Tại chùa Long Cốc phường Long Hương thị xã Bà Rịa có thờ 5 bài vị 4 đời Hòa Thượng:

Đời 39: - LONG CỐC SƠN TỰ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH CHI.

Đời 40 (có 2 bài vị): - LÂM TẾ CHÁNH TỔNG TỨ THẬP THẾ HÚY TRẦN THÁI THƯỢNG ĐẠO HẠ XUÂN HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.

LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP THẾ THƯỢNG TRẦN HẠ XUÂN HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.

Đời 41: - LONG CỐC ĐƯỜNG THƯỢNG TỰ TỔ SA MÔN TỨ THẬP NHỨT THẾ HÚY THANH LUẬN THƯỢNG THIÊN HẠ TỪ HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.

Đời 42: - LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHỊ THẾ HÚY TRỪNG TÂM THƯỢNG TRẦN HẠ CHU GIÁC LINH. MAO TỌA

Trong bài viết: “Chùa Long Cốc” đăng trên Thông tin khoa học Lịch sử Bà Rịa – Vũng Tàu số 17-2009, tác giả Đinh Hữu Chí cho biết:

“Hiện nay trên núi Dinh nơi chùa Hang Tổ có tháp bia khắc các hàng chữ:

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG CỐC ĐƯỜNG THƯỢNG NGỘ HẠ CHÂN TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG

TAM THẬP CỬU THẾ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH CHI VỊ

VIÊN TỊCH NGÀY 30 THÁNG 11 PHƯỜNG LONG HƯƠNG BÀ RỊA VŨNG TÀU

TỔ ĐÌNH LINH SƠN

Ni Sư HUỆ GIÁC Trùng Tu

Lập Tháp

Tháng 11/2009 tôi đi xe máy lên Hang Tổ núi Dinh viếng mộ tháp Hòa Thượng Long Cốc.

Thượng Tọa Thích Thiện Thanh chùa Tây Phương đang coi xây cất ngôi “chùa mới” kế bên Hang Tổ cho tôi biết ngôi mộ tháp ở Hang Tổ núi Dinh là của ông Thanh Luận, không phải của Hòa Thượng Long Cốc, còn ngôi mộ tháp Hòa Thượng Long Cốc cũng ở núi Dinh, không rõ chính xác ở đâu nhưng nghe nói ở cách hang Tổ hàng giờ đi bộ.

Tôi rất ngạc nhiên với thông tin này. Do đó tôi quyết tâm đi tìm ngôi mộ tháp Hòa Thượng Long Cốc như Thượng Tọa Thích Thiện Thanh cho biết để xác minh thực hư.

Ngày 14/1/2010 (30 tháng 11 âm lịch Kỷ Sửu), theo hẹn trước, anh Kh. K. Th., ngụ ở xã Long Hương, một chiến sĩ bộ đội chuyển ngành đã nghỉ hưu, hướng dẫn tôi “cắt rừng” đi tìm ngôi mộ tháp cổ trên núi Dinh mà anh cũng cho là của Hòa Thượng Long Cốc.

Đường mòn lên mộ tháp đầy lá khô, thoạt đầu có dốc thoai thoải. Đi được khoảng 10 phút, anh Th. dừng lại nhìn lên ngọn cây nhắm hướng rồi vạch lối đi tiếp. Tôi nối bước lách những thân cây nhỏ có gai bước vội theo sau. Chúng tôi đi ngang qua “cây Da” Thành Đoàn, địa điểm tập kết lương thực do Thành Đoàn tiếp tế cho chiến sĩ hoạt động trên núi Dinh thời kỳ chống Mỹ. Chúng tôi tiếp tục leo dốc, xuống trũng nhiều lần, rồi đến nền “chùa cây khế”, lội qua “sùng sình 3 sọ” (theo truyền thuyết nói về 3 người đi rừng bị lạc và chết, chỉ tìm được 3 cái sọ). Anh Th. báo cho tôi biết sắp đến ngôi mộ tháp.

Trước khi đến ngôi mộ tháp, anh Th. dừng lại ngôi mộ Nhị vị song hồn chi mộ Đỗ Văn Nhiều và Lê Thị Yên bên trên có hàng số chữ nổi 1945 để mời một điếu thuốc. Đi tiếp lên dốc khoảng 30m, chúng tôi tiếp cận ngôi mộ tháp rêu phong. Tôi xem đồng hồ thấy mất hết 2 giờ đi bộ trong đó thời gian đi lạc hơn 30 phút. Cỏ cây mọc chỉa ra từ tường tháp. Cây cối bao quanh gần như muốn che khuất ngôi tháp cổ… Tháp hình lục giác cao khoảng 5m, xây gạch, gồm 3 tầng, tô hồ mặt ngoài, giờ chỉ đơn giản, nhiều chỗ mặt hồ bị bong tróc. Mặt trước có tấm bia bằng đá xanh Biên Hòa, kích thước 40 x 120 x 10 cm, ước khoảng trên trăm kg, khắc toàn chữ Hán Nôm chưa bị mài mòn. Mặt sau tầng dưới bị đào phá toàn bộ ăn sâu vào bên trong khoảng 20cm. Tôi chụp ảnh làm tư liệu ngọn tháp ở nhiều góc cạnh.

Bia đá chữ Hán có các hàng chữ: (theo Trương Ngọc Tưởng)

TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHỨT THẾ Húy THANH LUẬN

Thượng THIÊN Hạ TỪ HÒA THƯỢNG GIÁC LINH CHI TÒA NGHÊ

MẬU DẦN NIÊN LƯƠNG NGUYỆT NHỰT THỜI SANH LAI TỊCH

BÍNH TUẤT NIÊN NHỊ NGUYỆT NHỊ THẬP THẤT TUẤT THỜI

Dịch nghĩa bia (Trương Ngọc Tường):

CHỖ THỜ GIÁC LINH HÒA THƯỢNG NỐI ĐỜI THỨ 41 LÂM TẾ CHÁNH TÔNG

Húy THANH LUẬN Hiệu THIÊN TỪ

Sanh năm MẬU DẦN Ngày tháng lành

Từ năm BÍNH TUẤT 27 tháng Hai giờ Tuất

Tôi tìm đến chùa Long Cốc ở Long Hương để hỏi nguyên do.

Tỳ Kheo ni Thích Nữ Minh Tùng trụ trì chùa cho biết: khi ông Đinh Hữu Chí đưa cho Ni Sư xem tấm ảnh chụp bia mộ ở chùa Hang Tổ, Ni Sư đã chỉnh lại hàng chữ LONG CỐC THƯỢNG TỪ TỔ DIỆU MÔN TỨ THẬP NHỨT THẾ DI THANH LUÂN THƯỢNG THIÊN HẠ TỪ HÒA THƯỢNG GIÁC LINH thành LONG CỐC ĐƯỜNG THƯỢNG NGỘ HẠ CHÂN TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TAM THẬP CỮU THẾ ĐẠI LO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH CHI VỊ.

Cùng cho biết thêm: Năm 1998, Ni sư có đến viếng mộ tháp Hòa Thượng Long Cốc tại chùa Hang Tổ núi Dinh khi được tin ngôi mộ tháp mới được trùng tu sau mấy mươi năm bị chiến tranh tàn phá. Nhưng khi đến nơi thì bia mộ không phải tên Hịa thượng Long Cốc mà đề tên Hòa thượng Thanh Luận. Ni Sư quá sững sờ, bức xúc nên mới van vái thắp nhang cầu xin: “Nếu đây là nơi yên nghỉ của Hòa Thượng Long Cốc thì xin cho chụp hình không thấy các hàng chữ đã ghi trên bia mộ.”

Điều linh ứng là khi hình được rửa, bia mộ không có hiện hàng chữ nào cả!

Ni Sư Minh Tùng có nói với tôi tìm cách nào nhờ chỉnh sữa lại tên bia mộ tháp ở chùa Hang Tổ núi Dinh cho đúng tên Hòa Thượng Long Cốc, một Thiền sư có tên trong sử liệu.

Đầu tháng 2/2010 tôi trở lại chùa Hang Tổ ở núi Dinh.

Tôi chụp ảnh ngôi mộ tháp ở Hang Tổ. Tháp gồm 3 tầng, kiến trúc kiểu mới hình tứ giác, lợp ngói cuốn, trên đỉnh có chóp nhọn, tầng dưới có gắn tấm bia sơn các hàng chữ:

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG CỐC THƯỢNG TỪ TỔ DIỆU MÔN

TỨ THẬP NHỨT THẾ DI THANH LUẬN

THƯỢNG THIÊN HẠ TỪ HÒA THƯỢNG GIÁC LINH

VIÊN TỊCH NGÀY 30 THÁNG 11

LONG HƯƠNG BÀ RỊA VŨNG TÀU

TỔ ĐÌNH LINH SƠN

NI SƯ HUỆ GIÁC TRÙNG TU

Bên trái có hàng chữ: HỮU CÔNG KHAI SƠN LONG CỐC TỔ DIỆU MÔN

Bên phải có hàng chữ: LƯU ĐỨC THÁNH HIỀN THƯỢNG TỰ TĂNG BẢO TÔN

Phía sau tháp có bài thơ:

NHỚ ÂN

LONG HƯƠNG NÚI TỔ DIỆU MẦU THAY

BÀ RỊA DANH TRUYỀN CÔNG ĐỨC DẦY

CHÁU CON TƯỞNG NHỚ NÊN LẬP THÁP

KÍNH PHỤNG ÂN SÂU TĂNG ĐỨC TÀI

XẢ THÂN VÌ ĐẠO THƯƠNG BÁ TÁNH

ĐỘ ĐỜI KHÓ NHỌC CÔNG CHẲNG NÀI

TREO GƯƠNG CHÁNH PHÁP NƠI NÚI TỔ

TRÙNG TU TẠO THÁP NHỚ CÔNG NGÀI

Ngày 9 tháng 9 năm Ất Hợi (01/01/1995)

Cảm niệm

Ni Sư HUỆ GIÁC

Bia mộ ghi tên Hòa Thượng Thanh Luận, nhưng lại ghi ngày viên tịch 30 tháng 11, trong khi bia đá xanh của Hòa Thượng Thanh Luận ghi rõ:

TỊCH BÍNH TUẤT NIÊN NHỊ NGUYỆT NHỊ THẬP THẤT TUẤT THỜI

(VIÊN TỊCH NGÀY 27 THÁNG 2 GIỜ TUẤT)

Có sự nhầm lẫn nào đó chăng? Hòa Thượng Thanh Luận sao có đến 2 ngôi mộ tháp?

Tôi tìm đến nhà nghiên cứu “Phật Giáo Đàng Trong” dạy khoa sử, hiện đang ở xã Tóc Tiên huyện Tân Thành với mục đích hỏi rõ nguồn cội. Nhà nghiên cứu cho tôi biết năm 1988 ông có đến chùa Hang Tổ núi Dinh và còn nhìn thấy một phiến đá có khắc chữ “LONG CỐC HÒA THƯỢNG” bằng chữ Hán ở vị trí ngôi tháp đã bị bom san bằng, nếu tôi muốn biết hư thực thì gặp Hòa Thượng Giác Quang ở Quan Âm Tu Viện gần Cầu Hang Biên Hòa.

Ngày 15/3/2010, sau khi tôi cho biết mục đích và đưa ra các hình ảnh chứng liệu, Hòa Thượng Giác Quang, Phó trụ trì hẹn với tôi sẽ trả lời sau khi trình lại sự việc với Ni Sư Trưởng Huệ Giác, trụ trì Quan Âm Tu Viện.

Vài ngày sau Hòa thượng Giác Quang thông qua điện thoại cho tôi biết: - năm 1965, khu chùa Hang Tổ trong đó có ngôi mộ tháp bị san bằng. Đến năm 1995, Ni Sư Trưởng cho trùng tu lại ngôi tháp và ghi lại bia mộ theo lời của ông Bảy Cày, một Phật tử lớn tuổi ở núi Dinh nay đã qua đời. Nếu có sự sai sót nhầm lẫn về việc ghi tên tuổi, Ni Sư Trưởng Huệ Giác hiện trụ trì Quan Âm Tu Viện sẽ cho tu chỉnh lại bia tháp ở chùa Hang Tổ núi Dinh đúng chính danh là của Hòa Thượng Long Cốc (Thiền Sư Ngộ Chân) vào dịp chùa Hang Tổ xây dựng mới sắp sữa hoàn thành.

Thiết nghĩ không những Tỳ kheo ni Minh Tùng trụ trì chùa Long Cốc phường Long Hương thị xã Bà Rịa mà cả những người làm công tác nghiên cứu sử học cũng rất hân hoan với tinh thần trách nhiệm của Ni Sư Trưởng Huệ Giác và Hòa Thượng Giác Quang ở Quan Âm Tu Viện Cầu Hang Biên Hòa.

Hoàng Thái Phượng

(7/8/2010)

(theo góp ý của Cụ Đinh Hữu Chí, Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác, người chịu trách nhiệm trùng tu chùa Hang Tổ đã cho điều chỉnh lại vào ngày húy kỵ Tổ sư khai sơn 30/11/Canh dần (2011).



Có phản hồi đến “Mộ Tháp Hòa Thượng Long Cốc - Thiền Sư Ngộ Chân”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com