Tại sao phải đi tu?

“Tại sao phải đi tu? Ở nhà cũng giúp đời vậy, giúp cho biết bao nhiêu thế hệ học sinh. Tại sao lại bỏ sự nghiệp giáo dục của mình mà đi tu?”

Tôi đi tu bạn tôi buồn lắm và đặt ra những vấn đề như thế. Tôi trả lời: “Tôi đâu có bỏ sự nghiệp giáo dục của mình, tôi vẫn đang tiếp tục sự nghiệp ấy cơ mà. Giáo dục đâu chỉ giới hạn nơi trường lớp, nơi thầy cô giáo; giáo dục có mặt khắp nơi: gia đình, học đường, xã hội… Ở nơi đâu có con người thì nơi ấy có giáo dục”.

Lúc nhỏ tôi thường hay đến chùa, một ngôi chùa làng ở miền quê yên tĩnh và tôi rất thích. Tôi dường như bị hấp dẫn, bị thần tượng bởi vị Thầy ở ngôi chùa làng ấy. Tôi thường tự hỏi: Tại sao có những điều người khác khuyên, tôi không nghe, mà vị Thầy này khuyên tôi lại nghe? Tại sao có những điều người khác nói tôi không thỏa mãn, không bằng lòng mà vị Thầy này chỉ nói vài lời đơn giản mà tôi lại hài lòng và thấy thỏa mãn? Từ từ tôi khám phá ra là vị Thầy ấy có một cách giáo dục rất khác với những người khác, khác với ba mẹ tôi, khác với các thầy cô giáo ở trường. Và rồi từ từ tôi đã khám phá ra đó chính là con đường giáo dục của Phật. Thế là tôi muốn đi tu, đi tu để tiếp tục sự nghiệp giáo dục của mình. Một đường hướng giáo dục hiểu mình thương mình, hiểu người thương người, nhằm chuyển hóa khổ đau, đem lại hạnh phúc cho mình, cho người. Một phương hướng giáo dục làm lành mạnh hóa thân tâm mình, làm lành mạnh hóa thân tâm người.

Thở và Cười

Tôi đi học và lớn lên làm cô giáo, cắp giáo án đến trường với một bầu nhiệt huyết tràn đầy. Tôi yêu học sinh và học sinh cũng yêu tôi. Nhưng rồi một năm đi qua, cái tình yêu trong tôi và trong các em bỗng trở nên nhạt dần. Tôi rất nghiêm khắc, vì tôi nghĩ như thế thì học sinh sẽ nghe lời mình, mình đỡ phải tốn sức, hao hơi. Nhưng đó là điều sai lầm đầu tiên của tôi khi bước lên bục giảng. Cả hai, tôi và các em học sinh, đều trở nên căng thẳng và mệt mỏi. Thế là tôi thay đổi phương cách dạy học. Không quá nghiêm khắc, chỉ nhẹ nhàng, ân cần chia sẻ. Dần dần tôi lấy lại được sinh khí. Tôi yêu học sinh và học sinh cũng lại yêu tôi. Có vài lần các em bảo sao cô dạy anh văn mà giống như dạy đạo đức vậy. Tôi mỉm cười và thấy vui vui. Tôi đã chịu ảnh hưởng của vị Thầy kia.

Cũng từ vị Thầy ấy tôi học được pháp môn thở và cười. Tôi ý thức về hơi thở vào – ra của mình, tập mỉm cười với chính mình và với những người chung quanh. Tôi thấy người nhẹ nhàng hơn, bình an hơn và muốn trao truyền những điều ấy cho học sinh. Nhưng làm cách nào? Một tiết học chỉ có 45 phút làm sao có thể vừa trao truyền kiến thức cho các em lại vừa chia sẻ cách sống cho các em. Đối với tôi giáo dục không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn trao truyền vốn sống cho các em nữa. Trao truyền một nếp sống đạo đức, một nếp sống lành mạnh, có nhiều hạnh phúc, nhiều bình an cho các em. Khi mình có những thao thức và muốn làm thì tự khắc mình sẽ làm được.

Lớp học từ từ có nhiều sinh khí. Có những em học sinh từ trung bình yếu, lên đến trung bình, rồi đến khá, rồi đến khá giỏi. Có lần một em học sinh tâm sự: “Cô biết không, hình ảnh đi vào em nhiều nhất, đó là vào một buổi chiều trời mưa, lớp đang làm bài kiểm tra một tiết. Cuối giờ cô thâu bài, một vài bạn không chịu nộp bài mà ngồi viết ráng. Cô chào lớp đi ra. Các bạn chạy theo nộp bài, cô không la rầy mà vẫn nhận bài từ các bạn và an nhiên bước từng bước nhẹ nhàng đi dưới cơn mưa. Cái hình ảnh đó làm em rất thích, từ đó em thích đến giờ cô và em thích học môn này, mà trước đó, vì mất căn bản nên em đã không muốn học”. Nghe em kể tôi giật mình. Hóa ra những gì mình làm tuy đơn sơ mà đã có ảnh hưởng đến học sinh như vậy! Có thể một vài thầy cô giáo cho tôi là không có kỷ luật, không nghiêm khắc đủ với học sinh. Nhưng vấn đề giáo dục không phải là kỷ luật hay nghiêm khắc, mà là đi vào lòng người. Kỷ luật không phải là thượng sách trong vấn đề giáo dục.

Hồi đó tôi cũng thực tập theo dõi hơi thở và bước chân của mình. Từ văn phòng đến lớp học tôi cũng tập đi như thế. Tôi mượn tiếng trống trường để nhắc mình trở về theo dõi hơi thở. Tất nhiên là tôi không dừng bước giữa sân trường, hay ngưng bặt những gì tôi đang nói mỗi khi tiếng trống được thỉnh lên như bây giờ tôi đang ở tu viện, vì tôi không muốn mình lập dị. Tôi chỉ tập trở về, ý thức những gì tôi đang làm, đang nói…

Chuyển hóa khó khăn

Có lần các em viết những lời không dễ thương để chế nhạo tôi trên cánh cửa phòng học. Bước vào lớp, nhìn thấy dòng chữ đó tôi hơi giận, nhưng cũng trở về theo dõi hơi thở, ý thức những gì đang xảy ra trong thân tâm mình rồi từ từ lấy tay đẩy nhẹ cánh cửa như không hay biết điều gì. Lần thứ hai bước vào lớp cũng tiếp tục như vậy, tôi giận quá nhưng cũng tập thở. Và lần thứ ba thì dòng chữ biến mất. Sự thực tập của tôi là mỗi khi giận tôi tập không nói gì cả, cũng không phản ứng, chỉ trở về theo dõi hơi thở của mình và tập mỉm cười.

Một lần khác bước vào lớp, các em học sinh đứng dậy chào tôi rất nghiêm túc, chỉ riêng một em vẫn đội mũ đứng nghênh nghênh. Thoạt đầu tôi hơi bực mình. Tôi biết em đang cố tình làm như thế. Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng trong lòng em đang có vấn đề, có thể em vừa mới bị một thầy giáo, cô giáo nào đó la mắng ở tiết học trước. Tôi cho lớp học ngồi xuống và từ từ đi xuống chỗ ngồi của em và nói nhỏ: “Em bỏ mũ xuống đi em”. Em mỉm cười và từ từ lấy chiếc mũ ra. Khuôn mặt của em thay đổi. Tôi thấy vui vui. Tôi biết lúc đó em đang bất cần. Một người bất cần thì họ không còn sợ gì cả; không sợ bị chê trách, không sợ bị la mắng, không sợ bị trừng phạt… thậm chí ngay cả cái chết người đó cũng còn không sợ nữa huống là… Vì thế đừng bao giờ tưới tẩm những hạt giống bất cần trong lòng người khác. Nếu có ai đó bất cần thì mình hãy nên nhượng bộ một bước, như thế thì mình mới có thể giúp người đó được.

Có lần các em ồn quá, nói nhiều lần không nghe, tôi tức mình đập bàn một cái “rầm”, thật lớn. Cả lớp giật mình im phăng phắc, không một tiếng xì xào, không một em nào dám quay qua quay lại. Im lặng đến hết giờ học. Tuy các em ngoan như thế nhưng tôi đã không hài lòng với chính tôi. Tôi thấy đó là một thất bại của mình vì tôi đã gieo vào các em hạt giống không tốt, hạt giống của giận hờn, hạt giống của bạo động, không đúng với đường hướng giáo dục mà tôi mong muốn.

Tôi thích nhìn mọi người bằng con mắt mới, con mắt của hiện tại. Dù hôm qua người đó có như thế nào, có những lỗi lầm vụng về nào thì hôm nay người đó đã có thể thay đổi. Tôi tin vào sự chuyển hóa của mọi người. Ngày xưa lúc tôi đi dạy nếu tôi có cái nhìn như thế này thì chắc tôi sẽ giúp cho học sinh nhiều lắm. Nếu mình có niềm tin nơi một ai thì mình sẽ giúp cho người đó lớn lên rất nhiều.

Một em học sinh dù có ngỗ nghịch đến đâu thì trong lòng các em vẫn có những hạt giống lành, hạt giống đẹp. Dù em có hư đốn đến đâu, dù gia đình ruồng bỏ em, học đường ruồng bỏ em, xã hội ruồng bỏ em… thì trong lòng em vẫn có một vùng trời đầy thương yêu và hướng thượng. Hãy giúp đỡ em, đừng đẩy em vào con đường cùng. Các em như thế nào, xã hội như thế nào là tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Chỉ cần chúng ta thở những hơi thở nhẹ nhàng và có ý thức, bước được những bước chân ung dung, thảnh thơi thì ta có thể làm được điều đó. Hãy mỉm cười với những gì đang xảy ra chung quanh mình, cuộc sống sẽ đổi thay! Ngài Vô Não đã từng giết 99 người nhưng khi được Phật độ thì Ngài vẫn tu hành đàng hoàng và vẫn chứng thánh quả. Chỉ cần quay đầu trở lại thì mọi cái trở nên tốt đẹp.

Tôi thấy thầy cô giáo nuôi dưỡng học trò nhiều lắm. Tôi nhớ ngày đầu tiên bước lên bục giảng tôi cảm thấy lúng túng không biết phải dạy những gì, mặc dù giáo án đã chuẩn bị đầy đủ. Nhưng nhờ hình ảnh của những người thầy giáo năm xưa mà tôi thấy tự tin hơn. Tôi nhớ lại những gì thầy cô mang đến cho tôi, những ấn tượng tốt tôi có về thầy cô giáo của tôi… và tôi cũng muốn làm như thế với các em học sinh. Còn những gì tôi không muốn, không thích thì tôi cố gắng không lặp lại những điều ấy với các em.

Chăm sóc chính mình

Đi tu, tôi có nhiều cơ hội để học hỏi và thực tập. Tôi tập đi, tập thở, tập cười, tập tha thứ, tập thương yêu. Tôi tập nhìn những lỗi lầm của mình để học bài học cảm thông và tha thứ. Tập nhìn những khó khăn của mình để học hiểu, học thương. Tập nhìn ngắm thiên nhiên để biết yêu thương và trân quý cuộc sống. Tập nhìn những hạt giống lành, hạt giống thiện của mình để nuôi lớn hạnh phúc. Tôi thấy lòng mình mỗi ngày mỗi rộng mở hơn. Tôi thấy mình may mắn được tắm mình trong nếp sống đẹp và lành. Bỗng dưng tôi thấy con đường mình đi ngày một sáng hơn, con đường giáo dục ngày một rõ ràng hơn. Không phải tôi thấy bằng khối óc mà thấy bằng con tim và kinh nghiệm của chính mình. Nếu mình không tự chăm sóc cho chính mình thì mình khó chăm sóc cho người khác, dù thiện chí của mình có đó, dù nhiệt huyết của mình có đó. Vì thế mình phải chăm sóc cho mình, đừng để rơi vào tình trạng mỏi mệt.

Đôi khi trong cuộc sống, mình có những khó khăn, những bực dọc từ phía gia đình hay bản thân và không biết đổ lên ai thế là đến trường mình đổ lên học sinh. Thật đáng thương, dù điều đó mình chẳng bao giờ muốn làm hay mình chẳng cố ý làm. Điều đó cũng không đáng trách, chỉ vì mình không biết chăm sóc nỗi buồn, cơn giận của mình mà thôi. Cũng giống như các em học sinh không thuộc bài, hay ngỗ nghịch… là tại vì ở gia đình có thể các em không có đủ hạnh phúc, không được cha mẹ quan tâm và chăm sóc. Gia đình là chiếc nôi của xã hội, vì thế mình cần xây dựng một nếp sống gia đình cho có hạnh phúc, hòa thuận, tin yêu…

Tôi có một đứa cháu nhỏ cũng thích đi chùa. Đến chùa cháu cũng được nghe Thầy dạy ăn cơm là chỉ ăn cơm thôi không nên vừa ăn cơm, vừa đọc sách hay vừa xem ti vi… Chỉ để ý đến thức ăn và ý thức những người trong gia đình mình để trân quý nhau. Một bữa đó anh chị tôi đang vừa ăn cơm vừa xem ti vi, cháu bảo: “ăn cơm chánh niệm mà vừa ăn vừa xem ti-vi à?” Thế là anh chị tôi phải tắt ti-vi. Bố mẹ đôi lúc phải nghe lời con cái nếu như con mình nói đúng và làm đúng. Đôi lúc bố mẹ phải xem con mình như một người bạn đồng hành. Có như thế thì con mình mới trưởng thành được. Nếu chúng ta làm được thì chúng ta sẽ có kinh nghiệm để giúp cho các em. Vì vậy mình phải biết chăm sóc những cảm xúc, cảm thọ của mình, chuyển hóa những khó khăn và nuôi dưỡng hạnh phúc cho chính mình để khi đến lớp mình có nhiều niềm vui, nhiều tươi mát hiến tặng cho các em, ngoài những kiến thức mà chúng ta phải trao truyền.

 Dù cuộc sống có bận rộn cách mấy thì mình cũng nên để thì giờ nghỉ ngơi và chăm sóc cho chính mình. Khi có nhiều niềm vui và hạnh phúc thì mình sẽ dễ tha thứ, dễ bao dung, dễ chấp nhận, dễ thương yêu. Tại sao nhà vua có lệnh ân xá, đó là những lúc vua có những niềm vui lớn, như sinh ra một hoàng tử chẳng hạn… vua sẽ giảm án tù nhân, mở kho phát lương thực và phẩm vật cho dân… Đôi khi mình nghĩ mình nghiêm khắc thì con cái sẽ nghe lời mình, học sinh sẽ nghe lời mình, nhưng đó là một quan niệm không chính xác lắm… Đó là một sự thất bại của tôi trong năm đầu làm nghề dạy học.

Có chắc không?

Thường những khó khăn, khổ đau, và đổ vỡ đến là do những thành kiến, những nghi ngờ, những ý tưởng sai lầm của mình. Có câu chuyện của một anh chàng bị bệnh tâm thần. Bác sĩ đã ân cần hỏi han, chăm sóc và cuối cùng khám phá ra anh này có bệnh hoang tưởng: anh tưởng mình là hạt bắp, vì vậy anh rất sợ con gà. Mỗi khi gặp con gà là anh la toáng lên và bỏ chạy, vì sợ con gà sẽ mổ anh. Bác sĩ biết được điều đó nên khuyên: “Anh thấy không, anh là một con người như chúng tôi, anh không phải là hạt bắp và anh không cần sợ con gà”; và bác sĩ bắt anh mỗi ngày phải lặp đi lặp lại câu nói: tôi là con người, tôi không phải là hạt bắp. Ngày nào anh ta cũng lặp đi lặp lại câu nói đó: “Tôi là con người, tôi không phải là hạt bắp; tôi là con người, tôi không phải là hạt bắp”. Ngày ngày qua, tình trạng của anh càng ngày càng khá hơn. Và đến một ngày nọ, bác sĩ làm giấy tờ cho anh xuất viện. Trước khi xuất viện, bác sĩ đi dạo với anh để dặn dò đôi điều trước khi về nhà. Đang đi, bất chợt anh ta la lên và bỏ chạy. Bác sĩ không hiểu tại sao. Nhìn qua bên kia thấy xuất hiện một con gà, bác sĩ hơi bực mình nhưng cũng ráng thở và cười, nhẹ nhàng đến bên anh và hỏi: “Tại sao thấy con gà anh lại bỏ chạy, vậy anh là ai?” Anh bệnh nhân trả lời: “Tôi là con người, tôi không phải là hạt bắp. Tôi biết rất rõ tôi là con người, nhưng có chắc là con gà nó biết điều đó không? Rất có thể nó tưởng tôi là hạt bắp…”

Trong chúng ta ai không là anh chàng bệnh nhân đó? Nhiều khi, người ta chẳng nghĩ tưởng gì về mình cả, nhưng mình cứ tưởng giùm cho người ta, mình vẽ vời ra đủ thứ chuyện, nào là người đó nghĩ mình như thế này như thế nọ, người đó nói mình như thế này như thế kia và rồi tự mình làm khổ chính mình. Vì vậy mỗi khi có một nghi ngờ, một ý tưởng nào đó khởi lên trong tôi, tôi thường tự hỏi: “có chắc không?” rồi thực tập theo dõi hơi thở, mỉm cười và buông bỏ nó.

Nuôi lớn hạnh phúc

Hơi thở có ý thức giúp làm vơi nỗi khổ, tăng hạnh phúc của mình. Hơi thở là sự sống của chính mình. Thế nhưng nhiều lúc mình đã lãng quên nó. Mình xem thường những cái đơn sơ, bỏ quên những điều bình thường và đi tìm những cái cao xa hơn, phức tạp hơn. Nhưng hạnh phúc lại đến từ những cái giản đơn và bình dị ấy. Lúc tôi còn là một học sinh tôi cũng có những tập khí đó. Những bài toán nào dễ nhất là những bài toán tôi thường hay làm sai nhất, bởi vì tôi đã xem thường nó. Khi thầy giáo phát bài, thấy điểm của mình không như mình mong muốn, tôi cảm thấy buồn và tự nhủ: Giá như mình cẩn thận hơn một tí, giá như mình đừng xem thường những cái giản đơn! Tôi lấy đó làm bài học cho chính mình. Nếu tôi biết trân quý những cái đơn giản thì nó đem lại cho tôi hạnh phúc lớn. Một hạt sương, một ngọn cỏ, một ánh trăng, hay một vì sao cũng có thể đem lại cho mình nhiều hạnh phúc. Nếu mình tập nhìn mọi vật và mỉm cười với chúng, mình sẽ thấy cuộc đời rất mầu nhiệm, hạnh phúc rất đơn sơ nhưng lớn lao vô ngần. Chẳng cần đợi đến tương lai, ngay trong giây phút đó mình đã thấy bình an rồi.

Người tu thật giàu có. Chúng tôi không có nhiều tiền bạc, không có nhiều xe cộ, không có nhà cao cửa lớn nhưng cái gì cũng có thể đem lại hạnh phúc cho chúng tôi. Một tia nắng, một viên sỏi, một chiếc lá thu rơi… tất cả những thứ ấy đều là của thiên nhiên, của đất trời, thế mà người tu biết biến chúng thành gia sản bồi đắp hạnh phúc cho chính mình. Đó là nhờ chúng tôi biết trở về với hơi thở nhẹ và sâu, với từng bước chân ung dung, nhẹ nhàng, biết mỉm cười với những gì đang xảy ra chung quanh mình, và biết trân quý chúng…

Tập dừng lại

Một phương pháp nữa mà tôi học được là tập dừng lại. Hơi thở và bước chân có ý thức đều là những cơ hội để thực tập dừng lại. Rồi một ngày nào đó, mình sẽ thấy mình mỉm cười được trong lúc mình đang giận, mình mỉm cười được và nói được những lời thương yêu với những người gây khó khăn cho mình. Khi tôi nghe tiếng trống, tôi quay trở về theo dõi hơi thở và ý thức những gì mình đang làm, đang nói… cũng là một cách để dừng lại. Dừng lại để thấy rõ thân tâm mình, thấy rõ những gì chưa đẹp, chưa lành để chuyển hóa; và thấy những cái hay cái đẹp để làm lớn mạnh và tăng trưởng. Ở chùa tôi có tiếng chuông, mỗi lần nghe chuông chúng tôi đều dừng lại, dừng lại mọi suy nghĩ, mọi nói năng, mọi hành động, chỉ trở về theo dõi hơi thở, theo dõi thân tâm mình… Trong cuộc sống đôi khi chúng ta quá bận rộn, chạy theo hết cái này đến cái khác. Mình nghĩ mình làm xong cái này thì mình được nghỉ ngơi, mình được tự do, được thảnh thơi. Nhưng kỳ thực hết chuyện này lại đến chuyện khác. Và rốt cuộc thì chẳng bao giờ chúng ta được nghỉ ngơi cả. Mình đi tìm những cái xa vời, đến một lúc nào đó mình cảm thấy mệt nhoài bên đống gia tài của mình và mình không còn sức nữa để thừa hưởng. Chung quanh mình có rất nhiều châu báu mà mình lại bỏ quên, đó là gia tài quý báu mà đất trời ban tặng: một bầu trời đầy sao, một ánh trăng trong, một con đường làng, một con suối róc rách, một ngọn đồi thoai thoải… Nếu mình có khả năng dừng lại, dừng những lo toan, tính toán, những trách móc muộn phiền… thì mình sẽ thưởng thức được.

“Đôi khi ta muốn em dừng lại

Để em yêu cuộc sống quanh mình”

Biết dừng lại thì cuộc sống của mình mới thực sự giàu có và phong phú. Nếu mình không có tiếng chuông, mình có thể mượn bất cứ một âm thanh nào như tiếng trống trường, tiếng chuông nhà thờ, tiếng xe cộ… và mình ký một hiệp ước với nó. Mỗi khi nghe những âm thanh ấy thì mình trở về theo dõi hơi thở… Hình ảnh cũng có thể giúp mình để trở về như khi mình tưới chậu hoa, hay ngắm ánh trăng…, tất cả các thứ ấy đều là những cơ hội để ta thực tập trở về. Miễn là mình có chịu cam kết làm hay không mà thôi. Tương lai của chúng ta nằm nơi mỗi chúng ta. Dù chúng ta là thầy cô giáo hay học sinh, chúng ta đều có thể làm được điều này. Mà đâu phải chỉ có thầy cô giáo mới làm được. Bất cứ ai muốn sống một nếp sống đẹp, lành, một nếp sống biết hiểu, biết thương, có nhiều hạnh phúc đều có thể làm được điều này. Giáo dục không hạn cuộc bất cứ nơi đâu, bất cứ người nào mà!

Ngoài kia trăng vẫn sáng, trời đầy sao, tôi ngồi một mình lắng nghe tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ thấy lòng thật bình yên và sâu lắng. Tôi nghĩ đến mọi người và muốn gửi những giây phút bình yên này đến cho tất cả.

Chân Hội Nghiêm



Có phản hồi đến “Khi Cô Giáo Xuất Gia”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com