Ðọc lịch sử Ðức Phật Thích Ca từ khi sinh ra đến khi thành đạo và nhập diệt, chúng ta thấy Ngài cũng là một người như bao người bình thường khác. Ngài cũng từng hưởng lạc thú thế gian, từng đau khổ bệnh hoạn và cuối cùng, cũng từ giã cuộc đời như bất cứ ai. Ðây là một điều khích lệ lớn, vì chúng ta thấy Ngài vô cùng gần gũi, và tin tưởng mình cũng có khả năng tu hành, chứng ngộ như Ngài, nếu chúng ta biết đi đúng đường đúng hướng.

Kim Kim Cang, đoạn mở đầu diễn tả một số công việc thường nhật của Ðức Bổn Sư: “Khi ấy gần đến giờ thọ trai, Ðức Thế Tôn đắp y mang bát vào đại thành Xá Vệ khất thực. Trong thành, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về trú xứ. Sau khi thọ trai, Ngài cất y bát, rửa chân, trải tòa ngồi”. Tất cả việc làm này hoàn toàn quen thuộc đối với mọi người, không có gì mang tính chất siêu phàm vượt thế hay phô diễn thần thông diệu dụng. Vậy tại sao Trưởng lão Tu Bồ Ðề cung kính ca ngợi: “Ðức Thế Tôn! Thật ít có, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ tát, khéo phó chúc các vị Bồ tát”?.

Như hoa sen trong bùn vẫn nở hoa tinh khiết, Ðức Phật ở trong trần lao nhưng không vướng chút nhiễm nhơ. Ngài đã tẩy sạch lậu hoặc phiền não, không còn vô minh tăm tối. Hàng ngày Ngài vẫn đối duyên xúc cảnh, vẫn sinh hoạt nói năng, nhưng tâm Ngài không khởi niệm phân biệt khen chê ưa ghét. Nhà Phật gọi đó là Tâm bình thường tâm ấy chính là Ðạo. Toàn thân Ðức Phật là Ðạo, nên bên trong hình thức bình thường lại chứa đựng sự phi thường, ngay nơi những hành động thường tục luôn ẩn tàng sự siêu tục. Chính vì thế, chúng ta luôn xưng Ngài là Ðấng Thế Tônẳ bậc tôn quí của thế gian.

Do rốt ráo chứng ngộ, có cái nhìn thấu thể vào bản chất muôn pháp, nên Ðức Phật không chấp nhận có một quyền lực siêu nhiên nào có thể kiểm soát và chi phối vận mệnh con người. Ngài cũng từng nói, Ngài không phải là một đấng thần linh có quyền ban phước giáng họa cho ai. Mỗi người tự làm chủ vận mệnh của mình, tự mình tạo nghiệp và thọ hưởng kết quả của nghiệp; không ai cứu rỗi được mình và mình cũng không thể tu thay cho người khác.

Phật dạy:

“Hãy tự xem con là hải đảo của con

Hãy tự xem con là nơi nương tựa của con

Không nên tìm nương tựa nơi ai khác”

Người đi biển gặp trận cuồng phong, thuyền gần chìm đắm, bỗng nhiên thấy một hòn đảo ở phía trước, ai cũng muốn tấp ngay vào để tìm sự bình an. Hải đảo là nơi nương tựa của thuyền khi gặp tai nạn trên biển, cũng như mình là nơi nương tựa vững chắc của mình khi bị sóng đời vùi dập. Ðối với người tu, sự nỗ lực cá nhân chính là điều kiện quyết định để đạt mục tiêu giác ngộ và giải thoát. Nếu gởi gắm mục đích tối hậu của đời mình vào một năng lực siêu nhiên, ấy là ta đã lầm lạc từ căn bản. Ðức Phật còn bị nạn kim thương mã mạch, huống gì phàm phu chúng ta. Cho nên, cầu Phật gia hộ cho mình luôn gặp may mắn hạnh phúc, là điều không thực tế. Chúng ta hiểu cặn kẽ luật nhân quả, có sức mạnh tinh thần, thì dù gặp thử thách khó khổ vẫn có sức tự chủ và kham nhẫn. Người biết tu không phải mong tránh khỏi nạn tai, mà là người luôn giữ chánh niệm tỉnh giác trước mọi hoàn cảnh thuận nghịch trong đời.

Ðề cao tinh thần tự lực, không phải đạo Phật hoàn toàn chối bỏ sự gia trì giúp đỡ của tha lực. Tuy “tự mình thắp đuốc lên mà đi”, nhưng phải “thắp lên với chánh pháp”. Ðức Phật là bậc Ðạo Sư, vị Thầy dẫn đường. Chúng ta tự mình tiến bước, nhưng phải đi theo con đường Ngài đã đi, nếu không muốn lạc vào ngã rẽ. Khi tâm ta thanh tịnh, phần nào tương ưng cùng tâm chư Phật, Bồ tát, tự nhiên được thần lực của các Ngài gia hộ độ trì, sự linh ứng sao có thể phủ nhận? Nếu tham sân si còn đầy dẫy mà thắp hương dâng lễ cầu xin việc này việc khác, mong các Ngài thỏa mãn nguyện ước của mình, thử hỏi điều mong ước ấy có thể thành tựu được không?

Trả cho con người quyền làm chủ cuộc đời mình, trong cả ba thời quá khứ – hiện tại – tương lai, quả thật đạo Phật mang tính nhân bản rất cao và tính tự do tuyệt đối. Ðây là một nét độc đáo của đạo Phật, vì vị Giáo chủ không bao giờ tự xưng minh là Ðấng cứu tinh của nhân loại. Với tinh thần này, chúng ta đến chùa nghe pháp, cũng không vội vàng tin tưởng mù quáng vào ai, không thần tượng hóa người nào, dù đó là một vị thầy khả kính. Nói như thế không phải khuyến khích sự tự tôn kiêu mạn hay sự nghi ngờ quá đáng, mà chỉ cốt đề cao khả năng tư duy độc lập, trí tuệ nhận định đúng – sai, hay – dở. Người Phật tử cần có chánh kiến và chánh tín, biết đâu là đường hướng phải theo, ai là vị thiện tri thức hướng dẫn đời mình. Khi đã quyết định đúng, ta sẽ có niềm tin kiên cố, có sức mạnh phi thường vượt qua mọi trở ngại gian nan để hoàn thành đạo nghiệp. Ta sẽ có sức sống trào dâng, có cơ hội bơi lội vào công phu của chính mình để truyền đạt sức sống ấy cho mọi người xung quanh.

Một đặc điểm quan trọng và độc đáo góp phần hình thành nhân cách vĩ đại của Ðức Phật, cũng là một yếu tố căn bản khiến đạo Phật còn lưu truyền mãi đến ngày nay, là tính bình đẳng đích thực. Không những Ngài chủ trương bình đẳng giữa những giai cấp trong xã hội, giữa hai giới nam và nữ, mà còn bình đẳng giữa loài người với mọi loài chúng sanh. Ðặc biệt hơn cả là sự bình đẳng giữa Ngài là vị Giáo chủ tối cao với tất cả môn đệ. Bằng trí tuệ siêu xuất của một bậc Giác ngộ toàn triệt, Ngài thấy mọi chúng sanh đều có Phật tánh, mọi chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Vàng còn trong quặng bị lẫn nhiều tạp chất, chưa biểu lộ giá trị thật sự của nó. Ðến khi được tội luyện thành vàng ròng, nó mới được tôn vinh. Ðức Phật là vàng đã tôi luyện, chúng sanh còn là vàng trong quặng phiền não vô minh. Nói về hình thức, Phật và chúng sanh khác nhau ngàn trùng. Nhưng về bản chất, thì rõ ràng giữa Phật và chúng sanh không hơn không kém. Bản chất vàng ấy là Phật tánh bình đẳng của muôn loài hữu tình, mà nếu nhận ra và hằng sống với nó, tức đã có chánh nhân thành Phật.

Tâm từ bi của Ðức Phật vô cùng rộng lớn, nên Ngài đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, không phân biệt thân sơ, thù bạn. Kẻ sát nhân Anguilimala hay kỹ nữ Ambapali cũng được Ngài giáo hóa và thành tựu công hạnh như các đại đệ tử của Ngài. Ngay như Ðề Bà Ðạt Ða, kẻ phá hòa hợp Tăng, ác tâm hãm hại Ngài nhiều lần, Ngài vẫn tha thứ bao dung. Thuyền to sóng lớn, chính người có công phu tu hành cao thâm lại thường gặp nhiều trở ngại thử thách kinh khiếp, mà nếu vượt qua được, sẽ tiến một bước rất dài trên đường đạo. Cho nên, ta có thể hiểu vì sao Ðức Phật bảo Ðề Bà Ðạt Ða là thiện hữu tri thức bậc nhất của Ngài. Chúng ta theo gương Ngài, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt bao dung như thế thì phiền não giảm thiểu biết chừng nào!

Một số giáo phái thời Ðức Phật có tục lệ giết súc vật tế cúng thần linh. Bằng biện tài vô ngại, Ðức Phật đã thuyết phục được ngoại đạo bãi bỏ việc giết hại ấy. Trong giáo đoàn của Ngài, các môn đệ đều phải giữ gìn cấm giới, mà giới không sát sanh, bao gồm việc không giết người và cả súc vật được đưa lên hàng đầu. Bởi vì, tất cả chúng sanh hữu tình đều có mạng sống, cũng ham sống sợ chết như con người. Không lý gì con người lại dùng sinh mạng của chúng để phục vụ cho nhu cầu dinh dưỡng và giải trí cho mình; nói chi đến việc tế lễ cầu Thánh thần ban ơn phước.

Ngay cả cây cỏ, chúng cũng có cái biết, dù rất yếu và thô. Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh, cây khi được nghe những bản nhạc êm dịu sẽ trổ hoa và ra trái nhanh hơn những cây đối chứng. Cách đây trên 25 thế kỷ, vị Giáo chủ của chúng ta đã dạy các Tỳ kheo, phải có lòng biết ơn những loài thực vật cho mình bóng mát, rau quả, không được hủy hoại mầm sống dù ở hình thức nào. Có thể nói, người tu theo tinh thần đạo Phật không những tôn trọng sinh mạng của con người và loài vật, mà còn biết bảo vệ môi trường sống, biết tạo khung cảnh yên lành thanh lương cho tất cả chúng sanh.

Chúng ta nguyện noi gương Ngài, nỗ lực tu hành để phát huy trí tuệ và từ bi, tích cực đem Ðạo vào đời để chan rải niềm an lạc hạnh phúc cho tất cả mọi loài. Một ngày nào đó, chúng ta viên thành công hạnh tư lợi ố lợi tha, đó mới thật là đền đáp được ơn sâu dày của Ðức Bổn Sư, mới không cô phụ bản hoài của chư Phật Bồ tát. Tu hành theo tinh thần ấy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ trong nhà Phật, và dù đã xa Ðức Phật một khoảng cách không gian và thời gian, chúng ta vẫn ở trong Pháp hội Linh Sơn, vẫn được tắm gội trong hào quang vi diệu của Ngài, vẫn tận hưởng khoảnh khắc thiên thu của cành sen Ðức Phật và nụ cười Ca Diếp.

Thích Thông Huệ



Có phản hồi đến “Những Đặc Điểm Của Đức Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com