ) Ksïayamï ( Vô tận, không còn sót ) Kare ( Tạo tác )

Svàhà ( Quyết định thành tựu, thọ hưởng mùi vị an lạc của Đại Niết Bàn )

Thần chú còn có tên gọi khác là: Vô Lượng Thọ Quang Như Lai căn bản chân ngôn. Do ngài Tam Tạng Pháp Sư Sa-ra-ba mới dịch rất tường tận, hiện có chép trong sách Niệm Phật Trực Chỉ ta nên tụng trì. Người tụng chú này sẽ được đại tinh tấn, mau chóng sinh Tịnh Ðộ. Tụng được một biến, tức thì diệt được ở trong thân hết thảy mọi tội ngũ nghịch, thập ác. Tụng được 10 vạn biến, tức thì nhận được tâm Bồ Ðề nhớ mãi chẳng quên. Tụng được 20 vạn biến tức thì cảm thấy mầm Bồ Ðề đã sinh. Tụng được 30 vạn biến, Phật A Di Ðà thường ở đỉnh đầu, quyết định sinh Tịnh Ðộ. Ăn chay niệm Phật trì chú lâu ngày, tự nhiên tâm mình yên lặng, dẹp hết tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, hào quang tuệ giác hiện ra, thế là thấy Phật A Di Ðà, được sinh Tịnh Ðộ hiện lúc đang sống ở đời này, chứ không phải chỉ chờ đến lúc chết rồi mới được sinh.

Toàn bài thần chú trên được dịch như sau (chữ đậm, nghiêng):

“ Quy mệnh Tam Bảo – Kính lễ Thánh Vô Lượng Quang Như Lai Ứng Cúng Chính Đẳng Chính Giác

Như vậy : Hỡi Cam Lộ ! Hiện lên Cam Lộ . Phát Sinh Cam Lộ. Kho Tàng Cam Lộ. Thành tựu Cam Lộ. Cam Lộ Dũng mãnh . Đạt đến Cam Lộ Dũng Mãnh . Rải đầy hư không Cam Lộ .Âm thanh của tiếng trống Cam Lộ , thành tựu tất cả nghĩa lợi khiến cho tất cả nghiệp không còn phiền não, thọ hưởng mùi vị an lạc của Đại Niết Bàn “

Trong các chùa tụng kinh Phật có niệm chú, là từ nguyên nhân ngài Ngọc Lâm Quốc Sư triều đại Nhà Thanh biên soạn hai thời công phu dành cho chư Tăng Ni tu hành, trong đó đặc biệt có gia hạnh thêm nhiều bài thần chú rất oai linh mầu nhiệm, như chú Lăng nghiêm, Thập chú, ngũ bộ chú, đại bi chú, vãng sanh Tịnh độ thần chú…giúp cho chư Tăng Ni, Phật tử có đủ niềm tin từ lực Phật, Bồ tát gia hộ giải thoát sanh tử. Ngày nay trong chốn thiền lâm, là Nhà sư mà không thuộc hai thời công phu, không công phu, công quả, trốn tụng kinh chú thì người đó chưa phải là bậc tiêu biểu gương mẫu của hàng hậu học.

Cả hai thần chú đều có những hạnh lành tương đối đa dạng phong phú, có những thú hướng đặc biệt giúp cho chúng sanh thoát khổ, giải thoát sanh tử luân hồi. Ở Việt Nam đều có tụng đủ cả hai thần chú Vãng sanh và Vô Lượng Tho, thần chú Vô Lượng Thọ không xa lạ với những người tu pháp môn Tịnh Độ niệm Phật.

Tuy nhiên chú vãng sanh sở dĩ được nhắc đến nhiều hơn là do bài kinh ngắn gọn, được đưa vào hai thời khóa tụng hằng ngày, còn chú Vô Lượng Thọ dành cho liên hữu tu kết thất 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày hay 100 ngày tụng niệm. Như vậy Phật tử có thể dùng thần chú Vô Lượng thọ làm pháp tu gia hạnh cho mình trong các thời gian nhập thất niệm Phật rất có hiệu quả.

HT Thích Giác Quang



Có 1 phản hồi đến “Công Năng Của Thần Chú Vô Lượng Thọ? Phật Tử Tại Gia Có Nên Trì Tụng Chú Này Không?”

  1. mạc văn lợi đã nói

    con nhờ Thầy viết ra cách đọc 2 thần chú trên theo âm tiếng phạn để chúng con hành trì .

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com