Trong cuộc sống có biết bao trở ngại, ngăn trở chúng ta thực hiện một dự định gì đó. Có những điều tưởng chừng như vô lí nhưng đã mặc nhiên chấp nhận trong hành trình tìm kiếm một chút niềm vui trong cuộc sống. Có lẽ sẽ dễ chịu hơn khi những việc mình làm đạt được như những gì mình mong muốn, chẳng ai dại gì rước thất bại vào cho mình cả. Từ đó, ta sẽ có cái nhìn cảm thông hơn, và dang tay nâng đỡ những lầm lỗi mà bất cứ ai sai phạm, ngay cả bản thân mình cũng không nên khắt khe. Mỗi sai lầm đều có cái giá của nó, nhưng qua sai lầm, thất bại sẽ làm chúng ta trưởng thành hơn.

Trong cuộc sống hiện nay, con người dường như luôn đố kị nhau, luôn có cái nhìn xét nét, không tin tưởng lẫn nhau. Đó là hệ quả tất yếu của một xã hội phát triển. Nếu xét cho kĩ, cũng do tâm ích kỉ cả. Nói như thế không có nghĩa là cuộc sống bản chất vốn dĩ như thế và không thể không chuyển dịch được. Thử nghĩ, chúng ta sẽ cô đơn biết chừng nào khi quanh ta không một ai? Chúng ta sẽ như thế nào khi một mình trên cõi thế gian này? Cuộc sống có mối tương quan của nó, không thể có được cái này nếu thiếu vắng cái kia, nói theo nhà Phật thì đó là nhân duyên, là duyên khởi. Khi chúng ta buồn thì chỉ buồn một mình, khi chúng ta vui thì thấy ai cũng vui. Khi buồn là lúc tâm hồn một người đang cần một tâm hồn khác an ủi và chia sẻ. Giải bày là một nhu cầu rất cần thiết trong cuộc sống của con người, nhất là cuộc sống ngày nay, một cuộc sống được viện dẫn là hiện đại, văn minh… mà sao ai nấy cũng sống trong lo âu, buồn giận. Con người hiện đại thường bị stress, luôn căng thẳng, lòng người không còn chỗ cho tình thương nẩy mầm, không còn chỗ cho gia đình khác tồn tại. Thiết nghĩ, nếu không có mọi người gia đình chúng ta sẽ sống với ai. Điều cốt yếu trong cuộc sống là tình người mà cấp độ dễ dàng nhận biết nhất chính là sự quan tâm lẫn nhau.

Tình người không cần định nghĩa, không cần một loại lí luận nào phân tích, mổ xẻ; nó cũng giống như Phật tánh của chúng sanh luôn sẵn có trong mỗi con người, nhưng mấy ai chịu đem nó ra trang trải với cuộc đời. Họ bảo thủ trong khuôn khổ gia đình, nhưng cũng chưa hoàn toàn hiểu hết giá trị của tình thương ấy; nhiều gia đình buông thả con cái, không quan tâm đến cuộc sống của nó như thế nào và hậu quả là xã hội phải oằn lưng gánh vác trách nhiệm giáo dục. Thật ra, quan tâm đến nhau là biểu hiện của tình người, vui với niềm vui của mọi người, đau buồn với những mất mác của đồng loại. Tại sao chúng ta không một lần dang tay cứu giúp một tâm hồn đang bị sa đọa thay vì xa lánh, mắng nhiếc nó. Thử một lần bị sa đọa mới thấy giá trị của lòng thương, sự quan tâm giữa con người với con người. Ở đây tình thương biểu hiện qua những cử chỉ nhỏ nhặt như một anh mắt, một nụ cười, một cánh tay dang ra…

Tinh thần từ bi của đạo Phật không xa xôi, dịu vợi như mọi người từng nghĩ, không phải giáo điều chỉ gói gọn trong phạm vi của những bậc tu hành. Tinh thần từ bi được hiểu theo ngôn ngữ dân gian đời thường chính là lòng người. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, quan trọng là chúng ta vận dụng như thế nào để ngôn ngữ ấy có giá trị trong thực tiễn của cuộc sống bằng hành động cụ thể. Quan tâm đến nhau để tâm hồn được ấm áp, để tin tưởng rằng cuộc sống này vẫn còn những giá trị nhân bản.

Trên hành trình của một đời người bất chợt nhìn lại những mất mát đau thương của bản thân, nhân rộng những đau thương ấy để thấy mọi người và ta cũng vì những thứ ấy mà khổ đau. Như thế rất cần sự ấm áp của tình thương của mọi người cho nhau. Đức Phật cũng từng dạy: “Không có giai cấp trong mỗi chúng sanh khi mà nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ”, chúng ta hãy phát huy những lời dạy của Ngài ngay trong cuộc sống thực tại này, áp dụng vào những sinh hoạt thường nhật để thấy từ lí thuyết đến thực hành không còn dịu vợi xa xôi nữa.

Trúc Lam



Có phản hồi đến “Hãy Mở Rộng Tình Thương”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com