Lâu nay ít ai mạnh dạn dùng từ “hấp dẫn” để nêu ra như một yêu cầu cần có trong các hoạt động chốn già lam. Bởi hấp dẫn gắn liền với thỏa mãn sự tham dục, dẫn đường cho vọng động, không thích hợp với quan niệm loại trừ tham dục của cong đường tu tập trong nhà Phật.

Tuy nhiên, để đưa Phật pháp đồng hành cùng thế gian, trước hết phải tạo sự thân thiện giữa chùa và Phật tử. Điều cốt yếu này dường như chưa được thực hiện thoả đáng, đặc biệt là tạo sự thân thiện giữa Phật tử trẻ và các hoạt động tại chùa. Nên việc lui tới chốn già lam lâu nay vẫn là “già vui chùa” theo cách nói của dân gian Việt Nam.

Phật giáo đang đứng trước những sứ mệnh quan trọng, khi điều kiện khoa học kỹ thuật, kinh tế và tri thức của xã hội đang đặt loài người vào vòng xoáy của tham dục và mê lầm ở cấp độ cao hơn và vi tế hơn. Sứ mệnh ấy là làm thế nào để phổ quát giáo lý nhà Phật cho bạn trẻ – những người chuẩn bị hoặc vừa mới bước chân vào đời. Trang bị cho lực lượng này tư tưởng của Phật giáo, là cung cấp cho họ những phương tiện thiện xảo để kết hợp với thời cuộc nhằm vừa phát triển phần tri thức thế gian, vừa phát triển đạo đức thăng hoa tâm linh để đạt đến sự an lạc, giải thoát.

Một trong những khả năng thực hiện điều này là tổ chức cho bạn trẻ học tập tốt hơn, nhiều hơn, thích hợp hơn mỗi khi đến chùa. Thế nhưng thực tế gần đây là số bạn trẻ đến với chùa ngày càng ít đi, và ngay tại chùa, các vị tu sĩ cũng lúng túng không biết mình sẽ phải làm gì để những Phật tử trẻ đến chùa nhiều hơn, hiểu theo nghĩa chùa được hấp dẫn, lôi cuốn hơn.

Cuộc thi hùng biện được tổ chức nhân kỳ Hội trại “Tuổi Trẻ – Phật Giáo” vừa qua đã lấy chủ đề này làm nội dung. Các bạn trẻ đã mạnh dạn nêu lên những suy nghĩ tha thiết nhằm củng cố hơn nữa vấn đề làm sao để bạn trẻ đến chùa được học tập nhiều hơn và các Tăng ni tại chùa cần làm gì cho yêu cầu ấy.

Hầu hết các bạn trẻ Phật tử đều nhìn nhận việc đi chùa là có lợi ích cụ thể như: được sống trong môi trường thanh tịnh, nghe giảng kinh pháp, học hỏi từ quý Thầy cách ứng xử trong đời sống, cách tạo dựng tình thương, hạn chế sân hận .v.v… “Đến chùa như một cách xả stress, để thấy lòng mình thanh thản hơn”, bạn Bùi Trí Đức khẳng định như vậy. Anh Trần Vũ Hòa cho rằng cầu thiết kế nhiều chương trình bổ ích hơn cho các bạn trẻ đến chùa được học tập và vui chơi lành mạnh. Điều này quả không sai, nhưng như thế có nghĩa là lâu nay hoạt động tại các chùa còn đơn điệu quá, nếu không muốn nói là nghèo nàn và khó thu hút bạn trẻ. Cuộc sống đang sôi động với nhiều hình thức vui chơi, giải trí cực kỳ hấp dẫn, và như thế thì Phật pháp sẽ làm gì để len vào những “ngõ ngách” như thế? bạn Phương Trang – một phật tử chùa Từ Tân – khẳng định những học hỏi từ chư Tăng ni sẽ giúp bạn trẻ bớt thô tục đi và việc vui chơi ở các nơi khác ngoài chùa cũng tốt hơn. Đây là một cách nhìn tích cực về giá trị của việc học hỏi từ chùa những kinh nghiệm sống đúng. Nhưng như thế vẫn chưa thiết thực lắm, giới trẻ ngày nay có thể học bằng trăm phương ngàn cách. Từ khi đi học, biết đọc biết viết là có thể ngồi ôm chiếc máy tính và lang thang trên mạng khắp bốn biển năm châu. Đến khi lớn lên, đi làm, thời gian dành cho công việc nhiều, khoảng nào để cho người ta bước chân đến chùa, mà phải là bước chân tự nguyện, vì một sự an lạc, bổ ích đang chờ đợi đằng sau cổng chùa? Điều này không đơn giản. Bạn Huỳnh Xuân An cho rằng giáo pháp nhà Phật vốn dễ ứng dụng, trong từng trường hợp của cuộc sống đều có thể vận dụng có hiệu quả. Cho nên, học tập để thông hiểu và ứng dụng, chia sẻ với người thân, với bạn bè những cách hành xử đúng đắn theo nhà Phật là cần thiết và hoàn toàn có thể làm được.

Cuộc sống hiện đại khiến cho con người dễ dàng phát sinh tính tự ngã và lười biếng. Trong khi ngồi tại chỗ có thể biết tất cả chuyện năm châu, thì tại sao phải đến chùa mới biết những gì Phật dạy. Do vậy, mỗi tu sĩ Phật giáo sẽ mang một sứ mệnh là đại diện cho tiếng nói của ngôi chùa, mỗi thiện tri thức am hiểu kinh điển là một đại diện cho việc học tập từ chùa, để gần gũi với bạn trẻ, để tiếp xúc và chia sẻ, để khiến cho bạn trẻ thông qua những con người thật này, có được khái niệm về chùa với tất cả sự tốt đẹp có thể hình dung được. Bằng cách đó, ta “mang chùa đến với bạn trẻ trước, rồi bạn trẻ sẽ tự đến chùa sau”. Sức hấp dẫn của chùa với bạn trẻ, không gì hơn là cung cấp cho các bạn những phương pháp giải quyết mọi khó khăn trong cuộc sống. Đó là điều thiết yếu, bởi ai trong cuộc sống cũng có tinh thần hướng thượng, muốn giải quyết mọi việc cho tốt đẹp. Điều này Phật đã dạy, vấn đề là chuyển những kinh nghiệm ấy đến với bạn trẻ nhiều hơn và hiệu quả hơn. Đó là một cách làm cho bạn trẻ nhận biết ngôi chùa là nơi trú ngụ của những tri thức thiện xảo, của những kinh nghiệm quý báu, nơi có những tấm lòng vì mọi người, nơi có những chương trình sống, làm việc, vui chơi bổ ích và rất dễ tham gia. Như vậy, mỗi người sẽ có một phương cách đến chùa. 

Có thể không có điều kiện đến chùa thường xuyên, nhưng tinh thông giáo lý, ứng xử đúng đạo, đem Phật pháp chia sẻ với mọi ngời, thì đó cũng là một hành động đến chùa hiệu quả. Lại có thể đến chùa qua ngã tâm linh, chốn già lam là biểu tượng, còn tự thân mỗi người sẽ có một không gian tâm linh gần gũi thậm chí đồng nhất với không gian chùa. Như vậy, chỉ cần thấy việc đến chùa là cần thiết, có phương cách để đến chùa hiệu quả, có tâm ý tinh tấn trong việc đến chùa, thì mỗi người luôn gần gũi với ngôi chùa hiểu theo nghĩa nào cũng đúng.

Quan trọng nhất vẫn là năng lực thu hút giới trẻ của các bậc Tăng ni. Vì nếu như, người xuất gia trong chùa luôn thấy cảnh ngoài đời hấp dẫn, tâm trí ba phần dành cho việc tinh tấn tu tập, bảy phần muốn tham gia chuyện thế gian, thì làm sao có thể nghĩ ra cách nào kêu gọi bạn trẻ ngoài thế gian đến chùa theo đúng nghĩa chân chính được.

Đăng Điền




Có phản hồi đến “Để Ngôi Chùa Trở Nên Hấp Dẫn Hơn Với Giới Trẻ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com