Qua những thân tình với GS-TS Trần Quang Hải, PV được ưu tiên tiếp cận Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê. Ít ai ngờ rằng ông cụ đã sắp đặt chuyện hậu sự của chính mình một cách thật bình tĩnh, thanh thản…
Qua trao đổi giữa PV và các vị trong tiểu ban tang lễ (dự kiến) trong buổi gặp gỡ chiều 11.6 tại tư gia của GS-TS Trần Văn Khê, theo đó Báo Thanh Niên được phép công bố Bản di nguyện với chữ ký trên từng tờ văn bản của GS-TS Trần Quang Hải và 2 vị cố vấn: nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân và ông Trần Bá Thùy. Do Bản di nguyện khá dài và có nhiều mục là chuyện riêng tư trong gia đình nên người viết xin lược ghi những ý chính, như sau:
“Hôm nay, ngày 5 tháng 6 năm 2015. Tôi tên: Trần Văn Khê. Sinh năm: 1921. Passport số: D5456230. Cấp tại: Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Địa chỉ cư ngụ: 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Tôi lập Bản di nguyện này trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn và hiểu rõ các vấn đề mà tôi nêu ra dưới đây, đó là những ước mơ của tôi về lễ an táng và các vấn đề hậu sự khi tôi phải lìa đời, vĩnh viễn ra đi.
1. Người chủ tang sẽ là con trai trưởng nam của tôi: Trần Quang Hải, được toàn quyền quyết định mọi việc... Để giúp việc cho chủ tang, tôi đề nghị lập một tiểu ban tang lễ gồm: nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy và bà Lý Thị Lý.
2. Về nghi thức an táng, tuy tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng tôi muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Thượng tọa Thích Lệ Trang sẽ là người chủ tế cho nghi thức an táng.
3. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách (nhạc sĩ Nhất Dũng phải phối hợp với thầy Lệ Trang để tổ chức nghi lễ).
4. Một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của tôi sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ (lưu ý: trong mỗi hơi của điệu thức chỉ cần đánh một vài bài thôi). Những bộ môn nhạc truyền thống khác có thể đến viếng và biểu diễn, tuy nhiên cần ngắn gọn để đừng mất nhiều thời gian.
5. Tôi ước ao linh cữu của tôi sẽ được quàn tại tư gia số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
6. Thời gian quàn từ 1 tuần lễ cho đến 10 ngày để các con, các cháu, bạn bè thân thuộc của tôi ở xa có thời gian về kịp dự tang lễ…
7. Tôi ước ao sẽ được hỏa táng, nơi hỏa táng sẽ do ban tang lễ quyết định. Hũ tro mang về để tại tư gia tôi đang sống, dưới bàn thờ ông bà. Nếu vì một lý do gì không để được hũ tro tại tư gia của tôi thì các con tôi cùng ban tang lễ sẽ quyết định nơi nào lưu trữ thuận tiện nhất.
8. Về các chi phí để lo tang lễ thì sử dụng tiền mặt của tôi hiện có tại nhà. Nếu thiếu thì Trần Thị Ngọc Thủy - con gái út của tôi sẽ lấy tiền trong sổ tiết kiệm của tôi tại VN để thanh toán chi phí an táng. Riêng tiền phúng điếu thì ban tang lễ có thể sử dụng số tiền này để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống VN.
9. Về ngôi nhà và các vật dụng trong nhà: Theo hợp đồng được ký kết giữa tôi và cháu Trương Ngọc Thủy, cháu Nguyễn Thế Thanh (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM) “khi tôi vĩnh viễn ra đi, lúc ấy ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê”... Những hiện vật dính vào đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về như: tất cả sách vở, báo chí, phim ảnh, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh... giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ... Riêng trang blog spot, Facebook trước đây do cháu Khánh Vân tạo và quản lý cho tôi trên 10 năm. Khi tôi qua đời, cháu sẽ tiếp tục được quản lý và phổ biến tư tưởng của tôi. Không được dùng tư liệu đó vào mục đích thương mại…
10. Tôi ước ao những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Lưu ý: những tư liệu này chỉ dùng vào công việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa, không được dùng vào việc thương mại.
11. Tôi ước mong sau khi tôi vĩnh viễn ra đi, cháu Nguyễn Thị Na - người đã tận tình giúp việc cho tôi trên 10 năm, đã tự tay chăm sóc ngôi nhà này và biết rất rõ những sinh hoạt của tôi trong căn nhà này, được tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này.
Trên đây là những ước mơ của tôi về nghi lễ an táng và việc sử dụng sự nghiệp tinh thần, các vật dụng của tôi để lại vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống VN, đúng theo nguyện vọng và hoài bão của tôi. TP.HCM ngày… tháng 6 năm 2015. Người viết: Trần Văn Khê”.
(Theo Thanh Niên)