Những ngôi chùa sừng sững, uy nghiêm trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam, mà còn là "điểm tựa tâm linh" của các chiến sĩ và nhân dân.

Cầu mong quốc thái dân an

Chùa Song Tử Tây tọa lạc trên đảo Song Tử Tây (hòn đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa) hiện là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa. Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, với tam quan hai tầng, tám mái; chính điện ba gian, hai chái; có tả hữu vu và hệ thống sân vườn… Kiến trúc của chùa cùng với ngọn hải đăng và tượng đài Trần Hưng Đạo trên đảo đã tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo của hòn đảo Song Tử Tây.

Ngôi chính điện của chùa hướng về Thủ đô Hà Nội. Các hoành phi, câu đối bên trong đều được sơn son thếp vàng và viết bằng chữ quốc ngữ. Nội dung đều thể hiện khát vọng hòa bình của người Việt. Bức hoành phi chính giữa tam bảo đề bốn chữ: “Vạn đức từ tôn”.

Mỗi đoàn khách khi đặt chân đến Song Tử Tây bao giờ, điểm đến đầu tiên cũng là ngôi chùa trên đảo. Thông thường, phật tử, người dân đi chùa để thắp nén nhang thơm, cầu mong cuộc sống bình an, gia đình yên ấm. Nhưng khi đến với các chùa tại Trường Sa nói chung, trong đó có chùa Song Tử Tây thì có phần đặc biệt hơn một chút. Khi ấy sẽ là cầu mong cho quốc thái dân an, chủ quyền dân tộc Việt đời đời bền vững.

Các sư thầy trụ trì tại các chùa cũng vậy. Họ đã không quản ngại nắng mưa, gió bão để ra đảo, cầu nguyện cho một thế giới hòa bình, an lạc, không còn chiến tranh, thù hận. “Quốc thái dân an”, câu nói đấy chính là sợi dây kết nối giữa đạo với đời của Phật giáo cũng như dân tộc Việt Nam. Khi ra đảo để tu hành, các vị hòa thượng, chư tăng đã xác định trách nhiệm của mình là giúp các phật tử cùng hướng về đạo, đồng thời ngày ngày cầu nguyện cho hương linh những anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh để gìn giữ biển đảo.

Dưới bóng mát của mái chùa Song Tử Tây và những cây phong ba đã nhiều năm tuổi, sư thầy Thích Nguyên Thành (ra trụ trì từ tháng 10/2014) đã chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện về nhân sinh thế sự. “Tại sao đây đó vẫn có chuyện người dân chen lấn, cãi vã khi đi lễ chùa? Tại sao nhiều người đến chùa lại chỉ cầu lấy tài lộc, tiền tài địa vị? Tại sao một số chùa cũng chạy theo xu thế thị trường, cốt xây chùa to chùa đẹp để thu hút thêm nhiều tiền công đức? Đó là những câu chuyện có thật đang diễn ra hiện nay, xuất phát từ việc tâm chúng ta chưa tĩnh”, sư thầy Thích Nguyên Thành giảng.

Sư thầy Thích Nguyên Thành ví cuộc sống như những con sóng ngoài bể Đông. Có lúc sóng lớn dữ dội, có lúc lại rất dịu êm, cũng như cuộc đời con người, có lúc thăng lúc trầm. Đến lễ chùa cốt để giữ được cái tâm mình thật tĩnh, thật yên giữa mọi sóng gió biến động của cuộc đời. Quả thực, khi đến với chùa Song Tử Tây, người ta dễ dàng cảm nhận được sự yên bình, bỏ qua mọi tham sân si, bon chen đời thường. Con người cũng nhìn nhau thân ái hơn, từ bi hỷ xả hơn. Nhân cuộc gặp gỡ, sư thầy tặng tôi chữ “Ngộ” do chính sư thầy viết viết, được viết trên một viên đá hình con cá La Hán. Đây là điều may mắn. Món quà đặc biệt này là một trong những kỉ niệm không thể nào quên của tôi khi đến Trường Sa.

Ấm lòng nơi đảo xa

Đến thăm chùa Song Tử Tây, chúng tôi gặp gia đình anh Đoàn Duy Kiệt và chị Phạm Bích Luyện, một hộ dân trên đảo Song Tử Tây ra thắp hương tại chùa và chào sư thầy trước khi theo tàu về quê đón Tết. Anh chị đã có hai cháu nhỏ, trong đó cháu thứ hai được sinh tại đảo này. Ngày rằm, mùng một hàng tháng, anh chị cùng các gia đình khác đều đến lễ chùa, nghe thầy giảng đạo. Hàng ngày, tiếng mõ tụng kinh, tiếng chuông chùa văng vẳng đã giúp người dân trên đảo cảm thấy ấm lòng và gần gũi hơn với đất liền.

Cùng với hộ gia đình anh Kiệt, chị Luyện, nhiều chiến sĩ hết thời gian công tác trên đảo cũng đến từ biệt nhà chùa. Bên bàn tiếp khách, sư thầy Thích Nguyên Thành viết tặng những lời chúc Tết lên một quyển lịch tường cho một sĩ quan chuẩn bị chia tay đảo để về đất liền. Những lời chúc tại Trường Sa là dành cho gia đình bố mẹ, mong bình an, yên ấm. Trên bàn uống nước, những viên đá san hô do sư thầy nhặt tại bờ biển được sắp xếp, trang trí thành một hòn non bộ. Trên đó, sư thầy viết những chữ Nhân, Ái… Khách đến thăm chùa không khỏi ấn tượng về hòn non bộ này. Nhiều người còn được sư thầy viết tặng một vài chữ làm kỉ niệm mang về đất liền.

Cũng trong khuôn viên chùa Song Tử Tây, có một cây đa được chiết từ cây đa Tân Trào do tỉnh Tuyên Quang trao tặng nhà chùa. Ngày ngày sư thầy và các chiến sĩ trên đảo chăm sóc, vài ba năm nữa sẽ che bóng mát, tạo thêm sự uy nghiêm cho ngôi chùa. Hiện nay, quanh chùa đã được trồng những cây tra, cây phong ba xanh mát. Nhiều hạng mục khác cũng sẽ tiếp tục được xây dựng để chùa ngày càng khang trang hơn, làm điểm tựa vững chắc cho chiến sĩ, người dân trên đảo.

Tạm biệt đảo! Song Tử Tây cứ lùi xa dần phía sau con tàu chúng tôi nhưng vẫn thấp thoáng mái chùa cong cong của người Việt giữa biển xanh. Từ đây, tiếng chuông chùa ngân vang mãi giữa biển trời của người dân đất Việt.

Quần đảo Trường Sa từ xa xưa đã có những am miếu, do ngư dân người Việt xây dựng, để cầu Trời khấn Phật phù hộ, độ trì cho những chuyến đi biển được bình yên, bội thu hải sản. Trên nền tảng đó, các chùa Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Nam Yết… đã được định hình, phát triển, trở thành những “cột mốc văn hóa” quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(Theo Báo Tin Tức)




Có phản hồi đến “Vang Tiếng Chuông Chùa Giữa Biển Đông Ngày Giáp Tết”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com