Từ xưa, các phật tử thường có tục hành hương đầu năm tới chùa chiền để chiêm bái Phật, tu dưỡng tinh thần và cầu cho một năm an lành sức khỏe. Cùng với sự biến đổi của lịch sử, nghi lễ này đã bị biến tướng thành lễ dâng sao giải hạn.
Vào dịp đầu năm, người dân trong cả nước lại ùn ùn kéo nhau lên chùa làm lễ dâng sao giải hạn với mong muốn nhờ phép nhiệm màu của đức Phật để hóa giải những sao xấu chiếu mạng trong năm. Thế nhưng, ý nghĩa thực sự của nghi lễ này có phải như vậy?
Để làm rõ vấn đề này, PV báo Đời sống và pháp luật đã có buổi trò chuyện với hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nếu cứ dâng sao mà giải được hạn thì thiên hạ đã vô sự rồi
- Thưa hòa thượng, cứ vào dịp đầu xuân năm mới là rất nhiều người dân đổ xô lên chùa làm lễ dâng sao giải hạn. Nhiều người cho rằng, vận mệnh, họa phúc của con người trong một năm đều liên quan đến sao chiếu mệnh. Do đó, họ phải lên chùa giải trừ sao xấu, đón sao tốt nhằm giúp cho một năm làm ăn thuận lợi. Thậm chí, nhiều người còn bỏ mấy chục triệu đồng cho lễ dâng sao. Vậy trong giáo lý nhà Phật đề cập về vấn đề này như thế nào?
Giáo lý nhà Phật không có nghi lễ nào gọi là dâng sao giải hạn cả. Từ xưa, các phật tử thường có tục hành hương đầu năm tới chùa chiền để chiêm bái Phật, tu dưỡng tinh thần và cầu cho một năm an lành sức khỏe. Thế nhưng, cùng với sự biến đổi của lịch sử, nghi lễ này đã bị biến tướng thành lễ dâng sao giải hạn như mọi người thường nói.
Về bản chất, nó vẫn là một lễ cầu an mà thôi. Cũng theo lời Phật dạy thì không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa cả. Phúc họa của con người là do nghiệp báo dắt dẫn mà thành. Nghiệp do con người tạo ra và cũng nhờ đó mà thành họa phúc. Nếu chúng ta làm nhiều việc thiện thì sẽ nhận được phúc, còn ngược lại sẽ nhận quả báo. Luật nhân quả cứ như vậy mà ứng vận vào con người chứ có liên quan gì đến sao xấu hay sao tốt. Nếu cứ dâng sao mà giải được hạn thì thiên hạ đã vô sự rồi.
Vì thế, những người sẵn sàng bỏ ra mấy chục triệu đồng để làm lễ dâng sao là hoàn toàn lãng phí tiền của và công sức. Cứ thà rằng, họ mang số tiền đó đi hành thiện thì phúc sẽ đến cửa. Việc gì phải cưỡng cầu vào điều không có thực như vậy. Nhà Phật hoàn toàn không có và không ủng hộ việc này.
- Nhiều người tin rằng, nếu họ càng cung tiến nhiều tiền của vào chùa thì sẽ càng được Phật cho “ăn lộc”. Vì thế, nhiều đại gia không tiếc tiền, của cung tiến hàng chục tỷ đồng vào chùa. Dịp lễ dâng sao giải hạn đầu năm cũng là một cơ hội cho họ thực hiện việc này. Hòa thượng đánh giá về vấn đề đó như thế nào?
Tất cả mọi người đều bình đẳng trước cửa Phật chứ không có chuyện cung tiến nhiều hưởng phúc nhiều, cung tiến ít hưởng phúc ít. Phật giáo đặt chữ tâm lên đầu chứ không bàn đến chữ lợi. Nếu cung tiến mấy chục tỷ đồng mà không xuất phát từ tâm thiện thì không bằng người nghèo thành tâm niệm Phật. Đôi khi chỉ một nén nhang, một bông hoa cúng dường chư Phật mà lòng thành thì phúc đức còn cao nặng hơn những người bỏ núi tiền ra mượn danh Phật để thực hiện mưu đồ khác.
Như đã đề cập ở trên, con người do nghiệp báo dẫn dắt nên bớt nghiệp được thì bớt đau khổ. Muốn bớt nghiệp thì phải lấy tu tâm, tích đức làm tiền đề. Do đó mới có chuyện người ta tô tượng, đúc chuông để giải nghiệp. Lòng thành hướng Phật thì tâm an, thể mạnh chứ không câu nệ chuyện cung tiến nhiều hay ít. Tất nhiên, đối với những người có tiền mà họ thành tâm cung tiến vào chùa là điều đáng hoan nghênh. Họ làm như vậy là cố gắng giải nghiệp, tạo phúc cho chính họ và những người thân của mình. Tuy nhiên, nếu cứ đợi dịp như dâng sao giải hạn đầu năm mới cung tiến nhiều tiền của vào chùa thì người đó đã khởi phát tâm lý đua tranh, khoe mẽ. Như vậy đã tạo nghiệp chứ sao có thể tạo phúc được. Dù anh có cung tiến bao nhiêu đi nữa thì dưới quan điểm của nhà Phật cũng như không mà thôi, thậm chí còn hại cả mình nữa.
Nên dùng tiền đó để hành thiện tích phúc
- Như hòa Thượng vừa nói, thực chất của nghi lễ dâng sao giải hạn là nghi thức cầu an trong đạo Phật. Thế nhưng tại sao nhiều người, nhiều nhà chùa vẫn tổ chức làm lễ dâng sao giải hạn gây tốn kém, lãng phí?
Luật nhân quả của đạo Phật luôn khuyên dạy con người phải dùng phúc ở kiếp này để giải nghiệp ở kiếp trước. Vì thế, nhiều chùa vẫn thực hiện việc lễ bái để cầu an, đồng thời hướng việc hành thiện cho phật tử, nhắc nhở và trợ giúp tinh thần cho họ trong cuộc sống hiện tại. Khi có niềm tin vào điều thiện thì nhất định con người sẽ tránh làm việc xấu, do đó tránh được nghiệp xấu.
Ngoài ra, nhà chùa cũng muốn người dân hiểu được Phật giáo hướng con người trở về nội tâm của mình, ăn năn, sám hối giúp con người hướng tới điều thiện. Vì thế, tôi cho rằng có thể người dân gọi lễ này bằng những tên gọi khác nhau nhưng ý nghĩa và phương thức của nó vẫn không thay đổi.
- Thế nhưng, tại các chùa thực hiện lễ dâng sao giải hạn đầu năm, nghi thức diễn ra cũng rất phức tạp chứ không đơn thuần chỉ là lễ cầu an theo tinh thần Phật giáo. Hòa thượng giải thích vấn đề này như thế nào? Hòa thượng có thể cho lời khuyên với những người vẫn còn ngộ nhận về lễ dâng sao giải hạn?
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Trong quá trình phát triển và tiếp biến với những tôn giáo khác như Đạo giáo, Nho giáo nó đã tiếp thu vào mình những đặc điểm của những tôn giáo đó. Vì thế, cũng không có gì lạ khi chúng ta thấy nghi thức cầu an hiện nay không còn giữ được tinh thần nguyên bản của nó. Điều này là sản phẩm mang tính lịch sử - xã hội rất rõ rệt.
Đối với những người vẫn còn ngộ nhận về lễ cầu an này, tôi cho rằng, thay vì sắm mâm cao cỗ đầy gây lãng phí thì nên dành tiền đó để tích đức như: Ủng hộ người nghèo, tham gia làm từ thiện, quan tâm tới người thân quanh mình... Nếu thành tâm mà làm được những việc như vậy thì không những không sợ sao chiếu mệnh mà phúc sẽ tự đến với mình.
- Xin cảm ơn hòa thượng!
(Theo ĐSPL)