“Váy ngắn tới chùa không chỉ trở nên lố bịch mà còn làm mất đi ý nghĩa của việc đi chùa, thậm chí làm mất đi phước phần của mình”, Đại đức Thích Chúc Tiếp, Chánh Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên cho biết.

“Nhức mắt” người đi lễ

Đi lễ chùa đã trở thành nét đẹp truyền thống không thể thiếu của người Việt Nam. Có điều, ở chốn linh thiêng vẫn có những người chưa ý thức được về việc ăn mặc phù hợp khi đi lễ chùa. Thực tế, ở một số ngôi chùa như Trấn Quốc, Bia Bà… dù có tấm biển ghi những dòng chữ “Đề nghị quý khách lưu tâm không mặc quần áo ngắn vào chùa”, thế nhưng không khó để bắt gặp cảnh những cô gái mặc váy ngắn, quần sooc, hở hang đến lễ. Hình ảnh này đã khiến nhiều người không khỏi bức xúc.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Đại đức Thích Chúc Tiếp cho biết, chùa chiền là nơi tôn nghiêm cần những biểu hiện vừa văn hóa vừa lịch sự. Người đi lễ chùa cần ý thức được điều này để không làm mất đi nét thanh tịnh của chốn thiền môn và nét thanh lịch của chính bản thân mình. Những trang phục hở hang, váy ngắn trong một không gian thiền thanh tịnh rất dễ làm “nhức mắt” người xung quanh, tạo sự phản cảm.

Khi đi lễ chùa, cách ăn mặc không đơn giản là sở thích cá nhân, mà còn thể hiện văn hóa thẩm mỹ, văn hóa tâm linh và cả giá trị đạo đức. Cái tâm của người đi lễ cũng thể hiện ngay cả ở cách ăn mặc, trang phục lịch sự và lời ăn tiếng nói. Có một câu ngạn ngữ đã dạy: “Trang phục che đậy được hình hài nhưng lại phơi bày được bản chất”. Chúng ta không thể nói rằng mình tôn kính với ông cha khi lên thắp hương lại mặc quần đùi, đồ ngủ. Ăn mặc, tướng mạo đàng hoàng càng cho thấy người đi lễ tôn kính với Phật.

Không ít người cho rằng, mặc váy ngắn đi chùa sẽ bất kính Tam Bảo, bị Phật quở trách. Theo Đại đức Thích Chúc Tiếp, trước khi bất kính với Tam Bảo thì người ăn mặc phản cảm đã có lỗi với nền văn hóa và chính những người xung quanh. Hình ảnh quở phạt trước mắt là sự phán xét của những người xung quanh đi lễ chùa. Và điều đó cũng khiến cho bạn mất đi một phần phúc của mình do làm ảnh hưởng xấu đến người khác. Phật giáo có câu “Đi chùa đúng pháp, được phúc” để nói lên rằng đi lễ chùa rất cần đúng phép tắc của Phật giáo, có như vậy thì mới mong được phúc, được an lành. Một phần trang nghiêm thì bạn được mười phần công đức.

Tâm và tướng phải đi liền với nhau

Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo Hội Phật giáo cũng cho rằng, vào nơi tôn nghiêm phải ăn mặc kín đáo. Tâm và tướng phải đi liền với nhau. Hình dáng bề ngoài thể hiện tâm hồn, nếu tâm hồn trong sáng và người tâm linh cẩn thận tôn kính thì phải giữ cả ở bên ngoài. Được cả tướng với tâm thì lễ bái mới trọn vẹn. Trang phục đẹp đó chính là sự hài hòa giữa môi trường xung quanh, không gian linh thiêng và cả mọi người xung quanh.

Chị Hoàng Thị Thủy, một Phật tử ở Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: Mọi người cho rằng ăn mặc không ảnh hưởng gì tới việc lễ bái mà cốt ở cái tâm. Đúng là đi lễ phải có tâm, song chùa chiền là nơi hoạt động văn hóa tâm linh chung của cả cộng đồng nên người đi lễ cũng phải để ý tới ăn mặc. Trang phục lễ chùa phù hợp, kín đáo sẽ không làm ảnh hưởng tới những người thành tâm khác. Đâu phải tự nhiên mà thiền môn được gọi là chốn tôn nghiêm và tự nhiên những lời nhắc được nhà chùa ý tứ ghi ở hành lang, yêu cầu Phật tử đi nhẹ, nói khẽ, không mang dép vào chánh điện, nơi thờ Phật…

Ở nước ngoài, ví dụ Thái Lan, ngay tại cổng các chùa luôn có những tấm biển lớn minh họa về quy định trang phục cho du khách khi vào chùa. Họ cũng có nhân viên phụ trách yêu cầu khách lễ chùa phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về trang phục. Ngoài ra, tại các chốn thờ tự ở nước này luôn có dịch vụ cho thuê, mượn trang phục cho những người chót mặc trang phục không phù hợp tới chùa.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, cách ăn mặc khi đi lễ chùa của ông cha ta từ xưa đều chỉnh tề hơn thường ngày, thậm chí còn tắm rửa sạch sẽ trước khi đi lễ. Đàn ông mặc áo the, khăn xếp, chân đi guốc mộc. Mấy chục năm trở lại đây thì mặc comple, đeo cà vạt, chân đi giày. Phụ nữ mặc áo tứ thân hoặc áo dài… Ngày nay, trang phục đã có sự thay đổi nhưng vẫn quy ước ăn mặc tươm tất, lịch sự để thể hiện sự tôn trọng.

Đại đức Thích Chúc Tiếp cho biết, Phật tử khi lễ chùa nên mặc quần áo trang nhã, kín đáo hợp tầm vóc. Không mặc loại vải quá mỏng tạo sự khêu gợi hoặc những y phục quá ngắn gây hở hang. Hiện nay các chùa đều có quy định đối với Phật tử khi đi lễ hoặc tụng niệm phải mặc áo tràng màu xám. Nếu có điều kiện có thể may cùng một màu vải và kiểu áo theo quy định của đạo tràng…

Với người dân chưa là Phật tử khi đến chùa nên mặc áo dài tay, đi khẽ. Tránh mặc áo sát nách, áo may ô, quần soóc, váy ngắn… là những kiểu trang phục dễ gây phản cảm.

Một số lưu ý khi đi lễ chùa

- Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường.

- Vào chùa nên từ cửa bên, không đi từ cửa chính và không dẫm lên bậu cửa. Trước tiên không phải là khấn vái ban chính trong chùa mà là vái hai ông gác bên ngoài cổng, điều này có ý nghĩa là xin phép để được vào chùa. Khi vào Phật đường, Tam Bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc.

- Khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chéo sang một bên.

- Không nên lễ ở chùa bằng lễ mặn, chỉ cần hương hoa, qủa hay kẹo bánh là được.

(Theo giadinh.net)




Có phản hồi đến “Bất Kính Và Phản Cảm Khi Đến Chùa Với Áo Cộc, Váy Ngắn”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com