1-Trong cơn động đất 9 độ Richter ở Nhật , trên mạng internet truyền đi câu chuyện về em bé Nhật Bản 9 tuổi xếp hàng chờ phát thực phẩm cứu trợ . Một cảnh sát Nhật gốc Việt thương tình cho em thức ăn riêng của anh . Em không dùng mà nộp thức ăn ấy vào nơi phân phát để chia đều cho mọi người . Chuyện này làm người Việt Nam cảm phục . Nhiều người soi rọi lại bản thân , có người đoán chắc rằng nếu chuyện động đất xảy ra ở Việt Nam thì sẽ khó có chuyện nhường nhịn như ở Nhật Bản .

2- Anh D phản bác lại : “ Đừng cho rằng người Việt Nam không có những truyền thống như vậy , chẳng phải là ngày xưa người ta đã dạy câu ‘ thương người như thể thương thân ’ hay sao ? ” Người đối thoại hỏi vặn : “ Ngày nay đâu còn thấy dạy như thế nữa , chỉ còn câu ‘ thương trường như chiến trường ’ ! ”Anh D nói : “ anh đợi ai dạy nữa , sao anh không tự mình dạy học trò đi . Chẳng qua khi anh nói với lớp trẻ , anh không đủ tình thương .” “ Nghĩa là sao ?” “ Anh hãy sử sự với tình thương , khi lớp học ồn , tôi không la mắng , tôi chỉ nói rằng ‘ này các em , các em hãy nghỉ đến những người ngồi học trong giảng đường này với số tiền mà cha mẹ họ phải bán đất , phải làm thuê để có tiền cho con ăn học . Nếu các em thấy mình chưa cần học thì hãy để những người đó được học .’ Tất cả lớp đã yên lặng sau đó ”

3- Đủ tình thương thì chuyện rắc rối lớn thành nhỏ , chuyện rắc rối nhỏ thành không có . Một bữa trưa , anh T ghé qua quán chay đường Vườn Chuối , quận 3 , tp HCM và kêu một tô mì sa tế bảng giá đề 20.000 đồng . Ăn xong , chị chủ quán tính 25.000 đồng . Khó chịu , anh T nói : “ Sao chị không để bảng đúng giá , nhỡ người chỉ có vừa đúng 20.000 đồng thì có phải khó cho người ta không ? ”. Chị phân trần một cách dịu dàng : “ Giá cả lên quá nên tôi chưa kịp sửa , nếu không đủ thì tôi cho thiếu ”. Khách ra về mà lòng cảm động . Chẳng biết những nơi bán tô phở bảy tám trăm ngàn với thịt bò Kobe , tình người ấm lạnh thế nào ?

4- Đối xử cho đủ tình thương quả thật không dễ dàng . Đọc trên báo chí , ta thấy có trường phổ thông ở vùng núi , học sinh sau buổi học phải để áo trắng lại vì nhà trường sợ các em mang về nhà sẽ làm dơ áo . Giữ áo của học sinh ở lại trường , thầy cô giáo giặt áo giùm cho các em . Tin tức rất cảm động , lòng thương học sinh như vậy cũng tựa như cha mẹ thương con . Tuy nhiên , chị H đặt ra câu hỏi : “ Thương như vậy có đúng không ?” Cha mẹ không chỉ nuôi nấng con cái mà còn phải giúp chúng chuẩn bị vào đời . Vào đời thì phải tự mình làm tất cả , vậy thì hướng dẫn học sinh làm sẽ tốt hơn cho tương lai các em . Chị H khá giả , có đứa con gái độc nhất vừa vào lớp 10 . Thế mà chị vẫn xin cho cháu đi làm phụ bàn vào những buổi rảnh rỗi . “ Cho cháu biết thế nào là phục vụ người khác ”. Chị hỏi “ Sao không hướng dẫn cho các em giặt áo cho sạch có phải tốt hơn không ?”.

5- Thời còn đi học , ai cũng thấy có nhiều thầy cô bề ngoài trông rất dữ tợn . Già hai thứ tóc mới nhận ra rằng , ẩn sau dữ tợn ấy là tình thương . Anh B tâm sự : “ hồi xưa , tôi bị đánh đòn nhiều , giờ nghĩ lại , nếu không bị đánh đòn như vậy , chắc tôi thành ma cô ma cạo rồi ”. Thầy D điểm danh sinh viên rất chặt chẽ . Nghỉ học không lý do bị trừ điểm . Thầy giải thích : “ Trước kia , tôi không điểm danh , để các em tự giác đi học . Sau tôi mới phát hiện ra rằng , nhiều em khi vào đại học xa nhà , vào môi trường không kiểm tra chặt chẽ như trường phổ thông thì hay nghỉ các buổi học mà không có lý do đặc biệt gì . Cha mẹ chúng kiếm tiền vất vả nuôii chúng ăn học , mình không giúp chúng học hành cho tốt thì phụ công họ . Những sinh viên thực sự đi làm thêm để duy trì sự học thì tôi điểm danh làm gì ”. Kiểm tra việc đến lớp đều đặn của sinh viên với một tình thương như vậy quả là rất khó .

6- Nhà giáo Nhân dân N.C mất khi đã về hưu . Nhà thì neo người . Có người hỏi ý kiến trường chủ quản về ban lễ tang . Trường trả lời : “ Cán bộ về hưu do địa phương quản lý ”. Hỏi cấp cao hơn của trường , Chánh văn phòng trả lời “ Để hỏi lại Ban Giám hiệu trường”. Mọi việc cứ nhùng nhằng , cuối cùng ban lễ tang do địa phương thành lập . Gia đình thầy N.C rất buồn. Người có công lao nhiều nữa trong ngành pháp luật mới được phong là Nhà giáo Nhân dân. Số Nhà giáo Nhân dân không phải nhiều. Cho dù về hưu rồi thì cơ quan chủ quản cũng nên đứng ra làm lễ tang. Ban lãnh đạo của trường cũng rất áy náy vì những tình huống đột xuất ngoài quy định như vậy. Nếu gạt bỏ các suy nghĩ về quy chế, về chức vụ… và nếu “thương người như thể thương thân” thì có lẽ đời sống sẽ ấm áp hơn.

7- Tuyển sinh đại học sắp tới hạn , các trường chạy đôn chạy đáo tham gia tư vấn tuyển sinh . Nay Saigon , mai Cần Thơ . mốt Nha Trang , các trường cố gắng để nhằm thu hút thí sinh vào trường mình cho đông . Anh T nói : “ Anh đi tư vấn tuyển sinh cần phải có đủ tình thương , ” Anh X nói : “ Tình thương thì dính dấp gì tới chuyện này ”. Trả lời : “ Có đủ tình thương coi sinh viên mình như con ruột ”, X nói : “ Khó hiểu quá ”. “Có gì đâu mà khó hiểu , nếu thí sinh ấy là con anh , nếu nó có đủ sức và nếu nó muốn học trường anh , anh có khuyến khích nó dự thi vào trường anh hay không ? Hay anh sẽ cho nó đi học nước ngoài ? ”. Quả thật , có những người khuyến khích con người khác vào học trường mình , còn con mình thỉ gữi đi nơi khác học ”. Anh T nói ‘ mở rộng ’: “ Làm giáo dục cũng phải đủ tình thương , anh không thể vạch ra chiến lược giáo dục để áp dụng cho con người khác học còn con mình thì gửi đi nước ngoài để thụ hưởng một ‘ chiến lược giáo dục ’ khác ”.

8- Vừa rồi , cuộc vận động “ Giờ trái đất ”diễn ra sôi nổi . Một giờ không sử dụng điện . Giới trẻ tụ họp đốt nến , ca hát …để vận động cho việc tiết kiệm điện . Ý định là tốt , nhưng anh D nói là : “ chưa đủ tình thương ”. Sau các buổi tụ họp , rác vương vãi khắp nơi . Các thanh niên ấy “ thương ” cái lớn lao , vĩ đại là ‘ trái đất ’ , nhưng chưa đủ “ thương ”nó, vì lượng carbonic xã ra của nến cũng nhiều . Cho là “ đủ thương ” Trái đất , không đốt nến , đốt thuốc và tổ chức buổi tụ họp trong bóng đêm không đèn đuốc thì họ cũng “ không đủ thương ”những người phải dọn dẹp rác rưỡi hậu quả của buổi thể hiện “ tình yêu trái đất ” ấy .

Thảo Vy



Có phản hồi đến “Cho Đủ Tình Thương”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com