Nhớ năm xưa, vừa lên “năm”, Ba hướng dẫn về quê nội, Ba dừa, Long trung, Cay lậy, đến làng Thuộc nhiêu, Long khánh một nơi thôn dã bình nguyên ruộng vườn tươi xanh thanh vắng, đến chùa Long Phước tìm Thầy quy y Tam bảo.

Thầy Bổn sư không ai xa lạ, chính là Hòa Thượng thượng Quảng hạ Đức, ngài đương kim Viện chủ Trụ trì ngôi chùa nầy. Theo truyền thống nhà Phật khi đến chùa thì tìm gặp lễ bái Trụ trì, sau mới đảnh lễ Phật Thích ca”tiên bái Trụ trì hậu bái Thích ca”. Tôi đi trong một cảm giác trầm lắng bước lần theo Ba lên chính điện, lắng nhìn tôn tượng Đức trung tôn an tọa cao lớn sao mà nghiêm trang quý kính quá, thân thương quá ! Trước ánh mắt từ bi dịu dàng mặc mặc, hiền hậu của Ngài đã làm cho tôi không còn suy nghĩ biết bao những cái riêng biệt của mình; bất giác tôi phải hơi run lên vừa xúc động mà cũng vừa sờ sợ, vì nơi đây quá bi tráng tôn nghiêm, vắng lặng, vắng lặng đến độ không còn nghe gì cả ở xung quanh, vắng lặng đến nổi chỉ còn nghe được những tiếng chó sủa, gày gáy thật xa xa, xa tít bên kia đồng nội có bay thẳng cánh….Thầy thật hiền từ, ít nói, hơi cười một chút, gọi Bà Nội tức Sư cô Diệu Phòng, Trưởng tử của Hòa thượng rót nước mời khách uống, tôi chợt nghe và nghĩ khách là ai đâu nhỉ? khách là Ba và tôi, tức là con và cháu, quen lắm rồi từ độ Bà xuất gia tại đây. Nên khi nghe đến câu “rót nước mời khách” tôi không còn gì phải ngượng ngùng. Một nữa giờ sau, Thầy bảo lên Tổ đường lễ Tổ, đến chính điện lễ Phật, cầu đức Phật ban phước lành, độ hộ Ba và tôi không bệnh hoạn, thông minh sáng suốt…

Ba một nén hương, tôi một nén hương, cha con thầm khấn vái xin quy y Tam bảo, cầu Đức Phật từ bi gia hộ cho Ba và tôi thân tâm an lạc. Thầy Hòa Thượng điểm những tiếng chuông gia trì nghe ngân vang trầm bỗng, lắng đọng; bất giác làm cho tôi có một cái gì đó suy niệm hướng về cõi tâm. Tên khai sanh của Ba là Đàm Hữu Lương, tôi là Đàm Hữu Phước nên Thầy đã ban cho Ba tôi là Quảng Thiện, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ, tôi là Nhuận Đức, theo một dòng kệ mà Thầy bắt buộc phải học thuộc lòng, cho đến hôm nay làm Hòa thượng, ngồi viết bài nầy là đã 63 tuổi rồi mà không quên được :

“Đạo Bổn NgươngThành Phật Tổ Tiên

Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên

Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ

Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền”.

Tuy mới “năm” tuổi, nhưng tôi biết và nhớ rất rõ, mình vốn là Phật tử ba năm rồi, đã từng là đệ tử của một vị Thầy Yết-ma Trụ Trì ngôi Chùa ở cùng làng Hòa định, thuộc ấp Mỹ thạnh nhưng chưa chính thức; giờ đây mình là đệ tử của Hòa Thượng thượng Quảng hạ Đức, bài kệ trên gọi là “lòng phái”, tức là phát tâm nguyện cầu quy y trở thành Phật tử chính thức của nhà Phật, theo dòng Lâm tế chánh tông Việt nam. Người Phật tử khi đã quy y phải đeo lòng phái trước ngực, bằng cách mượn người nhà may một túi vải nhỏ, rồi bỏ “lòng phái” vào, túi có luồng sợi dây nhợ dài cho thật dễ gút, rồi gút lại cho thật kỷ, sợ thất lạc, đâu đó xem cho thật đẹp rồi đeo trước ngực để nhớ Phật, niệm Phật, được Phật gia hộ cho sáng suốt và được tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ…cũng như khi có ai đến với mình mà hung ác quá, thì niệm Phật cho họ bớt dữ, thân thiện trở lại!

Nói thật, hồi đó tôi rất ngượng ngùng mắc cở dữ lắm, nhưng sau nầy khi lớn lên làm việc cho Giáo hội, đi thuyết giảng, đứng lớp giảng dạy Phật học, thuyết pháp trước quần chúng cảm thấy việc làm ngày xưa của mình cũng lắm hay hay:”việc đeo lòng phái trước ngực, không quê mùa đâu! Ngược lại còn phổ cập nữa kia! Các Hòa Thượng Hàn quốc, Nhật bản, Trung hoa, Mông cổ, Tây tạng, Singapore, Hồng kông, Đài loan…đều mang giấy tờ trước ngực đấy ! Nhưng đẹp lắm các bạn ạ ! Hồi tưởng lại thì người Phật giáo dù lớn hay nhỏ, dù ở trong nước hay ngòai nước đều không khác nhau mấy ?

Được sống với Ba Má như vậy thật là sung sướng quá, nhưng rồi một thảm nạn buồn hiu lại đến với gia đình tôi, khi má tôi sanh người em thứ chín là Đàm Thanh Oanh, em vừa được một tháng tuổi thì má tôi phải trải qua một tháng bệnh nặng (bệnh thương hàn) đã qua đời vào lúc 20 giờ, ngày 28 tháng 10 năm Quý Tỵ (24/12/1953), Má chỉ được 37 tuổi thôi. Lễ tang Má đông lắm, bà con hàng xóm láng giềng ai ai cũng thương tiếc mà đến chia buồn cùng với Ba và gia quyến “thương tiếc chị Ba, thiếm Ba, mợ Ba, em Ba…”, vì Má có uy tín, Má là giáo viên trường Tây mà, Má là người làm nữ công gia chánh giỏi, làm thức ăn, lám đủ lọai bánh để bán, thêu may áo gối, rèm, màn, kể cả dạy gia chánh cho mọi người luôn. Má qua đời là mất đi một người thân của gia đình, của cả xóm làng, thôn lân yêu dấu, thế là chúng tôi phải chịu sống một đời cô quạnh rồi. Người ta bảo mất Mẹ như mất cả cuộc đời; đi trên đất Nhật bản mà mọi người biết được bạn mất Mẹ thì bạn phải chịu người dân Nhật cày lên cho bạn một đóa hoa hồng trắng, để biết rằng Mẹ bạn đã mất, ô hô, hu hu! Tang chay má xong, em tôi được giao cho người Cô, chị của Ba nuôi dưỡng, lúc bấy giờ buồn khổ lắm, buồn khổ lắm, nhớ lại :

Năm xưa tôi còn bé

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

Là bớt khổ đi rồi…

Hồi đó, chiến tranh Việt Pháp vẫn còn liên tục đâu đây, những trận đánh xa xa, ở Xã môn, Sông cái…thuộc một ấp nhỏ trong làng tôi, rồi đến làng Hòa bình, Bình ninh…dân tình thật đói khổ, chỉ còn nhà trống vườn không, thiếu ăn, thiếu mặt, chết chóc thường ngày, người sống, còn trẻ thì bị lính Tây bắt đi tải đạn, hoặc bắt những người dân trẻ thì gọi là “Việt minh”, chẳng hạn như người dượng thứ năm của tôi là nhà thương buôn, ăn trường chay niệm Phật, nhưng ngày nào các ông lính Tây cũng bắt phải đi tải đạn cho họ đi “ruồng”, đi “ba trui”, đi “bố ráp”; người dân xứ tôi lúc bấy giờ dùng rất nhiều từ ngữ như thế để nói lên cái khổ, cái sợ sệt trăm bề khi lính Tây đi đến nhà dân…Nhưng chúng tôi, gồm Chị Ba Đàm Thanh Hà (tuổi Dần 1938), Chị Tư Đàm Thanh Thủy (tuổi Thìn, 1940), Bé Tám Đàm Thanh yến (tuổi Sửu,1949) cũng được Ba lo cho ăn học. Hai Chị, tuy mới chỉ học đến chương trình Sơ Học của Trường Tây, nhưng vì là Trường Tây, nên nói tiếng Pháp rất giỏi như Tây, mà cũng giống Tây. Người lính Tây khi đến với người Việt nào đó biết nói tiếng Tây thì họ không còn phá tán bốc lột tài sản, đốt nhà cữa của người đó nữa.

Đến tháng hai, năm Giáp ngo (1954), quê hương còn trong thời buổi chiến tranh như thế, nhưng Chị Ba đi lấy chồng theo thuyền thống đạo đức “của nho gia”; Chị Tư thì nghỉ học ở Trường Phổ thông, đi học may ở tiệm may Mỷ Anh, Quận Chợ Gạo, lúc bấy giờ Quận đường còn đóng ở tại Chợ Gạo cũ (tức xã Bình Phan) sau về mở tiệm may, phục vụ cho bà con lối xóm ở tại nhà, thuộc xã Hòa định (cũng gần kề bên Chợ gạo). Ba tôi thì vừa mua bán, mở một cửa hiệu tên “Tiệm Buôn Phước Thành tạp hóa Hòa Định” vừa làm y tế, thực hiện nghề thầy thuốc tại nhà, một bên nhà thì trị bệnh cho bà con lối xóm, một bên là tiệm buôn, nhà có phần khấm khá, nhà tôi bấy giờ ở quê được xếp vào lọai “nhà kê” tức là lọai nhà có thứ hạng nhất nhì trong xóm. Tuy có vị trí trên trước dân tình, nhưng không giàu như các gia đình ở tỉnh, thành…!

Trong những năm còn học ở Trường Tiểu học Quận Chợ gạo, được Ba cho làm con nuôi của Thầy giáo Ba, tức Thầy Ba Đài, nên đi học về không ở nhà, mà tôi phải qua nhà của Thầy Giáo, vợ của Thầy Giáo rất yêu thương nuôi dưỡng, nhưng cuối cùng thì tôi cũng không chịu đựng được sự thương yêu ưu tiên đó nữa, vì Ba ở nhà là trên hết !

Xin nói về Ba, học giỏi, tốt nghiệp bằng “Thành Chung”, làm việc cho Tây ở Mỷ tho, chức Hạ sĩ Hiến binh “Cò mủ đỏ”. Với chức nầy mỗi khi đi “bố ráp”, hai cây súng “Col” của Ba đeo ngang hông không có nạp đạn, vì sợ lỡ bắn trúng chết người khác mang tội “mắc quả báo”, có tội với Phật Trời, bá tánh, Ba thường nghĩ suy như vậy. Khi người thân của người làm kháng chiến bị bắt, Ba niệm Quán Thế Âm bồ tát, khéo léo tìm cách thả, bằng mọi giá tìm cách trước sau cũng thả, vì Ba cũng có người em trai là chú Đàm Hữu Nhiên, cũng theo kháng chiến chống Pháp, lãnh đạo Việt minh.

Sau ngày đình chiến chú Tư em của Ba được tập kết ra Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đi du học bên Liên Xô, sau về làm Kỷ Sư Nông Nghiệp, Giám Đốc Trường Nông Lâm Nghiệm Tam Điệp, Nam Định. Đến ngày hòa bình 30/4/1975 trở về Nam, làm việc tại Phòng Nông nghiệp huyện Long Định, sau lên làm Chánh án Tòa An ở tỉnh Tiền giang, hiện nay thì hưu trí ở Tp.Mỷ tho, Tiền giang quê nhà .

Năm 1959, Ba mang trọng bệnh và qua đời vào lúc 16 giờ, ngày 18 tháng chạp, năm Kỷ Hợi (16/01/1959) tại quê nhà, nơi mà Ba được sinh ra trong những ngày tươi đẹp nhất của gia đình, của quê hương xứ sở. Tôi lại tiếp tục được cho làm con nuôi của thầy Hiệu Trưởng Trường Trung Học Bán Công Chợ Gạo Trương Thành Cảnh, người ở tại xã Điều Hòa, Mỷ Tho; Thầy là Giáo Sư giỏi thật giỏi, nhưng cũng là người tham gia Việt minh đi kháng chiến chống Pháp, không đi tập kết… Rồi Pháp đi, Mỹ đến, cũng năm đó 1969 Thầy Cảnh bị lính của Nguyễn Văn Thiệu bắt đi quân dịch, cho đi học quân sự ở Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ đức. Sau Thầy trốn vào chiến khu theo kháng chiến chống Mỹ, tại Trung ương Cục “R” được bổ nhiệm làm chức vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt nam trong chiến khu.

Những năm đầu xuất gia tu học từ 1960 đến 1964, Thầy Liên Phương, Thầy Phước Điện, Thầy Nhất Phương, Sư Giác Nguyên…hay quý sư cụ Thiện Thông, Huệ Trí, Huệ Tâm, Giác Hải, hay quý Sư huynh Huệ Hải, Thiện Chơn, Giác Châu, Thiện Thành, Giác Khánh…vâng ! Là những người bạn lành đã cho tôi một trí tuệ tuyệt vời tại Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đảo, Tổ Đình Linh Sơn, núi Dinh năm xưa.

Tôi xuất gia ngày 30 tháng 7 năm Canh tý (1960), làm chú tiểu trên núi Bồng Lai, thật là như tiên đồng ngọc nữ không khác “nhà trời xưa trên mây xanh kia” chút nào. Lúc bấy giờ tôi cũng như các bạn rất vô tư và chỉ có tu rồi tu và học rồi học Phật Pháp, tự học tập, học bạn, thứ đến vào trường lớp mới học với Thầy. Mãi đến mùa hạ năm 1962, sau khi thọ giới Sa Di ở Trường Sanh Phật Tự, Mỹ tho, trở thành một Sa di tu theo pháp môn Tịnh độ, giữ gìn hạnh lành Khất sĩ tôi cãm thấy nhè nhẹ trong người.

Cái cảm giác lạ lùng ấy đã thay đổi tâm hồn tôi hướng đến việc “thượng báo tứ ân, hạ tế tam khổ”, hoặc “kế thế khai lai, báo Phật ân đức” và “lập thân hành đạo vang danh ư hậu thế, dĩ hiễn kỳ phụ mẫu hiếu chi trung gia”.

Tu pháp môn niệm Phật không làm sao tôi quên được khi mới lên “sáu” tuổi đời, một tuổi còn hôi sữa lại được Ba giáo hóa cho con biết niệm như thế nào cho đúng, niệm thế nào được thanh tịnh, niệm thế nào là chánh niệm, đâu là tà niệm, từ tư thế ngồi, đứng, Ba tôi đã hướng đạo rạch ròi không sai sót như quy cũ chốn thiền lâm. Không biết Ba ở chùa học đạo hồi nào, mà sao Ba không khác mấy những vị Thầy tu ở trong chùa giáo hóa Tăng Ni Phật Tử, rất giống như Thầy Giám thiền không hơn không kém ? Khi nào tôi biếng nhác tụng kinh, niệm Phật thì Ba phạt cho quỳ hương như chú Tiểu, ông Đạo; đứng ngó vào vách như Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma tu thiền “cửu niên diện bích” vậy đó. Lúc ấy tôi tuy có khó chịu, nhưng ngán Ba lắm, mình chưa phải là thầy tu mà sao Ba bắt buộc nguyên tắc quá cở, nhưng cuối cùng rồi cũng phải chấp nhận, chấp nhận để khỏi bị phạt vạ và được thưởng bằng cách “cho học bài rồi đi ngủ sớm”…

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Lối Về Quê Cũ - HT Thích Giác Quang”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com