Từ lâu, thiền đã được xem như một phương pháp ổn định tâm lý, làm cho tâm bình khí hòa và làm lắng dịu những muộn phiền của con người mà không có phương thuốc nào có thể thay thế được
Tại một số nước có văn hóa Phật Giáo phát triển mạnh như Thái Lan và Myanmar, thiền sư và Phật tử thường tu tập trong những rừng thiền rộng lớn và biệt lập. Tại rừng thiền, họ có thể hoàn toàn tách biệt với cuộc sống bên ngoài để hòa cùng thiên nhiên, tịnh tâm hành thiền. Ở Việt Nam, mô hình thiền này cũng đang dần phát triển, điển hình là rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng, nằm giữa rừng núi bạt ngàn của đất thần kinh.
Rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng nằm ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển, tọa lạc tại núi Chằm, thôn Nham Biểu, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 17km.
Để đến được đây, du khách phải đi qua chùa Thiên Mụ rồi chạy dọc theo con đường ven sông Hương, qua Văn Thánh, Võ Thánh, qua quốc lộ 1A (ngay góc cây xăng số 24) đi thêm một chút nữa sẽ gặp cổng làng thôn Đồng Chầm. Qua cổng này chừng 200m, bên phải có một tấm biển chỉ đường vào Huyền Không Sơn Thượng
Cứ đi theo những dấu hiệu chỉ dẫn, qua khỏi một rừng thông xanh mát, là bạn đã đến Huyền Không Sơn Thượng. Đường quanh co khá khó đi, bạn nên thường xuyên hỏi đường để khỏi lạc.
Đường vào Huyền Không Sơn Thượng là những đoạn đường đất đỏ gồ ghề, dốc lên dốc xuống. Vì vậy, bạn nên tránh đi vào mùa mưa, đường đi sẽ trơn trượt lầy lội rất nguy hiểm
Đến nơi, bạn gửi xe rồi đi theo một con đường yên tĩnh đầy cây lá và hoa để vào khuôn viên chùa viện.
Đến đây, bạn hãy bỏ lại mọi u sầu phiền muộn để thả hồn vào không gian tĩnh lặng của Không Sơn Thiền Uyển với những hồ nước mênh mông phủ đầy sen súng, những chiếc cầu gỗ nhỏ bắc qua hồ cùng một Thư Pháp Am quanh năm trưng bày thư pháp.
Bao quanh hồ nước là những cây cảnh xanh tươi và một đồi thông rợp bóng mát. Hồ nước, đồi thông, cây cảnh cùng khu rừng keo 27 ha đã tạo nên một rừng thiền luôn xanh tươi và tràn đầy sức sống. Không khí ở đây luôn trong lành mát mẻ, lúc nóng nhất vào mùa hè, nhiệt độ cũng chỉ khoảng 32-330 C.
Đặc điểm sinh thái này đã thu hút nhiều loài chim chóc và thú rừng đến sinh sống tạo nên một hệ sinh vật phong phú. Bất giác, tôi cảm thấy mình như đang lạc vào một khu rừng sinh thái chứ không còn là một nơi tu tập tâm linh nữa.
Bên cạnh Không Sơn Thiền Uyển là khu vực chùa viện với những nét kiến trúc giản dị của hệ phái Phật giáo Nam Tông, chất chứa đầy hồn Việt, hồn thiền.
Chánh điện của Huyền Không Sơn Thượng là biến thể của một ngôi nhà rường Huế với mái ngói vảy cá màu gụ, hàng cột gỗ và nền nhà gạch tàu đỏ. Bên trong thờ Phật Thích Ca và hai vị đại đệ tử của ngài là Xá lợi Phất và Mục Kiền Liên. Trước chánh điện là những cặp đối thư pháp khắc chạm trên hàng cột hiên. Với tôi, đây là một ngôi chánh điện giản dị mà rất trang nghiêm, trang nghiêm mà lại rất nhẹ nhàng.
Bên phải chánh điện là Am mây tía - nơi ở, thư phòng và là nơi tiếp khách của sư trụ trì. Bên trong và xung quanh am có rất nhiều cặp đối thư pháp:
“Bút dựng rừng tùng, mây nước lung linh, khách quý, gió thơm hương lá bối,
Thơ reo vườn trúc, khói sương bát ngát, bạn lành, nắng ấm sắc hiên văn”
Các Phật tử ở thiền viện đã chia sẻ với tôi, thượng tọa trụ trì là một người yêu thiên nhiên và nghệ thuật nên thư pháp của ông luôn thể hiện sự hài hòa giữa con người, nghệ thuật, thiên nhiên. Đó cũng chính là quan điểm thiền đạo của ông: gần gũi với thiên nhiên, vui với thơ văn, không đặt nặng tín ngưỡng, tâm thật sự tịnh, lòng thật sự thanh, chứ không hề tu tập một cách nặng nề gò bó.
Khu vực chùa viện còn có những công trình khác như Nghinh lương đình (nơi nghỉ ngơi, thưởng trà, đàm đạo của khách hành hương), Khách sảnh (nơi khách nghỉ ngơi qua đêm), Chúng hòa đường (nơi ở của Chư Tăng), Quá thiện đường (nhà bếp, nhà ăn), Cối liêu chư Tăng – Cốc liêu chư Ni (dành cho chư tăng, chư ni ở xa đến tu học, hành thiền). Tất cả đều có kiến trúc mở giản dị, lấy thiên nhiên làm chủ đạo.
Đi được một đoạn, bạn sẽ thấy một tấm đá khắc tên rừng thiền cùng những dòng thơ do chính trụ trì sáng tác
Những chiếc cầu gỗ thơ mộng bắc qua bờ hồ
Hoa súng tím vươn trên mặt nước
Bao quanh Thư Pháp Am là hồ nước với những đóa sen trắng chưa kịp nở và một đồi thông rợp bóng mát. Đây quả là một nơi “hữu tình” để sáng tác và thưởng thức nghệ thuật thư pháp
Chánh điện
Khuôn viên chùa viện
Tất cả chư Tăng, Phật tử ở Huyền Không Sơn Thượng điều sinh hoạt bằng nguồn nước giếng. Điều đặc biệt là nước giếng rất tốt, mọi người ở đây đều ngày càng khỏe hơn
Nếu Ngoại Viện (bao gồm rừng, Không Sơn Thiền Uyển và chùa viện) là một không gian mở rộng lớn để du khách thập phương đến viếng chùa vãn cảnh, thưởng lãm thư pháp, đàm đạo thơ văn thì Nội Viện là một không gian biệt lập, nơi dành cho các thiền sư, hành giả và Phật tử tịnh tâm hành thiền. Đây chính là một rừng thiền điển hình, một nơi thiền định trọn vẹn bao gồm cả không gian sinh hoạt văn hóa nghệ thuật (ngoại viện) và sinh hoạt tâm linh tu tập (nội viện).
Rời khỏi rừng thiền, tôi chợt mỉm cười khi nhìn thấy câu thơ “Cám ơn bạn đã nói cười trong tĩnh lặng”.
Tôi cũng thầm cám ơn Huyền Không Sơn Thượng đã cho tôi những giây phút tĩnh lặng của tâm hồn…
Trụ trì của rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng là thượng tọa Giới Đức, sinh năm 1944 tại huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông còn được biết đến với bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh với hơn 20 tác phẩm văn thơ được xuất bản. Đối với người dân xứ Huế, thượng tọa không chỉ là một nhà sư giỏi văn thơ, ông còn là một người am tường hội hoạ và trang trí mỹ thuật, là một nhà sinh vật cảnh, một cao thủ cờ tướng (từng đánh bại nhiều kì thủ quốc gia) và một nhà thư pháp nổi tiếng. Năm 1989, hưởng ứng phong trào phủ xanh đất trống, đồi trọc của Nhà nước, thượng tọa Giới Đức đã xin cấp 54 ha đồi núi trọc để trồng cây gây rừng, phục hồi rừng tự nhiên và xây dựng một ngôi thiền viện để tu tập. Ông đã cùng các sư, các Phật tử tình nguyện biến vùng đồi núi khô cằn đầy hố bom thành một rừng thiền đầy tinh tế mang đầy màu sắc thiên nhiên và nghệ thuật. Đó là rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng ngày nay. |
(Theo Thanh Niên)