Tôn Chân Nhân nói: Thân người chẳng phải do vàng sắt đúc thành, mà là cái thân do khí huyết kết thành. Người đối với sắc dục không thể tự tiết chế, thoạt đầu nói là “chẳng trở ngại”, đôi khi buông thả thì [thân thể] đã tổn thương theo thời gian, tinh tủy thiếu hụt, khí huyết suy bại, cái thân phải chết. Bởi lẽ, khí huyết của con người vận chuyển theo sáu kinh (Thái Dương, Dương Minh, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm, Quyết Âm. Đó gọi là “lục kinh”), mỗi ngày chuyển theo một kinh. Sáu ngày bèn trọn khắp sáu kinh. Vì thế, cảm mạo bên ngoài là nhẹ nhất, ắt là sau bảy ngày, đổ mồ hôi rồi sẽ hết bệnh. Đấy là vì khí huyết đã chuyển hết một vòng.
Khi con người dục sự đang nồng, chẳng tránh khỏi tim đập mạnh, toát mồ hôi, thân nóng bừng, thần trí mơ hồ. Ấy là vì các đốt xương mở ra, gân mạch lỏng lẻo. Tinh tủy đã tiết ra, khí huyết nơi một kinh bị thương tổn. Một kinh đã tổn thương, ắt phải đợi bảy ngày sau, khí huyết mới lại chuyển vận đến kinh ấy thì mới có thể hồi phục như cũ. Kinh Dịch nói: “Thất nhật lai phục”, có nghĩa là phải nghỉ ngơi, dưỡng sức bảy ngày [sau khi đã hành dâm]. Người đời chưa đến bảy ngày đã lại xuất tinh, khí huyết nơi kinh lạc chẳng thể phục hồi như cũ. Đã bị thương tổn, lại bị thương tổn thêm, đến nỗi ngoài là cảm nhiễm, trong thì thiếu hụt, trăm thứ bệnh đều cùng dấy lên. Con người luôn đổ lỗi cho thời tiết, khí hậu, cho rằng bị bệnh là lẽ đương nhiên, chẳng biết nguyên do không phải là một sớm một chiều mà ra! Nguồn gốc bệnh tật là do từ từ tạo thành vì chẳng thể cẩn thận giữ gìn nghĩa lý “bảy ngày giáp vòng trở lại”.
Nay lập hạn chế, hãy nghĩ tới căn bản điều độ dục vọng, gìn giữ thân thể. Thuở hai mươi tuổi, lấy bảy ngày một lần làm chuẩn. Khi ba mươi tuổi, lấy mười bốn ngày một lần làm chuẩn. Lúc bốn mươi tuổi, hãy nên hai mươi tám ngày một lần. Khi năm mươi tuổi, hãy nên bốn mươi lăm ngày một lần. Tới lúc sáu mươi tuổi, thiên quý (tinh thủy) đã tuyệt, chẳng thể phát sanh nữa, hãy gấp nên đoạn sắc dục, dứt bặt chuyện phòng the, kiên cố tinh tủy. Lấy sự thanh khiết, bế tàng làm gốc, muôn vàn chớ nên cho nó tiết ra. Số ngày hạn chế như đã nói trên đây là nói theo hai mùa Xuân và Thu, chứ trong hai mùa Đông và Hạ, [hành dâm vào mùa Hè] sẽ khiến cho hỏa bốc lên hết sức nóng, tinh tiết ra chẳng còn sót gì. Hai là [hành dâm vào mùa Đông] khiến cho Thủy bị cực hàn. Hãy nên bế tinh, tàng khí nghiêm ngặt.
Dẫu trong độ tuổi thiếu niên, cũng nên lấy chuyện đoạn dục làm chủ yếu. Nếu không, lúc hai mươi tuổi, có thể mười bốn ngày một lần. Khi ba mươi tuổi, có thể hai mươi tám ngày một lần. Lúc bốn mươi tuổi, có thể bốn mươi lăm ngày một lần. Tới khi năm mươi tuổi, khí huyết suy giảm hết sức lớn, vào mùa Hạ có thể là sáu mươi ngày một lần. Mùa Đông, hãy nên cẩn thận gìn giữ [chẳng dâm], chẳng để xuất tinh. Bởi lẽ, khí của trời đất và con người được phong bế hết sức kín vào mùa Đông, chuyên để làm cội gốc phát khởi cho mùa Xuân, càng quan trọng hơn mùa Hạ gấp mười lần. Người tuân theo cách thức này, có thể chẳng có bệnh, tăng thọ. Kẻ trái nghịch điều này, ắt sẽ lắm bệnh, giảm thọ.
Ấn Quang Đại Sư