Núi Phổ Ðà nguyên tên là Tiểu Bạch Hoa, tiếng Phạn gọi là Bổ-đà-lạc-già, lại có tên là Mai Sầm Sơn (tương truyền kỷ niệm Mai Phước1 triều Hán mà thành tên), vị trí ở trong biển Ðông Nam huyện Ðịnh Hải tỉnh Chiết Giang, cách núi Chu Sơn sáu dặm, truyện Ký gọi là Nam Hải. Ngọn núi côi bên mép nước, quanh co chập chùng dài mười hai dặm, rộng sáu dặm rưỡi, chu vi hơn bốn mươi dặm, phía đông dẫn đến Nhật Bản, phía bắc tiếp với Ðăng Lai, phía nam trông về Mân Việt, phía tây thông với Ngô Hội, cách mực nước biển hơn một ngàn thước, khí hậu ôn hòa, phong cảnh u nhã đặc biệt, là thánh địa của Phật Giáo Trung Quốc. Ngọn núi này cùng với Nga Mi của Tứ Xuyên, Ngũ Ðài của Sơn tây, Cửu Hoa của An Huy hợp xưng là Tứ Ðại Danh Sơn.
Núi Phổ Ðà vốn có danh xưng là “Hải Thiên Phật Quốc” là thắng địa đạo tràng của đức Quan Âm Ðại Sĩ, căn cứ theo Phổ Ðà Bi Ký có ghi rằng: “Bên trong cõi Thần Châu có ba Ðại Tiên Sơn là nước Phật Chấn Ðán, thứ nhất là Nga Mi, thứ hai là Ngũ Ðài, thứ ba là Lạc Già”. Dân gian Trung Quốc vốn phụng thờ “Quan Âm Thần Phật”, do vì một hạng thiện nam tín nữ thâm tín đối với việc Quan Âm Ðại Sĩ hiển hiện cảnh giới Chân Thánh, nhân đây mà thanh vọng của Phổ Ðà ở đời sau ở trên cả Nga Mi, Ngũ Ðài và Cửu Hoa. Nhưng nếu lấy cảnh sắc mà nói thì nó chẳng bì kịp cái đẹp của Nga Mi, cái hùng của Ngũ Ðài, cái lạ của Cửu Hoa!
Phổ Ðà mở núi xây chùa vào những năm đầu đời Ngũ Ðại xa xưa, cứ theo “Phổ Ðà Sơn Chí” thì: “Vào thời Ngũ Ðại Chu Lưu, có Ðại sư Tuệ Ngạc phụng thỉnh tượng đồng đức Quan Âm từ Ngũ Ðài về Ðông Kinh (Nhật Bản), đến đây thuyền mắc cạn chẳng di động, ngài mới bắt đầu đi khai sơn”. Vị tăng người Nhật Tuệ Ngạc xây dựng ngôi “Bất Khẳng Khứ Quán Âm Ðường” tại đây, nền pháp bắt đầu mở ra.
Năm đầu niên hiệu Thiệu Hưng đời Tống Cao Tông, vị tăng tên là Chân Hiết xây dựng chỗ bờ biển Cô Tuyệt, đổi luật là thiền, ngư dân làm nghề các ở vùng núi biển có hơn bảy trăm hộ nghe lời giáo âm đều bỏ đi, từ đây Phổ Ðà trở thành vùng đất tịnh (Tịnh Ðộ) của nhân gian, mặc cho đạo tràng danh sơn nào u viễn thanh tịnh đều cũng chẳng bì kịp Phổ Ðà. Trên núi chẳng nuôi dưỡng heo, gà, vịt… để ăn thịt và cấm thịt cá lên bờ, động cơ sát không còn, tanh tao trừ khử vĩnh viễn, không nấu rượu, không giết mỗ, ăn mặn, uống rượu chẳng còn nghe, sai trái cõi trần đều dứt tuyệt, nuôi trâu là để cày ruộng làm ra lúa gạo, nó già yếu thì nuôi dưỡng trọn đời, đến khi chết thì chôn cất.
Núi Phổ Ðà lớn nhỏ hơn ba trăm ngôi chùa, mười hai tháp Phật. Trong số ấy thì chùa Phổ Tế, chùa Pháp Vũ, Tuệ Tế Thiền Viện là trứ danh hơn cả. Những am viện lợp tranh kết cỏ khác thì phân biệt do chùa Phổ Tế núi trước, chùa Pháp Vũ núi sau, Tuệ Tế Thiền Viện núi Phật Ðỉnh quản hạt, đó đây liền nhau mạch lạc, trông nom tương trợ, hợp lực trong phạm vi phòng bị, trật tự rành mạch. Du khách quyên góp, hiến dâng được thống nhất phân phối, tuyệt không có ý khí tranh nhau.
Mỗi năm, thuyền khách hành hương đông đúc vào tháng hai nông lịch (âm lịch), khí trời lúc ấy tạnh ráo ôn hòa, du khách kéo đến như mây, thật là nước triều người dâng tràn núi, các chùa đều gặp phải nạn đầy khách. Người đi Nam Hải dâng hương, hơn một nửa là từ Thượng Hải hoặc Ninh Ba đáp thuyền đi qua Thẩm Gia Môn, từ đây đi về phía đông đến thẳng Phổ Ðà, ở trên thuyền đã có thể trông thấy từ xa núi xanh chập chùng trùng điệp, hơi biếc vay quanh như giải lụa xanh điểm hồng, núi báu lập rừng chùa viện. Ðến được chân núi liền theo bến đò Ðoản Cô lên đất liền.
Bến Ðoản Cô nguyên là bến đò thiên nhiên. Về cái tên Ðoản Cô thì lại có một đoạn lịch sử thần thoại truyền thuyết: Thuở xưa có một vị thiếu nữ tên gọi là Ðoản Cô, cùng gia nhân đến Phổ Ðà chầu hầu núi, ở trong thuyền bỗng nhiên nàng đến kỳ kinh nguyệt, nhân vì tấm thân chẳng thanh khiết, sợ làm nhục núi linh nên chẳng dám theo gia nhân lên bờ. Nàng một mình ngồi trên thuyền lặng lẽ cầu nguyện, chưa bao lâu nước triều dâng tràn ngập mất đường đi, kinh hoàng vạn trạng, Quan Âm Ðại Sĩ hiển thánh đích thân mang đồ ăn cho nàng. Về sau cuối cùng nàng bay lên cõi Phật, hiện tại am Từ Vân ở bến đò biển cũng có pho tượng đắp của Ðoản Cô.
Bến đò thiên nhiên nào gặp nước triều dâng lên thì người đi nhất định phải lội nước nên cảm thấy chẳng tiện lắm. Ðến năm Quang Tự thứ ba mươi mốt nhà Thanh, hai vị tăng là Liễu Dư và Liên Thuyền vân du hóa độ, trở về lấy đá lớn xây dựng cao rộng thêm ra. Năm Dân Quốc thứ tám, Trần Tích Chu ở Vô Tích cho xây dựng một tòa Bài phường rất là tráng lệ tại bến đò, có nhiều danh nhân soạn đối đề chữ. Trong số ấy có “Nam Hải Thắng Cảnh của Vương Nhân Văn ở Trân Nam; “Ðồng Ðăng Bỉ Ngạn” của Từ Thế Xương ở Ðông Hải; “Bảo Phiệt Mê Tân” của Phùng Quốc Chương ở Hà Nam; “Kim Thằng Giác Lộ” của Lê Nguyên Hồng ở Hoàng Pha; cho đến câu liên đối hay của Phùng Thứ:
“Hữu Cảm tức thông, thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt.
Vô cơ bất bỉ, vạn lý vô vân vạn lý thiên”.
(Có cảm liền thông, ngàn sông có nước ngàn sông trăng.
Không cơ chẳng thiết, muôn dặm không mây muôn dặm trời).
Sau khi lên đất liền thì chỉ có con đường lát đá rộng hơn hai thước, đi thông suốt quanh chùa viện toàn núi, hai bên đường cây cỏ thưa thớt, đường quanh co thanh u, người đi chầu hầu núi chỉ có đi như bò lên từng bước một!
Chùa Phổ Tế: Chùa ở tại chân núi Linh Thứu đầu phía nam của đỉnh Bạch Hoa, là ngôi “Chủ Sát’ phụng thờ Quan Âm Ðại Sĩ của toàn núi, là nơi xây dựng đầu tiên của Tuệ Ngạc đại sư lúc khai sơn, nguyên gọi là “Bất Khẳng Khứ Quan Âm Ðường”; đến năm Nguyên Phong thứ ba đời Tống Thần Tông, vua ban tên là “Bảo Ðà Quan Âm Viện”. Chánh điện của các chùa ở Phổ Ðà đều thờ Quan Âm Ðại Sĩ, Ðại điện nhất luật đều gọi là Viên Thông Bảo Ðiện, các triều Minh, Thanh luôn có tu sửa, luôn có mở rộng thêm, rường chạm cột vẽ, khí tượng mới lạ.
Viện trước có ba đạo sơn môn, khoảng giữa dự bị sẵn một tòa mà chẳng sử dụng, quanh năm cửa đóng. Khách hành hương đều theo hai bên cửa lớn mà ra vào. Bên trong có mười ngôi điện, trong số ấy, điện Viên Thông lớn nhất, có thể dung chứa năm, sáu ngàn người đồng lúc dâng hương. Văn Xương Các cao quá lầu bốn tầng kiểu Tây Dương, rộng chín lần chín tám mươi mốt gian, vốn được gọi là “Tông Khẩn Thần Vận Ðiện”, ở trung đường (nhà giữa) có câu đối dài do Cổ Ðại Dung ở Giang Tây soạn và viết chữ:
“Hàng hải triều Phổ Ðà, biến trị trai cúng thiên tăng, mông lão Tỳ-kheo, thí ngã cổ đồng Thánh tượng, tưởng thị Ứng Chơn A La-hán
Thê sơn lễ Ðại sĩ, hỉ du trì lưỡng danh sát, xu phạm Âm động, khán tha diệu tướng phân hình, lộ xuất phu tọa tử kim thân”.
(Hàng hải chầu Phổ Ðà, thiết cơm chay cúng ngàn tăng, Tỳ-kheo già trẻ, cho ta tượng Thánh đồng xưa, tưởng là Ứng Chơn A La-hán.
Lên núi lễ Ðại sĩ, mừng dong chơi hai danh sát, đến động Phạm Âm xem phân thân diệu tướng ngài, lộ thân ngồi kiết già vàng tía).
(Tuệ Khai dịch)
Trong Viện chẳng những chỉ có cái nồi lớn nấu chay cúng dường một ngàn vị tăng, trước điện còn có cái chuông đồng nặng hơn bảy ngàn cân, tiếng truyền xa trăm dặm, được đúc vào năm Gia Khánh thứ mười ba đời Thanh, đầu đỉnh chuông chỉ buộc bằng dây cỏ, tương truyền là thần tích.
Trước chùa có một ngôi đền, xưa thuộc Yên Hà Quán nay đổi là Tứ Giám Từ, cạnh đền có thánh tích “Hải Ấn Trì” trứ danh, về phía đông không xa, đứng sừng sững một tòa tháp đá Thái Hồ (tục gọi là tháp Thái tử), bên ngoài có tường vây, bên trong có chánh điện gồm năm tầng, cao đến chín trượng sáu thước, thế tháp cao ngất vướn vào mây xanh.
Chùa Pháp Vũ: Chùa ở trên ngọn núi Quang Hi, bên trái đỉnh Bạch Hoa, cách am Duyệt Lĩnh gần hơn, men theo đường đều xây đá xanh theo thế núi khúc chiết quanh co, hai bên đường cổ thụ ngất trời, um tùm xanh biếc, bóng rợp cả vùng, tuy trời nóng nực mà người vẫn cảm thấy mát mẻ!
Ngôi chùa ấy sáng lập vào năm Vạn Lịch thứ tám đời Minh, có vị tăng Ma Thành là Ðại Trí từ Tây Xuyên đến đây kết lều tu hành, mỗi ngày cầu đảo ở Thiên Bộ Sa2, nước triều biển lên vừa một đốt gậy trúc, liền gọi tên nơi ấy là “Hải Triều Am”. Về sau Ðịnh Hải quận thủ Ngô An Quốc đề là “Hải Triều Tự”. Ngôi đền trải qua bao lần hưng phế, đến năm Khang Hy thứ hai mươi ba đời Thanh, trụ trì là ngài Minh Ích thiền sư, một mình đi đến Phúc Châu, trải qua thời gian ba năm quyên mộ được hơn một ngàn súc gỗ sam (cây thông) mà xây dựng mở rộng hai ngôi điện Viên Thông và Ðại Hùng để phụng thờ đức Quan Âm và Chư Phật, đổi danh xưng là Pháp Vũ Tự; điện đường lầu các so cùng với chùa Phổ Tế đẹp ngang nhau.
Trước chùa có ao sen Thủy tinh, ngày mùa hạ hoa nở rộ, trời xanh biêng biếc, hương thơm ngào ngạt bốn bề. Bên trong sơn môn là điện Thiên Vương với biển ngạch “Tử Trúc Thanh Phong” treo vắt ngang. Tiếp theo là Viên Thông Bảo Ðiện, hòa kính trang nghiêm. Hai bên lan can gấp khúc chạm nổi, gác vẽ mây bay, nóc điện khắc chín con rồng vàng, dáng chập chờn như muốn bay lên, tục gọi là điện Cửu Long. Viện sau có điện Ngọc Phật, phụng thờ một pho tượng Phật bằng ngọc cao một thước, màu trắng thanh khiết thật đáng yêu. Ngôi điện sau cùng cao đến sáu trượng với pho tượng đắp của Ðại Sĩ cao đến một trượng tám thước, theo truyền thuyết là chỗ đức Quan Âm hiển linh. Trong điện có một liên đối:
“Cẩm bình lâm hải lãng
Pháp vũ phi thiên hoa”
(Chắn (bình phong) gấm ngăn sóng biển. Mưa pháp bay hoa trời) của Khang Hữu Vi soạn và viết chữ, có thể gọi là hay, vừa hợp tình hợp cảnh.
Tuệ Tế Thiền Viện: Viện ở phía tây bắc đỉnh Bạch Hoa, tục gọi là “Phật Ðỉnh Sơn”, từ chân núi đến đỉnh núi ước chừng hơn hai ngàn cấp, hai bên đường bậc đá có làm lan can để vịn, vì đường gấp khúc rất nhiều, có lúc vách đứng cheo leo, có lúc hang tối suối sâu, núi cao chập chùng, gập ghềnh quanh co! Ðược cái là một khi lên đến đỉnh núi thì lại bằng phẳng như thường, ngoái trông lại các ngọn núi thì y như những bức bình phong la liệt, trông xa ra biển cả thì mênh mông không bờ bến, nước xanh liền trời, bóng buồm lấm chấm, nổi chìm ở trong muôn làn sóng bạc.
Con đường bậc đá nhỏ ấy thường là chỗ vách sườn núi đứng cheo leo phần nhiều có chữ lớn khắc lõm vào vách, như ở chân núi có “Từ Hàng Phổ Ðộ”, lưng núi có “Hải Thiên Phật Quốc”, đỉnh núi có “Thiên Ðăng Cương”, tăng trong chùa mỗi đêm đều thắp đèn chỗ ấy để hiển thị cho những chiếc thuyền đi biển, đây là tháp đèn (hải đăng) thời cổ của Trung Quốc.
Tuệ Tế Thiền Viện nằm sâu trong cốc, bốn bề núi lạ bao quanh, trúc tre che kín mít, sơn môn viết chữ lớn “Phật Ðỉnh Danh Sơn”, qui mô to rộng, cấu trúc tân kỳ cổ nhã, hành lang vây quanh, lầu gác xen lẫn, cao tiếp tầng mây, cùng với hai chùa Phổ Tế và Pháp Vũ tạo thành thế cục đứng chân vạc.
Bên trong chùa có Tàng Kinh Các và Duyệt Kinh Lâu (lầu). Toàn núi hiện giữ năm bộ Khâm Tứ Long Tạng3 được phân đặt như sau: Chùa trước hai bộ, nam cất một bộ, bắc cất một bộ, núi Phật đỉnh một bộ, gác ấy thiết bị hoàn thiện, pháp qui nghiêm mật, chuyên cung ứng cho người yêu thích Phật học tiến tu, tất cả việc ăn ở đều do Duyệt Tàng Lâu cung cấp, tức là tăng chúng của chùa cũng chẳng được tự tiện vào. Nhân vì hoàn cảnh u nhã nên đa số pháp sư trong nước đi nghiên cứu tụng đọc Phật điển, mỗi lần đến đây trụ lại vài năm.
Thiên Bộ Kim Sa: Ðây là thắng cảnh đặc thù của Linh Sơn, Từ chùa Pháp Vũ về phía đông đến biết bao ngọn núi báu, dài hơn ba dặm, men theo biển toàn là “Thiên Bộ Kim Sa”, cát màu vàng nhạt như vàng, tơ hào chẳng thấm đọng, rộng bằng mịn đẹp, là nơi Phổ Ðà ngắm trông cảnh biển. Gió lớn kích động, sóng bạc xốc lên trời, từng đợt từng đợt nối gót nhau, đợt trước ngã đợt sau tiếp tục, thế như vạn con ngựa lướt nhanh, sấm ầm ầm, tuyết vọt trào, inh tai mờ mắt, rồi bỗng nhiên mà núi xanh trăm thước, đứng thẳng trong biển, rồi bỗng nhiên mà sen trắng từng đóa từng đóa vọt lên không, rồi đổ xuống, phản phất ảo ảnh lầu các của sò thần biến hóa.
Tam Ðại Thiên Môn: Ðó tức là Nam Thiên, Tây Thiên, Ðông Thiên. Nam Thiên Môn ở tại Nam Sơn, có cây cầu nhỏ có thể thông qua, bên trong có Phạm Vũ (chùa), vào cửa có tảng đá lớn ngũ sắc, bên trên đề bốn chữ “Sơn Hải Ðại Quan”. Tây Thiên Môn ở tại phía tây hang Kim Cương, hai tảng đứng đối nhau như cái cửa, búa thần thợ quỷ phải ganh tài, bên trên viết “Tây Thiên Pháp Giới”. Ðông Thiên Môn có hai chỗ, một là ở tại bên phải ngọn núi Quang Hi, một nữa là ở tại đỉnh động Pháp Hoa. Ảnh hưởng cảnh sắc của Tam Ðại Thiên môn chẳng phải đồng với thường tình, nhìn chung toàn thể du khách được nhìn thấy là sướng khoái rồi.
Mười bảy động Phổ Ðà: Có hai động Triều Âm và Phạm Âm là hơn cả. Ðộng Phạm Âm ở tại Thanh Cổ Lũy, cùng với động Triều Âm đứng đối nhau ở đông nam. Theo truyền thuyết, vào thời Tống – Nguyên, là chỗ khấu kiến Ðại Sĩ hiện chân thân. vách đá lởm chởm miệng động đứng cao ngất, cao đến vài mươi trượng, hai bờ cao chót vót tách ra như cái cửa, cách bờ vực cheo leo chẳng xa có ngôi đài xây bằng đá chạm trổ, bên dưới đài là hang khúc khuỷu thông ra biển. Như muốn thăm viếng động, nhất định trước tiên phải đến đỉnh bờ vực, rồi theo đường bậc đá quanh co mà xuống, trải qua hơn hai trăm cấp mới đến nơi, người có duyên mà hết lòng thành kính diện bích quì dài mà lạy thì tự nhiên có thể thấy Chân Thân (đức Quán Âm).
Theo sách Phổ Ðà Sơn Chí ghi chép: “Năm Chí Nguyên thứ mười ba đời Nguyên Thế Tổ, khi thừa tướng Bá Nhan định Giang Nam, bộ tướng soái là Hạp-lạt-bá đến thăm viếng dưới động, tra xét không thấy gì, nổi giận mà giương cung lắp tên bắn vào động rồi trở về. Ðến khi lên thuyền, ông bỗng thấy hoa sen đầy biển, kinh dị phi thường, liền quay trở lại độâng phủ làm lễ cầu đảo thì từ từ thấy Bạch Y Ðại Sĩ với Thiện Tài đồng tử qua qua lại lại, ông liền cho xây dựng điện ở đây…”
“Dũng Tràng Tiểu Phẩm” của Chu Quốc Trinh đời Minh cũng nói rằng: “Năm Thiệu Hưng thứ mười tám (Tống Cao tông, 1131), Thứ sử Vương Hạo trấn đất Việt đưa quan tại Dư Diêu (tỉnh Chiết Giang) về giữ Xương Quốc4 để trông coi muối. Nhân ngày rằm tháng ba, vị quan ấy cùng với Trình Lâm Phủ ở Bà Dương5 từ Thẩm Gia Môn6 thả thuyền xuôi đến Phổ Ðà Sơn. Sáng sớm phủ đi đến động Triều Âm ở Thiện Tài Nham, nơi đức Quan Âm hóa thân, thì lặng yên không có gì, ông đốt hương nấu trà dâng cúng, nhưng chỉ thấy mặt chén hiện hoa nổi mà thôi. Quá buổi trưa, ông lại đến, đỉnh núi có cái lỗ mà có thể nhân đó nhìn xuống. Ông theo cái lỗ ấy vịn níu mà leo lên, bỗng nhiên thấy Ðại Sĩ toàn thân màu vàng, chiếu sáng động phủ, mày mắt sáng ngời, răng trắng như tuyết ngọc”.
Năm Dân Quốc thứ năm, quốc phụ Tôn Trung Sơn tiên sinh khi đi du lãm núi Phổ Ðà đã từng thấy Phật tại chùa Tuệ Tế, đã đích thân đề tấm biển ngang là “Dữ Phật Hữu Duyên” ở đó. Những người đi theo Quốc phụ du lãm Phổ Ðà trở về có vị nguyên lão Quốc Dân đảng là Ðặng Gia Ngạn (Mạnh Thạc, người Quế Lâm, năm trước đã mất tại Ðài Loan), theo Ðặng tiên sinh thì vào năm Dân Quốc thứ bốn mươi bốn ông đã từng viết một bài về “Quốc phụ Du Phổ Ðà Sơn Thuật Dị”, có một đoạn văn nói rằng:
“Mùa hạ năm Bính Thìn (năm Dân Quốc thứ năm, năm 1916 TL), quân hộ quốc báo trình, Viên Thế Khải mất đột ngột, Lê Nguyên Hồng kế nhiệm chức Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc, cách mạng đảng ta có ra một bài tuyên cáo. Lúc đó Quốc phụ đang ở tại Hỗ Tân (Thượng Hải) bùi ngùi nói rằng: “Lê Công ra, thiên hạ định vậy. Bọn quân phiệt Bắc Dương sẽ còn tìm cách kích động, chúng ta còn thời gian dạo chơi sơn thủy, lặng lẽ xem sự biến đổi của tình thế được vậy”. Chưa bao lâu, suất cho những người trong đảng như Hồ Hán Dân, Ðặng Gia Ngạn, Phùng Tự Do, Ðản Ðảo, Tái Thiên Cừu, Chu Trác Văn, Châu Bội Châm v.v… dong chơi đó đây vùng Chiết Giang. Ðô đốc Chiết Giang Lữ Công Vọng Trương Lạc thiết yến để nghênh tiếp. Thiên Cừu uống rượu quá nhiều say mèm, ngày mai hẳn chưa thể du ngoạn Tây Hồ. Hai ông Phùng và Ðán cũng do vướng bận công việc ở đất Hàng, Quốc phụ mới gọi các ông Hồ, Ðặng, Chu, Châu đi theo. Có Trần Khứ Bệnh bí thư Dân Chính sảnh Chiết Giang (như ta gọi Chánh văn phòng tỉnh ngày nay – Lời dịch giả) do Lại Gia Ngạn giới thiệu cùng đi vậy. Từ đó qua Tào Nga, thăm dò Võ Huyệt, lặn lội đến Ninh Ba, Trấn Hải mà trèo lên Phổ Ðà. Núi Phổ Ðà là thắng địa của Nam Hải vậy. Non nước thanh u, cây cỏ sum suê, dạo chơi nơi ấy thư thái nhẹ nhàng có cảm tưởng như là thoát khỏi cuộc đời sống độc lập. Ðến như việc thần sò biến hóa thiên hình vạn trạng, thánh linh, vật lạ truyền nghe bất nhất mà đầy đủ, kẻ nhìn thấy tận mắt thì lại nói ra rành rọt.
Ngày đó, Quốc phụ ngồi xe trước, thứ đến là Hán Dân, thứ đến nữa là Gia Ngạn, Trác Văn, Bội Châm, Khứ Bệnh và hạm trưởng Nhậm Quang Vũ. Còn cách Quan Âm Ðường (tức là chùa Tuệ Tế của núi Phật Ðỉnh) một dặm, đến một ngôi tòng lâm, Quốc phụ chợt liếc qua thấy ngần nào là tăng lữ hợp làm toàn vẹn trạng huống hoan nghênh, ở không trung những bảo phan theo gió kéo đến trưng bày, lờ mờ (hơi ro rõ) có người xúm lại nâng một vị tôn thần ở phía sau. Quốc phụ trố mắt nhìn kỹ thì tất cả đều huyễn không, không dấu vết ấn tượng. Quốc phụ rất kinh dị. Vừa đến Quan Âm Ðường, Quốc phụ theo thứ lớp gọi kẻ tùy hành hỏi rằng: “Các ông hoặc giả cũng thấy chúng tăng tập họp trong Tòng Lâm tạo tác đạo tràng đấy ư? Bên trên ngôi Tòng Lâm ấy bảo phan bay phất phới, rất giống được treo cao trên ngôi chùa ấy”.
Quốc phụ miệng giảng giải, tay chỉ trỏ, mắt sáng quắc ngoáy nhìn lại chẳng thôi. Mọi người đồng hành đều trợn mắt đơ lưỡi, chẳng biết gì đáp. Giây lát, Hán Dân v.v… ngăn nhau lại không tuyên dương, sợ để lại cái cớ vin vào đó mà nói. Từ đó về sau cũng không khinh xuất dám luận bàn đến việc ấy. Năm Dân Quốc thứ mười bốn, Quốc phụ mất, tôi vừa ở tại bắc Kinh, mọi người đều truyền là sinh tiền Quốc phụ được thông suốt với Thiên Cổ Phật, viện dẫn ăn khớp với việc lạ thấy Phật ở Phổ Ðà Sơn. Chưa bao lâu thì một tạp chí nọ tiết lộ bài bút thuật Phổ Ðà Du Ký của Trần Khứ Bệnh. Khi việc ấy qua cảnh dời đổi, cũng chưa truy cứu việc viết lách của họ Trần. Bất đồ gần đây lại phát hiện di cảo của Quốc phụ. Ô hô! Lạ vậy! Bút tích của Quốc phụ cả cõi thế biết hết, bài ấy chẳng phải thật, chắc chắn chẳng đợi nói, huống là Trần Khứ Bệnh giao lưu văn chương với tôi, chữ ông ấy bắt chước Ðông Pha, trông qua là biết; tôi dám quả quyết rằng: đồ giả vậy! Hoặc nói rằng: Quốc phụ lệnh cho bí thư chấp bút thì cũng chẳng những đã làm ra rồi. Tôi nói: Chẳng đúng! Nếu đúng như lời nói đó thì nên có đích thân viết tên ký vào giống như những sổ sách khác của ngài. Nay đã không có điều đó mà việc ấy lại lưu bố nhân gian sau khi Quốc phụ mất. Ðâu có người chết nào có thể sai bí thư chấp bút vậy? Tôi hạ một lời quyết đoán rằng: Quốc phụ thấy chuyện lạ thì quả thật là có, còn riêng việc ghi chép thuật lại thì chẳng phải là di cảo của ngài vậy!”
Ðọc đoạn văn này của họ Trịnh thì việc Quốc phụ du sơn thấy Phật là ngàn lần chân thật vạn lần xác đáng.
Triều Âm động: Ðộng ở tại đỉnh Thiện Tài trên lĩnh Vân Trụ, vị trí ở khoảng cách bờ núi cheo leo, cách chùa Phổ Tế chừng ba dặm, nhân vì đá núi nứt toạc ra mà thành, có hai cửa trên và dưới, hình dáng như con sư tử há miệng, u ám lạ thường, sâu thẳm khó dò, nước biển từ dưới vọt mạnh vào, mù trắng mênh mang, tiếng như sấm chạy, khi nước triều lên, sóng ra vào núi ầm ầm như hàng trăm chiếc trống trận đánh lên, đất động núi lay, nhiếp lấy hồn phách con người. Nhưng động này không có đường vào, du khách phần nhiều đến đỉnh động nghỉ ngơi, một mặt lắng nghe triều âm, một mặt ngắm trông mây trời, khiến cho họ thoải mái, mọi trần lự đều tiêu tan.
Vương An Thạch, tể tướng triều Tống, khi du ngoạn Phổ Ðà Sơn, sau cùng đến thăm chỗ này, ở trong Vân Hải Triều Âm đã bùi ngùi ngâm rằng:
Sơn Thế dục áp hải
Thiền Cung hướng thử khai
Ngư Long tinh bất đáo
Nhật nguyệt ảnh tiên lai
Thụ sắc thu kình xuất
Chung thanh lảng đáp hồi
Hà kỳ thừa sứ dịch
Tạm thử phất trần ai
Tạm dịch:
Thế núi muôn đè biển
Thiền cung mở hướng này
Cá rồng tanh chẳng đến
Bóng nhật nguyệt tới đây
Sắc cây thu xuất hiện
Tiếng chuông sóng đáp hồi
Bao giờ xong việc nước
Tạm phải bụi chốn này.
(Tuệ Khai dịch)
Phật quốc thắng địa do đây có thể thấy một phần.
Nguyên tác: Tiêu Mộ Ca
Việt dịch: Tuệ Khai Cư Sĩ