Dù trên đất liền hay ngoài đảo xa, trong thiết chế cuộc sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam, hễ nơi đâu có cư dân sinh sống, nơi đó có chùa, đền. Đó là tín ngưỡng bao đời của người Việt. Ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để con người ngưỡng vọng, thờ phụng và gửi gắm niềm tin vào sự chở che, cầu mong yên bình, an lạc.
Đêm đầu tiên được ngủ ở đảo Sơn Ca (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trên giường bộ đội, tiếng sóng biển rì rào, tiếng gió biển thổi qua những hàng phi lao, phong ba, bàng biển… nhẹ nhàng đưa chúng tôi vào giấc mộng êm đềm khi nào chẳng rõ. Khuya, tiếng chuông chùa công phu của thầy Thích Nguyên Hòa ngân nga từ chùa Linh Sơn trên đảo làm tôi thức giấc. Một không khí an lành, bình yên đến lạ như đang ở một làng quê Việt Nam nào đó trong đất liền chứ không phải là nơi tiền tiêu, đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Thầy Thích Nguyên Hòa cho biết chùa Linh Sơn được Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động các nguồn lực của thập phương cúng dường xây dựng hồi tháng 10/2013. Trước đó, trên nền chùa hiện tại có một ngôi miếu nhỏ do ngư dân đi biển ghé vào dựng lên để cầu an cho những chuyến đánh bắt thắng lợi. Từ ngày chùa được xây mới, các tàu thuyền đánh cá của ngư dân thường xuyên ghé vào đây để thắp hương cầu cho sóng yên biển lặng, làm ăn được hanh thông.
Cảnh chùa trên đảo Song Tử Tây buổi chiều thật thanh bình, an lạc trong tiếng sóng biển êm êm dào dạt. Được xây dựng theo thiết kế chùa truyền thống Việt, chùa có 3 gian chính, mái đao, có nhà Đông, nhà Tây. Tượng phật Thích Ca ở cung chánh điện được tạc bằng đá hoa cương. Thầy trụ trì Thích Nhuận Đạt cho hay chùa được đại trùng tu năm 2007. Các hộ dân sống trên đảo ngày rằm, đầu tháng đều đến chùa lễ Phật, nghe pháp, còn những ngày thường, họ đến phụ quét dọn nhà chùa. Đối với các thuyền đánh cá của ngư dân, mỗi khi đi ngang qua đảo họ cũng dành thời gian vào chùa lễ Phật cầu an.
Với các sư thầy trụ trì các chùa ở Trường Sa, việc tu học như có phần thuận lợi hơn. Cuộc sống thanh bần, không khí trong lành, yên tĩnh rất phù hợp với Phật sự này. Đại đức Thích Minh Huy, trụ trì chùa Sinh Tồn trên đảo Sinh Tồn nói: “Không gian tĩnh lặng về đêm trên đảo giúp người tu hành chuyên tâm tu học, trì niệm, cầu cho quốc thái dân an”. Ngày rằm, đầu tháng, vía, kỵ, ngày tết, người dân, bộ đội đến chùa lễ Phật, trò chuyện cùng sư thầy. Ngược lại những ngày vui, ngày lễ, cúng kỵ của người dân trên đảo các sư trụ trì là người giúp gia đình thiết lễ, cúng kỵ… Các sư cùng với người dân cũng tham gia vào các hoạt động trồng cây xanh, chào cờ với đơn vị bộ đội trên đảo… vào những ngày lễ trọng hay đón khách từ đất liền ra thăm.
Đại dương mênh mông đầy hào phóng nhưng cũng lắm hiểm nguy rình rập. Hiểm nguy từ thiên nhiên, bão bùng giông tố; hiểm nguy trước các thế lực nước ngoài chống phá công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta. Theo đại tá Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Phật giáo là một trong những tín ngưỡng tâm linh phổ biến của người Việt Nam. Bởi vậy, hầu như ở nơi nào có cư dân sinh sống là nơi đó có thiết chế chùa chiền. Người dân đến chùa lễ Phật cầu mong cho thân tâm an lạc, gia đình yên vui. Những ngôi chùa nơi đây là điểm tựa tâm linh của cư dân trên đảo và những ngư dân đang đánh cá ngoài khơi xa; là cột mốc chủ quyền thể hiện tâm nguyện về cuộc sống yêu hòa bình, hướng thiện, bình yên, cầu mong đất nước, quê hương luôn vững vàng trước mọi bão giông, sóng gió cuộc đời…
Ngoài chùa Linh Sơn trên đảo Sơn Ca, trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc hiện đã có nhiều ngôi chùa ở thị trấn Trường Sa Lớn, đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, Phan Vinh, Nam Yết. Mỗi ngôi chùa đều mang thông điệp hướng thiện, khát vọng cuộc sống bình yên, hòa bình, hữu nghị như tấm lòng nhân hậu bao đời nay của người dân Việt Nam…
(Baophuyen)