Ngày mùng một Tết, người Phật Tử ngoài việc đón giao thừa, mừng xuân theo phong tục, còn rước lễ chào mừng một đấng Từ Tôn với sắc mặt tươi cười đầy hoan hỷ, tượng trưng cho “Từ, Bi, Hỷ, Xả” của Đạo Phật, đó là Đức Di Lặc Từ Tôn. Ngày vui vẻ của dân tộc Việt Nam, cũng như người Phật Tử, chính là ngày mùng một tết, ngày vía Đức Di Lặc .

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thể theo bổn nguyện hiện thân cõi ta bà, trong khoảng 49 năm tùy cơ thuyết giáo. Do nhơn duyên có hạn, cơ cảm có thời, bấy giờ ngài trở về Ta la song thọ là nhập Niết bàn. Nối sau Phật Thích Ca có ngài Di Lặc là một vị Phật bổ xứ, sẽ hiện thân thế giới ta bà giáo hóa chúng sanh.

Di Lặc là tiếng Phạn, Tàu dịch là Từ Thị hay Từ Tôn. Người tu tâm đại từ, ấy là hiệu của Ngài. Tiếng Phạn gọi là A Dật Đa, Tài dịch Vô Năng Thắng, không ai hơn ai đó là tôn hiệu của Ngài (kinh Di Lặc hạ sanh, trang 46).

Nói đến Di Lặc, thấy lòng ta vui vẻ, vì tâm ta tưởng tượng đến hình bóng của Ngài to mập, ngổi chiễm chệ, hai tay chống ngữa về phía sau, bụng lớn phình về phía trước, khuôn mặt nở nang đầy đặn, miệng tươi cười mở rộng, má lúm đồng tiền, tỏ vẻ khoan hòa thương yêu hết thảy muôn loài.

Trong bộ “Song Lâm Phó đại Sĩ ngữ lục hành thế” nói : “về đời Ngũ Quý bên Trung Hoa, ở đất Minh Ba, huyện Phụng Hóa (Châu Minh) có một vị Hòa Thượng lùn béo, bụng to da đen, vẻ mặt nhân từ, thường dùng một cây gậy quảy một túi vải, trong đựng bình bát, hành cước từ thôn quê đến thành thị, khất thực, ai cho bất kỳ vật thực, đồ vật gì cũng đều đưa vào trong túi vải, thấy vậy người đời thường gọi là “Bố Đại Hòa Thượng”.

“Bố Đại Hòa Thượng” còn làm nhiều điều lạ thường, người nào được Ông nhận quà cúng dường. Thì người ấy làm ăn phát đạt, may mắn. Gia đình nào được Ông quang lâm đến thì gia đình ấy là ăn thịnh vượng, trên thuận dưới hòa. Ông hay nằm đất nhưng mình không nhơ, hoặc có khi ngồi ngoài mưa, sương tuyết mà không hề ướt áo, khi đương nắng gay gắt mà Ngài bỏ dép guốc thì trời đổ mưa, khi đang mưa mà bỏ dép guốc thì trời sắp nắng.Các vị Tăng khác ai có duyên gặp Ngài hỏi đạo, thì Ngài dạy giúp được tỏ ngộ. Đến niên hiệu Trinh Minh, mùng Ba tháng Ba, Ngài ngồi trên một tảng đá lớn sau chùa Nhạc Lâm thuyết bài kệ :

Di lặc chơn Di Lặc

Hóa thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhơn

Thời nhơn giai bất thức

Nghĩa :

Ta đây thật Di Lặc

Hóa ra ngàn vạn thân

Thường đứng trước mặt người

Mà người chẳng ai biết

Nói xong bài kệ này ngài liền thị tịch. Từ đó trở về sau người đời cảm động cùng nhau đúc tượng “Bố Đại Hòa Thượng” để thờ, gọi là tượng Phật Di Lặc

Tiền kiếp của Đức Di Lặc : Trong kinh “Bất Thực Nhục” chép rằng :”về đời quá khứ, có Phật ra đời hiệu là Phật Di Lặc, thường thể hiện lòng từ bi mà giáo hóa chúng sanh. Một hôm Ngài nói Kinh Từ tam muội quảng đại bi hải vân, lúc bấy giờ trong nước có Ông Tiên tên là Nhứt Thế Chí Quang Minh, sau khi nghe nói kinh nầy rồi thì ngài luôn luôn thọ trì và phát nguyện rằng :

Nhờ công đức nầy, đời sau tôi

Thành Phật cũng hiệu là Di Lặc

Phát nguyện xong Tiên Nhơn bỏ nhà vào núi tu hành, ít lâu sau gặp năm mất mùa, nhân dân đói thiếu, Ông khất thực không được. Lúc ấy trong rừng có hai mẹ con con thỏ, thấy Ông bảy ngày không có gì để ăn cả, sợ

Ông chết, mà giáo pháp không có ai truyền bá, nên mẹ con thỏ kia liền xả thân nhảy vào đống lửa tự thui mình cúng dường. Thọ thần thấy vậy liền đến trước Tiên nhơn bạch rằng :

“Hai mẹ con con thỏ, thấy Ngài không có món ăn, nên đã thiêu mình cúng dường, nay thịt thỏ đã chín, xin ngài nhận cho…”

Tiên Nhơn nghe Thọ thần nói như vậy, hết sức buồn thảm thương xót, Ông liền mang bổn kinh mình thường đọc tụng viết vào lá cây gần đấy và viết thêm bài kệ rằng :

Ninh đản hiện thân phá nhãn nhục

Bất nhẫn hành sát thực chúng sanh

Chư Phật sở thuyết Từ Bi kinh

Bi kinh năng thuyết hành từ giã

Ninh phá cốt thể xuất đầu não

Bất nhẫn đạm nhục, thực chúng sanh

Thử nhơn hành Từ bất mãn túc

Đương thọ đa bệnh đoàn mạng thân

Mê một sanh tử bất thành Phật

Nghĩa là : Thà tự đốt mình, đâm thủng mắt, Chẳng nỡ giết hại chúng sanh mà ăn thịt. Chư Phật đã nói kinh Từ Bi

Kinh dạy : Những người hay ăn thịt là người tu đức từ không đầy đủ, thà tự bổ đầu moi óc ra, chứ chẳng nở ăn thịt chúng sanh.

Nói kệ xong, Ong phát nguyện :

“Tôi nguyện đời đời không nghĩ tưởng sát sanh, không ăn thịt chúng sanh, cho đến khi thành Phật, sẽ chế giới đoạn nhục”.

Nguyện xong, Tiên Nhơn cũng chui vào trong đống lửa theo cùng hai mẹ con con thỏ ! Bỗng hào quang từ trong đống lửa chiếu khắp một phía trời, người đời thấy vậy theo hào quang ấy tiến đến xem thì chỉ thấy một thân người và hai con thỏ đã chết nằm trong lửa; trông xung quanh thấy trên lá cây có viết một quyển kinh và một bài kệ, họ liền bảo nhau đem về dâng cho nhà vua và tâu hết công chuyện họ vừa thấy. Vua bèn truyền một vị Đại thần đem ra tuyên đọc cho mọi người nghe. Ai nấy đều phát đạo tâm vô thượng chính đẳng, chính giác.

Khi giảng đến đây, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Ông Thức Can rằng :”Bạch thỏ vương trước kia tức là Ta ngày nay, còn thỏ con khi đó, nay là La Hầu La, vị tiên nhơn lúc ấy nay là Di Lặc Bồ tát vậy…” (kinh Di Lặc hạ sanh thành Phật, trang 50)

Đức Di Lặc có nhiều hiện thân hóa độ chúng sanh, trong đó có hai thân, một là thân ở Song Lâm thì có tên là Phó Đại Sĩ; một ở Nhạc Lâm thì có tên là “Bố Đại Hòa Thượng”. Tôn tượng thờ Đức Di Lặc Từ Tôn được người đời sau trong Đạo Phật tưởng nhớ công hạnh, tấm lòng từ cao cả, điêu khắc thờ theo hình dáng Ngài “Bố Đại Hòa Thượng”.

Hằng năm các Tự Viện cử hành lễ kỷ niệm Ngài Di Lặc Từ Tôn vào ngày mùng 01 tháng Giêng…!

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Mừng Xuân Nói Chuyện Tết Rước Vía Đức Di Lặc”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com