Trước khi bàn luận về đề tài "Tại sao có Ðạo Phật", chúng ta phải tìm xem tư tưởng tôn giáo bắt đầu trong tâm trí con người lúc ban đầu như thế nào. Hàng ngàn năm qua, khi con người bắt đầu suy nghĩ về các loại hiện tượng thiên nhiên trên thế giới, họ nhận thấy có nhiều việc kỳ lạ xẩy ra. Khi một số lực thiên nhiên hay các hiện tượng không thuận lợi, con người đau khổ. Con người đã chứng kiến những biến cố tai họa, khủng khiếp. Rồi con người bắt đầu nghĩ cách ngăn ngừa những điều kiện không thuận lợi gây sợ hãi, nghi kÿ, bất an, căng thẳng và đau khổ này. Con người biết nhiều những điều này vượt qúa tầm hiểu biết, cho nên nghĩ rằng có một sức mạnh siêu nhiên vô hình đằng sau những việc xẩy ra ấy. Những việc xẩy ra này rất khó hiểu cho nên họ nghĩ rằng đó là công việc của các "thần thánh". Con người bắt đầu tôn sùng các vị này, giết thú vật đem cúng tế với hy vọng làm vừa lòng các sức mạnh siêu nhiên ấy. Con người cũng bắt đầu tán thán và tôn thờ để tạ ơn khi một số hiện tượng đem thuận lợi, nghĩ rằng những việc làm này là do hành động của thần thánh. Mục đích của những thực hành này là để có sự che chở và phước lành của các thần thánh hầu được sống trên thế giới này mà không phải đương đầu với nhiều khó khăn. Khi những khái niệm này bắt đầu phát triển, một số việc làm quan trọng khác cũng được hợp nhất. Có những nghi thức, nghi lễ, các cuộc lễ hoặc hội hè. Từng cộng đồng riêng rẽ tổ chức các lễ nghi theo nhu cầu khu vực địa dư . Khi có một khối lượng các nghi lễ và tư tưởng triết lý đủ lớn, 'tôn giáo' trở thành một phần thực chất của mỗi nền văn minh.
Sự hình thành tôn giáo được xây dựng bởi con người lúc khởi thủy để tự bảo vệ vì sợ hãi, nghi kÿ, bất an và hiểu lầm đời sống và hiện tượng thiên nhiên. Những điều đó là nền tảng của tôn giáo giống như các vật liệu như gạch, đá, cát, xi măng, và đất được dùng để làm nền móng cho một tòa nhà.
Sau đó con người tô điểm tòa nhà tôn giáo này bằng cách giới thiệu niềm tin, lễ vật, cầu nguyện, lời nguyện, hình phạt, luân lý và đạo đức dưới danh nghĩa của thánh thần để có thể kiểm soát nhân loại, và cũng để tìm ra một nơi trường cửu gọi là thiên đường cho hạnh phúc và an lạc vĩnh viễn của linh hồn.
Sự Thành Lập Phật Giáo
Sau này, một tôn giáo gọi là "Ðạo Phật" xuất hiện nhưng chúng ta thấy Ðức Phật không dùng những niềm tin cổ. Ngài không khai thác khái niệm thánh thần, thuyết linh hồn, địa ngục vĩnh viễn hay thiên đường bất diệt để hình thành Ðạo Phật. Ngài không khai thác sợ hãi và những quan điểm méo mó về hiện tượng thiên nhiên để hỗ trợ cho tôn giáo của Ngài. Ngài cũng chẳng đòi hỏi niềm tin mù quáng hay nghi thức hay nghi lễ không cần thiết. Ngài không tin vào sự tự hành xác, bắt chịu hình phạt hay tuân hành điều răn trong việc truyền bá Ðạo Phật. Ngài cũng không tìm quyền hành ở bất cứ một lực lượng thiêng liêng bên ngoài nào để củng cố lập luận của Ngài. Ngài sử dụng hoàn toàn tư tưởng nguyên thủy hay những thứ như Chánh Kiến về đời sống, thế giới và hiện tượng thiên nhiên hay luật vũ trụ và đặc điểm thực sự của tâm và vật, yếu tố và năng lượng, luân lý và phát triển tinh thần, kỷ luật, huấn luyện tinh thần và thanh tịnh hóa, trí tuệ và giác ngộ để xây dựng tòa nhà tôn giáo gọi là Ðạo Phật. Ðúng Ngài đã dùng một số chất liệu tôn giáo sử dụng bởi một số nhà tôn giáo vào thời đó như Nghiệp- hành động và phản ứng, tái sanh và một số nguyên tắc giới luật nhưng không làm như đuờng lối họ làm hay cùng theo một ý nghĩa. Ngài thanh lọc chúng và trình bày trong một đường lối hữu lý và khoa học.
Một Tôn Giáo Ðộc Lập
Ðạo Phật không phải là một tôn giáo pha chế hỗn tạp hay thành lập bằng những tư tưởng đạo lý linh tinh. Ðức Phật không thu thập các chất liệu tôn giáo khác hay tư tưởng triết lý nơi này nơi kia. Ðạo Phật có đặc tính và tính cách riêng.
Vì hiểu rằng không một vị thầy tôn giáo nào đã tìm ra Chân Lý Tuyệt Ðối và một công thức trường cửu cho sự giải thoát cuốiù cùng, Ngài chỉ ra rằng một số các nhà tư tưởng chỉ phát triển một số quyền lực trần thế, có thể đạt được sự phát triển tinh thần ở một mức độ nào đó mà không thanh tịnh hóa hoàn toàn tâm trí, thoát khỏi tất cả những niềm tin dị đoan, ô trược, ảo tưởng, ám ảnh, tưởng tượng, ảo giác và vô minh.
Ý nghĩa thực sự hay mục đích tôn giáo có thể hiểu được khi chúng ta nghiên cứu Ðức Phật trình bày như thế nào về 'lối đạo lý cao thượng'. Nếu chúng ta dùng từ ngữ 'tôn giáo' khi bàn luận giáo lý của Ðức Phật, chúng ta cũng phải hiểu sự giải thích khác biệt về từ ngữ này của các tôn giáo khác. Rồi ai nấy đều có thể hiểu được "Tại sao có Ðạo Phật' lại cần thiết trong khi đã có quá nhiều các đạo khác trên thế giới.
Không Giáo Ðiều
Ðức Phật loại bỏ một số quan niệm sai lầm duy trì bởi con người từ hàng ngàn năm. Niềm tin cho rằng linh hồn là một thực thể vĩnh viễn tạo ra bởi Thượng Ðế đã phải nhượng bộ khi Ðức Phật đưa ra những lý do xác đáng tại sao khái niệm này sai và tại sao không có một thứ gì như vậy là một thực thể vĩnh viễn. Theo Ðức Phật, đó chỉ là mộng. Niềm tin này hiện hữu trong tâm trí con người chẳng khác gì màu sắc của cái cầu vồng không phải là thực. Ðức Phật giải thích ý kiến về linh hồn chỉ là sự hiểu lầm trong ý thức con người. Khái niệm về linh hồn là một vấn đề quan trọng trong mọi tôn giáo, nhưng chỉ có Ðức Phật tuyên bố rõ ràng không có một lý do nào cho chúng ta tin vào sự hiện hữu của linh hồn.
Thí dụ, ngày ấy, mọi người đều tin tưởng mặt trời và mặt trăng thường nhật quay xung quanh trái đất. Dân chúng có niềm tin ấy do sự thiếu kiến thức về thái dương hệ. Nhưng khi Copernicus chứng minh không phải mặt trời hay mặt trăng xoay chung quanh trái đất mà là trái đất xoay xung quanh mặt trời, rồi thì dần dần ta nhận thức được đó là sự thật.
Ta còn có một quan niệm sai lầm nữa về trái đất. Hàng ngàn năm, người ta tin tưởng trái đất bằng phẳng. Galileo chứng minh trái đất tròn, không bằng phẳng. Sau này ta nhận thấy Galileo đúng. Khi Copernicus khám phá ra mặt trời là trung tâm của thái dương hệ, ta nhận thấy niềm tin trước đây cho trái đất là trung tâm vũ trụ sai.
Cho đến Thế Kỷ Thứ 19, nhiều nhà triết lý cổ tin tưởng nguyên tử là thực thể vật chất tối hậu, không thể tách ra được nữa, nhưng nay các khoa học gia hạt nhân đã tách ra được.
Lý thuyết tiến hóa hình thành bởi Charles Darwin bác bỏ thuyết sáng tạo phổ cập cho là đời sống do Thượng Ðế tạo ra. Những nhà địa chất, sinh vật học, và sinh lý học cũng giải thích rất rõ ràng phải mất cả hàng triệu năm mới có dạng thức đầu tiên của đời sống trên trái đất. Những khám phá này chưa bao giờ mâu thuẫn với giáo lý của Ðức Phật. Những khám phá hiện đại của sự phát triển từng bước trong đời sống khoáng chất, thực vật, các vật sống khác và các chúng sanh đều phù hợp với giáo lý của Ðức Phật.
Khi chúng ta nghiên cứu những giải thích của Ðức Phật về vũ trụ, chúng ta thấy Ngài ghi nhận sự hiện hữu của một số chúng sanh may mắn hay bất hạnh không những trên thế giới này mà cũng cả trên các hành tinh khác.
Những nhà khoa học và thiên văn học hiện đại không thành kiến về vấn đề này, đều thừa nhận có thể sự hiện hữu của một số chúng sanh trên một số hành tinh khác.
Nhiều niềm tin truyền thống giống y như những niềm tin của người thượng cổ về hệ thống thế giới và nguồn gốc của đời sống. Nhưng giáo lý của Ðức Phật xác nhận những khám phá mới.
Ðức Phật không tán thành niềm tin cho rằng những nghi thức và nghi lễ tôn giáo là phương tiên duy nhất để tìm sự giải thoát. Theo Ðức Phật, sự phát triển về luân lý, tập trung, và thanh tịnh tâm trí là những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống đạo lý dẫn đến giải thoát cuối cùng.
Ngài vạch rõ một người có đạo lý phải sống một cuộc đời không hại ai, không bị khiển trách, đáng kính, đứng đắn, cao thượng và trong sạch. Chỉ bằng hành động cầu nguyện và dâng cúng lễ vật tự nó không thể làm thành con người có đạo lý hay đạt được sự toàn bích và giải thoát.
Ðức Phật khuyên con người kiềm chế không làm những việc tội lỗi. Lý do tránh xa tội lỗi là vì hạnh phúc của chúng sanh chứ không phải vì sợ một thuợng đế hay hình phạt. Ðồng thời Ngài khuyên chúng ta trau dồi phẩm hạnh người thiện, thực hành nhừng hành vi lương hảo hầu giúp đỡ người khác không chút động cơ vị kỷ.
Ðức Phật là vị đạo sư duy nhất ca ngợi trí thông minh con người. Ngài khuyên chúng ta không nên trở thành nô lệ cho những những tác nhân bên ngoài mà phát triển tiềm năng ẩn tàng với lòng tự tin.
Ngài cũng vạch rõ con người chịu trách nhiệm về mọi thứ trên thế giới này. Ðau khổ hay sung sướng cả hai đều do con người tạo ra, và con người có thể loại bỏ đau khổ và duy trì hòa bình hạnh phúc và trí tuệ bằng việc sử dụng nỗ lực của mình mà không lệ thuộc vào sức mạnh bên ngoài. Tâm trí con người không huấn luyện chịu trách nhiệm về tất cả những tai ương, rối loạn mà chúng ta gặp phải ngày nay. Ðồng thời tâm trí con người nếu sử dụng đích đáng, có thể thay đổi hoàn cảnh bất hạnh này, có thể biến thế giới thành hòa bình, hạnh phúc cho mọi người sống. Ðiều này chỉ có thể thực hiện nhờ nghị lực tinh thần trong sạch của một người hiểu biết qua rèn tập.
Ðối Ðầu Với Thực Tế
Tôn giáo này lúc nào cũng khuyến khích con người đối mặt với những sự kiện của đời sống, chấp nhận sự thật dù nó thế nào, không hành động như người đạo đức giả. Cho nên, người Phật Tử không bác bỏ những sự kiện thuộc về những vấn đề vật chất khám phá ra bởi những nhà tư tưởng và khoa học gia vĩ đại. Mặc dù Ðức Phật chú ý nhiều đến việc phát triển tinh thần, nhưng Ngài chẳng bao giờ chểnh mảng sự tiến bộ vật chất của con người trên thế giới. Trong giáo lý của Ngài, chúng ta có thể thấy vang vọng lời khuyên thực tiễn có cơ sở cho con người hoạt động thích đáng không phí phạm thì giờ và nỗ lực quý báu, đồng thời hành động khôn ngoan cho sự tiến bộ của loài người. Ngài dạy con người phải chu toàn nhiệm vụ đối với gia đình, thân quyến, bè bạn, cộng đồng, xứ sở và cả toàn cầu.
Cho nên, người Phật Tử không nên quên nhiệm vụ và bổn phận làm cho thế giới hạnh phúc và hòa bình bằng cách đóng góp trong phạm vi khả năng của mình. Ngài cũng chẳng bao giờ can thiệp vào những công việc của chính phủ hay những luật lệ hợp lý đặt ra bởi chính phủ. Ngài cũng chẳng bao giờ chống lại tập tục xã hội và truyền thống nếu những điều ấy vô hại và có lợi ích cho xã hội. Ðồng thời Ngài cũng chẳng bao giờ tìm đến quyền lực chính trị hay quân sự để giới thiệu giáo pháp về đời sống của Ngài mặc dù vua chúa và các quan đại thần là đệ tử của Ngài.
Tôn giáo này dạy chúng ta phục vụ tha nhân, hy sinh tiện ích riêng tư để cứu nhân loại đang đau khổ, tôn trọng các giới cấm đạo lý hay kỷ luật tự giác, mà không bị áp đặt của điều răn của một quyền năng vô hình nào đó. Tôn trọng nguyên tắc thiện theo nhận thức riêng của mình không những chỉ giúp cho chính ta có cơ hội được toàn hảo mà cũng giúp đỡ người khác sống trong hòa bình.
Sự toàn bích này là mục tiêu cao nhất một con người phải đạt cho được để rồi đạt giải thoát. Việc này không thể đạt được nhờ ảnh hưởng của bất cứ một thượng đế nào hay một tác nhân trung gian nào. Theo tôn giáo này, chúng ta có thể nhìn thấy kết quả của những hành động xấu hay tốt ngay trong đời này. Hạnh phúc thiên đường hay Niết Bàn có thể chứng nghiệm ngay trong đời này. Không cần thiết phải chờ đợi đến sau khi chết mới biết kết quả như thường được dạy ở nhiều tôn giáo khác.
Cho nên tại sao Ðức Phật khuyên ta đến và xem giáo lý của Ngài chứ không phải đến để tin suông. Ngài cũng khuyên ta nên chọn một tôn giáo thích hợp bằng cách nhận xét kỹ và điều tra nghiên cứu bằng mọi cách chứ không chấp nhận bằng xúc cảm hay niềm tin mù quáng. Do đó tại sao người ta gọi Ðạo Phật là một học thuyết về phép phân tích. Ở nơi tôn giáo này, chúng ta thấy học thuyết về phép phân tích và tâm lý về tâm và vật mà những nhà tư tưởng hiện đại đánh giá cao.
Luật Vũ Trụ
Ðức Phật là người thầy khám phá ra bản chất thực sự của luật vũ trụ vạn năng và khuyên ta nên sống phù hợp với định luật này. Ngài ghi nhận, những kẻ vi phạm luật này, như chống lại thiên nhiên, sống cuộc đời vô luân, phải đương đầu với những hậu quả.
Ngày nay chúng ta có thể thấy nhiều bằng chứng về điều này. Từ khi có cuộc cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ vừa qua, nhiều vùng đất rộng lớn trên trái đất bị tàn phá, dòng sông bị ô nhiễm đến mức không sao có thể phục hồi vì sự thiệt hại gây nên cho tài nguyên thiên nhiên của chúng ta. Nguyên nhân trực tiếp gây nên là do sự tham dục quá mạnh của cải vật chất, và sự thiếu hiểu biết về sự quân bình tốt đẹp giữa Người và Thiên Nhiên.
Không thể nào thoát khỏi được phản ứng của định luật vũ trụ đơn giản bằng cầu nguyện thượng đế vì lẽ luật vũ trụ vô tư. Nhưng Ðức Phật đã dạy chúng ta cách ngăn chặn một số phản ứng của một số việc làm xấu bằng cách càng làm nhiều hành vi thiện, rèn luyện tâm trí và loại bỏ những tư tưởng xấu trong tâm. Sau khi phá vỡ trật tự vũ trụ không có phương pháp nào có thể tránh dược phản ứng ngoại trừ bằng cách phối hợp với qui luật vũ trụ này. Ích kỷ phải nhường bước cho rộng lượng. Tham lam phải nhường bước cho hào phóng.
Nghiệp mà Ðức Phật giải thích được nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế giới Carl Jung chấp nhận như một tập hợp của thức. Nó chẳng là gì cả mà là sự tồn trữ hạt giống Nghiệp trong năng lượng tinh thần. Chừng nào mà tập hợp thức và 'ý muốn sống còn' còn trong tâm như ghi nhận bởi các triết gia, thì tái sanh sẽ xẩy ra dù ta tin hay không tin. Những yếu tố của xác thân có thể tan biến nhưng dòng tinh thần cùng với 'ý muốn sống' sẽ được truyền thừa và một đời sống khác được quyết định theo sự tập hợp của thức ấy.
Lực hấp dẫn và luật bảo toàn năng lượng được khám phá bởi các khoa học gia hiện đại như Newton xác minh học thuyết Nghiệp hay hành dộng và phản ứng trình bày bởi Ðức Phật.
Theo Ðức Phật, con người có thể trở thành một thượng đế nếu ngưới ấy sống đứng đắn và chính đáng bất chấp họ có niềm tin tôn giáo ra sao, nhưng các tôn giáo khác chỉ khuyên con người cầu nguyện thượng đế để được phước. Các tôn giáo ấy cũng thuyết giảng chỉ có sau khi chết con người mới có thể lên thiên đường mà hạnh phúc hay chứng nghiệm thiên đường không có nghĩa là con người có thể có đặc quyền để trở thành một thượng đế. Tuy nhiên, khái niệm Phật Giáo về Thượng Ðế khác hẳn khái niệm của các tôn giáo khác.
Không có một vị khai sáng ra tôn giáo nào nói là các tín đồ của mình một ngày nào đó có thể đạt được trí tuệ, an lạc, hạnh phúc và giải thoát giống như vị khai sáng ra tôn giáo ấy. Nhưng Ðức Phật nói bất cứ ai cũng có thể trở thành Phật nếu người ấy tu tập toàn hảo, theo phương pháp mà Ngài tu tập.
Bản Chất Của Tâm
Sự thay đổi nhanh chóng của tâm và những yếu tố của xác thân đã được giải thích trong Phật Giáo. Theo Ðức Phật trong mỗi sát na, tâm hiện ra rồi lại biến đi. Sinh vật học, sinh lý học, và tâm lý học dạy cùng một bản chất thay đổi như vậy trong đời sống. Cho nên đời sống không đứng nguyên một chỗ.
Nhà tâm lý học William James giải thích điểm thời khắc của thức. Ông bàn luận thức xuất hiện như thế nào và lại biến đi trong sự tiếp nối nhanh chóng.
Theo tính chất tự nhiên gây ra tiến trình liên tục của tâm, ngay khi tâm được sanh ra, nó khai sanh một tâm khác và chết. Ðến lượt cái tâm được sanh ra, khai sanh một tâm khác, và chết, và cứ thế tiếp tục.
Về câu hỏi lúc đầu những tư tưởng tội lỗi xuất hiện trong tâm con người như thế nào, câu trả lời có thể tìm thấy trong tôn giáo này. Nguyên nhân các tư tưởng tội lỗi là do động cơ ích kỷ của con người nó tồn tại do tham sống và niềm tin vào cái ngã (cái tôi) trường cửu luôn luôn tham đắm thỏa mãn giác quan.
Khi chúng ta nghiên cứu đời sống và giáo lý của Ðức Phật, chúng ta có thể nhìn thấy mọi thứ đều công khai trình bày cho mọi người. Không có mật thuyết.
Những sự kiện xẩy ra trong suốt cuộc đời Ngài là công khai, không dấu giếm và không có những việc xẩy ra thần bí. Dưới mắt Ðức Phật, cái gọi là thần thông siêu nhiên với nhiều người chẳng phải là siêu nhiên mà là hiện tượng thiên nhiên mà con người bình thường không thể nhận thức thấu đáo. Nếu kiến thức và hiểu biết về vũ trụ tăng trưởng thì niềm tin về siêu nhiên giảm đi. Với người thượng cổ, 'sấm sét' là là biểu hiện giận dữ của các thánh thần. Ngày nay, chúng ta biết sấm sét chỉ là tích điện.
Nếu những vật do duyên hợp đều phải tùy thuộc vào qui luật tự nhiên về sự vô thường, hoại và diệt, làm sao chúng ta có thể trình bày chúng là thần thông siêu nhiên?
Cả đến đản sanh, giác ngộ và nhập diệt của Ðức Phật cũng công khai. Ngài sống như một vị thầy tôn giáo bình thường như một chúng sanh thực sự.
Ngài vạch rõ tiến trình tiến hóa từ đời sống thú vật thành địa vị con người và từ địa vị con người thành tình trạng siêu phàm. Tình trạng này có thể chuyển địa vị Phạm Thiên và đời sống của Phạm Thiên thành đời sống toàn hảo. Người ta có thể tiến tới đời sống cao thượng trong sạch trực tiếp thành đời sống thiêng liêng toàn hảo. Ðức Phật cũng vạch rõ tình trạng ngược lại, đó là từ đời sống con người trở thành đời sống con vật.
Lối Sống Ðiều Ðộ
Ðức Phật khuyên dạy người ta nên theo con đường trung đạo trong mọi khía cạnh cuộc đời. Nhưng nhiều người không nhận thức được ý nghĩa thực sự và sự hữu ích của con đường trung đạo cao thượng. Ý nghĩa sâu xa của con đường trung đạo không những chỉ là lối sống chính đáng, không những chỉ để tránh hai cực đoan của cuộc sống, không chỉ để sống điều độ mà là học hỏi làm sao sử dụng tri giác hay khả năng con người mà không sử dụng sai lầm hay lạm dụng chúng. Ý nghĩa của sự hình thành các tri giác này là để bảo vệ đời sống, tránh một số nguy hiểm và tìm ra sinh kế. Bất hạnh thay, đa số người sống chỉ là để thỏa mãn giác quan, sử dụng chúng sai lầm chỉ để thỏa mãn dục vọng. Cuối cùng, tham ái của họ càng trở thành mãnh liệt nhưng chẳng bao giờ họ có thể thỏa mãn tham dục mà họ mong muốn. Nhiều hành động vô luân, hành vi tàn bạo, rối loạn tâm thần, thần kinh suy nhược, cạnh tranh không lành mạnh, căng thẳng và bất an thuờng được thấy trong xã hội hiện đại do cái tâm bất mãn sử dụng sai lầm giác quan. Rồi sức mạnh bản năng của các giác quan này tăng trưởng và bắt đầu suy tàn, và nhiều loại bệnh xuất hiện trong cơ quan con người. Ðiều đó có nghĩa là con người phải trả giá như thế nào vì sử dụng sai lầm hay đòi hỏi quá nhiều năm giác quan. Nếu luyến ái quá nhiều vào lạc thú nhục dục trên thế giới này, nếu không có thì giờ để uốn nắn và sửa soạn cuộc sống cho tương lai hay bên kia thế giới, đời sống sẽ trở thành khốn khổ.
Ðức Phật dạy rằng thật là tàn ác và bất công khi hủy diệt bất cứ sinh vật nào dù nhỏ bé dến đâu đi nữa. Nhưng thái độ hiền hòa đã bị sao lãng bởi nhiều đạo sư tôn giáo khác chỉ dạy rằng chỉ làm hại người mới là sai trái mà thôi. Hủy diệt đời sống của chúng sanh khác không phải chỉ là phương cách duy nhất để thoát khỏi phiền toái gây ra bởi các chúng sanh này.
Mục đích của Phật Giáo là thức tỉnh nhân loại để đạt được hạnh phúc tối thượng do sự thấu triệt về đời sống và thiên nhiên. Mục đích này không phải là tạo ra một số ảo tưởng hay thỏa mãn cảm xúc hay chiều theo một số tham dục trần thế bất trắc. Nó cũng chẳng hứa hẹn lạc thú bất diệt trần tục ở nơi đâu.
Phật Giáo cho thấy một bức tranh rõ ràng về hai mặt của cuộc đời: bản chất thực sự của cuộc sống, nguyên nhân của đau khổ và nguyên nhân của hạnh phúc. Lý thuyết về y học, khoa học, và kỹ thuật chưa khám phá ra được phương thức nào có thể sửa chũa cái đau đớn tinh thần, thất vọng và bất toại nguyện của cuộc sống.
Thế Nào Là Trí Tuệ?
Theo quan điểm Phật Giáo, trí tuệ căn cứ vào chánh kiến và chánh tư duy, sự hiểu biết về luật vũ trụ, và sự phát triển tuệ giác không những nhận biết chân lý mà cũng nhận được phương cách đạt hoàn toàn giải thoát từ sự bất toại nguyện của đời sống.
Cho nên trí tuệ thực sự không thể tìm thấy trong các học viện, trong phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học, hay tại tại bất cứ nơi thờ phượng nào mà ta thường lui tới để cầu nguyện và thực thi một số nghi thức, nghi lễ. Trí tuệ ở trong phạm vi của tâm. Khi kinh nghiệm, hiểu biết, chứng nghiệm và khi thanh tịnh hóa được hoàn tất, bao gồm sự toàn hảo cao nhất, trí tuệ này có thể được khám phá. Mục đích của cuộc đời là đạt được trí tuệ ấy. Thay vì tìm kiếm cái gì ở ngoài không gian, con người phải nỗ lực tìm kiếm bản chất của cái tuệ giác trong không gian nơi chính mình để đạt được mục tiêu tối hậu.
Con người có thể loại bỏ lực lượng tự nhiên không thuận lợi bằng cách củng cố và thanh tịnh hóa tâm mình để đạt được trạng thái hạnh phúc siêu trần nơi đây những lực ấy không còn sức mạnh để vận hành nữa.
Một triết gia nói là tôn giáo này mâu thuẫn tất cả những gì con người đã từng chứng nghiệm. Nếu như vậy Phật Giáo không thuộc loại tôn giáo đó vì Ðức Phật dạy chúng ta mọi thứ do kinh nghiệm của Ngài bao giờ cũng về bản chất của con người.
Nhiều triết gia, những nhà tư tưởng và khoa học vĩ đại đã chỉ sử dụng kiến thức trần thế, sức mạnh tư duy, và trí tuệ tìm ra nhiều điều mà họ đã giải thích quan điểm của họ sao cho phù hợp. Ngay cả với kiến thức trí tuệ như vậy, cũng không thể hiểu nổi bản chất thực sự của hiện tượng nếu không có sự thanh tịnh hóa tâm. Khi nghiên cứu một số các lời tuyên bố của các học giả, chúng ta có thể tìm thấy một số sự thật trong những lời của họ. Nhưng nhiều những lời tuyên bố này vẫn chỉ là triết lý khô khan vì họ chỉ dùng bộ não với nhiều ảo tưởng và ích kỷ.
Nhưng Ðức Phật đã sử dụng óc và tim của Ngài để kết tinh trí thông minh con người cùng với từ bi và trí tuệ để hiểu mọi sự trong viễn cảnh đầy đủ. Do đó tại sao giáo lý của Ngài không bao giờ trở thành triết lý hay lý thuyết khô khan mà là một phương pháp thực tiễn để giải quyết các vân đề của con người.
Ðó là một tôn giáo duy nhất giảng dạy cho nhân loại qua kinh nghiệm, thực nghiệm, trí tuệ và giác ngộ của vị khai sáng. Tôn giáo này không phải là một thông điệp truyền trao từ một thượng đế. Những vấn đề của con người phải được thấu triệt bởi con người qua kinh nghiệm con người bằng cách phát triển những đức tính nhân từ cao quý. Một người thầy của con người phải tìm ra giải pháp để giải quyết những vấn đề con người qua sự thanh lọc và phát triển tâm con người. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật không bao giờ tự giới thiệu Ngài là bậc cứu tinh siêu nhiên. Theo Ngài chúng ta là những vị cứu tinh để tự cứu chúng ta.
Tôn Giáo Ðích Thực Có Gây Trở Ngại Cho Sự Tiến Bộ Của Thế Giới?
Nhiều nhà khoa học, tư tưởng và triết lý lớn có môt thái độ chống đối tôn giáo. Họ nói tôn giáo cản trở sự tiến bộ của nhân loại và hướng dẫn họ sai lầm bằng cách giới thiệu niềm tin và thực hành lố bịch, dị đoan và cố làm con người xa rời những sự kiện khám phá ra bởi khoa học gia. Cho nên Karl Marx đã nói: "Tôn Giáo là thuốc phiện cho quần chúng". Nhưng khi chúng ta biết chắc ý họ muốn nói gì về tôn giáo, chúng ta có thể hiểu Phật Giáo không thuộc những tôn giáo thuộc nhóm tôn giáo đó. Cho nên, trong thời gian tới đây, nếu những nhà trí thức này thành công trong việc bác bỏ tôn giáo, không thể nào họ có thể ném bỏ Phật Giáo như một tôn giáo sai lầm vì lẽ Ðức Phật đã khám phá ra chân lý tuyệt đối. Nếu có chân lý ở đâu đó thì nó mãi mãi vẫn là chân lý. Nếu có bất cứ chân lý nào bị thay đổi do những điều kiện nào đó thì nó không phải là chân lý tuyệt đối. Dó là lý do tại sao mà Ðức Phật khám phá ra được gọi là chân lý cao quý. Chân lý này dẫn dắt con người thành một con người cao thượng. Cho nên cũng sẽ vẫn còn chánh đạo cao quý của đời sống thừa đủ để đối đầu với bất cứ sự thử thách khoa học hay tri thức nào. Về phương diện này, thông điệp của Ðức Phật không lay chuyển. Những nhà trí thức chắc chắn phải kính trọng lối sống này nếu họ thực sự có thể hiểu được Ðức Phật dạy thế nào. Cho nên, giáo lý của Ðức Phật sẽ vẫn tiếp tục là lối sống, tiếp tục là nguyện vọng của một đời sống cao thượng, thánh thiện, toàn bích, một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc dù có nhãn hiệu tôn giáo hiện hữu hay không.
Một Tôn Giáo Tự Do
Sự tự do mà những tín đồ theo Ðức Phật vui hưởng trên thế giới này đáng được ca ngợi. Thực ra, nhiều Phật Tử chưa nhận thức được điều đó. Chúng ta hoàn toàn tự do để phán xét và suy ngẫm hoặc chấp nhận hay bác bỏ bất cứ điều gì. Chúng ta không bị buộc phải chấp nhận bất cứ điều gì dưới danh nghĩa tôn giáo, chỉ vì nghĩ đến sự vĩ đại của bậc đại bậc đạo sư tôn giáo ấy hay cũng chẳng phải bởi nghĩ rằng đó là bổn phận của chúng ta là phải chấp nhận chỉ vì những giáo lý này tìm thấy trong kinh điển thần thánh hoặc trong truyền thống hay tập tục. Phật Tử hoàn toàn tự do điều tra nghiên cứu và chấp nhận chỉ khi điều đó thích hợp với sự nhận thức của mình. Phật Tử không chấp nhận hay bác bỏ điều gì mà không có lý do dứng đắn. Họ không bao giờ nói họ bị cấm làm cái này hay cái kia. Họ nói không thích làm điều ấy vì điều ấy gây khó khăn hay khổ sở hay đau đớn hay rắc rối cho đại chúng. Họ làm một số điều thiện không phải vì Ðạo Phật đòi họ phải làm mà vì nhận thấy giá trị và ý nghĩa của những hành động này mang phúc lợi cho người khác. Tôn giáo này là một tôn giáo tự do không bao giờ hạn chế công việc riêng tư của con người nếu những việc này không vô luân hay tác hại. Phật Tử hoàn toàn tự do tổ chức việc gia đình không vi phạm nguyên tắc căn bản đạo lý. Tôn giáo này giống như mỏ vàng cho những nhà trí thức trong công việc tìm tòi nghiên cứu, tìm thấy khía cạnh sâu xa về tâm lý, triết học, khoa học, luật vũ trụ, cho việc phát triển tinh thần cùng giải thoát nhân loại khỏi bất toại nguyện và bất an. Cho nên tại sao đã trên 2500 năm, Phật Giáo đã có thể thuyết phục đại chúng tại hầu hết các quốc gia Á Châu. Ở mọi thời đại, người ta đón chào giáo lý của Ðức Phật như một thông điệp hòa bình hay một thông điệp thiện chí. Do đó tại sao người Phật Tử có thể đem giới thiệu tôn giáo này không chút khó khăn, không cần áp dụng một loại lợi dụng nào, không cần làm đảo lộn những hoạt động văn hóa đang hiện tồn.
Nguyên Nhân Khó Khăn Của Chúng Ta
Một khía cạnh quan trọng khác trong tôn giáo này là sự giải thích về nguyên nhân chính các vấn đề và khổ đau của con người. Theo Ðức Phật, chúng ta hết thẩy đều phải đối đầu với những vấn đề trên trần thế này do lòng tham hiện hữu trong tâm. Ngài đã khám phá ra ba loại sức mạnh của lòng tham trong tâm và chúng chịu trách nhiệm về sự tồn tại, tái sanh và hàng ngàn vấn đề và rối loạn tinh thần của chúng ta. Chúng là: tham sống, tham sự ham muốn trần tục hoặc nhục dục và tham sự không tồn tại. Muốn hiểu ý nghĩa thực sự của những điều này, chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận và khôn ngoan về chúng cho đến khi sự nhận thức được đến được với chúng ta.
Những triết gia và tâm lý học nổi tiếng cũng đã giải thích ba sức mạnh ấy bằng ngôn ngữ khác biệt là những nguyên nhân của sự hiện hữu. Arthur Schopenhaumer giải thích ba sức mạnh ấy là nhục dục, bản năng tự bảo toàn, và quyên sinh. Nhà tâm lý học Sigmund Freud giải thích là dục tình, bản năng về cái tôi và cái chết do bản năng. Một nhà tâm lý khác Carl Jung nói: "Từ nguồn gốc bản năng nảy sanh mọi sáng tạo". Giờ đây hãy nhìn những nhà trí thức vĩ đại chuẩn bị tán thành chân lý khám phá ra bởi Ðức Phật 25 thế kỷ trước đây như thế nào. Tuy nhiên, khi xem xét những lời giải thích này, chúng ta có thể hiểu được Ðức Phật đã vượt qua khả năng hiểu biết của các nhà tư tưởng vĩ đại về những vấn đề ấy.
Hòa Thượng Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda