Nhập - đề.

Sau ngày thành đạo dưới cội cây Bồ-đề bên bờ sông Ni-liên-thiền, Đức Phật lên đường hướng về miền Nam, tìm gặp các anh em ông Kiều-trần-như là những người bạn-đạo cũ, để thuyết-giảng cho họ nghe Chánh-pháp. Lời mở đầu của Đức Phật trong Kinh Chuyển-Pháp-Luân, tại vườn Lộc-Uyển, được ghi lại như sau:

"...Tại đấy, Thế-tôn bảo chúng năm Tỳ-kheo:

- Có hai cực-đoan nầy, nầy các Tỳ-kheo, một người xuất-gia không nên thực-hành theo. Thế nào là hai?

Một là đắm-say trong các dục hạ-liệt, đê-tiện, phàm-phu, không xứng bậc Thánh, không liên-hệ đến mục-đích.

Hai là tự hành khổ mình, khổ-đau, không xứng bậc Thánh, không liên-hệ đến mục-đích.

Tránh xa hai cực-đoan nầy, nầy các Tỳ-kheo, là con đường Trung-đạo, do Như-lai chánh-giác, tác thành trí, đưa đến an-tịnh, thắng-trí, giác-ngộ, Niết-bàn. ... "

Hai cực-đoạn được nói đến trong đoạn Kinh trích-dẫn: (1) có tánh-cách lợi-dưỡng, tấm thân đắm-say thọ-hưởng các thú-vui vật-chất; (2) có tánh-cách khắc-khổ, ép-xác, thân-thể chịu nhiều đau khổ, để mong được giải-thoát tinh-thần. Hai điều quá mức đó được Đức Phật bác-bỏ và Ngài chọn con đường Trung-Đạo, ở giữa, chẳng kẹt vào bên cực-đoan nào, đó là con đường Bát-Chánh-Đạo.

Con đường lợi-dưỡng, còn ham vui, chưa đáng gọi là con đường tu-hành. Con đường khắc-khổ tuy có vẻ tu-hành, nhưng còn chưa đúng-đắn, vì lẽ chỉ lo ép xác cũng chẳng đưa đến sự giải-thoát. Sự giải-thoát phải gồm có: tâm giải-thoát khỏi các phiền-não và tuệ giải-thoát khỏi các tà-kiến, chớ nào phải chỉ có thân giải-thoát khỏi các dục-lạc mà thôi.

Một quan-niệm cổ-hủ của một số Phật-tử tại-gia xem như tu cao lắm các người năm nầy tháng nọ ăn chay cực-khổ, gạo lứt muối mè, hoặc người suốt năm chẳng nằm, chỉ ôm gối ngồi ngủ. Xưa hơn nữa, vào thời Đức Phật, có nhóm Ni-kiền-tử tu loã-thể, chỉ đóng khố che bộ-phận sinh-dục, bọn trường-trảo để móng tay dài, bọn ngồi xổm quanh năm theo hạnh con chó.

Nhằm đối-trị lại các quan-niệm tu-hành sai-lầm đó, Đức Phật đã chế-đặt ra mười ba hạnh Đầu-đà, dành cho các bực xuất-gia muốn tu khổ-hạnh. Các hạnh Đầu-đà nầy được vị Đại-đệ-tử của Đức Phật là Tôn-giả Đại Ca-Diếp chấp-hành thật nghiêm-chỉnh, và được khen-ngợi là bực nhứt tu hạnh Đầu-đà.

Dầu rằng hạnh Đầu-đà dành cho người xuất-gia, giữ Giới thật thanh-tịnh, chóng được Định-lực và phát-triển Trí-huệ sớm đưa đến chỗ giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn, nhưng tinh-thần của hạnh Đầu-đà có thể ứng-dụng cho người Phật-tử tại-gia, còn bận-bịu đời sống thế-tục, chịu nhiều ràng-buộc của xã-hội. Người Phật-tử tại-gia, bằng lối sống đơn-sơ, có thể áp-dụng tinh-thần dứt-trừ tham-ái, ít muốn biết đủ, diệt-bỏ quyến-luyến của hạnh Đầu-đà, theo từng bước con đường Trung-Đạo mà Đức Phật đã khai-triển thật rõ ràng trong Bát-Chánh-Đạo. Tuy chưa có thể mong-cầu sớm giác-ngộ và giải-thoát như các bực xuất-gia, nhưng các ích-lợi thiết-thực của lối-sống đơn-sơ bình-dị cũng đem đến sự an-lạc nội-tâm cho người tu-hành tại-gia.

Trong ý-hướng đó, chúng tôi xin lần-lượt nêu ra:

(1) Sự-tích của Tôn-giả Ca-Diếp, người theo hạnh Đầu-đà bực nhứt, (2) Khai-triển Mười ba Hạnh Đầu-đà và có
(3) Vài đề-nghị thực-tiễn về hạnh nầy cho người tại-gia.

I .- Sự-tích Tôn-giả Đại Ca-Diếp.

Người chánh-thức trực-tiếp cầm đầu Tăng-đoàn sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn là Tôn-giả Đại Ca-Diếp.

Tôn-giả Đại Ca-Diếp (Mahà Kassapa) sanh trong một gia-đình Bà-la-môn giàu-có lớn, thuộc hạng nhứt nhì trong nước Ma-kiệt-đà (Magadha), nhà cửa gần thành Vương-xá (Rajàgaha) Theo truyền-thuyết, mẹ của Tôn-giả sanh con dưới bóng cây Tãt-bát-la (Pippala), tức là cây Bồ-đề; Tôn-giả có gần đủ ba mươi hai tướng tốt của bực Đại-trượng-phu.

Lúc còn trẻ.

Tôn-giả Đại Ca-Diếp rất thông-minh, được học-hỏi rành-rẽ các bộ Kinh Vệ-đà (Vedas) của đạo Bà-la-môn (Brahmana) và các môn học khác như văn-chương, toán-học, thiên-văn, điạ-lý, v.v. Tánh-tình trầm-tĩnh, chẳng thích những chốn náo-nhiệt, thường ưa nơi vắng-vẻ, lặng-lẽ.

Đến tuổi thanh-niên, cha mẹ định cưới vợ cho Tôn-giả, nhưng Tôn-giả từ-chối, nhờ thợ khéo đúc một pho tượng thiếu-nữ bằng vàng rất đẹp, bảo rằng, chỉ ưng lấy một người trông giống như pho tượng đó. Ở thành Tỳ-da-ly (Vaisali) có người thiếu-nữ đẹp và hiền, tên là Diệu-Hiền, trông giống như pho tượng, lại là con nhà hào-phú. Cha mẹ xin cưới về, nhưng cả hai vợ chồng mới cưới thoả-thuận nhau chẳng chung giường, cùng nhau giữ sự thanh-tịnh để lo học đạo.

Sống chung với vợ như bạn, như khách, sau mười hai năm, khi cha mẹ qua đời, Tôn-giả Đại Ca-Diếp bấy giờ đã ba mươi tuổi, từ-giã vợ lên đường đi tìm thấy học đạo. Tôn-giả đến qui-y với Đức Phật ở tịnh-xá Trúc-lâm, ba năm sau ngày Đức Phật đã thành đạo. Tăng-đoàn lúc ấy được đặt dưới quyền cai-quản của hai vị đại-đệ-tử là Xá-lợi-phất (Sariputta) và Mục-kiền-liên (Moggallàna). Chỉ trong tám ngày sau, Tôn-giả Đại Ca-Diếp đã chứng-ngộ đạo-lý của Phật-pháp. Còn bà Diệu-Hiền thì ngã theo nhóm loã-thể Ni-kiền-tử (Nigantha). Khi Ni-đoàn được thành-lập, Tôn-giả trở về tìm lại bà Diệu-Hiền, hướng-dẫn đến qui-y với Đức Phật, và trở thành một tỳ-kheo-ni.

Xuất cơn diệt-tận-định.

Trong Kinh Pháp-Cú (Dhammapada), có thuật lại tích-chuyện Tôn-giả Đại Ca-Diếp vừa xuất cơn diệt-tận-định, liền ôm bình bát đi vào một khu nghèo-khổ nhứt trong thành Vương-xá để khất-thực. Mục-đích của Tôn-giả là khiến cho một người nghèo-khổ nào đó được cơ-duyên tạo nên phước-đức to-lớn vì cúng-dường cho một bực vừa chứng-nhập diệt-tận-định (đó là tình-trạng nhập-định cao nhứt, vượt qua bốn cõi Thiền và bốn cõi Định, chấm dứt tạm-thời được thọ-uẩn và tưởng-uẩn, chứng-ngộ Niết-bàn). Lúc bấy giờ, Vua Trời Đế-Thích nom thấy, muốn tạo phước-báu, mới cùng vợ, hoá hình làm hai vợ chồng già-cả cùng-khổ, làm nghề dệt vải ở thành Vương-xá. Tôn-giả Đại Ca-Diếp dừng lại trước cửa nhà, người chồng già liền bưng bình bát của Tôn-giả, sớt cơm trắng với cà-ri đầy bát, mùi thơm của thức ăn bốc lên bát-ngát cả thành-phố. Bấy giờ, Tôn-giả đoán biết thí-chủ chẳng phải là người thường, liền mở mắt thiên-nhãn ra nhìn, thấy đó chính là Vua Trờ Đế-Thích. Vua Đế-Thích mới nói thiệt rằng, trước kia ông rất nghèo-khổ vì chẳng có cơ-hội tạo phước cúng-dường trong thời Đức Phật. Nói xong, Vua Đế-Thích và phu-nhơn kính-cẩn chào Tôn-giả để từ-biệt, trở về cung Trời.

Nơi Tịnh-xá Trúc-lâm (Veluvana) Đức Phật dùng thiên-nhãn, nhìn thấy cảnh-tượng đó, mới nói cho các Tỳ-kheo biết. Các vị Tỳ-kheo thắc-mắc tại sao Vua Trời Đế-Thích lại biết được Tôn-giả Đại Ca-Diếp vừa xuất cơn diệt-tận-định, để giáng-trần mà cúng-dường. Đức Phật đáp: "Nầy chư Tỳ-kheo ! Danh-tiếng một người có đức-hạnh cao-qúi như Đại Ca-Diếp vang dội xa gần, thấu đến tận cung Trời, khiến cho Vua Đế-Thích biết được mà đến cúng-dường." Rồi Đức Phật đọc lên bài kệ:

Hương chiên-đàn, hương già-la còn nhạt, Chỉ có giới-hương toả ngát cung Trời. (Kệ số 056)

Niêm hoa vi tiếu.

Trong một thời giảng pháp tại hội Linh-sơn, Đức Phật cầm một cành hoa sen trắng, lặng-lẽ đưa lên trước đại-chúng, chẳng thốt lên lời nào. Mọi người đang chờ đợi nghe lời thuyết-pháp. Nhưng có Tôn-giả Đại Ca-Diếp nhìn hoa, miệng mỉm cười. Đức Phật nhìn nụ cười trên môi Tôn-giả, long-trọng bảo: "Ta có Chánh-pháp nhãn-tạng, nay trao-truyền cho Đại Ca-Diếp."

Cử-chỉ và lời nói của Đức Phật mang ý-nghiã của một sự truyền tâm-ấn. Trong khi mọi người còn chưa hiểu tại sao Đức Phật đưa lên cành hoa, thì Tôn-giả Đại Ca-Diếp trong lòng tỉnh-thức, nhận ra Phật-tánh nơi mình mới mỉm-cười, sống với Phật-tánh đó. Tâm của Đức Phật muốn nhắc đến Phật-tánh, (tánh thấy-biết có sẵn nơi mọi người và sẽ đưa con người tới nơi giác-ngộ và giải-thoát), khi Ngài đưa cành hoa lên. Mọi người còn đang ngơ-ngác, chỉ có Tôn-giả Đại Ca-Diếp thấu được ý-nghiã của sự nhắc-nhở đó nên mới biểu-lộ ra bằng một nụ-cười. Hai tâm, tâm của Đức Phật và tâm của Tôn-giả, giống y nhau, một người gợi lên tánh-giác, một người liền nhận ngay ra tánh-giác nơi mình, đó là việc đem tâm ấn vào tâm.

Trong lịch-sử Phật-học, việc niêm hoa vi tiếu nầy (niêm= lấy tay cầm giữ một vật gì; vi tiếu= mỉm cười) là một cuộc trao-truyền Chánh-pháp, nghiã là người nhận, tức là Tôn-giả Đại Ca-Diếp, được coi như chánh-thức là người thưà-kế của Đức Phật trong việc hoằng-dương Phật-pháp sau nầy.

Kết-tập Kinh-điển lần thứ nhứt.

Khi Đức Phật nhập Niết-bàn ở thành Câu-thi-na (Kusinàrà), Tôn-giả Đại Ca-Diếp đang đi truyền-đạo ở miền Bắc, mấy ngày sau mới về đến nơi hoả-thiêu nhục-thân của Đức Phật.

Vì hai vị thượng-thủ Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã qua đời trước Đức Phật, nên việc cầm đầu Tăng-đoàn nay được giao-phó cho Tôn-giả Đại Ca-Diếp.

Vào khoảng chín mươi ngày sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Tôn-giả Đại Ca-Diếp đốc-thúc tất cả chúng Tăng kết-tạp lại những điều di-giáo của Đức Phật, sợ có sự thất-lạc sau nầy. Bấy giờ có vua A-xà-thế (Ajàtasatru) nước Ma-kiệt-đà tận-tâm giúp-đỡ. Hồi ấy ở phiá Nam thành Vương-xá có hang Tất-ba-la (Vebhàra-guhà) rộng-rải, 500 vị Tỳ-kheo đắc quả A-la-hán được chọn tham-dự và suy-tôn Tôn-giả Đại Ca-Diếp làm lãnh-tụ. Tôn-giả A-nan (Ananda) đọc Kinh-tạng, Tôn-giả Ưu-bà-ly (Upali) đọc lại Luật-tạng.

Việc kết-tập Kinh-điển lần thứ nhứt nầy chỉ có đọc tụng lại, chưa có chữ viết.

Ngồi Thiền trong núi Kê-túc-sơn.

Tương-truyền, Tôn-giả Đại Ca-Diếp sống rất thọ. Đến năm trên trăm tuổi, Tôn-giả trao quyền cầm đầu Tăng-đoàn cho Tôn-giả A-nan, rồi đến núi Kê-túc-sơn (Gradhakuta) ở về phiá Tây-Nam thành Vương-xá. Khi Tôn-giả đến nơi, hang núi mở rộng ra, Tôn-giả vào ngồi Thiền, tức thì hang đóng kín lại. Người ta bảo rằng, Tôn-giả ngồi chờ đến khi Đức Phật Di-Lặc ra đời, để trao lại áo cà-sa của Đức Phật Thích-ca.

Tôn-giả Đại Ca-Diếp là vị Sơ-Tổ của Thiền-tông Ấn-độ.

II.- Hạnh Đầu-đà.

Hạnh Đầu-đà là gì?

Hạnh Đầu-đà thường được hiểu là tu khổ-hạnh, kềm-thúc thân-thể trong vòng kỷ-luật thật nghiêm-khắc, mục-đích là để giữ được Giới cho thật thanh-tịnh và chóng sớm được Định để phát-triển Huệ mà được giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn.

Tu Hạnh Đầu-đà được lợi-ích nào?

Tu theo hạnh Đầu-đà (Pali: Dhudanga) có các lợi-ích sau đây: ít muốn biết đủ, chẳng nghi-nan, đoạn-diệt được tham-ái, sự tinh-tấn được thêm phần dõng-mãnh, dẹp bỏ được mọi ràng-buộc và được an-trú, giữ giới được thanh-tịnh.

Mười ba pháp của hạnh Đầu-đà.

Hạnh Đầu-đà được Đức Phật dạy thành mười ba pháp, sắp theo bốn nhóm:

1.- Hai pháp về y-phục: phấn-tảo-y và tam-y.

2.- Năm pháp về việc khất-thực: khất-thực hằng ngày, khất-thức theo thứ-lớp (thứ đệ khất thực), chỉ một lần ngồi ăn (nhứt toạ thực), khéo đo-lường bữa ăn (thiện lượng thực), quá giờ chẳng ăn (thời hậu bất thực).

3.- Năm pháp về các tư-thế (bốn oai-nghi: đi, đứng , nằm, ngồi): ngồi nơi nhàn-tịnh (vô-sự xứ toạ), ngồi dưới bóng cây (thọ hạ toạ), ở chỗ trống chẳng có che lợp (lộ điạ toạ), ở nơi mồ-mả (chủng gian toạ), ở tùy chỗ gặp được (ngộ đắc xứ toạ).

4.- Một pháp về tinh-tấn dõng-mãnh: thường ngồi chẳng nằm ( thường toạ bất ngoạ).

Sau đây xin lần-lượt khai-triển về mười ba pháp kể trên.

(1) Phấn-tảo y

1.- Phấn-tảo y là gì? Phấn là phân, phẩn; tảo là quét. Y phấn-tảo là do vải lượm ở chỗ dơ, hoặc nơi hố rác, hoặc nơi nghiã-điạ, bị chuột bọ, trâu bò gặm nhấm, đem về giặt sạch, ráp lại may thành áo. Còn gọi là nạp-y, áo của nhà sư.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước.- Thọ-trì phấn-tảo-y thì phải từ-khước áo do cư-sĩ cúng-thí. Tuy nhiên, nếu dó là các áo sô, áo gai, áo vải thô, áo nỉ, thì châm-chước nhận, cũng chẳng thất-bại trong việc thọ-trì.

3.- Ích-lợi của việc mặc áo phấn-tảo.- Mặc áo nầy chẳng cần cầu xin nơi các thí-chủ, mất đi chẳng lo buồn, trộm cướp chẳng đoạt lấy, đủ cho sự cần dùng hằng ngày. Người lành theo hạnh nầy giữ được sự khiêm-tốn, đắc được sự chẳng nghi-nan, an-trú trong niềm vui của pháp và sớm được chánh-thọ.

(2) Tam-y

1.- Thế nào là Tam-y?- Tam là ba, Y là áo. Tam-y là ba áo, gồm có: (1) áo Tăng-già-lê (Sanghàti) là áo tràng phía ngoài; (2) áo Uất-đa-la-tăng (Uttarasanga) là áo giữa; (3) áo An-đà-hội (Antaravàsaka) là áo trong.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước.- Thọ-trì tam-y thì chẳng được giữ quá số ba áo, chẳng có y nào dư-trội cả. Nếu cất giữ áo thứ tư thì thất-bại việc thọ-trì. Tuy nhiên, có thể châm-chước nhận và giữ lại áo dư trong mười ngày vào dịp lễ Dâng-y, hay các áo tạm kê đầu giường, áo phủ giường, áo dùng băng-bó vết thương, khăn tay, khăn tắm. Nhưng nếu là của hiến-tặng bất-tịnh (bất-tịnh=chẳng sạch), thì phải từ-khước.

3.- Ích-lợi.- Người lành tập hạnh nầy, lià được sự chất-chứa của-cải thừa-thãi, ít lo tạo-dựng thêm, kềm giữ thân biết đủ, như chim bay trên không, chẳng luyến nhìn lại phía sau. Hạnh nầy còn đưa đến sự chẳng nghi-nan (vô-nghi).

(3) Khất-thực hằng ngày.

1.- Khất-thực là gì? - Khất là cầu xin; Thực là ăn. Hạnh khất-thực là tỳ-kheo chẳng được có nghề riêng để mưu-sanh, mà phải đi xin ăn hằng ngày, làm ruộng-phước cho các thí-chủ. Khi đi khất-thực, tỳ-kheo khỏi nhận lời mời riêng khiến phải xếp bỏ công-việc của mình.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước.- Có ba loại mời-thỉnh của các cư-sĩ: mời riêng, mời chung và mời nhiều bận. Tỳ-kheo thọ-trì việc khất-thực, phải khước-từ cả ba loại mời-thỉnh đó; nếu nhận lời thì có thất-bại trong việc thọ-trì. Tuy nhiên, khi thực-phẩm được hiến chung cho cả Tăng-đoàn, thực-phẩm cấp theo phiếu, hay hằng nửa tháng, hoặc vào dịp lễ Bố-tát (lễ tụng Giới-luật) thì có thể châm-chước nhận, khỏi đi khất-thực.

3.- Ích-lợi.- Theo tâm sở-nguyện, tỳ-kheo đi tới hay dừng lại được tự-do, khỏi lo việc nấu-nướng, dẹp bỏ sự lười-biếng, trừ được sự kiêu-mạn, chẳng tham-lam mùi-vị, làm lợi-ích cho chúng-sanh (phước-điền), ở bốn phương lòng chẳng ngăn-ngại. Người lành theo hạnh nầy được sự chẳng nghi-nan.

(4) Khất-thực theo thứ-lớp (Thứ-đệ khất-thực)

1.- Khất-thực theo thứ-lớp là gì? - Tỳ-kheo theo hạnh khất-thực theo thứ-lớp, khi bước chơn vào làng, đi suốt đến nhà cuối-cùng rồi lần-lượt đi trở ra đầu làng, chẳng bỏ sót nhà nào. Nếu có sự vượt qua bỏ sót một nhà, đó là thất-bại trong việc thọ-trì việc khất-thực theo thứ-lớp.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước .- Nếu khất-thực theo thứ-lớp thì chẳng thường đến nhà có nhiều thức-ăn mỹ-vị. Khi đi ngang qua một nhà, thấy có voi, ngựa đang cắn nhau, thì phải tránh đi, chẳng thất trong việc thọ-trì.

3.- Ích-lợi.- Lấy tâm bình-đẳng, chẳng phân-biệt giàu-nghèo, làm lợi-ích cho tất cả, trừ được sự ganh-ghét, tránh sự rong-chơi đùa-bỡn, chẳng thích được mời-mọc, chẳng ưa nhiều lời, xa-lià nơi nhà người, bỏ lối đi gấp-gáp, cũng như vầng trăng tròn ít khi hiện lên, được người đời chiêm-ngưỡng. Người lành theo hạnh nầy được sự chẳng nghi-nan.

(5) Chỉ một lần ngồi ăn (Nhứt toạ thực).

1.- Thế nào là chỉ ngồi ăn một lần? - Ngồi ăn ở hai nơi, lấy thức ăn nhiều lần, rửa bát nhiều bận, những cử-chỉ đó nên tránh phạm phải, đó gọi là hạnh chỉ một lần ngồi ăn. Có ba giới-hạn nếu tuân theo thì thọ-trì được hạnh nầy:

(1) giới-hạn về ngồi: ăn xong rồi, chẳng ngồi nán lại thêm nữa; (2) giới-hạn về nước: uống nước, rửa chén xong, chẳng được ăn gì thêm nữa;
(3) giới-hạn về ăn: khi đang ăn, nghĩ rằng đây là miếng chót, hễ nuốt xong, thì chẳng ăn thêm nữa.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước .- Chỉ ngồi ăn tại một chỗ duy-nhứt, hễ đứng lên thì chẳng được ăn tiếp nữa, đó là cách thọ-trì hạnh nầy. Tuy nhiên, nếu đang ăn, có voi, ngựa hung-hăng chạy đến, có thể đứng dậy tránh, xong lại tiếp-tục ăn. Nếu đang ăn, có Hoà-thượng, A-xà-lê, hay khách tỳ-kheo đến, có thể đứng dậy chào, xong ăn tiếp. Trừ khi phải dùng thuốc-thang, còn ăn uống hai lần là thất-bại trong việc thọ-trì.

3.- Ích-lợi.- Chẳng ăn nhiều cũng chẳng ăn ít, chẳng tham của bố-thí, tránh được mọi bịnh-tật và phiền-não, yên sống chẳng bị ngăn-ngại, việc mình an-vui. Người lành theo hạnh nầy được sự chẳng nghi-nan.

(6) Khéo đo-lường bữa ăn (Thiện lượng thực).

1.- Thế nào là Khéo đo-lường bữa ăn? - Trước khi ăn uống, nên suy-xét sức mình kham được nhiều ít, lấy đó làm chừng-mực, chẳng dùng quá, khéo trù-liệu, tránh sự vô-độ, đó gọi là khéo đo-lường bữa ăn.

2.- Cách thọ-trì.- Biết trù-liệu bữa ăn thì chẳng tùy theo cái bụng, để khỏi buông-lung ăn nhiều quá. Chẳng có sự châm-chước nào cho việc thọ-trì hạnh nầy cả.

3.- Ích-lợi.- Nếu ăn uống quá độ thì thân thêm nặng, hay buồn ngủ, sanh ra bịnh-tật, yếu-mệt, lười-nhác. Khéo-léo đo lường bữa ăn thi tránh được sự thèm ăn mãi chẳng chán. Người lành theo hạnh nầy sức-khoẻ dồi-dào, tránh được sự tham ăn, và được sự chẳng nghi-nan.

(7) Quá giờ chẳng ăn (Thời hậu bất thực)

1.- Thế nào là quá giờ chẳng ăn? Lấy giờ Ngọ (mười hai giờ trưa) làm chuẩn, sau giờ đó chẳng được ăn gì thêm, đó là hạnh quá giờ chẳng ăn. Đã ăn đến miếng ăn thứ hai mươi mốt rồi thì chẳng ăn nữa, đó là giới-hạn của việc quá giờ chẳng ăn.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước.- Mỗi ngày chỉ ăn một bữa ăn Ngọ, đó là cách thọ-trì hạnh quá giờ chẳng ăn. Ngoại-trừ khi phải dùng thuốc thang, chẳng có sự châm-chước nào trong việc ăn quá giờ. Dầu có được mời riêng ăn thêm sau giờ Ngọ, cũng phải từ-khước.

3.- Ích-lợi.- Hạnh nầy giúp ta tránh sự ăn vặt, ăn về đêm. Nhờ giữ tiết-độ, thân-thể được nhẹ-nhàng, sức-khoẻ dồi-dào, khỏi lo lăng-xăng chạy tìm-cầu theo món ăn, giảm bớt lòng dục. Người lành theo hạnh nầy đắc được sự chẳng nghi-nan.

(8) Ngồi nơi nhàn-tịnh (Vô-sự xứ - Không-nhàn xứ).

1.- Thế nào là ngồi nơi nhàn-tịnh? - Nơi làng mạc ồn-ào, chốn thành-thị huyên-náo, khiến tâm-thức đắm-nhiễm năm trần, sanh ra loạn-động. Lià chỗ đông người qua lại, chọn nơi vắng-vẻ yên-tịnh, đó là theo hạnh ngồi nơi nhàn-tịnh. Nơi nhàn-tịnh gần nhứt là nơi cách thành-thị, làng-mạc độ năm trăm cung ( mỗi cung bằng bốn khuỷu tay, vào khoảng hai ba trăm thước), tránh chỗ ngoài bià quá xa-vắng.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước.- Tìm nơi nhàn-tịnh mà ngồi là để tránh các nơi ồn-ào trong làng xóm, thành-thị, thường gây sự loạn-tâm. Nếu cần phải tham-dự các lễ Bố-tát, lễ thọ-giới, buổi giảng-pháp, đi thăm-viếng người bịnh, đi giải-đáp thắc-mắc về Kinh-kệ, mà phải vào làng-mạc, thì có được sự châm-chước trong việc thọ-trì.

3.- Ích-lợi.- Thực-hành hạnh nầy giúp cho hành-giả được sống độc-cư, chẳng dua theo thế-tục, tùy tâm mà ngồi thiền sớm đắc định-lực, hưởng sự tịch-tĩnh, nhàn-nhã. Người lành theo hạnh-nghiệp nầy đắc được sự chẳng nghi-nan.

(9) Ngồi dưới bóng cây (Thọ-hạ toạ).

1.- Thế nào là ngồi dưới bóng cây? - Tránh sự tham-cầu về cư-trú, lià sự ràng-buộc tríu-mến chỗ ở, là việc ngồi dưới bóng cây. Vào ban ngày, khoảng có bóng cây rọi xuống, đó là nơi cư-trú theo hạnh ngồi dưới bóng cây, trừ những cây quá già-cỗi, thân cây có lỗ hổng, cây có qủi-thần cư-trú.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước.- Chọn cây mình thích, nhưng chẳng tríu-mến, chẳng giao-thiệp với đời, chẳng có phòng-ốc để lo-lắng, người thọ-trì hạnh nầy rời được mọi công-việc nhà-cửa. Có sự châm-chước khi trời đổ mưa, nhưng khi tạnh-ráo, liền lià nơi tạm trú. Vào mùa mưa dầm, có thể châm-chước vào trú nơi có che-lợp.

3.- Ích-lợi.- Hạnh ngồi dưới bóng cây khiến người thọ-trì dứt được sự tham-ái về nhà-cửa, tránh được sự tríu-mến về nơi cư-trú. Tự-do đi lại, vui hưởng cảnh an-tịnh, người theo hạnh nầy còn đắc được sự chẳng nghi-nan.

(10) Ngồi chỗ trống chẳng có che-lợp (Lộ đîạ toạ).

1.- Thế nào ngồi nơi chỗ trống chẳng có che-lợp? Tránh những nơi cư-trú có che-lợp bên trên, khỏi lo tạo-dựng nhà cửa, am-cốc, hạnh ngồi nơi chỗ trống giúp hành-giả gần với thiên-nhiên, tránh sự phung-phí trang-hoàng tốn-kém.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước.- Ngồi dưới bóng cây, tránh các nơi nhà cửa có che-lợp bên trên. Vào mùa mưa, có thể châm-chước trú chỗ có che-lợp bên trên, tạm trong một thời-gian.

3.- Ích-lợi.- Lìa được sự ham-muốn, quyến-luyến về nơi cư-trú, dứt được nỗi lo về nhà-cửa, đoạn-trừ được sự lười-nhác và buồn ngủ, tự-do di-chuyẻn như con nai mặc ý tới lui trong rừng, chẳng có gì để nhớ-tiếc.

(11) Ở nơi mồ-mả (Chủng-gian trú).

1.- Thế nào là ở nơi mồ-mả? Khung-cảnh hoang-vắng, ảm-đạm nơi nghiã-trang là nơi thích-hợp cho việc quán-tưởng về lẽ vô-thường (cái chết có thể đến bất-chợt), hạnh ở nơi mồ-mả còn có mục-đích giúp hành-giả lià xa sự ham-muốn cư-trú ở các nơi vui tốt đầy cám-dỗ.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước. - Vào lúc chạng-vạng, cầm theo mền gối, áo quần, hành-giả đến nơi mồ-mả, chọn ngồi nơi vắng người khóc-than, xa chỗ có nhang khói, xây lưng vào hướng gió, chẳng che lều hay kê giường. Thức ăn ban trưa chẳng dùng cá thịt, sữa bơ, mè. Bình-minh vừa lố dạng, thu xếp ra về chùa, chẳng được ghé nơi nào khác. Sự châm-chước vào mùa mưa cũng giống như hai hạnh trước, ngồi dưới bóng cây và nơi chẳng che-lợp.

3.- Ích-lợi.- Việc quán-chiếu vô-thường và thân bất-tịnh thường đưa đến kết-quả: đắc được niệm-chết, thấy rõ được tướng bất-tịnh, khắc-phục được các đam-mê ô-nhiễm, chẳng lo-sợ các điều chẳng đáng lo-sợ, chẳng khởi sự lười-nhác, nhàm-chán các dục-lạc ràng-buộc. Người theo hạnh-nguyện nầy đắc được sự chẳng nghi-nan.

(12) Ở tùy chỗ gặp được (Ngộ đắc xứ trú).

1.- Thế nào là ở tuỳ chỗ gặp được? - Bằng lòng với nơi vừa gặp được, chẳng kén chọn chỗ tốt hơn, chẳng phiền lòng khi bị mời đi chỗ khác, hạnh ở tuỳ chỗ gặp được có mục-đích ít muốn biết đủ, bỏ được sự đòi-hỏi ở vào chỗ đầy-đủ tiện-nghi.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước.- Y theo chỗ gặp được, chẳng ham-muốn nơi có đủ tiện-nghi, đó là cách thọ-trì hạnh ở tùy chỗ gặp được. Nếu dời đi chỗ khác tốt hơn thì thất-bại việc thọ-trì. Có sự châm-chước khi trời mưa giông, giống như ba hạnh kể trên.

3.- Ích-lợi.- Diệt được lòng ham-muốn, được sự biết đủ, mến sự tịch-tĩnh, an-trú trong tâm từ-bi, người theo hạnh-nghiệp nầy đắc được sự chẳng nghi-nan.

(13) Thường ngồi chẳng nằm (Thường toạ bất ngoạ).

1.- Thế nào là thường ngồi chẳng nằm? - Suốt ngày chẳng nằm dài dễ gây ra sự lười-nhác, ham ngủ-nghỉ, hạnh thường ngồi chẳng nằm có mục-đích lià xa giường ngủ, luôn giữ được sự tỉnh-thức.

2.- Cách thọ-trì và sự châm-chước.- Chẳng những ban ngày chẳng nằm nghĩ, mà luôn cả ban đêm cũng ngủ ngồi, đây là một khổ-hạnh khiến hành-giả làm chủ hoàn-toàn thân-xác. Khi cần phải nhểu thuốc vào lỗ mũi, thì có sự châm-chước được nằm trong chốc-lát.

3.- Ích-lợi.- Dứt trừ sự lười-nhác khiến thân dễ bị bịnh-tật, tâm sanh giãi-đãi, bớt được sự lừ-đừ buồn ngủ, thường trầm-lặng nhiều và kham tu thiền cao. Người theo hạnh-nguyện nầy đắc được tinh-tấn thật dõng-mãnh và sự chẳng nghi-nan.

Mười ba hạnh Đầu-đà qui về tám pháp.

Căn-cứ theo A-tì-đàm (Luận-tạng) thì hạnh quá giờ chẳng ăn bao gồm luôn cả hai hạnh khéo đo-lường bữa ăn và hạnh chỉ ngồi ăn một lần. Còn hạnh ngồi nơi nhàn-tịnh thâu-nhiếp cả ba hạnh: (1) ngồi dưới bóng cây, (2) ở chỗ trống chẳng che-lợp, (3) ở nơi mồ-mả. Tại sao phải ngồi nơi nhàn-tịnh? Nếu mưu-tính xây cất nhà cửa, ham thích công việc lắm tiền, của cải chất-chứa, tham-đắm chỗ ở, thì đâu an-vui như ở nơi nhàn-tịnh.

Tám pháp là: (1) phấn-tảo-y, (2) tam-y, (3) khất-thực hằng ngày, (4) khất-thực theo thứ-lớp, (5) quá giờ chẳng ăn, (6) ở nơi nhàn-tịnh, (7) ở tùy chỗ gặp, (8) thường ngồi chẳng nằm.

Tám pháp trên lại qui về Ba pháp.

Tám pháp kể trên lại được qui về ba pháp: (1) ở nơi nhàn-tịnh, (2) phấn-tảo y; (3) khất-thực hằng ngày. Nếu thọ-trì ba hạnh Đầu-đà nầy được thanh-tịnh, thì toàn-thể các hạnh Đầu-đà (mười ba hạnh) đều thành-mãn. Như Thế-tôn có nói với Tôn-giả Nan-đà: "Đến thời nào mới thấy ông thọ-trì thành-tựu hạnh ở nơi nhàn-tịnh, hạnh thọ y phấn-tảo và hạnh quá giờ chẳng ăn, trong khi ông vẫn còn lo nâng-niu thân-mạng, chẳng nhận thấy ra được chỗ tham-dục?"

III.- Hạnh Đầu-đà với người Phật-tử tại-gia

Tinh-thần Mười ba Hạnh Đầu-đà.

Mười ba Hạnh Đầu-đà được Đức Phật chế-đặt ra dành cho các bực xuất-gia tu theo khổ-hạnh. Mười ba hạnh nầy được Tôn-giả Đại Ca-Diếp chấp-hành nghiêm-chỉnh nên được Đức Phật khen là vị đại-đệ-tử tu hạnh Đầu-đà vào bực nhứt.

Như sự phân-loại trước đây, mười ba hạnh đó liên-quan đến ba việc: mặc, ăn và ở. Mặc, chỉ mặc áo phấn-tảo, và chẳng được có hơn ba bộ quần-áo. Ăn, chỉ ăn ngày một bữa trước giờ Ngọ, ngoài ra chẳng ăn gì thêm nữa. Bữa ăn lại do di khất-thực mà có, chớ chẳng lo toan tính-toán việc nấu-nướng thức-ăn. Ở, chẳng chọn nơi nào thích, mà ở dưới gốc cây, nơi mồ-mả. Lại chẳng hề nằm xuống, thường ngồi để giữ được sự tỉnh-thức.

Tinh-thần của hạnh áo phấn-tảo và ba y là diệt sự ham-muốn xa-hoa, và sự tích-trữ của cải.

Tinh-thần của hạnh ăn một lần mỗi ngày là diệt bỏ sự ăn quà vặt và lòng tham-ăn, đồng-thời giữ được sự tiết-độ trong vấn-đề ăn-uống, (hạnh đo-lường bữa ăn) và sự biết đủ (tri-túc).

Tinh-thần của hạnh ở tuỳ chỗ gặp được là chẳng quyến-luyến nhà cao cửa rộng, chẳng tạo-dựng một chỗ riêng-tư nào cho mình.

Tinh-thần của hạnh thường ngồi chẳng nằm là sự tinh-tấn dõng-mãnh quyết tu-hành cho đến ngày giải-thoát.

Vài đề-nghị thực-tiễn cho người tu tại-gia.

A.- Vấn-đề mặc:

1.- Mùa đông, chẳng mặc áo lông thú, mang giầy da cá-sấu, hải-cẩu.

2.- Chỉ giữ lại chừng năm bộ quần-áo, các y-phục cũ, xin gọi điện-thoại đến các cơ-quan từ-thiện để gởi tặng các người đang cần đến.

3.- Dưới gầm giường chẳng phải là kho để tồn-trữ giày-dép, giấy vệ-sinh, v.v. Xin đừng bắt chước vị phu-nhơn Tổng-thống nọ có đến hai ngàn đôi giầy (có ba đôi là đủ).

B.- Vấn-đề ăn:

1.- Tự đặt ra nguyên-tắc: Đến chén thứ ba (hay thứ tư) thì chẳng ăn thêm nữa. Tránh được phì-nộn.

2.- Ngoài các bữa ăn chánh-thức, chẳng ăn quà vặt, chẳng nhai kẹo cao-su.

3.- Đến giờ ăn, chưa thấy dọn cơm lên, đói quá, thì đừng cau-có mà cứ uống một tách nước lạnh cho đỡ đói.

4.- Ăn chay đúng ngày, chẳng có việc ăn bù, hay đợi tối Phật ngủ, ăn lén.

5.- Vừa uống nước xong, thấy dọn bánh ngon ra, xin đừng ăn thêm, mặc dầu được mời-mọc.

C.- Vấn-đề ở:

1.- Đến nhà khác, đừng đòi gối, mền thường dùng

2.- Đừng tranh với hàng xóm có TV mới.

3.- Chẳng có xe riêng, khi chờ xe bus, đừng nôn-nóng, chen lấn; trễ chuyến nầy, còn chuyến sau.

4.- Chẳng ngủ trưa, chỉ nằm nghỉ chừng 15 phút, thở dài hơi trong tỉnh-thức.

5.- Đừng nghe lời thầy bói mà dời bếp, dời giường, thường gây xáo-trộn trong nhà hơn trước.

Thay lời tạm-kết.

Ăn cơm khách, vừa uống nước xong, thấy dọn lên món sầu-riêng khoái-khẩu, xin cương-quyết từ-khước và lặng-lẽ ngâm bài Kệ trong Kinh Pháp-cú:

Thắng ngàn ngàn người nơi quân-trận, Chưa vẻ-vang bằng mình thắng được mình. (Kệ số 103)

Thiện Nhựt kính trình.
Kinh-sách tham-khảo:

1.- Great Disciples of the Buddha, by Nyanaponika Thera, Ed. BPS, Sri Lanka, 1997, Ch.3: Mahakassapa (pp. 107 - 133).

2.- Giải-Thoát-Đạo Luận, của Upatissa, Hán-dịch: Tăng-già-ba-la (Sanghapàla) trong Càn-Long Đại-Tạng Kinh, quyển 103, Phẩm: Đầu-đà (các trang 635 - 649)



Có phản hồi đến “Tôn-giả Đại-Ca-Diếp Và Hạnh Đầu-Đà”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com